Tuesday, October 18, 2005

Giai nhân nan tái đắc


Thành nghiêng nước đổ mặc bay
Giai nhân
gặp một lần này mà thôi

Tôi có một cái tính hơi xấu (hoặc rất xấu) là ít để ý bài viết của mọi người trong những topic bàn luận về phim ảnh, mà chỉ viết theo ý mình, viết những gì mình nghĩ, không buồn nhìn đến thiên hạ, và cũng không buồn bảo vệ quan điểm của bản thân hay phản đối quan điểm của người khác.

Tôi rate cho Thập diện mai phục điểm 7/10. Đây là một bộ phim không mạnh về kết cấu và cũng không toàn bích. Kẻ nhặt ra sạn thì nhiều, mà nguời tìm thấy ngọc thì ít. Cũng có vài người khen nhạc phim hay, nhưng thực sự để ý đến nó thì có lẽ không bao nhiêu. Chiều ý một người, tôi quyết định viết vài dòng lạn mạn...

Khi xem Thập diện mai phục lần thứ ba, tôi cứ ngơ ngẩn vì sao nó tạo cho tôi một cảm giác chao chát khó tả nhưng đầy quen thuộc. Cũng khá tình cờ mà tôi nhận ra điều này, vì vài ngày trước đó tôi xem Love Trilogy của Vương Gia Vệ. Nhà soạn nhạc của Thập diện mai phục chính là Shigeru Umebayashi, những bản instrumental ông soạn cho Thập diện mai phục vừa giống mà vừa khác Yumeji's theme, Polonais, Adagio, Long journey và 2046 main theme.

Tôi nghĩ Trương dành không ít tâm huyết cho phim này, theo một cách khác hơn những ưu uất ông đã gửi gắm vào Thu Cúc, Đại hồng đăng hay Phải sống; chứ không đơn giản chỉ vì mục đích thương mại như nhiều người vẫn nghĩ. Mỗi khi xem Hoa dạng niên hoa, tôi cảm thấy tiếng cello như đang quặn thắt theo từng nhịp bước của Tô Lệ Trân dưới ngọn đèn vàng trên con phố nhỏ. Cảm giác của tôi khi nghe Flower Garden, Farewell và Bamboo Forest đều như vậy. Nhạc của Shigeru nghe thê thiết lắm, và hoàn toàn không hời hợt chút nào. Một khi Trương đã dành cho tác phẩm của mình những giai điệu như thế, ông hẳn phải đang ấp ủ một nỗi niềm tâm sự. Cũng như Vuơng Gia Vệ một đời day dứt với những đam mê và ký ức, những hoài niệm và thương đau.

Tôi nghe Giai nhân ca và cảm nhận được nỗi buồn đang lắng đọng. Lý Diên Niên trước tác khúc ca này khi Lý phu nhân đang ở tột đỉnh của vinh quang, nhan sắc và danh vọng - sủng phi của Hán Vũ đế. Nhưng vì sao âm hưởng bài ca nghe có gì đó héo úa, thê lương và điêu tàn đến thế. Nó như một điềm báo cho cả Lưu và Kim: giai nhân nan tái đắc. Lưu đã có Tiểu Muội một lần, anh ta sẽ đánh mất nàng. Kim sẽ có Tiểu Muội một lần, và anh ta cũng sẽ đánh mất nàng.

Như nhiều người nói, phim này phục vụ cho khán giả phương Tây là chủ yếu. Tình yêu của Thập diện mai phục không phải là thứ kỳ tình Trung Hoa điển hình “thập niên sinh tử lưỡng mang mang” của Dương Quá và Tiểu Long nữ. Nó là thứ tình yêu phương Tây theo kiểu carpe diem. Tôi nhớ cảnh Kim và Tiểu Muội ân ái giữa cánh đồng hoa. Cũng chính giữa cánh đồng hoa ấy, không bao lâu sau dòng máu biếc xanh đã nhuộm đẫm khuôn ngực nàng. Tình yêu là thế đó, tàn nhẫn như một giấc mộng giai kỳ ngắn ngủi đến vô tình. Tự nhiên tôi nhớ Máu biếc xanh và ngực tối của Lê Uyên Phương. Tôi hôn em, môi cực cùng ly biệt...

Ám ảnh biệt ly, ám ảnh đoạn lìa chính là như thế... vừa hoa nở tươi môi, tình nhân đã xa xôi. Ðời ngăn cách nhau hoài, một lần thôi đã không thôi... Khó mà quên được cảnh Kim và Tiểu Muội nằm bên nhau trên cánh đồng hoa, ánh mắt cả hai đều xa xôi vô định. Sau những phút giây hoan lạc, họ không thể thiếp đi trong hạnh phúc và mãn nguyện như những cặp tình nhân khác. Họ mãi nghĩ về con đường trước mặt, dù không thể tìm ra lối thoát cho mình. Nhưng họ vẫn yêu nhau, yêu nhau trong lo âu như Lê Uyên Phương từng viết.

Trong cõi đời này, còn ai có thể phóng túng không câu thúc đến mức “tùy phong”. Nhưng cả con gió phong lưu “lai vô ảnh khứ vô tung” ấy mà cũng đành bất lực, đấy mới chính là bi kịch trí mạng của tình yêu, đấy mới chính là ý nghĩa của thập diện mai phục. Cũng như cái bi kịch của Hạng Vũ trong Cai Hạ ca hơn ngàn năm trước.

Cảnh rừng trúc với hai bàn tay đôi tình nhân vươn ra siết chặt lấy nhau hơi cliché một cách không cần thiết. Không cần thiết, vì Trương đã có thảo nguyên. Chỉ thảo nguyên đã là quá đủ.

Ở Mẫu Đơn phường, Tiểu Muội có nói một câu: Hoa ở đây không thể được coi là chân hoa, chân hoa phải mọc ở nơi “sơn dã lạn mạn” (đồng cỏ bao la tươi sáng). Kim trả lời: Chỉ cần nàng làm ta cao hứng, ta sẽ đưa nàng tới nơi “sơn dã lạn mạn”. Không phải ngẫu nhiên mà đôi tình nhân sau này đã yêu nhau và cũng đã mất nhau giữa chốn thảo nguyên bao la và tươi sáng ấy. Thảo nguyên chính là những cảnh huy hoàng nhất của tác phẩm. Đó chính là nơi cả Kim và Tiểu Muội cảm nhận được sự nảy nở của tình yêu trong trái tim lừa dối, khi kề sát vai nhau giữa vòng vây bộ khoái. Đó chính là nơi họ đã gạt bỏ mọi mưu toan, nghĩa vụ, gạt bỏ cả số mệnh để ôm siết lấy nhau đầy say đắm. Cũng chính thảo nguyên là nơi đặt dấu chấm hết cho cuộc tình bi thảm ấy. Hình tượng thảo nguyên, chính là Ngưỡng Vọng của một tình yêu. Có ai nhớ Ngưỡng vọng của Tạ Vũ Hân không? Tại nhĩ hoài lý thành trưởng, tại nhĩ hoài lý tử khứ, giá tựu thị ngã tuyển trạch đích túc mệnh. Lớn lên trong vòng tay của chàng, chết đi trong vòng tay của chàng, đó chính là định mệnh mà em đã chọn. Với Tiểu Muội, thảo nguyên chính là định mệnh mà nàng đã chọn!

Tôi hay nở một nụ cười khinh mạn khi nhiều người chê cảnh Tiểu Muội gượng dậy với lưỡi phi đao trên ngực. Hãy coi câu chuyện như một bài thơ tình, và đừng đem cấu trúc bốn ngăn hai thất hai nhĩ của trái tim để giải thích ái tình và những hình tướng của ái tình. Ngu Cơ của tôi, em không chỉ chết một lần! Bích huyết hóa vi giang thượng thảo, hoa khai cánh tỉ đỗ quyên hồng. Có hiểu cái đắm đuối của thứ tình yêu hiện sinh đầy hối hả, mới cảm được cái dụng ý của Trương. Tôi cũng không buồn tranh cãi về chuyện yêu ba ngày và yêu ba năm (dù cá nhân tôi nghĩ rằng anh chàng Lưu kia yêu ba năm without making love thì thua ba ngày của Kim là chắc). Chỉ xin kết thúc với đoạn kết của Dạ khúc cho tình nhân:

Ái ân ơi đừng phụ lòng ta
Nhớ thương sâu xin gởi người xa
Khóc nhau trong cuộc đời
Giấc mơ xưa khăn phủ vành sô
Có yêu nhau ngọt ngào tìm nhau
Chết bên nhau thật là hồn nhiên...

Thursday, August 18, 2005

Anh hùng - Cẩm tú Trung Hoa


Bàn về Anh hùng, dễ đấy mà khó đấy.

Dễ ở chỗ luận anh hùng là một chủ đề rất được yêu thích từ trước tới nay. Dễ ở chỗ anh hùng thật ra là cảnh giới mà biết bao con người bình thường muốn đạt tới, nhưng nhiều khi chính cảnh giới đó lại trú ngụ trong sự bình thường nhất của mỗi một con người. Vì thế cho nên ai cũng muốn bàn, ai cũng có thể bàn.

Khó ở chỗ Trương đã cố gắng (và phần nào đã thành công) trong việc thổi vào Anh hùng cái linh hồn của Trung Hoa xưa cũ, điều mà Từ Khắc đã từng làm và đã từng thành công trên một bình diện khác và bằng những phương pháp khác với Once upon a time in China - Trung Hoa một thuở.

Trước hết nói về cái tên. Khẳng định một điều: Người hùng - tên Thiên Ngân dịch và phát hành ở thị trường Việt Nam không phải là một cái tên chính xác, nếu không muốn nói là đã bóp méo chủ đề của tác phẩm. Chỉ có Anh hùng mới là cái nhan đề thực sự, đúng đắn và duy nhất. Vì sao? Vì Người hùng là một cá nhân, một con người cụ thể. Anh hùng của Trương không thế. Anh hùng của Trương là một khái niệm, và bộ phim của Trương cũng là một khái niệm, hay một tác phẩm của chủ nghĩa khái niệm (conceptualism).

Và lại là những cái tên. Vô Danh, Trường Không, Tàn Kiếm, Phi Tuyết, Như Nguyệt. Thật sự họ là ai? Họ không là ai cả! Không chỉ Vô Danh, mà tất thảy bọn họ đều là những con người vô danh. Hãy nhớ Ngọa hổ tàng long! Lý Mộ Bạch họ Lý tên Mộ Bạch, là cao thủ của Võ Đang, Du Tú Liên họ Du tên Tú Liên, là nữ hiệp của Nga Mi. Họ thật và họ tồn tại. Còn Tàn Kiếm, anh ta họ gì? Phi Tuyết, cô ta họ gì? Không có! Một thanh kiếm gãy, một đóa tuyết bay, tất thảy đều là sự ước lệ, tượng trưng và hư cấu. Trung Hoa có hẳn một cuốn sách chép họ trong thiên hạ (Bách gia tính), nhưng vì sao tất cả những người này đều không có họ? Vì căn bản họ không tồn tại với tư cách cá nhân, họ chỉ là những khái niệm mà thôi. Và tên của họ, bản thân nó đã nói lên rất nhiều điều. Điều này có lẽ đã được tái hiện trong Vô cực: Bắc cung hầu Vô Hoan, Khuynh Thành, Côn Lôn.

Chúng ta có câu chuyện màu đỏ, câu chuyện màu lam, câu chuyện màu trắng? Câu chuyện nào là thực, điều đó không quan trọng. Nhưng cái thực hiển hiện trong trong từng chi tiết của mỗi câu chuyện, dù thật hay giả, chính là những nét tiêu biểu và điển hình cho giá trị của một thời đại phong vân.

Vô Danh, anh ta là ai? Anh ta là hiện thân cho tinh thần hiệp khách Trung Hoa cổ đại. Vì sao anh ta lại là người Triệu, chứ không phải Hàn, Ngụy, Tề, Yên, Sở. Vì sao tuyệt chiêu của anh ta lại là giết người trong mười bước, mà không phải năm bước hay chín bước. Vì sao anh ta tên là Vô Danh? Vì Lý Bạch đã tạo nên cho văn học Trung Hoa một hình tượng như vậy, và Trương chỉ giản đơn kế thừa nó, hình tượng hóa nó bằng vai diễn của Lý Liên Kiệt.

Triệu khách mạn hồ anh (Người khách nước Triệu dải mũ phất phơ)
Ngô câu sương tuyết minh (Thanh kiếm ngô câu long lanh trong sương tuyết)
...
Thập bộ sát nhất nhân (Mười bước giết một người)
Thiên lý bất lưu hành (Không ra ngoài ngàn dặm)
...
Sự liễu phất y khứ (Xong việc rũ áo ra đi)
Thâm tàng thân dữ danh (Giấu kín tên tuổi thân phận của mình)

Đây là sáu câu trong bài Hiệp khách hành của Lý Bạch, cũng chính là tư liệu để Trương xây dựng nên Vô Danh. Anh ta chính là mẫu hiệp khách kinh điển của Trung Hoa. Họ là những con người bình phàm không tên tuổi, làm những chức nghiệp rất đỗi tầm thường, nhưng khi định mệnh gõ cửa ngôi nhà của họ, họ sẽ thoát thai hoán cốt và làm nên những việc kinh thiên động địa. Vô Danh là một đình trưởng của Tần. Nên nhớ Lưu Bang cũng đã từng là một đình trưởng của Tần.

Tần vương, ông ta là ai? Ông ta là hiện thân cho khát vọng nhất thống thiên hạ của Trung Hoa cổ đại. Khát vọng đó không phải chỉ của một mình Tần vương. Khát vọng đó là của Chu Văn Vương, của Ngũ bá, và trong chừng mực nào đó là của cả Khổng Tử, người chu du khắp thiên hạ để mong thực hiện cái đạo trị thiên hạ của nhà Chu mà ông cho là lý tưởng. Nhà nho chẳng có câu “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” đó sao. Với một đất nước mà lịch sử được viết bằng ngọn bút là thanh kiếm và mực là máu như Trung Hoa, cái đích cuối cùng của một kẻ nam tử hán chính là bình thiên hạ, hay chí ít là tham gia vào cái quá trình “bình thiên hạ” đó.

Và vì thế ông ta cô đơn. Cô đơn trong chính vương triều của mình, cũng như Khổng Tử trước ông ta mấy trăm năm đã cô đơn và bị ruồng rẫy ở khắp các nước chư hầu. Tàn Kiếm, Vô Danh, những tử địch của ông ta cũng là những tri kỷ duy nhất của ông ta. Hãy xem ông ta nhìn Vô Danh bằng con mắt đầy trân trọng như thế nào, nhưng cuối cùng cũng phải đành lòng ra lệnh cho tiễn thủ giương cung. Bản thân ông ta, con người quyền nghiêng trời đất ấy cũng chỉ là một kẻ nô lệ nhỏ nhoi của lý tưởng mà ông ta theo đuổi, ông ta giết Vô Danh vì cái ý chí nhất thống thiên hạ của cả một thời đại loạn ly ép buộc ông ta làm điều đó. Cái tiếng “Giết” của vô vàn văn võ trong Tần cung chính là tiếng đồng vọng của thời đại ấy. Không có một Tần vương ấy, sẽ có một Tề vương, một Sở vương như thế, đơn giản bởi họ là những thanh kiếm được hun đúc trong lò lửa chiến tranh suốt mấy trăm năm, và một khi thanh kiếm được luyện thành, nó sẽ phá tan lò lửa ấy, để đem lại một thời đại thái bình. Và cũng có thể khởi đầu cho một lò lửa mới.

Tàn Kiếm, anh ta là ai? Anh ta là hiện thân cho tinh thần kiêm ái của Trung Hoa cổ đại. Anh ta có lẽ là một môn đồ của Mặc tử, hay hiện đại hơn, một Lý Tầm Hoan của Cổ Long trong cái cách mà anh ta yêu, cách mà anh ta hy sinh, cách mà anh ta dâng hiến một cách bao dung và vô hối. Lương Triều Vỹ xưa nay vẫn vậy, cái cằm vị tha và khóe môi đầy cam chịu, rất thích hợp với hình ảnh đó. Cho dù là khi anh ta tiếp một kiếm của Phi Tuyết, khi anh ta dừng bước trước Tần vương hay khi anh ta lau đi giọt nước vương trên gò má tình nhân, thảy đều toát lên sự vị tha và si mê của một tâm hồn vĩ đại. Người ta thường nói, cảnh giới tối cao của kiếm đạo là nhân kiếm hợp nhất. Chính vì thế, khi mục đích của tay kiếm khách trong anh ta là hành thích Tần vương không còn nữa, con người này cũng như thanh kiếm của mình đã đã mất đi (hay đúng hơn là tự nguyện từ bỏ) sự sắc bén phong nhuệ, trở thành một thanh Tàn Kiếm.

Phi Tuyết, nàng ta là ai? Câu trả lời rất đỗi giản đơn. Nàng là một người đàn bà đích thực. Trong ba câu chuyện của chúng ta, Phi Tuyết đẹp nhất ở câu chuyện nào? Đương nhiên là câu chuyện màu đỏ, câu chuyện về một tình yêu tay ba, về ghen tuông, oán hận và báo thù; đó cũng chính là sân khấu thích hợp để nàng tỏa sáng. Nàng rất đỗi đàn bà, đàn bà đến cùng cực, bởi chính ở nàng mà ta nhìn thấy sự hiện diện của ái và hận, hai thứ tình cảm đáng sợ nhất, cao quý nhất và cũng đẹp đẽ nhất của nhân loại. Nàng yêu y và nàng đâm y một kiếm. Nàng hận y và nàng cũng đâm y một kiếm. Ôi, ái và hận trong lòng người phụ nữ, như hai con thú hoang vừa khiến người ta say mê lại vừa khiến người ta run sợ...

Trường Không, anh ta là ai? Anh ta cũng là một mẫu hiệp khách, nhưng khác với Vô Danh, anh ta tiêu biểu cho cái khí phái của một huyền thoại võ lâm thường thấy trong tiểu thuyết kiếm hiệp. Bản đàn anh ta nghe, bàn cờ anh ta chơi, những giọt mưa trên mái hiên nơi anh ta trú ngụ, đấy là phong thái của ẩn giả. Không thèm hạ sát chiêu với bảy kiếm khách nước Tần, đấy là phong thái của nhất đại tôn sư. Hai tay xòe rộng mời gọi Vô Danh một cách đầy khinh mạn không cần nói bằng lời, đấy là phong thái của thế ngoại cao nhân...

Anh hùng là một bộ phim không có gì mới về mặt nội dung và ý tưởng, nhưng là nơi gặp gỡ và hội tụ những gì tinh túy nhất của Trung Hoa xưa cũ qua một ống kính máy quay đẹp đến mê hồn. Có lẽ ta nên coi tác phẩm này là một cuốn bách khoa thư bằng hình ảnh đầy cô đọng, nơi Trương Nghệ Mưu muốn tôn vinh những giá trị vĩnh cửu của một nền văn minh huy hoàng trong lịch sử nhân loại. Vì vậy, muốn cảm được Anh hùng, người ta phải cảm được Trung Hoa.

Monday, July 18, 2005

36 Quai de Orfèvres


Hôm nay buồn tình xem một bộ phim. Phim Pháp.

Hồi còn đi học, tôi hay đọc truyện trinh thám. Ngoài Sherlock Holmes quen thuộc, những nhân vật mà tôi ưa thích còn có Hercule Poirot, Ms. Marple của A. Christie và Maigret của Simenon. Trong số họ, ba người là thám tử tư. Duy nhất Maigret là một thanh tra cảnh sát.

Có lẽ Maigret chính là con người “thật” nhất và “đời” nhất trong số họ. Ba nhân vật còn lại đều giống nhau ở một điểm: tài năng trác tuyệt đi cùng với sự cô đơn. Phải chăng cái chức nghiệp của cuộc đời đã buộc họ phải cô đơn. Holmes chỉ có một mình, Poirot cũng vậy, và Ms. Marple cũng thế, mấy chục tuổi đầu vẫn được gọi bằng “cô”.

Chỉ có Maigret là có một gia đình, dù là một gia đình không hoàn hảo (ông không có con). Tôi nhớ những giây phút Simenon tả Maigret và người vợ, những chăm chút nhỏ nhoi của bà dành cho ông lúc trời mưa nắng thất thường, nó thật là ôn nhu da diết. Chất tình cảm trong truyện của Simenon vì thế mà khác hẳn, và cũng hay hơn hẳn Doyle và Christie. Có lẽ vì Simenon là người Pháp chăng? Một thứ văn phong tinh tế, được trau chuốt tới từng chi tiết và đi sâu vào nội tâm. Giống như Maupassant hay Zola vậy?

Maigret là thanh tra cảnh sát của Paris, và vì thế ông làm việc ở Quai des Orfèvres. Mấy tiếng “Quai des Orfèvres” nó dường như đã trở thành một huyền thoại, sánh ngang với Scotland Yard, với Pinkerton Agency, nghĩa là mang đậm màu sắc cổ điển và tinh tế chứ không thô bạo máu lửa như kiểu LAPD, NYPD hay FBI. Bộ phim hôm nay mà tôi xem cũng vậy. 36 Quai des Orfèvres. Những mảnh đời cảnh sát. Cái tên ban đầu nó làm tôi mường tượng đến Maigret. Olivier Marchal trước khi làm diễn viên và đạo diễn, đã từng là một nhân viên cảnh sát, và đây cũng không phải bộ phim đầu tiên của ông về cảnh sát. Có lẽ vì thế mà 36 Quai des Orfèvres mang một phong cách rất riêng.

Bộ phim mở đầu bằng cảnh bữa tiệc chia tay một thanh tra - Eddy Valence. Món quà tặng thật là nghịch ngợm và dễ thương. Cảnh đám tang của Valence. Những giọt nước mắt của Titi. Nét mặt lạnh lùng đầy hy sinh và cam chịu của Vrink. Cái tình của những con người luôn sống cận kề cái chết trong thời bình, nó làm tôi cảm động.

Vai chính diện là của Daniel Auteuil, best actor của Cannes 96, và khá nhiều giải + đề cử César. Một tay cảnh sát đặc biệt. Hồi xưa xem Bao Thanh Thiên, tôi rất không thích ông ta ở chỗ thiết diện vô tư đến mức tuyệt tình. Chính vì thế mà tôi càng “chịu” cái phong cách của Léo Vrink. Chơi bời gần gũi với một tú bà về hưu, sẵn sàng vào tù để bảo vệ người chỉ điểm cho mình. Thủ đoạn như một tay giang hồ chính hiệu với mục đích là duy trì công lý, thứ công lý của riêng ông ta, một thứ công lý đầy nguyên thủy và rất nặng nhân tình. Cái “tà” trong một con người tưởng như phải rất “chính” ấy, nó làm tôi yêu thích.

Ít khi thấy Depardieu đóng vai phản diện. Depardieu làm tôi khóc khi xem Cyrano de Bergerac, làm tôi cười khi xem My father the Hero, và nhiều hơn thế nữa... Dạo này xem nhiều vai cảnh sát tha hóa quá, gần nhất là Duvall trong Assault on Precinct 13 (Gabriel Byrne), vậy mà vẫn phải rùng mình. Denis Klein là một tâm hồn bị bóp nghẹt bởi sự ghen tị, khát vọng quyền lực và có lẽ cả oán hận trong tình yêu. Đáng sợ làm sao, khi một viên cảnh sát không hề có sự phân biệt trong cách đối xử với đồng nghiệp và với tội phạm: không dung tha. Tai nạn của Camile, đó là sự trả thù Klein dành cho Vrink, hay giản đơn là sự hủy diệt một người đàn bà vĩnh viễn không bao giờ là của ông ta? Cái độc địa của Klein, nó làm tôi ghê sợ.

Những vai phụ khá dễ thương. Nhất là Titi, dám yêu dám hận cho đến những giây cuối cùng của cuộc đời mình. Nếu có một điều làm tôi cảm thấy chua chát nhất trong bộ phim này, đó sẽ không phải là cái chết của Eddy, không phải là cái chết của Camile, mà chính là số phận của Titi. Cũng phải thôi, dòng chảy khá bi kịch của điện ảnh Pháp thường là như thế.

Cũng may là kết cục của bộ phim phần nào làm tôi nhẹ nhõm, dù nó có vẻ hơi sắp đặt. Nhưng dẫu sao nó cũng đã thể hiện được một niềm tin, niềm tin vào sự chiến thắng cuối cùng của cái Tốt.

Sunday, January 16, 2005

Kinh Kha thích Tần vương


Quyền lực tuyệt đối và Sa đoạ tuyệt đối

Có lẽ nên nói một chút về nguyên nhân khiến tôi viết cái review này. Ngẫm ra kể cũng buồn cười. DVD của bộ phim này tôi mua đã khá lâu rồi, nhưng vì nhiều lý do mà chưa bao giờ có dịp xem cho trọn vẹn. Từ vài tuần nay, đài Hà Tây chiếu Cỗ máy thời gian, một series phim truyền hình được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết dã sử võ hiệp của Hoàng Dị nhan đề Tầm Tần ký. Tôi không thích bộ phim này cho lắm, nhưng nó lại là lý do khiến tôi lang thang đi tìm nguyên tác đọc chơi, vừa đúng lúc bản scan của bộ truyện này được đưa lên mạng - âu cũng là một cái duyên.

Đã lâu không đọc một bộ tiểu thuyết trường thiên nào, chính bản thân tôi cũng phải ngạc nhiên khi hơn 1600 trang Tầm Tần ký lại cuốn hút mình đến vậy. Câu chuyện giả tưởng này kể về Hạng Thiếu Long, một quân nhân của thế kỷ XXI bị máy thời gian đưa về quá khứ. Nhờ đó, anh ta được gặp gỡ, được yêu, được kết làm bằng hữu và trở thành tử địch của những nhân vật huyền thoại như Triệu Cơ, Vương Tiễn, Lý Mục, Lã Bất Vi... và cuối cùng trở thành người đóng vai trò quyết định đối với số phận của Trung Hoa sau hơn năm trăm năm chinh chiến cực kỳ tàn khốc. Bầu không khí hào hùng và khích liệt của bảy nước phân tranh trong Tầm Tần ký có lẽ đã giúp tôi tìm lại đôi chút hứng thú với một bi kịch lịch sử dường như đã trở thành bất hủ: “Kinh Kha thích Tần vương”.
_________________________

1) Diễn viên

Điều đầu tiên nên làm bao giờ cũng là quảng cáo một chút về diễn viên. Những gương mặt hội tụ trong Kinh Kha thích Tần vương đều là những cái tên rất rất quen thuộc với khán giả Việt Nam yêu thích điện ảnh Trung Hoa. Vai nữ chính Triệu Cơ do Củng Lợi đảm trách, có lẽ không cần phải nói gì nhiều. Người đóng vai Doanh Chính là một gương mặt khá độc đáo - Lý Tuyết Kiện, từng thủ vai Tống Giang trong Thuỷ Hử. Trần Khải Ca tự mình đóng Lã Bất Vi, và thực tình mà nói ông diễn khá thành công. Tôi từng băn khoăn mãi về cái bĩu môi đầy khinh thị và ngạo nghễ của Kinh Kha mà không nhớ nổi đã gặp người này ở đâu, để mãi sau này mới chợt nhận ra anh là Trương Phong Nghị, người sánh vai với Trương Quốc Vinh trong Bá vương biệt Cơ.

Có bốn diễn viên, mà sự xuất hiện của họ sẽ đem lại cho chúng ta những bất ngờ thú vị. Thứ nhất là Châu Tấn, năm 99 cô còn rất trẻ, rất ngây thơ, và phải nói thật là cũng chưa nhiều quyến rũ, đóng vai cô con gái mù của người thợ rèn kiếm. Thứ hai là Đinh Hải Phong - Võ Tòng trong Thuỷ hử, thủ vai Tần Vũ Dương. Thứ ba là Triệu Bản Sơn (Happy Time - Trương Nghệ Mưu) trong vai Cao Tiệm Ly. Và cuối cùng là Vương Chí Văn - vị thầy giáo dạy nhạc trong Together (Cây vĩ cầm vàng), nhập vai Lao Ái.

2) Cốt truyện

Như thường lệ, một bi kịch chỉ đích thực là bi kịch khi có bóng hình người phụ nữ. Triệu Cơ xuất hiện với tư cách là người bạn thanh mai trúc mã của Tần vương những ngày còn lưu lạc làm con tin ở Triệu Quốc, và nàng đã theo Doanh Chính về Tần. Nàng yêu người tình nhân thuở thiếu thời hết mực và sẵn lòng hy sinh để thành toàn giấc mộng nhất thống thiên hạ của Doanh Chính - mà trong mắt nàng chính là vị quân vương lý tưởng của Trung Hoa thống nhất. Triệu Cơ dùng khổ nhục kế rời Tần sang Yên, theo thái tử Đan tìm người hành thích Tần vương. Một khi thích khách vào Tần, Doanh Chính được chuẩn bị trước sẽ thoát khỏi âm mưu ám sát, đồng thời danh chính ngôn thuận xuất binh tiêu diệt nước Yên, mở đầu chiến dịch thôn tính năm nước. Những ngày ở Yên, nàng gặp Kinh Kha và phần nào phát sinh hảo cảm với gã chức nghiệp sát thủ đang ăn năn vì tội lỗi của mình trong quá khứ, mặc dù vậy lòng nàng vẫn hướng về Doanh Chính. Nhưng ảo tưởng của Triệu Cơ đã hoàn toàn tan vỡ khi tận mắt chứng kiến y tận diệt Hàm Đan quê hương nàng. Yêu thương biến thành thù hận, Triệu Cơ gửi gắm tâm nguyện của mình cho Kinh Kha; và Kinh Kha đã ra đi, không phải vì thái tử Đan, mà vì nàng, vì thiên hạ.

3) Nhân vật

(*) Tần vương. Tôi nghĩ chắc Trần Khải Ca rất thích Tên độc tài của Charlie Chaplin. Thuỷ Hoàng đế của họ Trần không phải là một bá chủ uy phong gầm mây thét gió, mà là một người đàn ông nhỏ bé và đầy bi kịch. Và ngoài Lý Tuyết Kiện thì khó tìm được một người thứ hai xuất sắc đến vậy. Nhìn cái dáng tất tả của vua Tần vừa chạy vừa vấp ngã trên hành lang vắng lặng sau khi vừa chết hụt ở tẩm cung của Thái hậu mới thấy hết cái lẻ loi của con người này. Đoạn khởi đầu của bộ phim dường như đã hé lộ rằng chỉ khói bụi sa trường, chỉ chiến tranh sắt máu mới là nơi ông ta trở lại với chính mình.

Cả câu chuyện là sự chết dần chết mòn của “con người” trong Tần vương: ông ta ngày càng trở nên cô độc dưới cái thòng lọng của khát vọng quyền lực đang từ từ thắt chặt. Người đầu tiên lìa bỏ Doanh Chính là Yên Đan, bằng hữu một thời. Tiếp theo là Thái hậu, vì Lao Ái - đây có lẽ là đả kích lớn nhất mà Doanh Chính phải chịu đựng, và nó đã hoàn toàn làm thay đổi nhân cách của ông ta, biến con người này thành một bạo chúa thật sự. Người thứ ba là Lã Bất Vi, người-cha-không-thể-được-gọi-là-cha của Doanh Chính đáng thương. Lã Bất Vi tự tử tại Thái miếu, điều đó phủ thêm băng vào con tim chai đá và đổ thêm dầu vào tham vọng bá vương của vị hoàng đế tương lai. Thứ tư là Phàn Ư Kỳ, viên tuỳ tướng đến chết vẫn còn trung thành với Tần quốc; và sau chót là Triệu Cơ, niềm hy vọng, nguồn an ủi và chỗ dựa cuối cùng của ông ta. Lưỡi truỷ thủ Doanh Chính trao cho nàng lúc ra đi như kỷ vật của tình yêu thì giờ đây trở về như tín sứ của báo thù. Đoạn tuyệt với mẹ, không thể nhận cha, hành hình hai em, phản bội người yêu, đối đầu với bằng hữu, làm thất vọng trung thần - lục thân bất nhận có lẽ nào là cái giá phải trả để đạt thành bá nghiệp? Bộ phim kết thúc với hình ảnh Tần Thuỷ Hoàng thì thầm câu nói “Doanh Chính, ngươi có còn nhớ di ngôn nhất thống thiên hạ của liệt tổ liệt tông hay không?”. Con Người đã chết, nhường chỗ cho Quyền Lực, đúng như lời Hạng Thiếu Long “quyền lực tuyệt đối sẽ khiến con người sa đoạ tuyệt đối”.

(*) Kinh Kha. Motif sát thủ hoàn lương không còn là điều quá xa lạ trong điện ảnh, và xét một cách khách quan thì Trương Phong Nghị còn lâu mới vươn tới tầm của Jean Reno trong Leon the professional. Mặc dù vậy, hình tượng này đã vượt ra ngoài khuôn khổ lịch sử mà Tư Mã Thiên từng định hình trong Thích khách liệt truyện. Họ Trương thể hiện vai diễn của mình khá hay, nhưng đạt tới chỗ bất phàm thì chưa. Và công bằng mà nói đất diễn của anh cũng không rộng, bởi sự day dứt và dằn vặt trong tâm hồn Kinh Kha được Trần Khải Ca sử dụng những hồi tưởng đen-trắng để nhấn mạnh, nên bản thân diễn viên không cần thiết phải thể hiện nhiều. Tuy nhiên anh vẫn có một vài đoạn khiến tôi thực sự ấn tượng. Hình ảnh Kinh Kha khoanh tay, dựa cửa và lắng nghe Triệu Cơ thổ lộ sự thật với nụ cười mơ hồ trên môi, nó phảng phất nét gì đó vừa bao dung vừa thấu hiểu rất khó diễn tả.

Kinh Kha nhập Tần cung là một trường đoạn rất độc đáo, bởi cách hành xử của nhân vật vượt ra ngoài hình dung thường thấy. Kinh Kha đến Tần trong hoàn cảnh Tần vương đã được chuẩn bị trước, có chăng Doanh Chính chỉ không ngờ lưỡi dao kia không phải của Yên Đan mà của chính Triệu Cơ thôi, và Kinh Kha hoàn toàn biết điều đó. Để làm kẻ thù lơi lỏng đề phòng, Kinh Kha đã hoá thân thành một con người khác - một kẻ thôn dã lần đầu bước lên kim điện; nhưng ẩn tàng trong vẻ quê mùa là sự khôn ngoan và hùng khí bất phàm. Xem Kinh Kha cười phớ lớ và lon ton chạy qua cây cầu, tôi có cảm giác như đang xem già Lưu bước vào phủ Ninh - Vinh vậy. Có thể nói, Kinh Kha của Trần Khải Ca giống với Kinh Kha của Tư Mã Thiên ở chữ Dũng, nhưng đã vượt lên ở chữ Trí một cách bất ngờ.

(*) Triệu Cơ. Cũng như Trương Phong Nghị, Củng Lợi đã làm tròn vai diễn của mình, nhưng không thật sự xuất sắc. Triệu Cơ là một tâm hồn quảng đại, nàng giống một hiệp khách của Triệu quốc hơn là một thiếu nữ Triệu quốc, giống trong cách nàng yêu thương, nàng cảm thông, nàng hy sinh và nàng căm hận. Nhưng tôi thích nhất nàng ở sự ngây thơ, vì dù có vĩ đại đến mấy thì một người con gái đang yêu vẫn thật là ngây thơ hết mực. Dáng vẻ của nàng khi sắp bị đóng dấu (!!!), và cả câu nói của nàng nữa “Đừng làm bẩn quần áo của ta”, thực đáng yêu biết mấy.

(*) Các nhân vật khác. Thiết nghĩ nói như vậy cũng đã là khá nhiều, nhưng cũng nên nói thêm một chút về những vai phụ. Lao Ái được hoá trang rất chuẩn, vừa có nét đàn ông (thật), vừa có nét thái giám (giả), và biểu hiện cũng rất đạt. Mặc dù vai diễn của Châu Tấn ngắn nhưng cô không khó khăn gì để tìm được sự xót xa từ phía người xem, tôi cũng phải thú thật là tiếng thét của cô gái mù khi đâm lưỡi kiếm ra đã làm tôi giật mình. Phàn Ư Kỳ là một người lính già trung thành hết mực, nhưng trước khi là một người lính, ông ta là một con người, và con người ấy đã vì Thiên Hạ mà gạt bỏ Đại Tần.

4) Tình huống

Phim Tàu thì bao giờ cũng chú trọng vào thủ pháp biểu đạt cực kỳ hàm súc, và đây có thể nói là sở trường của Trần Khải Ca. Tôi liệt kê ra vài điểm nhấn, nhưng sẽ không phân tích gì nhiều, vì khó mà nói hết bằng lời.

+ Đoạn Tần vương đang ngồi ăn ở cung Thái hậu thì thằng bé con của Lao Ái chạy vào gọi “bố ơi”, có thể nói là đặc biệt kịch tính.
+ Quả bóng gỗ của Lã Bất Vi từ từ lăn về phía Doanh Chính.
+ Triệu Cơ vấp phải cái trống. Chi tiết này, theo tôi đánh giá là xuất sắc nhất trong cả bộ phim. Đạo diễn dùng các tình tiết liên tiếp nhằm mục đích “tích luỹ” cảm xúc cho khán giả trước khi cho phép nó bùng nổ, từ cảnh chú bé cầm trống trên thành, cảnh Doanh Chính nhặt cái trống, đưa cho đứa nhỏ, rồi vừa đi vừa ngơ ngẩn lắc (đến thời điểm này “vai trò” của cái trống vẫn là một bí ẩn). Phải đợi đến khi Triệu Cơ tất tả chạy vào Hàm Đan, máy quay dõi theo bước chạy, và đột nhiên một âm thanh như nảy lên từ mặt đất, và nảy lên theo nó là trái tim của người xem. Nhưng bàn tay xanh nhợt nắm chặt lấy cái trống mới là đòn đánh trí mạng! Dù chúng ta đã biết trước kết cục từ khi Doanh Chính rời Hàm Đan, nhưng không ai ngờ là câu trả lời có thể tàn nhẫn đến cực điểm như vậy.

Mặc dù vậy, bộ phim vẫn có hai điểm khiến tôi thất vọng. Thứ nhất, Cao Tiệm Ly quá mờ nhạt, lý ra vai trò của người nhạc sư này có thể nổi bật hơn và khác hơn việc chỉ xuất hiện như một anh phẫu thuật viên và đến đấy là hết. Thứ hai, cảnh chia ly trên sông Dịch quá giản đơn nếu không nói là quá chán. “Phong tiêu tiêu hề, Dịch thuỷ hàn. Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn”. Lẽ ra Dịch thủy tống biệt phải được quan tâm hơn, và phải dramatic hơn thế nhiều lắm.

Có hai điều, rất có thể một số bạn sẽ thắc mắc: (1) Có một thằng cha mặt nhợt nhạt suốt ngày gào “Doanh Chính, nhà ngươi có nhớ...”, what is it for? (2) Tại sao không phải là treo cổ, không phải là đốt chết, không phải là chặt đầu, mà lại là chôn sống?

Theo tôi, đó là sự chủ định tái hiện hai chi tiết lịch sử của Trần Khải Ca. Câu Tiễn khi nằm gai nếm mật báo thù, thường sai người hầu đứng ở dọc đường đi, trỏ vào mặt mình mà nói “Câu Tiễn, mày còn nhớ cái nhục ở Cối Kê không”. Với Câu Tiễn đó là ám ảnh của báo thù, còn với Doanh Chính đó là ám ảnh của khát vọng bá chủ. Còn vì sao lại là chôn sống? Đơn giản bởi đây là điều mà trước đó vài chục năm Bạch Khởi đã làm với bốn mươi vạn quân Triệu ở Trường Bình. Và đó chính là sự tinh tế của một đạo diễn bậc thầy.