Thursday, June 10, 2010

Mãi mãi Viễn Tây

Ngày 29/3/1993 ở rạp hát Dorothy Chandler, Los Angeles, một người đàn ông tóc bạc, mắt vẫn rất sắc và lưng vẫn rất thẳng dù đã ở tuổi 64, đứng trên sân khấu, trên tay là hai bức tượng vàng của Unforgiven, bộ phim Viễn Tây thứ ba đoạt giải Phim hay nhất trong lịch sử Oscar. Đó là Clint Eastwood, huyền thoại sống của Viễn Tây, dòng phim làm mưa làm gió ở Hollywood những năm 50 và 60 trước khi dần đi vào quên lãng.

Eastwood nói, ông làm Unforgiven để chôn cất thể loại Viễn Tây. Gã cao bồi vô danh một thuở của Sergio Leone nghĩ rằng Viễn Tây đã chết, và thắng lợi của bộ phim cũng không cứu vãn được điều này. Đó chỉ là vũ khúc sau cùng của con thiên nga mà thôi.

Thế nhưng những gì xảy ra vài năm trở lại đây hẳn đã khiến Eastwood mỉm cười rút lại suy nghĩ ấy của mình. Có thể với Unforgiven, ông đã chôn Viễn Tây xuống thật. Nhưng, từ đó, một hạt giống mới đã nảy mầm…

Mầm cây ấy nhú lên một cách khá kỳ lạ năm 2005 với Brokeback Mountain. Khán giả ưa chuộng phim Western truyền thống có lẽ không phải ai cũng sẽ chấp nhận cách xếp loại này, nhưng bất chấp bối cảnh hiện đại và cuộc tình đồng tính giữa Jack và Ennis, tinh thần cốt lõi của bộ phim vẫn là Viễn Tây. Viện Phim Mỹ (AFI) định nghĩa phim Viễn Tây là những bộ phim “lấy bối cảnh miền Tây nước Mỹ và chứa đựng tinh thần, cuộc đấu tranh và sự tiêu biến của miền ranh giới mới”. Và nếu chiếu vào khuôn khổ ấy thì Brokeback Mountain thực sự rất Viễn Tây. Đó vẫn là câu chuyện của những gã cao bồi, vẫn giữa núi rừng hoang dã, vẫn là cuộc đối đầu gai góc giữa con người với thiên nhiên. Nhưng mâu thuẫn cổ điển của phim Viễn Tây (tội phạm và chính quyền, giang hồ và luật pháp) đã được thay thế bởi một hình thái mâu thuẫn mới. Cũng như những người tiên phong khai phá miền Tây, Jack và Ennis đấu tranh để tìm kiếm tự do, đẩy lùi và triệt tiêu các ranh giới. Với di dân, đó là ranh giới vật lý giữa vùng đất đã khai phá và Miền Tây hoang dã. Với hai gã cao bồi của Lý An, đó là thứ ranh giới luân lý giữa họ và xã hội. Những gì diễn ra ở núi Brokeback chính là một minh họa cho nhận định của AFI: “người miền Tây cứ thế tiến lên, bị hấp dẫn bởi sự tự do của những bình nguyên rộng mở và hứa hẹn về một cuộc đời mới.”

Sau hiện tượng Brokeback Mountain hai năm, hạt giống Viễn Tây lại đâm chồi nảy lộc. Bốn bộ phim 3:10 to Yuma, The Assassination of Jesse James by the Coward Robert Ford, There Will Be BloodNo Country for Old Men, mỗi phim một vẻ, tuy không phải tất cả đều mười phân vẹn mười, song đã khiến những người hoài nghi nhất cũng phải suy nghĩ lại về sức sống của điện ảnh Viễn Tây.

Năm 2007 mở đầu với 3:10 to Yuma, làm lại bộ phim cùng tên năm 1957. Về căn bản, đứa con tinh thần của James Mangold là một câu chuyện Viễn Tây kinh điển xoay quanh cuộc đối đầu sinh tử giữa một băng cướp và cộng đồng dân cư miền Tây,  đồng thời là bức tranh tàn nhẫn về quyền năng của những đồng dollar ở xứ sở này. Ben Wade đi cướp vì tiền; Dan Evans nhận lời áp tải y đến nhà tù Yuma vì tiền; người dân ở thị trấn Contention trở súng tấn công cảnh sát giải cứu Wade cũng vì tiền. Thế nhưng giữa tên thủ lĩnh băng cướp sống ngoài vòng pháp luật và gã chủ trại gia súc đòi hỏi công bằng và trật tự lại có chung quan niệm về lòng tự trọng. Với diễn xuất sắc sảo của Russell Crowe và Christian Bale, 3:10 to Yuma đã góp phần hồi sinh, không chỉ bộ phim của nửa thế kỷ trước, mà còn cả một xứ sở, nơi không có đúng, có sai, chỉ có danh dự bất thành văn là chuẩn mực.

Nếu như Mangold hồi sinh một bộ phim cũ thì Andrew Dominic lại hồi sinh một huyền thoại cũ của Viễn Tây – Jesse James. Nhưng The Assassination of Jesse James không xoáy sâu vào khía cạnh bạo lực như các bộ phim trước về gã, mà khai thác và khắc họa một cách chậm rãi và buồn thảm quá trình suy sụp tâm lý của Jesse trong những ngày tháng cuối đời. Kể về Viễn Tây qua lăng kính phản Viễn Tây, cách The Assassination giải mã Jesse James chứng tỏ một điều: vẫn còn đó những góc nhìn mới cho một đề tài cũ.

Nhưng cuộc tái khám phá của Hollywood chưa dừng lại ở đây. Viễn Tây tiếp tục hồi sinh mạnh mẽ dưới ống kính của Paul Thomas Anderson và của anh em nhà Coen. Thoạt nhìn, There Will Be Blood không Viễn Tây cho lắm: không cao bồi, mà cũng không súng sáu. Nhưng sâu trong cốt tủy, Blood vẫn là hơi thở, là nhịp đập của Viễn Tây. Sau đất là vàng, sau vàng là dầu mỏ, xứ sở này luôn cuồng say với những giấc mộng đổi đời của những kẻ khai phá. Blood là cuộc đấu tranh dữ dội không bao giờ ngừng nghỉ giữa tiền và đạo đức, giữa dầu và tôn giáo, giữa con người và thiên nhiên. Ở Blood, ta chứng kiến cái ranh giới của cuộc chinh phục từ khi những di dân đầu tiên đặt chân tới miền Tây cứ thế chầm chậm tiêu tan dưới sức mạnh càn quét của chủ nghĩa tư bản.

Đó là điều cả Joel lẫn Ethan Coen hoài nhớ trong No Country for Old Men. Tuy lấy bối cảnh miền tây Texas những năm 1980, khi ô tô thay thế ngựa và tiểu liên thay thế những khẩu sáu phát, nhưng chủ nhân của bốn giải Oscar 2007 thực chất là một cuốn phim Viễn Tây “trá hình”. Joel và Ethan công khai khiêu chiến với khái niệm Viễn Tây truyền thống khi mang những yếu tố cũ – một nhân vật phản anh hùng, những cuộc đấu súng đẫm máu, miền sa mạc hoang vu – vào thời đại mới. Nơi những giá trị cũ bỗng trở nên lỗi thời. Và những con người cũ như Cảnh sát trưởng Ed Tom Bell bỗng trở thành lạc lõng.

Viễn Tây của Ed Tom Bell có thể không còn đó, nhưng Viễn Tây của điện ảnh thì vẫn ở đây. Nếu bốn bộ phim của 2007 còn chưa đủ cho Clint Eastwood và những ai trót đem lòng mê đắm thể loại này vững tin rằng Viễn Tây không bao giờ chết thì True Grit, với 10 đề cử Oscar năm 2010, đã khẳng định điều ấy. Cũng như 3:10 to Yuma, đây là một bộ phim remake. Có thể Jeff Bridge không xuất sắc như John Wayne trong vai viên cảnh sát già, Rooster Cogburn. Có thể Hailee Steinfield đã qua mặt Kim Darby khi hóa thân thành cô bé Mattie Ross “vạn dặm tầm thù”. Và có thể True Grit đã ra về tay trắng, không đạt được giải gì trong 10 đề cử. Nhưng những điều đó, nói cho cùng, không có gì quá quan trọng. Không xét lại như The Assassination, không đương đại như No Country, cũng không chính trị như Blood, song True Grit đã làm sống dậy Viễn Tây dưới hình hài nguyên thủy nhất của nó. Viễn Tây cả về hình ảnh, ngôn ngữ, lẫn tinh thần, True Grit của anh em nhà Coen đã cho cả thế giới thấy rằng Western là nguồn cảm hứng bất tận của điện ảnh Mỹ đích thực, và sau gần một thế kỷ, bất chấp sự cạnh tranh từ những loại hình điện ảnh “thời thượng” hơn mà Avatar Sex and the City là đại diện, tính hấp dẫn và sức sống của Viễn Tây vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu.

Cuối True Grit, khi hồi tưởng về chuyến phiêu lưu với Cogburn, cô bé Mattie nói: “Chúng tôi đã có, những tháng ngày sôi động.” Với Viễn Tây, nhiều người trong số chúng ta cũng đã trải qua những tháng ngày sôi động. Và chừng nào điện ảnh còn những con người gan góc (true grit) như Ethan Coen và Joel Coen, như Paul Thomas Anderson, như Clinton Eastwood… thì chừng ấy chúng ta còn có quyền mong đợi những tháng ngày sôi động. Với Viễn Tây.