Wednesday, January 4, 2012

Nhất đại tông sư tái xuất

Trong số các đạo diễn tên tuổi của điện ảnh Hoa ngữ, có lẽ Từ Khắc là người bị nhìn nhận “bất công” nhất trên thước đo nghệ thuật, ít ra là ở Việt Nam. Người mê Vương Gia Vệ, Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca thì nhiều; chứ thích, yêu, và trân trọng Từ thì tôi hiếm thấy có mấy ai. Con đường Từ chọn khiến ông dễ chịu thiệt thòi, và lần này cũng vậy.

Sau hơn ba mươi năm theo nghiệp điện ảnh, dòng máu phiêu lưu và thể nghiệm vẫn sục sôi trong huyết quản Từ. Không ai bất ngờ khi ông là lĩnh ấn tiên phong làm bộ phim mainstream đầu tiên của điện ảnh Hoa ngữ bằng công nghệ 3D (dĩ nhiên, trừ phi Sex and Zen được coi là chính thống).

Trái với nhiều dự báo, Long Môn phi giáp không phải là bản remake của Tân Long Môn khách sạn, bộ phim mà vị trí trong danh sách những phim võ hiệp kinh điển đã được xác lập từ khi ra mắt. Xem đây là một phiên bản mới của bộ phim 1992 cũng đúng, mà coi đây là phần hai của nó cũng không sai.

Như Long Môn 1966 của Hồ Kim Thuyên và Tân Long Môn 1992 của chính Từ, Phi giáp lấy một bối cảnh võ hiệp kinh điển: nhiều phe phái giang hồ đụng đầu nhau trong một hắc điếm ở quan ngoại. Phe thứ nhất là đôi hiệp khách Triệu Hoài An (Lý Liên Kiệt) và Lăng Nhạn Thu (Châu Tấn), sát cánh bảo hộ cho Tố Huệ Dung (Phạm Hiểu Huyên), một cung nữ trót mang thai rồng. Phe thứ hai là Tây xưởng, cơ quan tình báo của triều đình, do Đốc chủ thái giám Vũ Hóa Điền (Trần Khôn) cầm đầu. Tây xưởng một mặt muốn truy sát Tố Huệ Dung, mặt khác muốn tiêu diệt Triệu Hoài An do dám công khai chống đối mình. Phe thứ ba gồm ba nhóm nhỏ: cao thủ phi đao Cố Thiếu Đường (Lý Vũ Xuân) với tình cũ là Phong Lý Đao (lại Trần Khôn);  nhóm dũng sĩ Tartar do Bố Lỗ Đô (Quế Luân Mỹ) cầm đầu; ông chủ Long Môn khách sạn và thủ hạ. Họ khác phái nhưng đồng mưu, muốn tìm kiếm Mạc Thủy thành chứa đầy bảo vật bị chôn vùi trong sa mạc, mỗi hoa giáp (60 năm) mới phát lộ một lần trong bão cát.

Nếu so sánh về tiếng tăm của dàn diễn viên thì Phi giáp không hề kém Long Môn, nhưng thực lực diễn xuất thì khó lòng đấu lại: Lý Liên Kiệt có ưu thế về võ thuật nhưng diễn xuất sao bằng Lương Gia Huy; Châu Tấn xuất sắc nhưng trước Lâm Thanh Hà khí chất bất phàm thì cũng phải bái hạ phong; còn ba vai nữ còn lại thì không ai khả dĩ sánh bằng cô chủ quán lẳng lơ Kim Tương Ngọc do Trương Mạn Ngọc thủ vai. Có lẽ Từ Khắc hiểu rõ hơn ai hết, cơ hội có được trong tay một bộ ba xuất thần như Long Môn khi xưa không bao giờ trở lại, nên ông chủ tâm dành phần lớn thời lượng cho các cảnh chiến đấu nhằm khai thác và thử nghiệm tối đa sự kết hợp giữa 3D và võ thuật. Phi giáp bởi thế có rất ít khoảng lặng để diễn viên thể hiện năng lực diễn xuất, mọi nhân vật đều đơn giản, và mang tính điển hình: Triệu Hoài An hiệp khách, Lăng Nhạn Thu si tình, Vũ Hóa Điền tà dị, Phong Lý Đao ma lanh và Bố Lỗ Đô bạo liệt… Như thường lệ, nhân vật nữ của Từ luôn nổi trội, bằng mối thâm tình, bằng sự quyết đoán, bằng nét mạnh mẽ. Ngoại trừ Trần Khôn nổi bật hẳn lên khi khắc họa xuất sắc Vũ Hóa Điền võ công tuyệt đỉnh, tâm kế thâm trầm và tính tình quỷ dị, thì các nhân vật nữ của Phi giáp đều để lại ấn tượng mạnh hơn nhân vật nam – từ Lăng Nhạn Thu đến Cố Thiếu Đường, từ Bố Lỗ Đô tới Tố Huệ Dung. Thậm chí, vai Vạn quý phi của Trương Hinh Dư dù nhỏ xíu song cũng có nét đặc sắc riêng.

Mặc dù vậy, không phải Trần Khôn mà chính 3D mới là diễn viên xuất sắc nhất ở Phi giáp. Có lẽ sau Avatar, Từ Khắc là người thành công nhất trong việc đem công nghệ 3D vào phim, không phải như một thứ chiêu trò hoa dạng, mà như một thủ pháp mang lại giá trị thực sự cho bộ phim. Từ biết rõ khi nào nên 3D, và 3D đến đâu là đủ. Và đúng như dự đoán, võ hiệp là thể loại đặc biệt thích hợp với hình ảnh ba chiều: từng chiêu kiếm, từng ngọn phi đao đều khiến người xem choáng ngợp vì độ thật của nó. Cách biến hóa của những chiêu thức đầy sáng tạo – đặc biệt là những cây phi đao của Cố Thiếu Đường – đã góp phần phát huy tối đa sở trường của công nghệ 3D. Chỉ có điều nhân vật trong Phi giáp đa phần sử kiếm, ít kỳ môn binh khí như Thất kiếm, nếu không hiệu ứng thị giác có lẽ còn ấn tượng hơn nhiều. Dù vậy, những thử nghiệm của Từ lần này cũng đã thành công rực rỡ, mở ra một tương lai đầy hứa hẹn và một không gian sáng tạo mênh mông cho điện ảnh võ thuật.

Sống động là thế, nhưng cảnh 3D đáng nhớ nhất của Phi giáp lại không phải cảnh giao đấu, mà là khi Lăng Nhạn Thu ngồi trên xích sắt ngóng xuống dòng sông chảy xiết, hai bên lau sậy mọc đầy. Không phải ngẫu nhiên mà Từ chăm chút cho khuôn hình “thiết tỏa hoành giang” ấy đến thế. Và cũng không phải ngẫu nhiên, khi thổ lộ chân tình với Triệu Hoài An, Nhạn Thu lại hồi tưởng đến giây phút ấy. Trước giờ, Từ luôn ám ảnh về nỗi cô đơn của những kẻ “nhất nhập giang hồ tuế nguyệt thôi”. Ông không lấy bầu trời tự nhiên mà dựng hẳn một chân trời khác, thảm đạm và ưu uất, như một ẩn dụ lộ liễu về tâm trạng nàng, biến khuôn hình Lăng Nhạn Thu thổi tiêu thành bức tranh về “nhân tại giang hồ”. Cảnh tượng ấy khiến ta nhớ đến ngọn núi vắng giữa trời đêm ở Swordsman II, khi Đông Phương Bất Bại cũng lặng lẽ thổi khúc Tiếu ngạo giang hồ.

Trừ những giây phút trầm lặng hiếm hoi đó, câu chuyện trong Phi giáp chỉ có thể khái quát bằng hai từ náo nhiệt: diễn biến không ngừng và nhanh đến chóng mặt trên nền nhạc hối hả đậm chất kinh kịch, bộ phim bắt người xem phải căng mắt, căng tai theo dõi những tình tiết phức tạp, đan xen, chồng chéo (nhưng rất có lớp lang) trong không gian chật hẹp của khách sạn Long Môn. Phong cách này có thể khó xem với không ít người, nhưng lại rất “đã” với ai quen thuộc với Từ, và với kiểu hài điểm xuyết láu lỉnh, hơi “bựa” của ông: nhân vật đứng trên mô đất thấp nhưng nhất định phải lộn một vòng mới nhảy xuống, đường rất rộng nhưng vẫn phải phi thân qua bờ tường để chạy đi…

Dẫu rằng không sánh được với Tân Long Môn khách sạn, nhưng Long Môn phi giáp đã một lần nữa khẳng định vị thế nhất đại tông sư của Từ Khắc trong dòng phim võ hiệp nói riêng và làng điện ảnh Hong Kong nói chung. Phi giáp với Võ hiệp của Trần Khả Tân rất xứng đáng là hai đỉnh cao của điện ảnh võ thuật năm nay. Mới mẻ về cách tiếp cận (một hướng ngoại, một hướng nội), đẹp tê tái với mỗi khuôn hình, cả hai đã đem đến cho khán giả những giây phút khó quên và báo hiệu một tương lai đầy bất ngờ thú vị cho dòng phim võ hiệp.