Thursday, October 6, 2016

Craft of Translation 08

Flu is a scary thing. You just cannot sleep with it. For the night is dark and full of terrors. Terrors run out in streams, from your nose. And you can do nothing about it.
Và vì mất ngủ nên tôi đành ngồi viết mấy dòng.
Một định nghĩa thông thường về dịch thuật hẳn sẽ đại khái là “chuyển văn bản từ ngôn ngữ nguồn sang ngôn ngữ đích.” Người cẩn thận sẽ bổ sung “và giữ nguyên ý nghĩa của bản gốc.” Riêng tôi thì muốn thêm “với số chữ ít nhất.”
Một điều đáng ngạc nhiên là không nhiều người ý thức được tầm quan trọng của tiêu chí này. Hồi còn Facebook, đôi khi tôi vẫn tạt vào một thread nào đó và góp ý rằng câu dịch có thể gọn hơn, và demo tại chỗ một version ngắn hơn từ 10-30% bản cũ. Phản ứng của dịch giả lẫn độc giả nói chung là lịch sự cảm ơn, nhưng qua cách trả lời tôi ít khi thấy họ thật sự cảm nhận được sự khác biệt. This makes me scratch my head (a lot).
Trường hợp này, nếu có gì có thể tạm so sánh với văn bản thì đó là vải hoặc giấy. Một tiêu chí quyết định chất lượng của ga trải giường là  mật độ sợi (đo bằng tpi – thread per inch). Nói chung mật độ càng cao, ga càng mịn và bền (có thể đọc thêm ở đây). Giấy in dùng văn phòng có định lượng từ 70-80 gsm (gram per square meter). Giấy viết thư loại xịn từ 100-120 gsm (cao hơn thì là bìa, là thiệp rồi). Văn cũng vậy, nói chung càng cô đọng (higher density) thì càng hiệu quả. Không phải ngẫu nhiên mà một nguyên tắc quan trọng  của cuốn Elements of Style lừng danh là “Omit needless words.” Và nguyên tắc này có thể áp dụng cho cả viết lẫn dịch.
Thật ra dịch ngắn và lược bỏ chữ thừa là điều tôi đã nói không chỉ một lần, nhưng vẫn cảm thấy cần nhắc lại bằng một entry riêng.
Có điều trước khi nói về chuyện nên tỉnh lược ra sao, tôi muốn nói về chuyện khi nào thì không nên tỉnh lược. Trong chín mươi phần trăm trường hợp, tỉnh lược là giải pháp đúng. Còn lại thì không. Ta không nên (và không thể) tỉnh lược khi:
(i) Viết câu dài, phức tạp là phong cách của tác giả. Chẻ nhỏ một câu phức dài nửa trang của Rushdie thành nhiều câu đơn chính là cách hành quyết ông hay nhất mà một kẻ ủng hộ lệnh Fatwa có thể nghĩ ra.
(ii) Cách diễn đạt bất bình thường thể hiện cá tính của nhân vật. Trẻ con chẳng hạn, có lối tư duy khác người lớn, cách suy nghĩ, quan sát và kể chuyện cũng khác. Bởi vậy gò ép bản gốc thành những câu văn chuẩn mực và gọn ghẽ sẽ là lựa chọn sai lầm.
(iii) Nhạc tính và sự nhịp nhàng của bản gốc gắn liền với cấu trúc và độ dài của câu văn. Cái này thực ra có thể ghép với (i) thành khi tác giả cố ý/có dụng tâm kỹ thuật/nghệ thuật khi viết như vậy. Nhưng tôi muốn tách nó ra riêng.
Truyện kiếm hiệp hay có chi tiết một cao thủ nhảy từ thuyền lên bờ nhưng không tới. Trong cơn nguy cấp y bèn mượn lực từ một cây sào trúc/một chiếc lá sen nổi trên sông và nhẹ nhàng đáp xuống bờ bên kia. Trong dịch đôi khi gặp những chữ như vậy – tưởng là bỏ đi được, nhưng nếu bỏ đi thì… tủm.
Một ví dụ như vậy chính là chữ của trong “Những đứa con của nửa đêm.” Vì sao thì các bạn có thể đọc ở đây (thật ra lời giải thích của Rushdie cũng chỉ điểm tới là dừng, để người đọc tự nghĩ thêm).
Trở lại với tỉnh lược. Có ba loại tỉnh lược. Loại thứ nhất là chữ thừa. Đây chủ yếu là hệ quả của việc dịch word by word.
Một” và “những dấu vết của việc máy móc dịch a/an hoặc danh từ số nhiều.
I saw a man walking a dog on the street.
Cách dịch lỗi điển hình sẽ là:
Tôi thấy một người đàn ông dắt một con chó đi dạo trên phố.
Cách dịch tốt hơn sẽ là:
Tôi thấy một người đàn ông dắt chó đi dạo trên phố.
Rõ ràng “một con” ở đây là thừa, vì theo lẽ tự nhiên chúng ta sẽ phán đoán rằng chỉ có một con chó, hơn nữa số lượng chó (1) trong trường hợp này không có ý nghĩa gì quan trọng để buộc phải dịch. Ta chỉ nên dịch khi số từ có ý nghĩa nhất định – ví dụ mọi khi ông ta dắt hai con, hôm nay chỉ còn một con.
Nếu căn cứ theo ngữ cảnh mà giới tính của nhân vật cũng không quan trọng thì thậm chí ta còn có một câu ngắn hơn:
Tôi thấy một người dắt chó đi dạo trên phố.
Sở hữu cách (của)
Madritsch and Titsch drank their coffee quickly and excused themselves.
Nhiều người sẽ máy móc dịch chữ their thành của họ. Đâu cần thiết, vì không lẽ họ lại uống cà phê của người khác?
Madritsch và Titsch mau chóng kết thúc ly cà phê và cáo lui.
Ngoài ra, việc có quá nhiều “của” cũng khiến mạch văn lủng củng. Ta không bắt buộc phải dịch tất cả những his/her/their và nhất là of thành của. Inhabitants of the earth không nhất thiết phải là cư dân của địa cầu mà có thể là cư dân trên trái đất; students of Harvard không buộc phải là sinh viên của trường Harvard, bỏ “của” đi cũng chẳng chết ai.
“Đã
Một cách bản năng, chúng ta phản ánh thì quá khứ thành chữ “đã.Đôi khi chữ “đã” là không cần thiết. Bản thân ngữ cảnh nhiều khi đủ để ta hiểu ở đây có một chữ “đã” ẩn. Thế chiến thứ hai đã kết thúc năm 1945.
Trùng ngôn
Khi hai vế có cùng chủ ngữ, biến vế thứ nhất thành ngữ động từ sẽ làm câu văn gọn ghẽ hơn.
Dưới đây là một đoạn đầy đủ những lỗi trên:
Những người du kích cưỡi ngựa vào một làng, giữa ban ngày. Họ lôi một viên trưởng làng và con trai ông ta ra khỏi nhà. Họ dùng que sắt quất vào đầu hai người, cho đến khi ngã gục. Rồi họ giết chết dưới đất. Tôi ngồi ở cửa sổ, tôi đã nhìn thấy hết. Trong số du kích, có anh trai tôi. Khi anh vào nhà và muốn ôm hôn tôi – “Em gái!” tôi rú lên… Rồi tôi thành câm. Suốt một tháng, tôi không nói một tiếng.
Anh tôi chết trong chiến tranh… Nhưng nếu anh còn sống, không biết anh sẽ thế nào? Và nếu anh trở về nhà… Tôi không biết… Tôi có nói lại được không?
Tôi bị chấn thương tâm thần vì chiến tranh, mãi mãi…”
Cần gì “những người”? Chữ “họ” ở câu sau đã gián tiếp cho thấy có nhiều du kích. Và cần gì “một”? Ngôi làng này của chính người kể chuyện chứ đâu phải một ngôi làng bất kỳ? Một làng chẳng lẽ có hai trưởng làng mà lại cần “một viên”? Chữ “con trai” đi sau trưởng làng thì cần gì “ông ta”? “Đến khi” là đủ, cần gì “cho” nữa? “Tôi nhìn thấy hết” là đủ, cần gì “đã” nữa? Hai câu cùng chủ ngữ thì có thể bỏ một chữ “anh” đi.
Chỉ cần dụng tâm lưu ý, chữ thừa tương đối dễ phát hiện và dễ sửa, vì từ khi xuất phát ta đã biết mình phải tìm gì. Loại thứ hai khó phát hiện, khó sửa hơn: cấu trúc câu chưa tối ưu, và có thể điều chỉnh lại để tạo điều kiện lược bỏ một số chữ.
Ví dụ câu này:
Cái tường vừa có màu tím, vừa có màu vàng, sàn nhà màu xanh thì thật là thảm hại, chả ăn nhập gì với nhau cả.
Đây là bản dịch nháp của một người bạn, tôi tin rằng bản cuối sẽ chỉn chu hơn, but here’s my two cents:
(Cái) tường vừa tím vừa vàng, sàn lại màu xanh, trông thật thảm hại, chả ăn nhập gì hết.
Hoặc như đoạn này:
“Don’t you know me?” he asked, just like a man --a football star or a violinist—whose sense of his own celebrity has been hurt by a stranger’s failure to recognize him. “I’m Schindler.”
Thay vì vụng về bám sát cấu trúc của bản gốc: sự thất bại của một người lạ mặt trong việc nhận ra mình, ta chuyển phrase này thành một mệnh đề, vừa gọn ghẽ, vừa xuôi tai:
“Cô không biết tôi ư?” ông hỏi, như một ngôi sao bóng đá hoặc một nhạc công vĩ cầm, ý thức về sự nổi tiếng của bản thân bị tổn thương vì người ta không nhận ra mình. “Tôi là Schindler.”
Loại thứ ba, cũng không đơn giản, ấy là khi có thể thay thế một cụm từ bằng một từ khác hàm súc hơn. Phương án này thường là Hán Việt. Lonely and quiet có thể dịch cực gọn thành “cô tịch.” Có điều vẫn cần cân nhắc màu sắc hàn lâm của nó – nếu đây là lời nói của một đứa trẻ thì lại không nên, vì trẻ em khó lòng có vốn từ vựng già nua như thế.
Hay cái tên “Unbearable lightness of being” có thể được Trịnh Y Thư dịch rất đắt thành “Đời nhẹ khôn kham.” Muốn làm được như vậy thì người dịch phải có vốn từ vựng rất rộng, đồng thời ít bị lệ thuộc vào từ điển, vốn thiên về giải nghĩa (làm dài ra) chứ ít khi cô đọng.
Có hai cách để có vốn từ vựng tốt. Cách thứ nhất, mưa dầm thấm lâu, là đọc sách. Cách này thiết tưởng ai cũng biết, tôi không bàn nhiều. Cách thứ hai, tôi tạm gọi là cách “luyện thi,” là đọc từ điển. Một cái thú của tôi là đọc từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, đọc trước khi đi ngủ và khi ngồi toilet. Từ điển của Đào quân giống như một thứ sách điển tích cô đọng, cơ hồ từ mục nào cũng hàm chứa một câu chuyện. Mỗi lần chỉ đọc vài từ, giở ngẫu nhiên như bói Kiều, chán lại bỏ xuống, không cần miễn cưỡng. Hãy tin tôi, đọc từ điển của Đào quân sẽ khiến ta thường xuyên phải ồ à vì những khám phá mới mẻ mà nó mang lại.
Dài quá rồi, tôi lại tạm nghỉ ở đây.

Sunday, July 31, 2016

Ghi vội về 3:10 to Yuma và True Grit

Vài năm gần đây, xuất hiện vài phim Western remake. Trong số này, nổi bật nhất có lẽ là 3:10 Yuma 2007, remake bản 1957, và True Grit 2010, remake bản 1969.
Khi nói đến remake, rất dễ sa vào tranh luận xem giữa original và remake, phim nào xuất sắc hơn. Nhưng câu hỏi thú vị hơn mà một remake trong trường hợp này mang lại có lẽ sẽ là, Western, as a genre, đã thay đổi như thế nào sau ngần ấy năm?
Điểm chung giữa Yuma 1957 và Grit 1969 là tính kinh điển. Nhiều người không thích phim kinh điển vì tiết tấu chậm, kết cấu đơn giản, tình tiết dễ dự báo. Thật ra xem phim kinh điển cũng như đọc thơ Đường. Ngày nay những câu như "Trừu đao đoạn thuỷ thuỷ cánh lưu, cử bôi tiêu sầu sầu cánh sầu" có lẽ chẳng còn gì mới mẻ. Nhưng hãy nghĩ đến chuyện Lý Thanh Liên viết ra ý tưởng này từ một nghìn ba trăm năm trước. Và một nghìn ba trăm năm sau, nhiều câu thơ khác, của nhiều nhà thơ khác, trau đi chuốt lại, cũng vẫn chỉ là một biến thể của Lý Bạch mà thôi.
Nói vậy không có nghĩa là bản 2007 và 2010 không kinh điển. Ngược lại, cả hai đều là Western revisionism at its best, nghĩa là hai cây đào non (nói đến Western thì hai nhánh xương rồng có lẽ sẽ hợp hơn?) đâm chồi nảy lộc từ hai gốc cây già.
Bốn bộ phim là bốn cuộc hành trình. Yuma là hành trình tìm lại tôn nghiêm của gã cao bồi Dan Evans. Grit là hành trình phục hồi công lý của cô thiếu nữ Mattie Ross. Hành trình của Yuma thì ngắn - từ Bisbee đến Contention chỉ chưa đầy năm mươi cây số. Hành trình của Grit thì quan san muôn dặm. Nhưng cả hai đều đầy rẫy thử thách với nghị lực, lòng tin, và dũng khí của người đi.
Điểm chung thứ hai của Yuma 1957 và Grit 1969 là tính lãng mạn nguyên thủy của Western. Cả Dan lẫn Mattie đều có những cái kết đẹp. Nói theo kiểu Tàu là "công thành thân thoái". Hậu thân của họ mấy chục năm sau thì không thế. Mattie trả giá cho công lý bằng một cánh tay và một cuộc đời cô độc. Còn Dan đánh đổi tôn nghiêm bằng cả tính mạng mình.
Không chỉ có vậy. Viễn Tây trong mắt hậu thế - nghĩa là James Mangold và anh em nhà Coen, còn khắc nghiệt hơn của tiền nhân nhiều lắm. Năm 1957, ánh mắt thất vọng của vợ và hai đứa con trai đủ thôi thúc để Dan lãnh sứ mệnh mà cả Bisbee từ chối - áp giải Ben Wade đón chuyến tàu đi Yuma. Năm 2007, để làm được điều này, Dan cần thêm một trang trại bị đốt và một quá khứ đáng hổ thẹn trong cuộc Nội chiến. Năm 1969, cuộc viễn du của Mattie ít nhiều vẫn mang bóng dáng một chuyến phiêu lưu. Năm 2010, dù theo lời cô, đó chỉ là "một thời sôi nổi" (lively times), nhưng có thể nói Mattie đã đến địa ngục rồi lại quay về.
Cái đen tối và khắc nghiệt của bản 2007 và bản 2010, phải chăng đã ánh xạ nhân sinh quan của thập niên đầu thế kỷ 21, một thập niên được khởi đầu và định hình bằng sự kiện 11.9, đầy rẫy bạo lực, bế tắc và mạt pháp? Nét lạc quan duy nhất có lẽ nằm trong phát đạn cuối cùng của Ben Wade dành cho Charlie Prince. Đó chính là giá trị bất biến của Western: bảo trì nguyên tắc hành xử của mình trong mọi hoàn cảnh. Ben không đi đường chính. Y chọn nẻo tà. Nhưng dứt khoát không đặt chân vào lối ác.

Sunday, July 10, 2016

Craft of Translation 07

Ở Việt Nam, một trong những tính từ thường gặp nhất khi bình phẩm về một bản dịch là “mượt.” Dịch rất mượt. Mượt dường như đã thành tiêu chí tối hậu để đánh giá chất lượng bản dịch. Dịch sai nhưng mượt nhiều khi vẫn được khen – dĩ nhiên cái này cũng khó tránh vì phần lớn độc giả chỉ biết tác phẩm qua bản dịch. Đôi khi tôi tự hỏi: phải chăng vì ta là một dân tộc của văn học truyền khẩu, của truyện thơ (thời cận đại Việt Nam gần như không có tiểu thuyết), nên “êm tai” đã thành một thứ chuẩn mực của văn chương. Không chỉ vậy, êm tai còn là tiêu chí về cách sống – người khôn ăn nói dịu dàng dễ nghe.
Tất nhiên, nội hàm của chữ mượt vốn rất vô chừng, và thước đo độ mượt của mỗi người cũng lại khác nhau. Với độc giả thông thường, mượt nghĩa là trơn tru, sạch sẽ, dễ hiểu. Với độc giả đòi hỏi (và có thể ở trình độ) cao hơn, đó là mượt mà, bay bổng, đẹp đẽ. Điều oái ăm là một bản dịch đôi khi bị chê đầy oan uổng là không đủ độ mượt vì trót trung thành với bản-chất-không-mượt của nguyên tác. Dịch Cormac McCarthy hoặc Raymond Carver mà mượt thì không hiểu có cách nào giết tác giả tàn nhẫn hơn không? Việt Nam hình như đã dịch sáu quyển McCarthy, nhưng có vẻ không một cuốn nào gây được tiếng tăm gì (ngoại trừ The Road), không biết là do dịch quá dở hay do văn phong McCarthy không hợp khẩu vị độc giả Việt?
Mượt hay không mượt là một câu hỏi mà mỗi dịch giả phải tự trả lời cho bản dịch của mình. Vấn đề là làm thế nào để mượt, hoặc không?
Để trả lời câu hỏi ấy, trước tiên phải tìm hiểu cơ chế cảm nhận văn bản của độc giả. Khi đọc bằng mắt, ta đồng thời cũng đọc thầm trong miệng và nghe thầm bằng đôi tai ảo trong đầu. Thế nên khi đọc thơ ta mới cảm nhận được nhạc tính và nhịp điệu của văn bản dù không đọc thành tiếng. Nếu ví văn bản như một tấm vải thì đọc chính là quá trình ngắm nhìn những họa tiết, đồng thời sờ và cảm nhận xem bề mặt ấm hay mát, phẳng phiu hay gồ ghề, mịn màng hay thô ráp. Có lẽ một phần cũng bởi vậy mà cổ nhân vẫn tán tụng một áng văn chương đẹp đẽ là “tú khẩu cẩm tâm” – lòng gấm miệng vóc. Hiệu ứng thị giác của mượt là điều khá dễ hiểu - độc giả Việt vốn ưa những từ ngữ đẹp đẽ, thanh nhã, giàu sức gợi. Đến mức đôi khi bản dịch vì trung thành với nguyên tác mà bị chê là thô tục. Nhưng tôi muốn bàn đến một khía cạnh ít được chú ý hơn: hiệu ứng thính giác của mượt, hay nói cách khác là texture của bản dịch.
Đặc thù của tiếng Việt là thanh điệu. Trong tiếng Anh I love you có thể đọc thành ai lớp viu, ài lơp víu, ài lợp vìu… Tiếng Việt chỉ có một cách: Anh yêu em. Không bao giờ có ành yều èm hay ánh yếu ém. Đây cũng là cái khó của người nhạc sĩ khi đặt lời bài hát tiếng Việt: dấu thanh phải tương hợp với nốt nhạc thì hát nghe mới xuôi. Muốn biết một bài hát đặt lời kém trái tai ra sao, xin mời nghe Quốc tế ca.
Vì thế cho nên, dịch đúng về nghĩa là một chuyện, điều khiển nhịp điệu của câu văn để tái tạo chính xác âm hưởng của nguyên tác lại là chuyện khác. Có khi cần du dương uyển chuyển, có lúc phải mạnh bạo dứt khoát, có khi nên gai góc xù xì, có lúc lại ung dung đài các. Để làm được điều đó, người dịch phải có cái tai thính nhạy, cảm nhận được từng thay đổi vi tế trong âm điệu, tiết tấu của văn bản. Khi chọn chữ để dịch, tiêu chí hàng đầu bao giờ cũng là đúng về nghĩa, nhưng khi có nhiều lựa chọn đúng thì việc chọn chữ nào có thanh điệu phù hợp nhất sẽ quyết định cái hay.
Lấy ví dụ mấy câu thơ này của Hoàng Cầm:
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ
Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc
Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay
Ở câu thứ tư, nếu ta đảo thành “Xanh xanh bờ dâu bãi mía” thì về nghĩa rõ ràng không thay đổi gì, nhưng âm điệu nghe rất nghịch. Đấy là vì chữ mía mang thanh trắc, đặt ở cuối làm câu thơ như bị hất ngược lên, trong khi chữ dâu là thanh bằng – làm tứ thơ mềm đi và như bồng bềnh trong nỗi nhớ. Giả sử đây là một câu dịch, và trình tự bản gốc là bờ dâu/bãi mía, thì người dịch nếu nghe thấy không xuôi hoàn toàn có thể chủ động đảo lại.
Tương tự, câu thứ năm có bản chép là xanh biếc. Chữ xanh ấy làm sao hay bằng biêng. Biêng biếc có âm điệu du dương, nghe như dài nhung nhớ. Xanh biếc nghe rất gần, rất thật. Biêng biếc nghe xa xôi và có phần mộng ảo. Đọc câu này bỗng nhớ bàn tay chấp chới lướt trên cánh đồng lúa mì của Gladiator. Tuyệt đích nhất chính là vần biếc/tiếc. Hai thanh trắc sắc ngọt như hai nhát dao chém vào tấm lòng hoài hương. Hai nhát chém để lại dư âm “sao xót xa như rụng bàn tay.”
Phân tích nhảm như vậy để thấy rằng tiết tấu, thanh điệu có ý nghĩa như thế nào đối với tính biểu cảm của văn bản. Tôi chọn Hoàng Cầm làm ví dụ bởi thơ của ông rất gần với văn xuôi. Và có những áng văn rất gần với thơ.
Thứ nhạc cảm văn chương này không tự nhiên mà có. Nó là kết quả của một quá trình. Trước năm 25 tuổi, chưa bao giờ tôi nghĩ đến chuyện dịch sách. Nhưng có lẽ tôi có duyên với nó, bởi từ năm 14 tuổi, tôi đã rất thích cổ văn. Tôi nhớ mười năm trước, có một cô học trò khiến cả nước chấn động vì chê Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc khô khan, khó hiểu, và khẳng định “10 học sinh như em thì có 9 người cũng không thích tác phẩm này.” Có lẽ tôi chính là cái một người còn lại ấy. Tôi thích tất cả những bài văn biền ngẫu được học và đọc thêm thời phổ thông – Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Bạch Đằng giang phú… Và dĩ nhiên là tôi mê cổ thi – từ Bầu trời cảnh bụt của Chu Cán Thần đến Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm của Đỗ Công Bộ.
Sở dĩ nhắc lại chuyện cũ vì tôi tin rằng cách tốt nhất để rèn luyện nhạc cảm văn chương là đọc văn biền ngẫu và cổ thi. Đây có lẽ là một gợi ý khá kỳ quái đối với không ít người. Nhưng thực sự nó rất logic. Nhiều người chê văn biền ngẫu là lỗi thời. Thể văn này lỗi thời thì đúng rồi, nhưng thủ pháp của nó thì không bao giờ. “It’s made it harder for a hardworking family to pull itself out of poverty, harder for young people to start their careers, tougher for workers to retire when they want to.” Câu này trích từ State of the Union Speech của Obama năm 2016. Không khó nhận ra, hai cụm in nghiêng là một sự đăng đối hoàn chỉnh. Nó đâu có khác gì hai câu “Nặng nề những nỗi phu phen, tan tác cả nghề canh cửi” trong Bình Ngô đại cáo? Thủ pháp song hành (parallelism) trong tiếng Anh và biền văn trong tiếng Việt tuy hai mà một. Câu tiếng Anh đối tương đồng (harder/tougher) lẫn tương phản (start/retire), câu tiếng Việt cũng vậy: nặng nề/tan tác là tương đồng, phu phen (đàn ông)/canh cửi (đàn bà) là tương phản. Một người nắm chắc những thủ pháp của biền văn, chắc chắn sẽ nhìn ra những dụng tâm tương tự trong phát biểu của Obama, và sẽ dịch tốt bài diễn văn ấy: Nó khiến con đường thoát nghèo của một gia đình cần lao gian truân hơn, tham vọng khởi nghiệp của người trẻ trắc trở hơn, mong muốn nghỉ hưu của người già khó khăn hơn…
So với thứ văn xuôi hùng biện của tiếng Anh, biền văn còn chặt chẽ hơn, cầu kỳ hơn. Hai câunặng nề những nỗi phu phen, tan tác cả nghề canh cửi” không chỉ đối ý mà còn đối cả từ láy (nặng nề/tan tác, phu phen/canh cửi), đối thanh và tuân theo luật bằng trắc (nhị tứ lục). Và so với biền văn thì cổ thi còn cô đọng hơn, biểu cảm hơn – hãy nhớ đôi danh cú của Bà huyện Thanh Quan: Sóng lớp phế hưng coi đã rộn, chuông hồi kim cổ lắng càng mau. Có bản chép coinghe. Nếu hiểu rõ thủ pháp đối ngẫu thì ta sẽ thấy ngay coi là lựa chọn đúng, bởi nghelắng đều tả ấn tượng thính giác, riêng coi là ấn tượng thị giác; mỗi câu một vẻ sẽ khiến tứ thơ đăng đối một cách toàn bích hơn.
Tóm lại, biền ngẫu và cổ thi chính là uy lực của tiết tấu và thanh điệu vận dụng đến cực hạn, thậm chí cực đoan. Mỗi chữ đều là kết quả của sự cân nhắc và lựa chọn kỹ lưỡng nhằm tuân thủ những quy tắc khắt khe. Tương truyền Chu Du năm xưa rất sành âm luật, đang ngồi trên tiệc mà nhạc công gảy sai là ông ngoảnh lại nhìn ngay (thế nên mới có câu thơ “Dục đắc Chu lang cố, thời thời ngộ phất huyền” – muốn được Chu lang nhìn đến, thỉnh thoảng lại gảy sai cung đàn). Đọc nhiều, tìm hiểu kỹ biền văn/cổ thi sẽ giúp người dịch có được sự nhạy cảm tương tự, từ đó có thể dễ dàng khống chế nhịp điệu câu văn theo ý mình. Không phải lúc nào ta cũng cần đến nó, nhưng tôi dám chắc đây là một kỹ năng sẽ được người dịch sử dụng khá thường xuyên. Believe me, it helps a lot.

Sunday, June 26, 2016

Craft of Translation 06

Hôm nay Berlin trở mát, đi chạy về tôi bèn viết một vài dòng. Nhân tiện mở ngoặc nói thêm, sau một năm và 1000 km, tôi thấy mình đã tạm đủ tư cách đọc What I talk about when I talk about running của Murakami, một cuốn sách rất đáng đọc với cả người viết lẫn người dịch.
Nếu giữa chạy bộ và dịch có điểm gì chung thì đó là kiên nhẫn, ổn định, và kỷ luật.
Chạy là thứ dục tốc bất đạt. Với người chạy, luôn có ba cái ngưỡng không thể vượt qua: thể trạng bản thân, đường chạy, và thời tiết. Nếu sức chỉ chạy được 7min/km thì không thể nâng lên 6min/km chỉ sau một ngày. Cái đó phải mất vài tuần, thậm chí vài tháng. Nếu hôm trước thiếu ngủ hoặc uống say thì kiểu gì hôm sau thành tích cũng giảm. Nếu chạy lên dốc thì kiểu gì tốc độ cũng chậm đi. Nếu địa hình phức tạp thì kiểu gì cũng phải thận trọng (và chậm) hơn để tránh chấn thương. Nếu trời nắng nóng thì kiểu gì tốc độ và sức bền cũng sẽ bị ảnh hưởng. Người ta ước tính, nhiệt độ lý tưởng để chạy là 10 độ C, nếu tăng lên 29 độ C, tốc độ sẽ giảm 18-20%.
Dịch cũng vậy. Mỗi người đều có một tốc độ tối ưu. Tốc độ này thay đổi tùy theo độ khó của nguyên tác, thể trạng của dịch giả, và điều kiện làm việc. Nguyên tác đơn giản thì tốc độ tăng. Nguyên tác khó mà vẫn cố dịch nhanh thì suy giảm chất lượng là điều khó tránh. Tinh thần mệt mỏi hoặc môi trường làm việc nhiều sự phân tâm thì tốc độ giảm sút và dễ phạm sai lầm, thậm chí sai lầm ngớ ngẩn.
Chạy là thứ đòi hỏi sức bền. Tất nhiên sức bền của người chạy 5K (như tôi) và chạy marathon (như Murakami) khác nhau, nhưng cốt lõi của nó vẫn là kỹ năng phân phối sức, điều chỉnh và duy trì một tốc độ ổn định suốt chặng đường.
Dịch cũng vậy. Đó là thứ lao động lặp đi lặp lại mỗi ngày trong vài tháng, thậm chí vài năm. Tôi biết những người rất giỏi ngoại ngữ, nhưng không làm được dịch giả, bởi họ không có cái kiên nhẫn ấy. Họ có thể dịch dăm trang post Facebook, nhưng miệt mài làm việc âm thầm suốt một thời gian dài thì họ không làm được.
Chạy đòi hỏi kỷ luật. Khi trời đẹp, cảm giác hưng phấn thì chạy cực kỳ đơn giản. Nhưng những hôm mưa gió, nắng gắt, những khi trong người uể oải thì xỏ giày ra phố là điều chẳng dễ dàng gì. Hiện nay tôi chạy một tuần bốn buổi, mỗi buổi 5-7km, và có thể nói một phần ba trong số này tôi phải nghiến răng lôi mình ra đường. Tỉ lệ này trong ba tháng đầu tiên có lẽ là 80%.
Dịch cũng vậy. Như mọi công việc khác, ta vẫn hay có tâm lý tặc lưỡi tự nhủ, hôm nay nghỉ mai dịch bù. Nhưng bù nghĩa là tăng tốc, mà tăng tốc nghĩa là giảm chất lượng. Cho dù hôm sau ta có gấp đôi thời gian và chủ động không tăng tốc, ta vẫn quên mất một điều: sức bền. Nếu dịch liên tục tám tiếng, chắc chắn độ minh mẫn trong vài tiếng cuối sẽ không cao. Cũng như đang chạy 5K mà chuyển ngay sang chạy 10K thì chắc chắn những km cuối sẽ vô cùng loạc choạc.
Chạy giúp ta lắng nghe cơ thể mình và trân quý một nếp sống điều độ hơn. Nếu hôm trước tôi thức quá khuya, hôm sau tôi sẽ thấy ngay nỗi mệt mỏi từ cơ bắp. Nếu tôi cảm thấy gân gót có vấn đề, tôi sẽ không dám mạo hiểm, vì một chấn thương nặng hơn sẽ buộc tôi phải nghỉ cả tuần.
Dịch cũng vậy. Dịch khiến ta phải khéo thu xếp thời gian và tiết kiệm từng phút một. Tôi vừa mua một chiếc hybrid tablet 500g, để có thể dịch ở bất cứ đâu khi nào rảnh rỗi, kể cả lúc trên đường. Đối với người dịch tay trái như tôi, thu xếp thời gian lại càng quan trọng. Mười lăm phút đi tàu. Hai mươi phút nghỉ trưa. Nửa tiếng ngồi ngáp trong một cuộc họp nội bộ. Tất cả đều có thể dùng để dịch. Nhưng muốn làm vậy, phải rèn được hai kỹ năng. Một là multi-tasking, hai là có được sự tập trung tức thời trong mọi hoàn cảnh. Cái này cũng giống chạy. Murakami tự nhận mình mất nhiều thời gian để warm up, vì vậy thích hợp với chạy đường trường hơn là chạy tốc độ cự ly ngắn. Muốn dịch ù trong mười phút đi tàu thì phải có khả năng tập trung chỉ sau 15 giây; bằng không khi ta nóng máy thì tàu cũng vừa đến bến.
Đôi lúc tôi thấy rất buồn cười khi nhiều người bàn luận phun bọt rãi về cách dịch một câu, một từ và hỉ hả cho rằng mình ăn đứt dịch giả vì có thể dịch câu ấy, từ ấy hay hơn. Bàn thắng của một cầu thủ nghiệp dư có thể được bầu là đẹp nhất mùa giải, nhưng điều đó không đủ biến anh ta thành cầu thủ chuyên nghiệp. Một cầu thủ đỉnh cao như Messi một mùa phải đá 70-80 trận và duy trì phong độ trong hầu hết các trận, chưa kể những khoảnh khắc xuất thần. Dịch cũng vậy. Nó quả thực là chuyện từng câu, từng chữ, nhưng trên hết nó là sự ổn định, một sự ổn định trải dài cả trăm nghìn chữ. Mệt cũng như khỏe, vui cũng như buồn, ấm cũng như lạnh, mỗi ngày đều phải nhè ra năm trăm hay một ngàn chữ, sạch sẽ, chỉn chu, và không sai sót (chưa bàn đến hay). That’s how translation is.
Còn những khoảnh khắc xuất thần? Quý thì quý thật, nhưng nói thật là không có cũng không sao. Bởi cả thế giới chỉ có một Messi. Và vì đã chọn dịch thì nên chấp nhận sự vô danh. Trước khi mơ đến câu chữ của thiên tài, hãy bằng lòng với hay đều, tốt ổn. Không nên bước vào bản dịch với suy nghĩ phải cho ra những câu văn thật oách, những cách dịch để đời. Vô sở cầu nhi tự đắc, he he.
Với một công việc như vậy, sai lầm là thứ chỉ có thể giảm thiểu chứ khó lòng loại trừ tuyệt đối. Nói vậy không phải để bào chữa, mà để nhận thức một thực tế và có biện pháp hạn chế nó – cái này tôi đã nói trong một số entry trước. Cũng giống như bóng đá – một cầu thủ giỏi đôi khi vẫn phạm sai lầm ngớ ngẩn – một dịch giả giỏi cũng vậy. Đã có lần tôi dịch nasal thành rốn vì nhầm với navel. Càng dịch, tôi càng thấy phải duy trì sự nghiêm khắc với chính mình, nhưng nên bao dung hơn với đồng nghiệp. To err is translator; to forgive (or not), reader.

Sunday, June 19, 2016

Craft of Translation 05

Thỉnh thoảng trên Wikipedia lại xuất hiện một thông điệp kêu gọi mọi người đóng góp để duy trì hoạt động cho trang web này. Mỗi lần như vậy, tôi lại ngoan ngoãn góp vài đồng. Bao nhiêu năm viết lách, nếu có chỗ nào tôi mắc nợ nhiều nhất thì đấy chính là Wikipedia. Bất kể viết về phim, nhạc hay dịch sách, đây luôn là nơi đầu tiên tôi tìm đến. Đương nhiên tư liệu ở đây chỉ ở mức cơ bản, nhưng trong 90% trường hợp, thế đã là quá đủ. Điều quan trọng hơn là nó cho ta một cái nền để mở rộng phạm vi tìm kiếm, nếu muốn đọc sâu hơn và nghiên cứu kỹ hơn.
Nói chung khi dịch hễ thấy danh từ riêng hoặc khái niệm lạ, tra từ điển không có hoặc đọc định nghĩa là chưa đủ thì nên Wiki. Đừng tiếc thời gian và hãy nghĩ Wiki là một cách mở mang kiến thức, mất vài giây đọc thêm một chút không bổ ngang cũng bổ dọc. Khi dịch về một xứ sở khác, một thời đại khác, việc bổ sung thông tin sẽ giúp ta hình dung tốt hơn về bối cảnh câu chuyện. Đoạn đầu Schindler’s List có nhắc đến địa danh Cracow. Nếu cắm đầu dịch tiếp thì cũng không chết ai. Nhưng nên bỏ ra năm phút để đọc xem thành phố này ở đâu, có số phận, vai trò như thế nào trong Thế chiến II. Từ phần History của Cracow trên Wiki, ta nên đọc tiếp về General Government, về Third Reich, về Hans Frank và Lâu đài Wawel. Sau khi đọc về General Government ta sẽ tìm ra một cách dịch khá ưng ý cho nó là Lãnh thổ Ba Lan thuộc Đức hoặc đơn giản hơn là vùng Đức thuộc - tương tự như khái niệm thời Pháp thuộc ở ta.

Cái thú khi Wiki là mạng lưới hyperlink sẽ giúp ta nhảy từ entry này sang entry khác và thỏa mãn niềm vui khám phá. Đây ít nhiều cũng là lý do khiến tốc độ dịch của tôi chậm hơn nhiều so với thông lệ trong giới. Gần đây một nhà sách khá tiếng tăm mời tôi dịch một cuốn gần 800 trang. Họ bảo vì biết sách dày nên có thể cho tôi sáu tháng. Tôi mỉm cười đáp rằng Midnight’s Children với 647 trang đã ngốn của tôi hai năm rưỡi, nên tôi rất tiếc phải từ chối họ. Tất nhiên với tôi dịch chỉ là nghề tay trái nên tốn thời gian gấp đôi bình thường, nhưng kể cả làm việc full time thì 800 trang ấy cũng sẽ phải mất hơn một năm.
Một trong những ca phiền phức nhất khi dịch là những khái niệm trong tiếng Việt chưa có từ tương đương. Nếu gặp chữ table thì rất đơn giản, ta có cái bàn. Nhưng nếu gặp chữ yawl thì tịt. Từ điển giải thích: thuyền yôn(!), thuyền hai cột buồm. Nhiều lúc chỉ muốn đập bàn mà chửi thế thì định nghĩa làm cái mẹ gì. Nhưng đó là một thực tế tất nhiên – với hai quốc gia cách biệt về địa lý và ít giao thoa văn hóa, vô số khái niệm sẽ không có từ tương đương. Nếu chỉ là một tình huống đơn lẻ thì ta có thể bằng lòng với một cách dịch nặng tính diễn giải, hoặc để nguyên chữ gốc và chú thích bên dưới. Nhưng nếu những khái niệm như vậy xuất hiện nhan nhản trong văn bản thì đúng là thảm họa với người dịch. Đây là lý do khiến tôi dẫu mẩn series Aubrey-Maturin của Patrick O’Brian nhưng sẽ chẳng bao giờ dám mơ đến chuyện dịch, vì có quá nhiều từ ngữ hàng hải Anh quốc cổ xưa. Tóm lại là nếu gặp một từ chưa được dịch sang tiếng Việt thì ta đành phải là người đầu tiên làm việc đó, và Wiki sẽ giúp ta rất nhiều.
Nhiều người sẽ nghĩ Wiki thì làm gì có kỹ thuật gì, cứ thế mà tra thôi. Nhưng cũng có đấy, tuy không nhiều. Hồi tôi dịch Inheritance of Loss, có khái niệm Padmasambhava. Từ điển Anh-Việt không có chữ này. Nhưng nếu tra Wiki tiếng Anh, sau đó nhìn vào cột ngôn ngữ bên trái, ta sẽ thấy Wiki tiếng Việt cũng có entry này: Liên hoa sinh (thượng sư). Trường hợp không có tiếng Việt, nếu may mắn sẽ có tiếng Trung, và có thể từ tiếng Trung phiên âm sang Hán Việt.
Thời đại học, tôi thường nhận dịch Discovery Channel để kiếm thêm. Thời đó dịch rất cực, vì không có phụ đề, phải tự gỡ băng trước khi dịch. Một băng Asia Artifacts 40 phút, gỡ ra thành 10 trang A4, được trả 200 nghìn. Công dịch thì ít mà công gỡ băng thì nhiều. Lúc đó tôi chuyên dịch về văn hóa Trung Quốc cổ đại. Có một danh họa tên Fan Kuan, với một bức tranh được dịch nôm sang tiếng Anh thành Traveller beside the stream. Người bình thường sẽ bằng lòng với đáp án “Lữ khách bên dòng suối.” Nhưng người cầu toàn thì sẽ phải tìm bằng ra phiên âm chữ Hán tên họa sĩ và tác phẩm. Từ Wiki, cộng với phần mềm phiên âm Hán Việt, ta sẽ biết bậc thầy ấy là Phạm Khoan, và bức tranh có tên “Khê sơn hành lữ đồ.”
Về kỹ thuật Google, có lẽ không nên nói nhiều, chỉ xin dẫn ra vài đường link hữu ích để bà con tự đọc:
Trong số này, đặc biệt hay dùng là cách search chính xác cụm từ với dấu ngoặc kép và tìm định nghĩa với cú pháp define: từ-cần-tra-cứu.
Một mẹo nữa tưởng rất vặt nhưng lại cực kỳ giá trị đó là khi đọc giải nghĩa của từ điển xong vẫn chưa hình dung ra cái vật ấy là gì, hãy dùng Google Image. Ví dụ một nghĩa của chữ derbya boot or shoe having the eyelet tabs stitched on top of the vamp. Khó hiểu quá nhỉ? Google image “derby shoe” là xong ngay. Đọc kỹ một chút bạn sẽ thấy, giầy đàn ông tóm lại có hai loại, Oxford và Derby, và được phân biệt rõ ràng ở đây.

Tuesday, June 7, 2016

Craft of Translation 04

Trước khi trở lại với việc xử lý tình huống trong Schindler’s List, có lẽ tốt hơn tôi nên tiếp nối mạch chuyện về tra cứu – về Internet, Google, Wikipedia.
Một trong những sai lầm mà người dịch thường mắc phải là chủ quan. Tâm lý của người dịch, nhìn chung không ra khỏi hai trạng thái – thận trọng và tự tin. Khi gặp câu khó, từ lạ, một cách bản năng, não bộ chuyển sang “caution mode.” Ngược lại, gặp câu đơn giản, từ quen thuộc, ta dễ rơi vào “confidence mode.” Chính điều này hay dẫn đến sai lầm.
Đặc trưng của tiếng Anh là một từ có thể có nhiều nghĩa. Phần lớn những nghĩa ấy có chung một gốc, ví dụ yarn nghĩa 1 là sợi, nghĩa 2 là câu chuyện (con tằm nó nhả ra tơ…) Nhưng đôi khi có những nghĩa ít gặp hơn chẳng liên quan gì tới nghĩa phổ biến của từ, hoặc mối liên hệ này rất xa xôi. Chẳng hạn, game nghĩa 1 là trò chơi, nhưng nghĩa 5 lại là wild mammals or birds hunted for sport or food. Vì thế khi gặp một từ quen, ta rất dễ vững dạ dịch luôn, mà không biết ở văn cảnh này hiểu theo nghĩa hiếm (đôi khi ta chưa biết) mới đúng. Tất nhiên, một người đọc/dịch nhiều kinh nghiệm sẽ dễ phát hiện ra những tích tắc này, nhưng trước khi có nhiều kinh nghiệm thì ai cũng từng là một tay mơ (greenhorn, rookie). So was I.
Những lúc như thế, Babylon sẽ phát huy tác dụng. Thói quen của tôi là tiện tay tra từ điển, kể cả những từ mình biết và những câu có vẻ dễ. Một cú click chuột chẳng tốn bao nhiêu thời gian, vừa giúp ta duyệt lại kiến thức đã học, và quan trọng hơn, đôi khi giúp ta tránh khỏi sai lầm.
Có những khi hiểu không sai nhưng dịch vẫn chưa chuẩn. Trường hợp này đòi hỏi phải tra cứu sâu hơn là nghĩa bề mặt trong từ điển. Gần đây tôi có góp ý bản thảo cho một người bạn. Salzburg Festival được dịch thành Lễ hội Salzburg. Không sai, nhưng nếu chịu khó Google/Wiki thì sẽ thấy (Đại) nhạc hội Salzburg là cách dịch tối ưu. Hoặc chữ Knight, trong bối cảnh Đế chế Anh sẽ là tước Hiệp sĩ, nhưng nếu vào thời La Mã thì nó lại là cách nói khác của Equites – giai cấp kỵ sĩ.
Một trong những ưu thế lớn nhất của người dịch hiện nay là nguồn tư liệu dồi dào trên Internet. Mức độ tiếp xúc văn hóa của thế hệ dịch giả trẻ cũng cao hơn nhiều các tiền bối. Trước kia các cụ dịch Tom Sawyer từ tiếng Nga, và tôi tin rằng, ở môi trường xã hội chủ nghĩa, họ không có cơ hội xem phim về miền Nam nước Mỹ thế kỷ XIX để cảm nhiễm không khí đặc trưng của xứ sở này. Thế hệ dịch giả cũ chỉ có thể xoay xở với những gì họ có trong tay, và họ đã làm hết sức mình. Không thánh hóa, nhưng vẫn nên trân trọng, biết ơn, và đừng chê cười họ. Bởi lẽ, bây giờ nhìn lại, những gì họ làm được, trong thời gian khó ấy, vẫn thật phi thường. Ngoại ngữ của họ có thể chưa thật sự xuất sắc, nhưng tiếng Việt của họ thì quả là vô khuyết. Và ta có thể học được rất nhiều từ họ. Anh Vũ-Trần Việt (Ba người lính ngự lâm), Nguyễn Văn Hải-Vũ Minh Toàn (Truyện cổ Andersen), Nguyễn Trung Đức (Trăm năm cô đơn) đã và vẫn sẽ là những bậc thầy của tôi về dịch thuật. Đấy là còn chưa kể các dịch giả Hán ngữ như Nhượng Tống, Thụy Đình. Đặc biệt là Thụy Đình của đào non kén rể ngồi đầy chợ, chanh cốm mò trai đứng chật đường.
Trở lại một chút với chuyện các cụ ngày xưa không được xem phim Mỹ. Điện ảnh có lẽ là phương tiện tốt nhất để hỗ trợ người dịch tìm hiểu về một thời đại khác hay một nền văn hóa khác, trước khi dấn thân vào tác phẩm. Bộ phim To Kill the Mocking Bird chắc chắn sẽ giúp ích cho người dịch rất nhiều khi làm việc với cuốn tiểu thuyết cùng tên. Tiếc rằng không phải tác phẩm nào cũng được chuyển thể thành phim. Tuy nhiên ta vẫn có thể xem những bộ phim tương tự có cùng đề tài, cùng thời đại. It helps a lot, really.
Một tác giả hiện đại là Haruki Murakami sử dụng rất nhiều pop culture reference trong tác phẩm của mình. Ông đặc biệt mê jazz, những cái tên như Ella Fitzgerald, Billie Holiday, Miles Davis thường xuyên xuất hiện trong tiểu thuyết của ông. Tôi không nói cực đoan rằng không nghe jazz thì không dịch nổi Murakami, nhưng tôi tin rằng một người nghe 'Round About Midnight bên ly whisky vào hai giờ sáng sẽ hiểu điều Murakami muốn nói hơn là một người uống chè xanh và nghe Trên đỉnh Trường Sơn ta hát lúc tám giờ tối trên VTV. Nó đơn giản là sự khác biệt về phông văn hóa, và điều này thì không tra cứu nào có thể bù đắp được.
Nói vậy không có nghĩa là hạ thấp vai trò của tra cứu. Ngược lại, khi Internet đem đến cho chúng ta quá nhiều tiện ích, không khai thác hết ưu thế ấy sẽ là tội lỗi.
Intensive reading là cả một vấn đề với học sinh, sinh viên Mỹ. Đọc hiểu những tác phẩm kinh điển chẳng dễ dàng gì, và sẽ thật tiện lợi nếu có ai đó tóm tắt, giải thích cho mình nội dung tác phẩm. Có không ít website đã ra đời với mục đích này, như Sparknotes hay Cliffsnotes. Nhiều tác phẩm kinh điển được phân tích kỹ lưỡng ở đây, và việc của dịch giả sẽ đỡ trắc trở hơn nhiều khi tham khảo những nguồn tư liệu này. Một ví dụ với Great Gatsby. Gần đây tôi phát hiện thêm Genius.com cũng là một trang khá thú vị khi phân tích line-by-line một số tác phẩm lớn. Tuy nhiên, trang này thuộc dạng community-based, nên hãy sử dụng nó một cách thận trọng và đừng xem những gì họ viết ở đó là Kinh Thánh.
Sau các tư liệu miễn phí là tư liệu (thường) phải trả tiền. Tác phẩm lớn và phức tạp như Lolita hay Heart of Darkness thường sẽ tồn tại bản annotated (bình chú), với nhiều kiến giải, chú thích. Phần bình chú tất nhiên là của giới phê bình chuyên nghiệp thực hiện, do vậy độ tin cậy cũng cao hơn nhiều. Bên cạnh đó, các NXB phương Tây còn có loại sách “hướng dẫn đọc tác phẩm,” như kiểu Cambridge Companion to Salman Rushdie. Cao sang hơn là loại sách phê bình nặng ký. Hồi tôi dịch Midnight, phải dựa rất nhiều vào cuốn Self, Nation, Text in Salman Rushdie's "Midnight's Children" của Neil ten Kortenaar mà tôi có cơ duyên mua được từ một hiệu sách cũ trên Swanston Street, Melbourne. Tiếc rằng không có điều kiện viết lời bạt cảm ơn ông ấy cho tử tế. Những sách này thường không bao giờ có sẵn bản text trên mạng vì nhu cầu quá thấp. Muốn đọc thì chỉ có cách mua thôi.
Dài quá rồi, tôi tạm dừng ở đây. Entry sau sẽ nói riêng về Google và Wikipedia.

Monday, May 16, 2016

Craft of Translation 03

1. Đôi khi tôi thấy, dịch giống như phá giải một môn võ công. Triết lý của Phong Thanh Dương là “Vô chiêu thắng hữu chiêu.” Dịch cũng vậy. Nếu quá câu nệ vào cấu trúc, vào câu chữ, vào từ loại, thì sẽ có những lúc không thể hóa giải triệt để được nguyên tác. “Word by word” chính là một biểu hiện lộ liễu của câu nệ, nhưng không phải là biểu hiện duy nhất. Trương Vô Kỵ học Thái cực kiếm, khi kiếm pháp đại thành cũng là lúc quên hết chiêu thức. Muốn dịch tốt, có những lúc cũng phải quên như thế. Quên câu văn gốc là gì, chỉ cần thể hội tinh thần của nó để viết lại thành một câu mới hoàn toàn khác. Chẳng hạn khi một cô gái mắng gã trai là “You pervert!” ta hoàn toàn có thể dịch thành “Phải gió cái nhà anh này!”
2. Nói vậy không có nghĩa là cứ dịch thoáng là hay, và xa rời nguyên tác bao nhiêu cũng được. Đừng nói là dịch thơ, ngay khi dịch văn xuôi, số âm tiết trong một câu nhiều khi cũng mang ý nghĩa sống còn. Một phát ngôn ngắn gọn, quyết tuyệt của nhân vật (ví dụ: “So be it!”) mà câu dịch lại dài ngoẵng thì mất hết ý nghĩa. Nhiều tác giả rất chú trọng cấu trúc, nhịp điệu, tiết tấu, âm vận của câu văn. Bởi vậy, khi dịch, đọc thầm hoặc thậm chí đọc thành tiếng nguyên tác sẽ giúp người dịch phát hiện ra những chỗ dụng tâm tân khổ ấy của người viết, để lưu tâm tái tạo chúng trong bản dịch. Đây lại là lúc cần câu nệ.
3. Một người nói/viết giỏi là người diễn đạt được điều mình muốn nói/viết bằng số đơn vị ngôn ngữ ít nhất. Điều này áp dụng cả với người dịch. Ai từng dịch thơ Đường sẽ thấy rõ điều này. Dịch một bài ngũ ngôn theo nguyên thể khó hơn nhiều dịch thành lục bát (mỗi câu được thêm hai chữ). Một phép thử khá chính xác nếu biên tập viên muốn phỏng đoán chất lượng bản dịch là lấy số chữ ở bản dịch chia cho bản gốc. Dĩ nhiên, tỉ lệ này còn phụ thuộc vào độ khó của cuốn sách. Nếu ngôn ngữ ở bản gốc phức tạp, cầu kỳ, lắt léo, thì con số này sẽ tăng lên. Schindler’s List, theo tôi, có ngôn ngữ khá chính tắc. Do đó tỉ lệ tôi đạt được là 1,15. Hai cuốn sách trước tôi dịch, Inheritance of LossMidnight’s Children phức tạp hơn nhiều, tỉ lệ là 1,27.
4. Có thể sẽ có người hỏi: vậy đâu là cái phần “dôi ra” giữa một bản dịch tốt và một bản dịch chưa tốt. Xin thưa: có hai loại. Ví dụ câu This season the weather is quite unpredictable, một số sẽ dịch là “không thể dự báo” hoặc “không thể đoán trước.” Ai khéo hơn sẽ dịch là “Mùa này thời tiết khó lường/thất thường lắm.”
Loại thứ hai là những chữ có thể lược bỏ nhưng không làm câu văn thay đổi về nghĩa. Ví dụ câu “He is a good man.” Một người mới dịch thường sẽ cho ra đáp án: Anh ấy là một người đàn ông tốt. Không sai, rất đúng, rất kín kẽ. Nhưng Anh ấy là người tốt, há chẳng hay hơn sao? Trong nhiều trường hợp, chúng ta có thể mạnh dạn lược đi những từ kiểu một, những, cái, chiếc, sự… Càng nhiều những chữ này, câu văn nghe càng rườm rà, trúc trắc, thiếu tự nhiên. Và man đôi khi là con người chứ không nhất thiết phải là đàn ông.
Một cuốn sách cỡ vừa có 100.000 chữ, 6000-8000 câu. Chỉ cần mỗi câu dư hai chữ, sẽ có tới 15.000 chữ thừa, tương đương 40 trang. A lot, isn’t it?
5. Nhân nói về chữ thừa, tôi muốn nói luôn về cách tự biên tập khi dịch. Theo tôi, có hai lối dịch chính: dịch kỹ ngay từ đầu, câu nào xong câu ấy, và dịch “nháp” hay dịch “thô” trước, biên tập lại sau. Độ kỹ của lần dịch đầu tiên cũng khác nhau theo từng dịch giả. Có người là 70%, có người là 80% (tôi tạm lượng hóa bằng một con số để bạn đọc dễ hình dung).
Tôi thuộc trường phái thứ nhất – đã dịch là phải xong và ưng ý mới chuyển sang câu mới, đoạn mới, và độ “tự bằng lòng” khi hoàn thành bản dịch phải là 90, 95%. Mỗi câu văn tôi dịch đều qua ba công đoạn: (i) cho ra version đầu tiên; (ii) đọc lại và thay thế một số từ ngữ ưng ý hơn, đôi khi chưa bằng lòng với cấu trúc tôi thay hẳn bằng một câu mới; (iii) lược bỏ những chữ thừa. Công đoạn (ii) và (iii) có thể diễn ra đồng thời.
Sau khi biên tập viên đọc bông một và trả lại bản thảo, tôi sẽ đọc lại một lượt, sửa những chỗ biên tập góp ý nếu đúng và phản hồi những chỗ tôi bảo lưu quan điểm, để có một bản thảo hoàn thiện để gửi đến nhà in.
Thế nào là một bản dịch hoàn thiện (trong mắt dịch giả) là chuyện rất khó nói. Hôm nay ta thấy thế là hoàn thiện, nhưng vài tháng sau, sẽ có những chỗ trong bản dịch cũ ta thấy không ưng ý, muốn dịch khác đi. Nếu ta có sửa thì vài tháng nữa ta sẽ lại muốn thay đổi. Sở dĩ như vậy bởi ta của ngày mai đã là một ta khác, có nhân sinh quan khác, sở kiến khác, cảm xúc khác, nói gì đến ta của mấy tháng sau. Cứ dằn vặt như thế thì cả đời cũng không dịch xong nổi một cuốn sách. Cho nên dịch tốt tuy khó, nhưng với những người có tật perfectionist, biết bằng lòng với bản thân, biết thế nào là đủ tốt để dừng lại cũng là chuyện chẳng dễ dàng gì.
Nếu định theo cách thứ hai (dịch thô trước, biên tập sau), tôi cho rằng tối đa chỉ có thể làm theo chương (mỗi chương 10-20 trang), chứ không thể dịch thô cả quyển rồi mới biên tập lại. Có hai lý do. Thứ nhất, hết một chương, cảm xúc và ký ức của người dịch với văn bản vẫn còn sống động, tươi mới, dễ dàng chìm vào văn bản để có những điều chỉnh phù hợp. Đợi hết quyển, tâm trạng đã nguội lạnh và mạch tư duy đã bị gián đoạn. Thứ hai, không mấy ai đủ kiên nhẫn rà soát và tỉ mẩn chỉnh sửa từng câu suốt vài trăm trang. Văn của mình thì kiểu gì mình cũng sẽ thấy trôi, thấy mượt, sẽ dễ dàng lướt nhanh và bỏ qua sai sót.

Saturday, May 14, 2016

Craft of Translation 00

Đã tròn một năm tôi không viết thêm gì cho blog này. Mỗi lần nghĩ đến là lại một lần áy náy. Hôm nay dịch xong Schindler’s List, thôi thì trở lại với đề tài ấp ủ bấy lâu – Craft of Translation.
Bài này lẽ ra phải có đầu tiên, bây giờ mới viết âu cũng là hơi muộn.
1. Ngày nay, tìm bản text tiếng Anh của một cuốn tiểu thuyết không có gì là khó khăn, dù là sách kinh điển hay best seller. Cách dịch tốt nhất, theo tôi, là dịch đè lên bản text gốc, theo kiểu cuốn chiếu, xong và ưng ý đến đâu thì xóa bản gốc đi đến đấy. Lý do:
(i) Khi đặt bản gốc và bản dịch chung một chỗ, dưới thị tuyến của người dịch, ta dễ dàng so sánh, đối chiếu hơn. Ta không cần liên tục di chuyển ánh mắt từ sách lên màn hình và ngược lại. Điều này giúp hạn chế sai sót, duy trì sức bền của não và mắt, giúp làm việc lâu và hiệu quả hơn. Thời dịch Inheritance of Loss, khi chưa tìm được bản text, tôi phải dùng máy ảnh chụp từng trang, sau đó mở hai cửa sổ cạnh nhau trên máy tính để dịch cho tiện.
(ii) Với cách làm này, ta không tạo ra một văn bản mới song song với nguyên tác, mà thay thế dần nguyên tác bằng bản dịch. Như vậy, tại bất kỳ thời điểm nào, văn bản trên Word, qua góc nhìn song ngữ của người dịch, luôn là một thể thống nhất, thuận tiện cho việc xem xét ngữ cảnh của văn bản.
(iii) Dùng bản text rất tiện tra cứu. Với những phần mềm như Babylon (tôi sẽ nói kỹ bên dưới), người dịch không cần gõ lại một từ, mà chỉ cần click chuột là đã tra được ngay từ đó.
(iv) Thay vì gõ lại tên riêng nhân vật, địa danh, tôi thường copy and paste để đảm bảo chính xác tuyệt đối. Những cái tên như Leopold Pfefferberg, chỉ cần sơ ý là sẽ gõ sai. Copy and paste vừa nhanh vừa lành. Có người sẽ nghĩ làm gì mà nhiêu khê thế? Xin thưa: sự chuyên nghiệp bắt đầu từ cái nhỏ nhất. Cái tên nhân vật anh còn sai thì không ai đảm bảo được anh  dịch đúng – đó là suy nghĩ của độc giả nếu bắt gặp lỗi chính tả ngay những trang đầu cuốn sách.
2. Trước khi ra trận, điều đầu tiên ta cần chuẩn bị là vũ khí. Đối với một người dịch, vũ khí chính là từ điển.
(i) Điều này có lẽ nhiều người đã biết, nhưng tôi thấy vẫn cần nhắc lại: đừng bao giờ lấy Anh-Việt làm từ điển chính khi dịch. Không từ điển Anh-Việt nào giải thích đầy đủ, chi tiết, chính xác bằng những từ điển Anh-Anh uy tín. Đã không ít lần tôi thấy từ điển Anh-Việt sót hẳn một vài nghĩa so với từ điển Anh-Anh, và oái oăm thay chính cái nghĩa bị thiếu lại được sử dụng trong bản gốc.
Đấy là chưa kể, từ điển Anh-Việt sẽ đóng khung lựa chọn của dịch giả vào những từ hay cách giải nghĩa có sẵn. Từ điển Anh-Anh chỉ giải thích, nhiệm vụ của người dịch là múc não để tìm ra cách dịch tối ưu.
Vậy thì từ điển Anh-Anh nào đáng tin cậy? Trả lời: còn tùy bản gốc. Nếu tác giả người Anh hoặc Ấn Độ, nên dùng từ điển Anh như Oxford, Collins. Nếu là văn của Mỹ hoặc Canada, nên dùng từ điển Mỹ như Merriam-Webster, American Heritage. Với tác giả Úc (như Thomas Keneally) có vẻ cả hai loại đều dùng được. Trong bốn cuốn tôi đã dịch đến thời điểm này, có ba cuốn Ấn Độ và một cuốn Úc, bởi vậy tôi không có nhiều kinh nghiệm về từ điển Mỹ. Ưu điểm của từng từ điển được phân tích khá kỹ trên mạng, ai quan tâm có thể tìm đọc thêm.
(ii) Sau từ điển Anh-Anh, ta vẫn cần từ điển Anh-Việt. Vì trong 70% tình huống, cách giải nghĩa của từ điển Anh-Việt vẫn hữu ích và khả dụng. Nhiều khi đọc giải thích của từ điển Anh-Anh xong, nghĩ mãi chưa ra giải pháp, thuận tay giở từ điển Anh Việt lại bắt gặp một đáp án tốt.
(iii) Thứ ba, ta cần từ điển Hán-Việt và từ điển tiếng Việt. Có người sẽ hỏi: dịch Anh-Việt thì cần từ điển Hán-Việt làm gì? Xin thưa: 70% từ vựng tiếng Việt là gốc Hán. Từ Hán Việt thường ngắn gọn, súc tích, nội hàm bao quát hơn từ thuần Việt. Trong nhiều trường hợp, từ Hán Việt sẽ là đáp án tối ưu cho một khái niệm dài, phức tạp, khó diễn dịch của bản gốc. Tôi thường dùng Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh và Việt Nam tự điển của Khai trí tiến đức. Những từ điển này ra đời đã lâu nhưng vẫn đứng đầu bảng về tính chính xác, độ uyên bác và uy tín. Đây đồng thời cũng là những từ điển tiếng Việt rất tốt. Tuy nhiên do ra đời đã lâu, từ vựng trong hai cuốn này tương đối cổ. Cập nhật và hiện đại có Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ, Hoàng Phê chủ biên, được Viện Ngôn ngữ học tái bản nhiều lần (bản tôi có in năm 2006). Ngoài ra còn có Đại từ điển tiếng Việt của Nguyễn Như Ý, nhưng tôi chưa sử dụng quyển này bao giờ nên không rõ chất lượng ra sao.
(iv) Từ điển cuối cùng tôi gợi ý là từ điển Anh-Trung. This must be the biggest “Why?” Như đã nói, có 70% tiếng Việt là từ Hán Việt. Bởi vậy, khá nhiều từ trong tiếng Trung sẽ “dùng được” trong bản dịch tiếng Việt. Ngoài ra, trong lịch sử, mức độ phơi nhiễm của Trung Quốc với văn hóa phương Tây mạnh hơn Việt Nam. Bởi vậy có nhiều từ tiếng Anh chưa có cách dịch sang tiếng Việt, hoặc cách dịch chưa chuẩn. Nếu may mắn, ta sẽ tìm thấy khái niệm đó đã được dịch sang tiếng Trung.
Tra được kết quả tiếng Trung rồi thì sao? Bạn không cần biết Trung văn, chỉ cần có phần mềm hoặc trang web convert từ tiếng Trung sang âm Hán Việt là đủ. Một trong những khó khăn thường gặp là dịch tên thực vật tiếng Anh sang tiếng Việt. Nhiều cây ôn đới ở ta không có và do vậy sẽ không có sẵn từ trong tiếng Việt. Ví dụ anemone, một số từ điển dịch là cỏ chân ngỗng. Nghe không thơ mộng chút nào! Tra tiếng Trung sẽ ra kết quả là 銀蓮花, 秋牡丹. Copy vào trang web convert ta sẽ có kết quả là ngân liên hoa/thu mẫu đơn. Hai cái tên đều đẹp và dùng được.
(v) Phần mềm từ điển: Việc tìm kiếm và sử dụng bản text tiếng Anh sẽ không còn nhiều ý nghĩa nếu không có phần mềm từ điển hỗ trợ. Từ lâu tôi sử dụng Babylon, đơn giản, hiệu quả. Tính năng nổi bật nhất là one-click lookup. Click bất kỳ chữ nào trong văn bản, Babylon sẽ giải nghĩa ngay bên cạnh. Babylon hỗ trợ nhiều từ điển đa ngôn ngữ, bộ dữ liệu premium gồm tất cả các từ điển uy tín đã liệt kê bên trên (favourite của tôi là Concise Oxford English Dictionary - từ điển chính thức của Liên Hợp quốc). Cùng lúc có thể tra cả Anh-Anh, Anh-Việt và Anh-Trung.
Sau từ điển thì đến thế giới bát ngát của Internet, Google, Wikipedia. Tuy nhiên kỹ năng tra cứu tư liệu mạng thì phải dành riêng một entry mới đủ. Nên xin tạm dừng lại ở đây.