Saturday, April 18, 2009

Túy sinh mộng tử


Từ lâu, “toàn sao” đã trở thành công thức quen thuộc để đảm bảo sự thành công về thương mại cho một bộ phim: Love Actually hay Ocean’s Eleven. Và gần đây nhất, Xích Bích. Tầm tầm về chất lượng, nhưng dư sức khiến khán giả choáng ngợp và no nê thỏa mãn với một bữa đại tiệc nhìn-ngắm-thần-tượng, đó là tất cả những gì những bộ phim “toàn sao” thường mang lại.

Phim của Vương Gia Vệ là ngoại lệ.

Đông Tà Tây Độc, lại là ngoại lệ trong ngoại lệ.

Lần tái xuất này của Đông Tà Tây Độc, mười lăm năm sau ngày bộ phim ra đời, sáu năm sau ngày mất của Trương Quốc Vinh, một lần nữa khẳng định điều đó.

Trên danh nghĩa, Đông Tà Tây Độc là sự tái hiện tác phẩm võ hiệp nổi tiếng của Kim Dung, Xạ điêu anh hùng truyện, lên màn bạc. Trên thực tế, những gì Vương Gia Vệ giữ lại chỉ là tên tuổi và danh hiệu của từng nhân vật. Câu chuyện của Đông Tà Tây Độc là một câu chuyện không bao giờ cũ mà người đạo diễn đeo kính đen lừng danh của điện ảnh Hong Kong sẽ còn kể mãi, sau hai thập kỷ theo nghề và sau chín bộ phim: câu chuyện của ký ức, của quá khứ, của hoài niệm, của nỗi khắc khoải vì rất nhớ và niềm tuyệt vọng khi chẳng thể nào quên, cho dù đã cạn hết một vò Túy sinh mộng tử.

Câu chuyện xảy ra khi Hoàng Dược Sư (Lương Gia Huy) chưa là Đông Tà, Âu Dương Phong (Trương Quốc Vinh) chưa thành Tây Độc, Hồng Thất Công (Trương Học Hữu) vẫn còn đủ mười ngón tay, và Độc Cô Cầu Bại (Lâm Thanh Hà) chưa nổi danh khắp giang hồ. Lấy Âu Dương Phong làm trung tâm, câu chuyện xoay quanh những tao ngộ của gã môi giới sát thủ ở vùng quan ngoại này với những con người khác nhau tìm tới gã: khách hàng có, bằng hữu có, và sát thủ làm thuê cũng có. Mỗi cuộc gặp gỡ lại khơi dậy một chút quá khứ đã ngủ yên trong lòng gã, thôi thúc gã một ngày kia trở lại Bạch Đà sơn, để rồi trở thành bá chủ võ lâm một miền Tây Vực.

Mặc dù rất xa rời nguyên tác của Kim Dung, nhưng có những giây phút Đông Tà Tây Độc lại mang đến cho người xem cái cảm giác đây mới là con người thực của Âu Dương Phong và Hoàng Dược Sư. Những con sóng bạc và những đóa hoa đào, phải chăng là nỗi ám ảnh khởi phát từ hai câu thơ ở Thí Kiếm đình, đảo Đào Hoa: Hoa đào bóng rụng phi thần kiếm, biển biếc triều dâng trỗi ngọc tiêu. Vương có lẽ cũng là người mê kiếm hiệp, theo cách của riêng ông, và bởi thế đã hiểu và diễn dịch lại nó trên góc nhìn của riêng ông, nghĩa là qua một cốt truyện hoàn toàn mới mẻ.

Cốt truyện của Đông Tà Tây Độc Redux hầu như không thay đổi so với bản gốc 1994, ngoại trừ một số cảnh giao đấu đã được cắt bỏ, có thể vì bản gốc bị hư hại, mà cũng có thể vì Vương chủ ý. Dù sao đi nữa, nó cũng khẳng định một điều: bất chấp cái tên kiếm hiệp, bất chấp những nhân vật kiếm hiệp, Đông Tà Tây Độc chưa bao giờ là một bộ phim kiếm hiệp. Kiếm hiệp, cũng như Hong Kong thập niên 60, nước Mỹ thời hiện đại, hay thế giới giả tưởng năm 2046, tất cả đều chỉ là cái nền cho câu chuyện về ký ức của ông mà thôi.

Lần này, câu chuyện được kể lại qua góc máy đẹp đến ngỡ ngàng của Christo-pher Doyle. Tên tuổi tay máy người Anh đã gắn liền với Vương qua rất nhiều tác phẩm, nhưng có lẽ Đông Tà Tây Độc là dịp để cả hai thả sức tung hoành với những thể nghiệm của mình: Vương phá bỏ mọi hạn chế của chuyển thể kịch bản và tạo ra một cốt truyện hoàn toàn mới, ước lệ, phi thực, và mơ hồ tới mức dường như lỏng lẻo; còn Doyle phô diễn những góc quay cận cảnh mướt mát, cách bài trí ánh sáng đầy biến ảo, với những khung hình chỉ có thể miêu tả bằng hai chữ “thấm đẫm” sắc màu. Sự cách điệu và phá cách không hạn chế của cả kịch bản và quay phim chính là lý do khiến Đông Tà Tây Độc khó xem với đa số khán giả khi nó ra đời năm 1994; và tới nay nó vẫn được coi là bộ phim không được đánh giá đúng nhất của Vương.

Nếu những thay đổi về hình ảnh của bản Redux so với bản 1994 dừng lại ở chỗ màu sắc nồng hơn, đậm hơn, lấy sắc vàng sa mạc là chủ đạo, khiến cảnh vật đôi khi như tranh hơn là phim (!), thì phần nhạc của Redux đã thay đổi gần như hoàn toàn. Soundtrack cũ chủ yếu là nhạc điện tử, mang lại cho phim một âm hưởng lạ lẫm rất avant-garde, đặc biệt phù hợp với không gian nặng tính biểu tượng của phim. Bản Redux sử dụng lại một số giai điệu cũ, song được Ngô Đồng phối lại cho dàn nhạc giao hưởng, kết hợp với nhiều đoạn solo của Yo-Yo Ma, tuy dễ nghe hơn, nhưng lại ít nhiều tước đi cái độc đáo toàn diện của bộ phim khi mới ra đời.

Có câu “dưới tay tướng giỏi không có quân hèn,” và quả thực dưới tay Vương lần này có thể nói chỉ toàn cao thủ. Tuy nhiên với một kết cấu và phong cách kiểu Đông Tà Tây Độc thì có lẽ ngoại trừ Trương Quốc Vinh, nhân vật chính và đồng thời là người dẫn chuyện, các diễn viên khác không có đất (mà cũng không cần đất, khi một phần không nhỏ cái hay của phim nằm ngoài diễn xuất) để thể hiện nhiều. Dĩ nhiên không thể phủ nhận Lâm Thanh Hà là lựa chọn chính xác nhất cho Mộ Dung Yên/Yến, bởi ngoài cô ra khó ai có thể đóng một vai phản xuyến (nữ cải nam trang) ngọt ngào và tà dị đến thế. Cái phong lưu của Lương Gia Huy, nét nội tâm ở Lương Triều Vỹ, và gương mặt hài hước của Trương Học Hữu rất hợp với vai diễn của họ, và bởi thế cho nên lại không đòi hỏi cả ba phải nỗ lực quá nhiều để đóng tròn vai. Về Dương Thái Ni và Lưu Gia Linh, ngoài cảm giác thú vị khi được nhìn lại gương mặt hai mỹ nhân của điện ảnh Hong Kong ở thời hoàng kim, thì không có gì nhiều hơn để nói.

Khi được hỏi tại sao ông lại thực hiện bản Redux của Đông Tà Tây Độc, Vương Gia Vệ nói ông làm điều đó để tưởng nhớ Trương Quốc Vinh, và vì bộ phim “cũng giống một chai vang, cần thời gian để thở; có lẽ nó thuộc về hiện tại, thay vì 14 năm về trước.” Nhưng trong thâm tâm, Vương hẳn cũng không thực sự tin vào điều đó. Bởi cũng như ông đã và sẽ luôn đứng một mình giữa dòng chảy của điện ảnh Hong Kong, Đông Tà Tây Độc đã và sẽ luôn đứng một mình trong dòng phim kiếm hiệp. Hai con người góp phần lớn nhất tạo ra nó, người chết nay đã đi vào cõi mộng, còn người sống vẫn đam mê với cơn say ký ức kéo dài suốt bấy nhiêu năm.