Monday, December 1, 2008

Những ngày hội điện ảnh

Mỗi năm có hàng trăm liên hoan phim (LHP) đều đặn diễn ra ở khắp nơi trên thế giới. Lớn có, nhỏ cũng có. Đình đám như Cannes. Hoa lệ như Venice. Thầm lặng như Pordenone. Náo nhiệt như Sundance. Mỗi liên hoan phim đều mang trong mình một sắc màu riêng, từ nghệ thuật, thương mại, cho đến chính trị, nhưng tất cả đã hòa quyện vào nhau để trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống điện ảnh toàn cầu.

Trăm hoa đua nở

Khi mới ra đời, điện ảnh chỉ được coi là một hình thức giải trí không hơn không kém. Nhiều bộ phim sau khi hết thời gian trình chiếu không được lưu giữ mà bị đem đốt để tái sử dụng hàm lượng bạc chứa trong phim (thời đó vẫn dùng phim nitrate rất dễ bắt cháy – một chi tiết rất đáng nhớ trong bộ phim Nuovo Cinema Paradiso). Khi nhắc tới con đường trở thành một bộ môn nghệ thuật của điện ảnh, không thể không nhắc đến Iris Barry, người quản lý Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại ở New York từ 1935. Tin rằng điện ảnh xứng đáng được tôn vinh với tư cách một loại hình nghệ thuật, bà đã đấu tranh để xây dựng một thư viện phim trong bảo tàng, và bắt đầu trình chiếu cho sinh viên và công chúng. Chính điều này đã đặt nền móng cho việc tôn vinh và quảng bá điện ảnh trên đất Mỹ. Trong khi đó, tại châu Âu, liên hoan phim đầu tiên trên thế giới cũng ra đời ở Venice năm 1932. Sau Venice, đến lượt Cannes (1939), cả hai đã khởi đầu cho làn sóng những lễ hội điện ảnh khắp châu Âu trong những thập niên 40 và 50. Sau tám thập kỷ, con số LHP được tổ chức hàng năm trên thế giới ngày nay đã lên tới hơn 1000 (thống kê của British Film).

Cùng với sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng, LHP ngày một trở nên đa dạng cả về quy mô, hình thức và thể loại. Bên cạnh những LHP tầm cỡ thế giới như Cannes là những LHP ở tầm vóc khu vực, và một trong số đó là LHP Châu Á – Thái Bình Dương khá quen thuộc với khán giả nước ta nhờ có một số phim đã tham gia và đoạt giải như Mùa len trâu (2005) và Chuyện của Pao (2006). Có LHP dành cho một thể loại phim (genre) riêng như Pordenone cho phim câm, Annecy cho hoạt hình, Terror Film Fest cho phim kinh dị. Riêng mảng phim độc lập có rất nhiều sự kiện lớn nhỏ khác nhau, trong đó đáng chú ý nhất là LHP Sundance ở Mỹ. Ngoài ra còn có LHP dành cho một số đối tượng nhất định, như LHP của người đồng giới, được tổ chức tại khá nhiều thành phố. Sở dĩ có sự bùng nổ ấy, là vì những người điện ảnh luôn khát khao được khán giả thừa nhận, và khán giả thì luôn mong muốn thưởng thức những điều mới mẻ nền điện ảnh “công nghiệp” Hollywood không thể nào mang lại.

Trong hơn 1000 LHP ấy, con số LHP tầm cỡ chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay. Danh sách LHP hạng A của FIAPF (Hiệp hội các Nhà sản xuất phim quốc tế) tới nay vẫn chỉ dừng lại ở con số 12, và cũng chỉ ba cái tên trong số đó là thực sự quen thuộc với khán giả: Cannes, Venice, Berlin. Các LHP khác như Thượng  Hải hay Montreal mặc dù đều được xếp hạng A, nhưng xét về “danh vọng” thì vẫn không thể nào sánh bằng “ba ông lớn” kia của châu Âu. Điện ảnh Việt Nam thời gian qua đã gửi phim dự không ít liên hoan và cũng đoạt không ít giải thưởng, nhưng mới chỉ dừng lại ở những LHP khu vực, còn những LHP ở đẳng cấp cao như Cannes hay Venice thì vẫn nằm ngoài tầm với của chúng ta. Báo chí nước ta thường mải mê tung hô những bộ phim đoạt giải mà quên không tìm hiểu uy tín của LHP cũng như giá trị của giải thưởng, mà đôi khi chỉ là một giải phụ không thuộc những hạng mục tranh giải chính thức của LHP.

Nghệ thuật – ngày hội và phiên chợ

Khi mới ra đời, Venice và Cannes đều coi việc thưởng thức, quảng bá và tôn vinh môn nghệ thuật thứ bảy là tôn chỉ; truyền thống ấy vẫn tiếp tục được duy trì cho đến ngày nay, thể hiện qua những giải thưởng cao quý đi cùng với nó. Được tôn vinh ở Cannes, ở Berlin, hay Venice là vinh quang đối với mỗi bộ phim, là sự ghi nhận tài năng và cống hiến đối với những người làm điện ảnh. Nhưng giá trị của LHP không chỉ dừng lại ở đó. Với khán giả, mỗi LHP lại là một ngày hội, đem lại những tác phẩm xuất sắc, những tư tưởng mới lạ, những góc nhìn độc đáo. Ở các nước phát triển, khán giả đặc biệt coi trọng các LHP quốc tế, vì đây không chỉ là dịp để thưởng thức những bộ phim hay mà còn là cơ hội tiếp xúc với những nền điện ảnh còn xa lạ. Ngược lại, với người làm nghệ thuật, LHP quốc tế là cánh cửa đưa tác phẩm của họ nói riêng và điện ảnh nước nhà nói chung vượt khỏi biên giới quốc gia, vươn ra thế giới. Đó là cơ hội quý giá với những nền điện ảnh nhỏ, ít tiếng tăm. Sau một thời gian dài đóng cửa với bên ngoài, thành công liên tiếp của các đạo diễn của thế hệ thứ năm như Trương Nghệ Mưu và Trần Khải Ca tại các LHP lớn đã góp phần khẳng định vững chắc vị thế của điện ảnh Trung Quốc trong làng điện ảnh thế giới. Tương tự như vậy, điện ảnh Iran nhiều năm qua đã khiến người ta phải ngả mũ kính phục với những tác phẩm xuất sắc như Children of Heaven (giành đề cử Oscar), Taste of Cherry (Cành cọ vàng) hay The wind will carry us (Sư tử bạc).

Tuy nhiên không phải chỉ những LHP đình đám như Cannes mới là quan trọng.  Nhiều đạo diễn, diễn viên tên tuổi từng tham dự những LHP ít tiếng tăm hơn, và đó là bệ phóng đưa họ đến với thành công. Năm 1996, một đạo diễn trẻ bỏ 6000$ tiền túi quay bộ phim đầu tay, Following, và ngay lập tức gây tiếng vang tại LHP San Francisco, thu hút sự chú ý của một studio. Anh được mời ký hợp đồng thực hiện một dự án lớn hơn. Bộ phim thứ hai này lập tức giành đề cử Oscar cho kịch bản xuất sắc nhất. Chàng trai 26 tuổi ấy bây giờ là Christopher Nolan, cha đẻ của Dark Knight, bộ phim bom tấn thu về 800 triệu dollar mùa hè năm nay.

Trong một vài thập niên gần đây, làm phim không còn là một chuyện xa vời, độc quyền của các studio lớn nữa. Ngày nay, đạo diễn có thể cho ra đời một bộ phim hay dù chỉ bằng một nguồn kinh phí cực kỳ khiêm tốn. Đây chính là tiền đề cho sự bùng nổ của điện ảnh độc lập (independent film, hay indie), mà Following của Nolan là một ví dụ điển hình. Và đối với điện ảnh độc lập thì LHP phim chính là đích đến đầu tiên. Có nhiều lý do khiến những người làm phim độc lập coi trọng các LHP, dù ở quy mô nhỏ. Thứ nhất, những LHP như Sundance là một sân chơi lớn, và đôi khi là duy nhất của họ. Lý do thứ hai, cũng là lý do quan trọng nhất: những LHP như thế là cánh cửa đưa họ đến với khán giả, không chỉ khán giả dự LHP, mà là khán giả toàn cầu. Nhiều năm trở lại đây những LHP như Sundance đã thành đích đến của các nhà phân phối. Có thể nói, nhà làm phim là một người thợ thủ công, còn LHP là phiên chợ nơi họ rao bán sản phẩm của mình. Đại diện của các hãng phân phối luôn có mặt, xem phim, quan sát phản ứng của khán giả, đánh giá triển vọng của từng bộ phim, khả năng của từng đạo diễn, và cân nhắc có nên mua phim đó để phát hành không. Một đạo diễn phim độc lập từng nói: “Đem phim đi dự liên hoan để làm gì nếu không được chọn và trình chiếu cho cả thế giới xem?”

Tuy nhiên, chính sự xuất hiện của những “kẻ săn phim” như thế đã khiến những LHP lớn càng ngày càng bị thương mại hóa, và Sundance là minh chứng rõ nét nhất cho điều này. Ra đời năm 1978, và phát triển không ngừng suốt hai thập kỷ qua, Sundance trở thành LHP độc lập lớn nhất nước Mỹ, và bởi vậy cũng là một trong những LHP có uy tín và tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới.

Năm 1985 Sundance có khoảng 200 phim đăng ký. Đến năm 2000, con số này đã lên tới hơn 900, và chỉ 16 trong số đó được chọn tranh giải (và bộ phim duy nhất từng giành cả giải ban giám khảo lẫn giải khán giả chính là Three Season của đạo diễn Việt kiều Tony Bùi). Park City, thị trấn tổ chức LHP chỉ có khoảng 6000 dân, nhưng số người tới dự LHP hàng năm thì lên tới 20.000. Đây là nơi không ít đạo diễn tên tuổi của điện ảnh Mỹ đã thành danh, trong đó có Quentin Tarantino và Steven Soderbergh. Không ít bộ phim đã nhờ Sundance mà trở nên nổi tiếng như The Blair Witch Project, Reservoir Dogs, và gần đây nhất là Little Miss Sunshine. Mặc dù vẫn là một “sân chơi lớn” của các nhà làm phim độc lập, song Sundance cũng đã biến thành một “phiên chợ lớn” của các nhà phân phối, trái với mong ước của Robert Redford, người sáng lập, là “tạo lập một thế giới riêng cho đạo diễn, biên kịch, diễn viên có thể rũ bỏ mọi áp lực thương mại để tự do tìm tòi khám phá.” Những cuộc đấu khốc liệt nhất ở Sundance thường không phải là cuộc đấu của nghệ thuật trên màn ảnh, mà lại là cuộc chiến giành quyền phân phối những bộ phim có khả năng thành công về thương mại. Và vì phim độc lập có kinh phí rất thấp so với phim Hollywood chính thống, nếu nó thành công tỉ suất lợi nhuận sẽ cao hơn nhiều – điều ấy khiến cuộc chiến này càng thêm dữ dội.

Bên cạnh tình trạng thương mại hóa, các LHP lớn ngày càng trở thành tâm điểm chú ý của giới truyền thông. Ngay lần tổ chức đầu tiên, LHP Venice đã có Clark Gable và Greta Garbo tới dự. Có thể nói, từ buổi sơ khai ấy, sự hiện diện của các diễn viên lộng lẫy trên thảm đỏ đã là một điều tất yếu ở LHP. Sự tụ hội của hàng trăm ngôi sao từ khắp nơi trên thế giới đã biến những LHP lớn thành miếng mồi ngon cho báo chí, đặc biệt là báo chí lá cải. Người ta nói về scandal Marceau tuột áo ở Cannes, về chuyện Brad Pitt gặp lại Jennifer Aniston ở Venice nhiều hơn là về điện ảnh, và điều đó đang hạ thấp giá trị của những LHP trong mắt người yêu điện ảnh. “Cannes là một sự kết hợp kỳ lạ giữa nghệ thuật điện ảnh và đánh đĩ điện ảnh,” một nhà phê bình đã chua chát thốt lên như thế.

Nhưng điều đáng ngạc nhiên là mặc dù bị thương mại hóa và truyền thông hóa đến tận cùng, Cannes, Venice và Sundance vẫn luôn luôn dành vinh quang cho những người xứng đáng. Những bộ phim được tôn vinh vẫn là đại diện cho cái đẹp, cho nghệ thuật đích thực, hay nói như một nhà phê bình khác: “Cannes đã tự mình tìm được cách cân bằng giữa sự công minh của nghệ thuật và sự điên rồ của thương mại và báo chí.”

Có lẽ vì những liên hoan phim, dù có xảy ra điều gì đi nữa, vẫn luôn là nơi hội tụ của những người làm phim, những người yêu phim, vẫn là nơi họ khát khao chia sẻ cho nhau tình yêu ấy.

Bài đăng trên 2! Đẹp, số tháng 10/2008

Friday, June 6, 2008

Nãi cảm dữ quân tuyệt


Hồi chưa về nhà nghỉ hè, nghe nói ba đại đầu quỷ của điện ảnh Hong Kong là Tsui Hark (Từ Khắc), Ringo Lam (Lâm Lãnh Đông) và Johnnie To (Đỗ Kỳ Phong) đồng đạo diễn một phim, đã thấy trong lòng sôi lên sùng sục. May sao khi về thì vừa đúng lúc ra đĩa, bèn háo hức ngồi xem. Phim hay, ít ra là hay với real Hong Kong fans.

Trong phim, ba nhân vật chính tìm thấy một cỗ quan tài. Trong cỗ quan tài có một bộ hài cốt. Bộ hài cốt mặc một tấm áo kết bằng vàng lá, tính ra có niên đại từ đời Đường. Người ta bảo, tấm kim y kiểu ấy chỉ để mặc cho người mình yêu thương nhất. Trên tấm áo có một bài ca, tôi tra ra thì là nhạc phủ đời Hán. Ngắn thôi, nhưng mà đáng nhớ.

Sơn vô lăng
Giang thủy vị kiệt
Đông lôi chấn chấn hạ vũ tuyết
Thiên địa hợp
Nãi cảm dữ quân tuyệt.

Bao giờ
sông cạn núi mòn
Mùa đông sấm dậy hạ còn tuyết thôi
Bao giờ
trời đất hợp rồi
Thì ta mới chịu cùng người biệt ly.

Tuesday, April 29, 2008

Lan man Melbourne #10


Ở Melb gần một năm nay, tôi rất thường dậy muộn. Sớm cũng phải chín giờ, bình thường thì mười giờ; có khi một hai giờ chiều vẫn còn chưa tỉnh hẳn. Ngủ cho đã đời, ấy là một chuyện khoái ý vô cùng, mà hình như trừ cái thời đi học (chiều) ra, chẳng mấy khi con người ta có được.

Có điều với tôi thế vẫn là chưa đủ. Dù căn phòng của tôi chẳng giống con thuyền hoa của Ngư Huyền Cơ ngày xưa là mấy tí, nhưng cái uể oải lười biếng của hai chúng tôi, tưởng khác đời mà lại chung một dạ. Vừa ngủ dậy đã thấy thòm thèm. Thèm xem phim. Như Huệ Lan năm nào xuôi dòng mơ hóa bướm. Họa khả xuân miên triêu vị túc, mộng vi hồ điệp dã tầm hoa. Cái entry này, chính ra nên viết ngay hôm xem The Diving Bell and the Butterfly về mới phải.

Có người hỏi tôi, anh hay đi xem rạp một mình lắm hả? A surprise it is, to that person. Tuần hai lần. Ba lần. Lắm khi hơn. All alone, none with company. Từ hồi sang đây, mỗi lần nghĩ đến xem phim, trong đầu chỉ có hai câu hỏi. When and which one. Never yes or no. Never with whom.

Melb hôm nay rét buốt da, mây nhiều mà nắng ít, làm tôi hồi tưởng những ngày mới đến. Ở một mình, nói cho cùng, thì ra là rất dễ. Sống một mình, mới thực sự là chuyện khó. Living alone is easy. Living your life alone, is not.

Xem phim cũng vậy thôi. Not an easy thing to do alone. Just can’t help myself doing that, again and again. Cái lần David Stratton đến nói chuyện ở Nova, tôi ngồi cạnh một bà cụ bảy mươi. We had a little chat. Thôi thì đủ thứ trên trời dưới biển. Về Toni Collette mà tôi thấy xứng đáng đại diện cho điện ảnh Úc. Về Fargo mà cụ đánh giá là “the best of Coens”. Cái hôm xem Gone baby gone, cả rạp ra về chỉ còn một đôi vợ chồng già và tôi là ở lại, ngồi cho hết những dòng credit cuối cùng để, như ông lão nói, “show respect to the makers of such a fine movie.” Và hôm nay, The Edge of Heaven. Khi Nejat nói “He said he would even make God his enemy, just to protect me,” cũng là lúc tôi cảm thấy người phụ nữ ngồi cạnh mình đang khóc. I have company.

Thẻ hội viên Nova của tôi hai tháng nữa là hết hạn. 13$ for single. 25$ for double. Giá như cụ bà bảy mươi sành điệu nọ lại là một cô bé mười bảy có đôi mắt lúng liếng thì hay quá. Chỉ hận là không phải. Đời chẳng phải lúc nào cũng hoàn mỹ. I’ll renew it, anyway.