Friday, March 15, 2013

Perks of Being a Wallflower

Nếu có một bộ phim bị đối xử một cách bất công nhất trong mùa Oscar năm nay, thì đó phải là, và chỉ có thể là, “Perks of Being A Wallflower”. Đã rất lâu rồi kể từ “Juno”, Hollywood mới cho ra đời một bộ phim tuổi teen đắng cay mà ngọt ngào đến thế, khiến người trẻ đồng cảm còn người già thì bồi hồi nhớ lại tuổi hoa niên. Vậy mà tất cả những gì “Perks” nhận được chỉ là vài giải “an ủi” của các hiệp hội phê bình cấp thành phố, mọc lên như nấm sau mưa ở Mỹ. Người duy nhất có thể trả lại sự công bằng cho bộ phim chính là khán giả và họ đã làm điều đó. “Perks” đạt điểm trung bình 4.3/5 của Rotten Tomatoes và lọt vào Top 250 phim hay nhất của IMDB tính đến thời điểm này – điều không nhiều bộ phim được đề cử Oscar năm nay làm được.

Vì sao câu chuyện về tình bạn giữa Charlie (Logan Lerman), một nam sinh trung học năm nhất tính tình nhút nhát với cô nữ sinh nổi loạn Sam (Emma Watson) và anh bạn đồng tính Patrick (Ezra Miller) lại chiếm được nhiều cảm tình của người xem đến thế? Đơn giản thôi: “Perks” là cuốn nhật ký ngập tràn thứ cảm xúc chân thật và trong vắt như pha lê của một cậu trai mới lớn mà bất kỳ độc giả nào cũng sẽ tìm thấy một phần của mình trong đó. Chuyển thể cuốn tiểu thuyết của chính mình, Stephen Chbosky đã chuyển tải gần như trọn vẹn những nỗi ưu tư, những cơn phấn khích và tất nhiên cả những niềm rung động đầu đời của ba người bạn trẻ lên phim. “Perks” không né tránh bất cứ một đề tài nhạy cảm nào, từ bạo lực học đường, ma túy, tình dục tuổi mới lớn, đồng tính luyến ái, tới lạm dụng tình dục vị thành niên. Ngược lại, “Perks” nhìn trực diện vào tất cả những vấn đề này bằng một con mắt trong sáng, thấu hiểu, và thậm chí với cả sự bao dung hiếm có của tuổi trẻ, đúng như cách Patrick và Sam đã nói về Charlie: “Cậu thấy, và thấu hiểu. Cậu là một bông hoa xấu hổ.” Câu nói ấy có lẽ cũng là sự tóm tắt ngắn gọn và đầy đủ nhất cả bộ phim, bởi đây là một quá trình Charlie quan sát thế giới học đường, có những trải nghiệm mới mẻ, thậm chí dữ dội và hoang dại, để hiểu hơn bạn bè và chính bản thân mình, vượt qua những rụt rè và ám ảnh quá khứ để trở thành một con người hoàn toàn mới, để “thành nhân”.

Không mảy may vẩn gợn đắng cay hay oán giận, “Perks”, một tuyển tập các bức-thư-nhật-ký mà Charlie viết hàng ngày gửi một người bạn hư cấu, mang đến cho ta sự thấu cảm đặc biệt chỉ có thể từ tuổi sắp thành niên. Có thể câu chuyện và bộ phim chưa vươn tới tầm cỡ như “Bắt trẻ đồng xanh”, song dư vị ngọt ngào thanh khiết mà Chbosky và Salinger đã để lại trong lòng khán giả và độc giả thì tuy hai mà chỉ một. Và ông chỉ có thể làm được điều này với một bộ ba đặc biệt xuất sắc. Sau vai diễn không lấy gì làm ấn tượng trong “The Three Musketeers” phiên bản 2011, Logan gây bất ngờ lớn khi hóa thân thành một Charlie rụt rè và hướng nội, với óc quan sát tinh tế và tâm hồn nhạy cảm, dễ tổn thương. Hiếm ai nghĩ rằng Emma Watson sẽ vượt ra khỏi cái bóng quá lớn của mười năm thủ vai Hermione, nhưng gương mặt đại diện của Burberry 2009 đã làm điều này một cách phải nói là khá dễ dàng. Sam của cô vừa mạnh mẽ, vừa yếu đuối, vừa cực kỳ bướng bỉnh, vừa rất mực ôn nhu khi ở bên cạnh Charlie. Cách cô dịu dàng dẫn lối cho cậu trai kém mình ba tuổi cả trong tình bạn lẫn tình yêu không khỏi khiến ta nuối tiếc khi thời trẻ đã không có may mắn được biết một người con gái nào như thế. Và bên cạnh cô, Ezra Miller đã không hề kém cạnh khi vào vai một Harvey Milk thời trẻ, với những dằn vặt, mâu thuẫn và khát vọng yêu đương đáng trân trọng và đồng cảm.

Trong khi nhiều tác phẩm về tuổi sắp thành niên của phương Tây khó gây được sự rung cảm nơi khán giả Việt do sự khác biệt quá sâu về văn hóa, “Perks” có hai yếu tố chắc chắn sẽ tìm thấy sự đồng điệu ở người xem, đặc biệt là thế hệ 7 và 8x. Bởi thứ nhạc Charlie nghe cũng là thứ nhạc chúng ta từng nghe: The Smiths, U2, Beatles, Genesis, Fleetwood Mac; thứ mix tape mà Charlie làm cũng là thứ chúng ta từng làm; và những cuốn sách Charlie từng đọc phần lớn là các tác phẩm kinh điển đã được dịch sang tiếng Việt: Giết con chim nhại, Bắt trẻ đồng xanh, Đại gia Gatsby, Trên đường, Suối nguồn… Khi nhắc đến những tác phẩm này, có lẽ cũng nên nhắc đến Anderson, người thầy dạy Anh ngữ và người bạn lớn đã giới thiệu chúng cho Charlie. Một vai phụ, nhưng vẫn có một câu thoại để đời. Với Charlie. Và với cả người xem: “Ta bằng lòng với tình yêu mà ta thấy mình đáng nhận.”

Bài đã đăng trên Đẹp số tháng 4/2013

Monday, March 11, 2013

Zero Dark Thirty

Mùa Oscar năm nay, có hai bộ phim tương đồng nhưng cũng đối lập nhau một cách kỳ lạ. Cả hai đều nói về những chiến thắng có thật của nước Mỹ trước chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở Trung Đông. Nếu Argo nói chuyện quá khứ (1979) thì Zero Dark Thirty là cuốn phim về hiện tại. Nếu câu chuyện của Argo chẳng ai biết đến cho tới khi được lên phim thì những sự kiện chính của Zero Dark Thirty được cả thế giới dõi theo cả một thập niên qua. Nếu Argo của một đạo diễn nam trẻ lần đầu được đề cử Oscar thì Zero của một đạo diễn nữ kỳ cựu từng đoạt tượng vàng năm 2009. Nếu Argo thắng lợi vẻ vang thì Zero chỉ đoạt một giải phụ không đáng kể. Và, đang nói hơn cả, trong khi Argo là một trận thắng “đẹp” của nước Mỹ chỉ sau vỏn vẹn hai ngày, thì Zero thuật lại một chiến thắng gian truân và dai dẳng nhưng cũng đầy tối tăm và xấu xí của siêu cường số một thế giới. Tối tăm, và xấu xí, như chính chữ Dark ở tên phim.

Khi những phần tử Hồi giáo cực đoan xông vào Đại sứ quán Mỹ ở Iran, sáu nhân viên trốn thoát tới nhà riêng của Đại sứ Canada. Tony Mendez (Ben Affleck), một chuyên gia giải cứu của CIA, đến nơi với một kế hoạch kỳ cục, nếu không muốn nói là không tưởng: huấn luyện họ đóng giả làm một đoàn làm phim viễn tưởng của Hollywood và đường hoàng rời khỏi Teheran bằng đường hàng không. Cách Affleck đạo diễn Argo có thể nói đã làm “ấm lòng” cả nước Mỹ trong bối cảnh sự kiện Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Libya bị tấn công còn nóng hổi. Nước Mỹ và người Mỹ hiện lên tuy có đôi nét giễu nhại và trào phúng (nhất là ở Hollywood) nhưng cơ bản là tốt đẹp: mưu trí, dũng cảm, ghét bạo lực và yêu hòa bình… Phim cũng tranh thủ ca ngợi tình hữu nghị thủy chung son sắt giữa Mỹ và Canada. Chưa kể đến chất lượng nghệ thuật, riêng sự chuẩn không cần chỉnh về chính trị này đã là một điểm cộng đáng kể cho Argo trong cuộc đua đến tượng vàng. Và quả thực bộ phim đã giành chiến thắng cả với sự ủng hộ của Viện Hàn lâm lẫn sự tán thưởng của Nhà Trắng.

Trong khi đó, Zero Dark Thirty mặc dù là thiên sử thi về một chiến thắng lẫy lừng hơn gấp bội, và cũng rất được giới phê bình khen ngợi, song lại không được lòng Washington và có lẽ cả rất nhiều người Mỹ. Bởi nó là một cách nhìn và “giải mã” thắng lợi của nước Mỹ hết sức trần trụi. Và tàn nhẫn. Zero mở đầu bằng màn ảnh tối đen và khán phòng vang lên giọng nói hoảng loạn của những nạn nhân Ngày 11/9. Một cách không thể cổ điển hơn để tạo dựng bối cảnh cho bộ phim, nhưng cũng là một động tác giả của Kathryn Bigelow, bởi vì câu chuyện diễn ra sau khi màn hình sáng lên sẽ hoàn toàn là phi truyền thống.

Khi màn hình sáng lên cũng là lúc người xem bị ném thẳng vào một vùng tăm tối khác: một blacksite (điểm đen), nơi quân đội Mỹ giam giữ, tra khảo và lăng nhục tù nhân để tìm kiếm tin tức về Al Queda. Trong khi khán giả từ từ làm quen với Maya (Jessica Chastain), một điệp viên trẻ vừa được điều chuyển từ Washington đến Pakistan, thì Maya từ từ làm quen với sự phi-nhân-đạo-tất-yếu của công việc mới, dần chấp nhận và trở thành một phần của nó, dưới sự hướng dẫn của người đồng nghiệp Dan (Jason Clarke). Với sự quyết liệt quen thuộc của mình, Kathryn không ngần ngại phơi bày trực diện nhất những cảnh tra tấn – cả thể xác lẫn tinh thần – lên màn ảnh, và ngầm ám thị rằng đây không chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện” mà còn là phương pháp trực tiếp nhất và hiệu quả nhất khi đối phó với những phần tử khủng bố. Ở đây, triết lý “ác hơn cái ác” được vận dụng một cách triệt để và không khoan nhượng tới mức những kẻ bàng quan nhất cũng phải đặt nghi vấn về tính “chính nghĩa” của cuộc chiến chống khủng bố nước của Mỹ tiến hành suốt một thập kỷ qua. Và không chỉ có bạo lực, nhiều thủ đoạn “bất chính” như hối lộ cả một chiếc Lamborghini cho một tiểu vương Kuwait, cũng đều được tình báo Mỹ sử dụng để đạt đến mục đích của mình.

Như Dan từng nói với một tù nhân: “Ai rồi cũng sẽ gục ngã. Đấy là quy luật sinh học!”, bản thân Dan rốt cục cũng phải từ bỏ khi quá mệt mỏi với những màn tra tấn như cơm bữa. Nhưng học trò của anh, Maya, một phụ nữ, vẫn tiếp tục đi đến tận cùng, bất chấp sự kiệt quệ của cả thể xác lẫn tinh thần, bất chấp những hiểm nguy không ngừng rình rập – ám sát và đánh bom cảm tử. Để làm được điều ấy, Maya cần đến một động cơ riêng tư: cái chết của một đồng nghiệp gần gũi trong vụ đánh bom Trại Chapman năm 2009. Nói cách khác, lý tưởng “tìm diệt kẻ đại ác” chưa đủ cho Maya; cô cần phải biến nó thành cuộc báo thù cá nhân để có sức mạnh đi tiếp đến cái đích cuối cùng. Bin Laden bị giết, không phải vì sát hại 3000 người Mỹ, mà vì đã trót dại chọc giận một người đàn bà.

Sau gần hai tiếng đồng hồ đầy mệt mỏi và ám ảnh theo dấu chân Maya truy đuổi kẻ thù, chúng ta đi đến hồi kết mà vắng mặt cô. Bởi, tuy là kiến trúc sư của chiến thắng, hay như chính cô tự nhận với Giám đốc CIA, “con mả mẹ đã lần ra nơi trú ẩn của Bin Laden”, cô lại không phải là người của tiền tuyến. Và nói cho cùng, có lẽ đấy lại là điều may mắn, bởi cô sẽ được miễn xá việc phải chứng kiến cuộc đột kích ngắn ngủi nhưng đẫm máu ở Abbottabad. Còn khán giả thì không. Kathryn Bigelow không cho chúng ta ân huệ ấy. Trường đoạn cuối cùng là một ví dụ tiêu biểu của cái gọi là “embedded journalism” (báo chí thực chiến) mà Nhà Trắng đã sản sinh ra với mục đích tuyên truyền và được bà sử dụng để phản tuyên truyền. Ống kính máy quay theo sát từng bước tiến của đội đặc nhiệm, ghi lại cảnh từng người trong tòa nhà bị hạ sát. Màu sắc của trận đánh qua kính nhìn đêm trở nên xanh lè một cách lãnh khốc đến quái dị, nhưng máu thì vẫn đỏ sậm một cách vô hồn trên những tấm thảm Ba Tư. Xen giữa tiếng súng đanh gọn, thành thạo, chết chóc, là tiếng khóc thất thanh của đàn bà và trẻ con, cùng đôi khoảng lặng tê tái của vài người lính, song tan biến rất nhanh trong tiếng ầm ì bóp nghẹt tất cả của cánh quạt trực thăng Black Hawk và Chinook.


Đoạn kết tưởng như sẽ phải rất cao trào trôi qua trong im lặng. Không hề có cảnh mọi người reo mừng chiến thắng và ôm chầm lấy nhau như trong rất nhiều phim Hollywood khác. Chỉ có mình Maya lặng lẽ mở bao đựng xác, lặng lẽ gật đầu xác nhận đấy chính là Bin Laden. Hơn ai hết, cô biết rằng đây chưa phải là dấu chấm hết cho cuộc chiến chính nghĩa mà vô nghĩa này. Và cô cũng chỉ là một trong biết bao con người đã dâng hiến mười năm tuổi xuân cho một chiến dịch được poster quảng cáo của Zero Dark Thirty mệnh danh là “cuộc săn người quy mô nhất trong lịch sử”. Cảnh hai hàng lệ lăn dài từ đôi mắt trống rỗng xuống gò má hốc hác của Maya có lẽ sẽ khiến không ít khán giả bùi ngùi tự hỏi: Tất cả những điều đó, liệu có đáng không?

Bài đã đăng trên Thể thao Văn hóa Đàn ông số tháng 4/2013.