Tuesday, April 14, 2015

John Wayne

Trong lịch sử hơn một trăm năm tồn tại của mình, Hollywood từng sản sinh ra vô số minh tinh màn bạc. Khó có thể nói ai là người vĩ đại nhất và mọi cách xếp hạng đều là tương đối. Nhưng nếu hỏi, ai là hiện thân ưu tú và trường cửu nhất cho “giá trị Mỹ,” câu trả lời có lẽ sẽ dễ dàng hơn. Tướng MacArthur từng nói về John Wayne: “Ông đại diện cho người quân nhân Mỹ xuất sắc hơn chính họ.” Tổng thống Mỹ Jimmy Carter gọi ông là “quốc bảo,” và “biểu tượng của những phẩm chất căn bản nhất khiến nước Mỹ trở nên vĩ đại.”
Đối với khán giả Việt, những người vốn ít quen thuộc với Wayne, điều này thật khó hình dung. Tại sao không phải là Bogart, là Gable, là Brando, mà lại là John Wayne? Xét về độ rực rỡ của ánh hào quang, ông khó lòng sánh được với họ – phim ông đóng phân nửa là hạng B, hạng A không nhiều và tiếng tăm cũng làm sao bì được Casablanca, Cuốn theo chiều gió, Bố già. Wayne cũng một lần duy nhất được giải Oscar. Nhưng, như một nhà phê bình từng viết, Wayne “là một huyền thoại dân tộc, một biểu tượng của Giấc mơ Mỹ.”
Quả có vậy. Cho dù thay quốc tịch, sửa bối cảnh lịch sử và đổi tên mọi địa danh thì phim của Wayne vẫn luôn là như vậy, hùng hồn toát lên màu Mỹ quốc.
Hiếm diễn viên nào có sức sống trường tồn như Wayne. Sự nghiệp của ông kéo dài nửa thế kỷ, với xấp xỉ 200 bộ phim, nhiều hơn bất kỳ đồng nghiệp nào cùng thời. Chạm ngõ điện ảnh từ khi mười chín tuổi, nhưng sau hơn mười lăm năm lặn ngụp với những vai phụ và những phim Viễn Tây mì ăn liền, sự nghiệp của ông mới bắt đầu cất cánh với Stagecoach (1939). Mười năm sau đó, ông không ngừng trưởng thành và tích lũy. Hai mươi năm tiếp là quãng thời gian Wayne thăng hoa, trở thành một trong những ngôi sao ăn khách nhất đương thời. Giải Oscar cho True Grit (1969) đánh dấu sự thừa nhận muộn màng với tài năng và đóng góp của Wayne. Tất cả như sực tỉnh, nhận ra vai trò của ông với điện ảnh và nước Mỹ. Wayne sống những năm tháng cuối đời như một người hùng và huyền thoại văn hóa, vẫn cho ra đời những bộ phim trung thành với lý tưởng điện ảnh của mình – kết thúc bằng The Shootist (1976), ba năm trước khi mất.
Dù phim chiến tranh cũng là địa hạt đặc biệt thành công với Wayne, dấu ấn lớn nhất mà cũng là niềm tự hào lớn nhất của ông được ghi lại trong thể loại điện ảnh đặc hữu Hoa Kỳ – Viễn Tây. Sự gắn bó mật thiết và bền bỉ giữa Wayne với Western tạo nên một hiện tượng chưa có tiền lệ: tên tuổi của ông trở nên đồng nhất với thể loại ấy. Dù Wayne không khai sinh ra Viễn Tây, nhưng Viễn Tây từ khi có Wayne đã vĩnh viễn không còn là Viễn Tây ngày trước.
Với Wayne, Viễn Tây không đơn giản là một mảnh đất quen trong thế giới điện ảnh. Đó là nghiệp. Cả đời ông đeo đuổi nó – 83 bộ phim, tức gần nửa sự nghiệp của ông, là Viễn Tây. Ông trung thành với nó cả khi nó đã qua thời hoàng kim và đang lụi tàn. Không phải ngẫu nhiên mà ông được xem là chàng cao bồi vĩ đại nhất, người khổng lồ của thể loại này. Wayne xem Viễn Tây là một phương tiện, một vũ khí truyền đạt hệ giá trị mà mình tin tưởng và tôn vinh đến khán giả, đặc biệt là khán giả Mỹ. Đóng góp của Wayne cho Viễn Tây không chỉ về tư tưởng, về thẩm mỹ, mà còn trên phương diện kỹ thuật (cưỡi ngựa) và kỹ xảo hành động.
Điều đáng nói là giới phê bình, kể cả ở Mỹ, vẫn thường coi Viễn Tây là một thể loại điện ảnh thứ cấp, dễ dãi, không chứa đựng nhiều giá trị. Họ quên mất rằng Viễn Tây chính là thiên sử thi của nước Mỹ. Nếu Hy Lạp có Iliad và Odyssey, Ấn Độ có Ramayana và Mahabharata, thì đất nước chưa đầy ba trăm tuổi này có Viễn Tây. Nhưng khác và hơn những huyền sử ấy, Viễn Tây là một thiên anh hùng ca có thật, được viết nên bởi hàng thế hệ những người tiên phong đi khai phá miền đất hứa. Vì thế, hơn mọi thời kỳ khác của lịch sử nước Mỹ, cuộc khai phá Viễn Tây là nguồn cảm hứng bất tận cho Hollywood. Suốt năm mươi năm theo nghề diễn, Wayne liên tục thể hiện, tôn vinh, và bảo vệ Viễn Tây như một di sản văn hóa độc nhất vô nhị của nước Mỹ. Sức hấp dẫn mãnh liệt và bất diệt của miền đất này bắt nguồn từ tinh thần khỏe khoắn ngập tràn trong nó – sống khỏe khoắn, khóc cười khỏe khoắn và yêu ghét càng vô cùng khỏe khoắn. Với Wayne, Viễn Tây là tài liệu vô giá cho điện ảnh, môn nghệ thuật của hành động – hãy nhớ, hiệu lệnh khi bắt đầu một cảnh quay không phải gì khác mà chính là “Action!” (hành động). Cá tính của Viễn Tây – cứng cỏi và thẳng thắn như khẩu Winchester, không nói mà chỉ hành động – cũng chính là cá tính của Wayne và nhân vật của ông. Mà nhân vật của Wayne thì trải khắp phổ nhân vật của Viễn Tây: từ người lính kỵ binh Hoa Kỳ ở Cavalry Trilogy lừng lẫy (gồm Fort Apache, She Wore a Yellow RibbonRio Grande) tới chàng cao bồi độc lai độc vãng ở StagecoachThe Searchers, từ ông chủ trại gia súc ở Red River tới gã trinh sát lai da đỏ trong Hondo, từ viên cảnh sát già trong True Grit tới tay súng hết thời của The Shootist. Dù câu chuyện mỗi người một khác, mọi nhân vật của Wayne đều chia sẻ một chủ đề: cuộc đấu tranh bất tận giữa con người với tự nhiên, và con người với con người, tất cả diễn ra trên cái nền hoang sơ mà hùng vĩ của miền Tây gió bụi.
Nhân vật của Wayne, ở mọi lứa tuổi và trong mọi hoàn cảnh, luôn luôn là mẫu người hùng hướng nội, sự tổng hòa tưởng như bất khả giữa chủ nghĩa cá nhân và tinh thần tập thể. Có lẽ Viễn Tây là chất xúc tác tự nhiên và duy nhất cho sự dung hợp ấy. Gã cao bồi của Wayne luôn làm chủ vận mệnh của mình một cách tuyệt đối – mọi quyết định gã chọn, mọi mục tiêu gã đưa ra, mọi con đường gã theo đuổi, đều xuất phát từ một nội tâm không gì lay chuyển nổi. Có thể kể đến Ethan Edwards (The Searchers), lấy việc tìm lại đứa con của người phụ nữ ông yêu bị da đỏ bắt cóc làm lẽ sống, hoặc Ringo Kid (Stagecoach), bất chấp hiểm nguy, mạo hiểm cả tình yêu để tìm lại sự trong sạch cho mình.
Nhưng mặt khác, những sứ mệnh mà họ định ra cho mình lại rất thường vì lợi ích tập thể, của cộng đồng. Cole Thornton của El Dorado và Tom Doniphon của The Man Who Shot Liberty Valance hành động vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho thị trấn của họ, dù chưa bao giờ họ nói ra điều đó. Nathan Brittles hay Kirby York sống, chết, thậm chí sẵn sàng hy sinh gia đình và hạnh phúc cá nhân vì đoàn kỵ binh. Cái giá họ phải trả không hề rẻ: dù đóng góp hết mình cho xã hội, họ chưa bao giờ thực sự thuộc về xã hội; dù tiêu biểu cho những phẩm chất tốt đẹp mà xã hội ấy tôn vinh, họ lại khó lòng hòa đồng với xã hội và bất tuân những tập quán của nó. Mỗi nhân vật của Wayne đều sẵn lòng phá rào và chấp nhận sự cô độc để bảo trì tính tự do và quyền tự quyết của mình.
Một điều dường như mâu thuẫn là trong khi không hoàn toàn thuộc về tập thể, nhân vật của Wayne lại đồng thời sở hữu khí chất lãnh đạo bẩm sinh. Có khi họ được đặt vào vai trò lãnh đạo như trong Cavalry Trilogy, nhưng trong phần lớn các tình huống, họ giành được và duy trì được vị thế thủ lĩnh bằng cách chứng minh sức mạnh của mình – về đạo đức, về thể chất, về kỹ năng, lẫn về cảm xúc. Trong The Searchers, có chi tiết Ethan bắt người bạn làm mồi nhử dụ kẻ thù ra để bắn. Khi bạn hỏi, “Nhỡ bắn trượt thì sao,” Ethan đáp “Làm gì có chuyện đó.” Ethan tự tin về năng lực của bản thân lẫn tính đúng đắn của sứ mệnh mà mình theo đuổi đến mức trong đầu anh chưa bao giờ xuất hiện ý niệm về thất bại, và hầu như mọi nhân vật của Wayne đều có chung niềm tin ấy.
Vào nửa sau sự nghiệp của mình, khi bước vào tuổi trung niên, những vai diễn của Wayne bắt đầu xuất hiện một hình mẫu mới: người thầy, người cha, người hướng đạo. Mối quan hệ giữa Wayne và thế hệ trẻ hơn là nhân tố đặc biệt quan trọng tạo nên nhân-cách-Wayne trên màn bạc. Phần lớn phim ông đóng đều có tuổi trẻ, và sự tương tác giữa ông và họ vừa thực tế vừa có tính biểu tượng. Vai diễn của Wayne lãnh trách nhiệm tôi luyện những đứa trẻ thành những người đàn ông. Đó có thể là một gã trai mới lớn ông gặp và có cảm tình trên đường thiên lý, như Colorado hay Mississippi trong Rio BravoEl Dorado, là những đứa trẻ mồ côi cha như Johnny trong Hondo hay Gillom trong The Shootist. Đôi khi đó là những người bạn mà ông vực dậy từ hố thẳm chán chường và nghiện ngập như Dude (Dean Martin) hay Harrah (Robert Mitchum), cũng ở Rio BravoEl Dorado. Cách hành xử ấy cũng là một di sản đặc trưng của Viễn Tây, và là lý do khiến không chỉ nhân vật, bạn diễn, mà cả nước Mỹ vào thời thịnh trị của phim Western đều tìm thấy ở “The Duke” hình bóng một người cha./.

Wednesday, April 8, 2015

Craft of Translation 02

3. This metaphor of shattered gravestones ran the length of the camp…
Of không chỉ có một cách dịch là của. Trường hợp này cũng vậy. Những tấm bia không sở hữu phép ẩn dụ nào cả, bản thân chúng là phép ẩn dụ. Thay vì dùng của, nên tìm một cách dịch khác văn chương hơn nhưng vẫn sát ý:
Phép ẩn dụ mang hình hài những tấm bia vỡ nát này chạy dọc chiều dài của trại…
4. Those who knew Oskar in those years speak of his easy magnetic charm, exercised particularly over women, with whom he was unremittingly and improperly successful.
Thủ thuật ở đây là “shuffle” cụm easy magnetic charm, danh từ hóa chữ magnetic để có một cách dịch đơn giản và xuôi tai.
Tương tự như vậy, nếu cố gắng dịch đoạn cuối thành một vế câu như nguyên tác (những người mà với họ ông luôn thành công một cách…) nghe sẽ gượng gạo và khô cứng. Thủ thuật là biến mệnh đề thành một ngữ danh từ. Ngoài ra cần lưu ý hai trạng từ song hành có sắc thái phủ định unremittinglyimproperly, để có cách dịch phù hợp.
Người quen của Oskar hồi ấy đều nhắc đến sức hấp dẫn dễ dàng như nam châm của ông, đặc biệt là với phụ nữ, những đối tượng thành công bất tận và bất chính của Herr Schindler.
5. While Herr Schindler kissed the proffered hands, he felt some pity for these Cracow working girls…
Trong một câu phức cùng chủ ngữ như thế này, chủ động lược bỏ chủ ngữ của vế trước là một động tác nhỏ, nhưng sẽ làm câu văn gọn hơn nhiều.
Khi Herr Schindler hôn những bàn tay họ chìa ra, ông thấy tội nghiệp những cô gái mua vui ở Cracow này…
6. Herr Bosch approached Schindler, predictably took him by the elbow and led him over by the door…
Đây là một chữ khá khó xử lý, nếu như máy móc bám theo công thức able = có thể, ly = một cách. Một cách có thể dự báo! Sounds weird, doesn’t it? Well, we can do better. Much better:
Herr Bosch đến gần Schindler, và đúng như dự đoán, nắm lấy khuỷu tay rồi dẫn ông ra cửa…
7. An onion soup was carried in and served by the maid.
Thay vì giữ nguyên cấu trúc câu để có một chữ bởi vụng về, trong trường hợp này, biến câu bị động thành chủ động là cách dịch đơn giản nhất. Thay vì cố gắng bám lấy chữ served (Oxford: present food or drink to someone), hãy tìm một động từ khác cụ thể hơn:
Người hầu gái mang súp hành lên và múc cho từng người.
8. Next there was herring in sauce, then pork knuckles, superbly cooked and garnished by Lena.
Tương tự như câu trên, nếu tránh được chữ bởi thì nên tránh. Câu này không thể đảo thành chủ động, nhưng có một cách xử lý khá đơn giản:
Tiếp đến là cá trích ăn kèm nước sốt, rồi chân giò lợn, dưới bàn tay nấu nướng và bày biện tuyệt hảo của Lena.

Tuesday, April 7, 2015

Craft of Translation 01

1. For this is the story of the pragmatic triumph of good over evil, a triumph in eminently measurable, statistical, unsubtle terms.
In + adj + terms là một cấu trúc khá thường gặp trong tiếng Anh. Trong trường hợp này, nếu chỉ có một tính từ duy nhất (ví dụ a triumph in legal terms) thì cách dịch không có gì là khó khăn: một chiến thắng về phương diện pháp lý.
Tuy nhiên vì có tới ba tính từ và một trạng từ (eminently) nên khó có thể vận dụng cách xử lý thông thường: một chiến thắng về phương diện đo lường, thống kê và… now what? Khác với measureablestatistical, unsubtle không thể danh từ hóa một cách suôn sẻ để đặt vào sau từ phương tiện. Ngoài ra ý của người viết là chiến thắng này có thể đo đếm được, chứ không phải là chiến thắng trong lĩnh vực (khoa học) đo lường hay thống kê.
Do vậy ta phải tìm cách xử lý khác. Cách đơn giản nhất ở đây là “viết lại” bản gốc thành an eminently measureable, statistical, unsubtle triumph. Lưu ý eminently ở đây bổ nghĩa cho cả ba tính từ, nên phải đảm bảo sắc thái ấy khi dịch (chữ tuyệt và chữ hết sức):
Bởi đây là câu chuyện về chiến thắng thực tế của cái thiện trước cái ác, một chiến thắng tuyệt không mơ hồ, có thể cân đong đo đếm hết sức rõ ràng.
Nếu dịch sát sẽ là có thể thống kê, đo đếm… Nhưng tôi thích cụm “cân đong đo đếm” hơn, nó làm câu văn mang màu sắc Việt hơn.
2. And although Herr Schindler’s merit is well documented…
Câu này tưởng dễ nhưng lại tricky. Theo phản xạ, ta sẽ dịch là Và mặc dù công trạng của Herr Schindler được ghi chép cẩn thận/kỹ càng/đầy đủ.
Về mặt ngữ pháp rất đúng. Đọc cũng trôi. Nhưng lại không phản ánh đúng thực tế. Hành vi của Schindler thời ấy bị xem là phản quốc, giấu cho kín còn chả hết, đâu phải như vua mà có sử quan ghi lại công trạng kỹ càng. Bởi vậy nên đảo lại thành:
Và mặc dù có đầy đủ tài liệu chứng minh công trạng của Herr Schindler…
Kỹ thuật danh từ hóa động từ có thể áp dụng cho các câu bị động tương tự:
His alibi is clearly proved --> He has clear proof of alibi --> Anh ta có bằng chứng ngoại phạm rõ ràng.
He is wildly supported by his fans, who have travelled a thousand miles to this city.
Nếu chỉ có vế đầu thì giữ nguyên thể bị động rất ổn: Anh ta được người hâm mộ ủng hộ cuồng nhiệt. Nhưng vì có mệnh đề thứ hai nên ta buộc phải đặt cụm người hâm mộ xuống cuối câu để tạo tính liên kết. Mà dịch là Anh ta được ủng hộ cuồng nhiệt bởi người hâm mộ thì rất quê (vạn bất đắc dĩ hãy dùng bởi, vì đấy là cách dịch của người yếu tiếng Việt).
Bằng thủ thuật danh từ hóa, ta sẽ có câu sau:
Anh ta nhận được sự ủng hộ cuồng nhiệt từ người hâm mộ, những người đã vượt cả ngàn cây số đến thành phố này.

Monday, April 6, 2015

The Craft of Translation

Ở Việt Nam, khi bàn về dịch thuật, luôn xuất hiện rất nhiều triết lý. Tín đạt nhã. Dịch là diệt. Dịch là phản. Dịch phải trung thành với bản gốc. Dịch là sáng tác lần thứ hai. Dịch phải am hiểu cả ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích. Dịch giả phải có chiều sâu văn hóa và kinh nghiệm sống. Vân vân và vân vân.
Những tuyên ngôn này, tuy rất đúng, rất hay, rất khái quát, nhưng nói cho cùng chẳng giúp được gì nhiều cho người dịch trên thực tế. Bởi chúng đâu phải là một thứ thần chú chỉ cần tụng lên là xử lý được mọi vấn đề.
Dịch luôn có hai mặt – kỹ thuật và nghệ thuật. Nếu như nghệ thuật – a touch of genius – là một cái ngưỡng khó đạt đến, và là ranh giới phân biệt giữa một dịch giả tốt với một dịch giả tài hoa, thì kỹ thuật trong dịch thuật là điều hoàn toàn có thể đạt đến thông qua rèn luyện. Cũng như đá bóng vậy – không phải nhà vô địch thế giới nào cũng là thiên tài, nhưng chắc chắn tất cả đều có kỹ thuật hoàn thiện.
Năm 2007, tôi bắt đầu dịch văn học, tất nhiên như nghề tay trái. Càng làm, tôi càng cảm thấy sâu sắc một điều: dù làm việc trên những văn bản giàu tính nghệ thuật nhất, cốt lõi của dịch thuật vẫn là kỹ thuật.
Hiện tôi đang dịch một cuốn sách mới. Nhân dịp này, tôi dự định sẽ đều đặn ghi lại những sở đắc nhỏ bé của mình trong quá trình làm việc trên blog. Cuốn sách này văn phong tuy lão luyện, nhưng ngôn ngữ lại bình hòa trung chính, mang đậm màu sắc non-fiction/documentary, rất phù hợp làm ví dụ minh họa cho những kỹ thuật về dịch thuật.
Khi kết thúc cuốn sách, nếu những nhặt nhạnh ấy đủ dày dặn, tôi sẽ hệ thống hóa chúng lại thành một tiểu luận nho nhỏ, với hy vọng sẽ giúp ích được ít nhiều cho những độc giả quan tâm.
Các bài viết liên quan sẽ được gắn kèm tag Schindler và Translation để người đọc tiện theo dõi.
Have fun!