Thursday, May 17, 2012

Một người Mỹ nữa ở Paris

Mấy năm gần đây, Woody Allen, chàng lãng tử già của Hollywood dường như đã chuyển nghề làm hướng dẫn viên du lịch nghiệp dư, quảng bá không công cho những hòn ngọc của Châu Âu: đầu tiên là Vicky Cristina Barcelona (2008), rồi tới Midnight in Paris (2011), và sắp tới là To Rome with Love (2012). Có lẽ nào ông đã chán nước Mỹ mà ông từng đã rất yêu, và đã tìm được cho mình một (hoặc nhiều) tình yêu mới ở lục địa già?

Xem Midnight in Paris, ta mới thấy rằng, không hoàn toàn như vậy.

Woody vốn là một người “lịch duyệt” (các bạn Tây gọi là sophisticated), am hiểu văn chương (ông viết văn), âm nhạc (ông chơi clarinet), hội họa… Thế nên, trước khi là một đạo diễn, ông là một tâm hồn đồng điệu với những kẻ say jazz và yêu Jazz Age. Mà những kẻ như thế, ai chẳng ước ao được nghe Cole Porter chơi đàn, được uống café au lait với Hemingway ở Des Amateurs, được chén chú chén anh với Fitzgerald ở Dingo Bar. Hơn ai hết, Woody biết rõ và thậm chí là chia sẻ giấc mơ thầm kín ấy với không ít người trong số chúng ta. Và hơn ai hết, ông có trong tay thứ công cụ diệu kỳ có thể biến giấc mơ ấy thành hiện thực.

Xem Midnight, có cảm giác luôn có Woody cười khúc khích sau mỗi khuôn hình: các vị hình dung Paris thế này chứ gì. Thì đây, nó chính là thế đấy, nhìn đi, nghe đi, và mê mẩn đi. Lão già 74 không từ một chiêu gì để thuốc chết người xem với một Paris tráng lệ “như trong sách”. Và cái công thức về Paris ấy, cũng như món gâteaux au chocolat, luôn làm đám hảo ngọt chúng ta ăn lấy ăn để với một nụ cười tội lỗi. Câu chuyện Paris của Woody, vì thế, rất nhẹ nhàng, giản đơn, bay bổng, như một món tráng miệng thơm mùi nước Pháp của ngày xưa.

Midnight mở đầu bằng những khuôn hình đẹp như bưu thiếp của thủ đô nước Pháp những năm 2000. Những giữa không gian này, tiếng trumpet ngọt lịm của Sidney Bechet lại vẫy gọi một thời gian khác: thập niên 1920. Đây chính là những gì mà Gil (Owen Wilson), một phiên bản của Woody hồi trẻ, đã gặp ở Paris. Khác với Cinderella, cuộc phiêu lưu của Gil không kết thúc mà bắt đầu lúc nửa đêm. Nơi đó, Gil gặp tất cả những tên tuổi lẫy lừng của Paris thuở ấy: Gertrude Stein, Salvador Dalí, Pablo Picasso, Luis Buñuel… những cái tên khiến gã biên kịch thất chí từ Hollywood lên cơn cực khoái vì hâm mộ. Và không phải nàng Adriana (Marion Cotillard) diễm tuyệt, nàng thơ của Pablo Picasso, mà chính Paris những năm 20, với cuộc tao ngộ hoang đường kia, đã cướp Gil khỏi tay vị hôn thê Inez (Rachel McAdams).

Nhìn bề ngoài, dường như gã trai Mỹ đã bị Paris chinh phục. Nhưng Gil không phải là người Mỹ đầu tiên ở Paris. Trước anh, đã có Jerry Mulligan[1], và Jerry mới là người chinh phục, cũng như những Louis Amstrong và Miles Davis từng làm cả Paris phải điên đảo thần hồn. Midnight kỳ thực là niềm kiêu hãnh ngấm ngầm của Woody Aleen về văn hóa Mỹ. Vì những người mà Gil ngưỡng mộ, những người định hình nên một phố thị phồn hoa bên dòng sông Seine, lại phần nhiều đến từ Tân Thế giới. Họ là George và Ira Gershwin, là Cole Porter, là Ernest Hemingway, là F. Scott và Zelda Fitzgerald. Và những người khác cũng là những kẻ lãng du, những khách bô-hê-miên mà cuộc tao loạn lưu ly Đệ nhất Thế chiến đã cuốn họ trôi về đất Ba-lê. Thiếu họ, Paris không còn là Paris hội hè miên man nữa. Vắng họ, Paris mất đi một phần không nhỏ sự quyến rũ thường ngày. Đó là lý do Paris của ngày, của hiện tại, của Carla Bruni, không quyến rũ bằng Paris của đêm.

Nhưng vì đêm rồi sẽ qua và mộng rồi sẽ hết, nên Gil không thể không trở về với Paris của ban ngày, nơi chàng tiếp bước Jerry, quyến rũ một nàng thiếu nữ Paris. Để từ nay, chàng có thể kiêu hãnh mà rằng: “Ta đến, ta thấy, và ta chinh phục!”

Bài đăng trên Đẹp số tháng 6/2012

Tuesday, May 15, 2012

The Godfather

Bốn mươi năm sau ngày ra đời, Godfather vẫn được xem như một trong những bộ phim hay nhất mọi thời đại; vẫn đứng thứ hai trong danh sách 100 phim xuất sắc nhất của Viện phim Mỹ; vẫn đứng thứ hai trong Top 250 phim cao điểm nhất của IDMB. Và tiếp tục được không ít đàn ông gọi tên, khi được hỏi về bộ phim mình yêu thích nhất.

Rốt cục thì vì sao, Godfather lại quyến rũ cánh đàn ông đến thế?

Điều đầu tiên và trước hết: thể loại! Gangster, và phim gangster, là một món đặc sản Hoa Kỳ. Phim gangster nói chung, với súng ống, máu lửa, và tình huynh đệ, luôn là một thứ adrenaline, một liều thuốc rất dễ gây nghiện đối với đàn ông. Mà Godfather thì lại là Bố già của thể loại gangster, nên chuyện đàn ông mê Godfather không có gì là khó hiểu. Mê đến như Cổ Long, viết cả một cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp Lưu tinh, hồ điệp, kiếm – lấy nguyên mẫu nhân vật chính từ Don Corleone.

Điều thứ hai, Godfather là một (đúng ra là hai) câu chuyện chỉ dành riêng cho đàn ông. Câu chuyện thứ nhất là về một chàng trai, bằng trí tuệ, bằng dũng khí, bằng sự tàn nhẫn, vươn lên ngôi vị ông trùm của thế giới mafia. Cái giấc mơ vùng vẫy giang hồ ấy hẳn đã từng đeo đuổi không ít gã trai suốt một thời niên thiếu. Câu chuyện thứ hai, thật hơn, đời hơn, và gần gũi hơn, là về tình phụ tử. Về một đứa con ghé vai gánh vác cơ nghiệp cả đời của người cha khi gia đình gặp cảnh hiểm nghèo. Nhiều người đàn ông chưa chắc đã nhận ra điều đó, nhưng tự đáy lòng mình họ lại đồng cảm với nó một cách rất bản năng.

Điều thứ ba, và có lẽ cũng là cốt lõi: Godfather có một tuyến nhân vật nam hết sức đặc biệt, nếu không muốn nói là hùng hậu. Từng người đều là điển hình cho một mẫu đàn ông. Trong số họ, có người gần như hoàn mỹ như Michael, và có những người khiếm khuyết như Santino hoặc Johnny (Fontane), nhưng không ai có thể phủ nhận rằng họ rất rất điển hình.

Hai nhân vật chính, Vito và Michael Corleone, chia sẻ một phẩm chất chung: họ là những nhà lãnh đạo bẩm sinh. Óc khôn ngoan, lòng quyết đoán, và sự nhẫn tâm cho họ đứng trên người khác; và khi trời sập xuống, đã có họ nghiêng vai chống đỡ. Nhưng cả hai, xét cho cùng, đều là những người hùng bất đắc dĩ. Vito, nếu không bị Don Fanucci dồn đến đường cùng, hẳn đã an phận là một anh bán rau quả. Michael, nếu không phải chứng kiến cảnh bố mình thập tử nhất sinh, hẳn sẽ không bao giờ dính dáng đến sự vụ của nhà Corleone. Chỉ khi bước vào hiểm cảnh, những tố chất siêu việt ấy mới trỗi dậy trong họ.

Nhưng giữa Vito và Michael không phải không có khác biệt. Vito là dân Ý gộc, đại diện cho truyền thống; còn Michael, sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ, đại diện cho sự giao thoa của hai nền văn hóa. Mặc dù vậy, nhưng Michael lại thoải mái như cá gặp nước khi trở về nguồn cội. Khí chất của anh không chỉ bộc lộ khi hạ sát kẻ thù hay khi điều hành gia tộc, mà còn được thể hiện (trong những tháng ngày lưu lại đất Sicily) theo một cách khiến cánh đàn ông không khỏi thở dài ngưỡng mộ. Cái cách Michael chinh phục Apollonia và gia đình cô, nó vừa tôn nghiêm, vừa hùng hồn, vừa câm lặng. Cái cách Michael đối diện với ông bố vợ tương lai, với các bà cô bà bác bà dì lẽo đẽo theo chân đôi tình nhân trẻ, nó vừa tự tin, vừa điềm tĩnh, vừa ngạo mạn. Người viết tin rằng, khi xem tới đoạn này, nhiều anh con giai chỉ ao ước rằng mình có một nửa cái khí phách của Michael mỗi lần ló mặt đến nhà nhạc phụ tương lai. Rõ ràng, Michael là hiện thân của sự mẫu mực trong mọi vai trò mà anh gánh vác: là người lính, anh được phong anh hùng; là đứa con, anh kế thừa xuất sắc cha mình; là người chồng, anh có sự tôn sùng tuyệt đối từ Apollonia; là ông trùm, anh được đàn em kính nể và kẻ thù sợ hãi. Chưa hết, anh (trong ngoại hình của Al Pacino) lại đẹp trai lồng lộng, và ăn mặc cũng cực kỳ khí phái nam nhi (hay tất cả đàn ông ngày đó đều ăn mặc như thế, khác hẳn phong cách metrosexual nhan nhản thời nay?) Đời một thằng đàn ông, thử hỏi còn mong gì hơn thế?

Nếu Vito và Michael là một cặp đôi của sự tương đồng thì Santino Corleone và Tom Hagen lại là một cặp đôi của sự đối lập – từ địa vị đến ngoại hình và tính cách. Sonny là con đẻ, Tom là con nuôi; Tom người Mỹ tóc vàng, Sonny dân Ý tóc đen; Tom là văn quan, Sonny là võ tướng; Tom lạnh lùng trầm tĩnh bao nhiêu thì Sonny máu nóng, bốc đồng bấy nhiêu. Cái tỉnh táo đầy lý trí của Tom và cái hoang dại rất bản năng của Sonny đều là hai mặt của người đàn ông, và chúng ta có thể không thấy mình rõ lắm ở con-người-siêu-nhiên Michael, nhưng sẽ thấy mình ít nhiều ở một hoặc cả hai nhân vật này.

Một nhân vật khác cũng không kém phần đặc biệt của Godfather, chính là Johnny Fontane. Trở lại với câu hỏi “đàn ông còn mong gì hơn thế”: có lẽ không ít người, nếu không mong được như Michael, sẽ mong được như Johnny Fontane. Johnny, mà giọng ca êm như nước và mềm như lụa khi ca bài I have but one heart đã thuốc chết bao trái tim thiếu nữ trong đám cưới của Connie lúc đầu phim. Johnny, mà nguyên mẫu, theo giang hồ đồn đại, chính là Frank Sinatra lẫy lừng một thuở, thần tượng của vô vàn cô bé tuổi ô mai. Godfather phim không dành cho Johnny nhiều đất diễn, nhưng Godfather truyện lại khắc họa rất kỹ chân dung gã kép đào hoa, mà đoạn anh Johnny cua bé Sharon, dưới ngòi bút Mario Puzo và qua bản dịch Ngọc Thứ Lang, xứng đáng gọi là tuyệt tác về nghệ thuật à ơi, và cả về đạo hạnh của một gã lãng tử phong tình.

Puzo đã vẽ nên những cá tính lớn, và điều còn lại mà Coppola phải làm là chọn mặt gửi vàng cho từng vai diễn. Cả Corleone bố và Corleone con đều đáng gọi là những con phượng giữa bầy gà, và Coppola không có giải pháp nào khác ngoài việc đi tìm chim phượng để vào vai chim phượng. Con phượng già tên là Marlon Brando, cây đại thụ, kẻ mở đường, biểu tượng về sức hút nam tính của điện ảnh. Chọn người đàn ông đàn ông nhất Hollywood vào vai Don Corleone, Coppola không sai lầm và không thể sai lầm. Cái giỏi của ông là đôi mắt xanh đã nhìn ra hình hài chú phượng non đang trổ mã trong Al Pacino (Michael chỉ là vai chính thứ hai trong bộ phim thứ ba của chàng diễn viên vô danh). Và nếu tính cả phần hai, với De Niro trong vai Vito thời trẻ, thì có thể nói Coppola đã được trời phú cho một bộ ba thần thánh để biến câu chuyện truyền kỳ của nhà Corleone thành bất tử.

Bài đăng trên Thể thao Văn hóa Đàn ông số tháng 6/2012