Wednesday, February 15, 2012

Thế giới của những người đàn ông (Anh)

Tinker Tailor Soldier Spy có rất nhiều điều để người ta chờ đợi. Đó là màn trình diễn “quốc tế” lớn đầu tiên của Tomas Alfredson, đạo diễn bộ phim vampire gây chấn động năm 2008 Let the right one in. Đó là sự tò mò không rõ cuốn tiểu thuyết cùng tên của John le Carré (BBC phải chuyển thể thành 7 tập phim truyền hình) được tái hiện ra sao chỉ trong 127 phút. Nhưng trên hết, đó là nỗi khắc khoải chờ đợi sự tái xuất của Gary Oldman trong vai diễn lớn đầu tiên kể từ Léon (dù gì đi nữa, Sirius của Harry Potter và Cảnh sát trưởng Gordon của Batman vẫn chỉ là vai phụ). Mười bảy năm, một thời gian quá dài cho người được Brad Pitt thần tượng, Anthony Hopkins xem là thiên tài, và Colin Firth xếp vào hàng ngũ những nam diễn viên xuất sắc nhất thời đại.

Những ai đã quen với thể loại trinh thám siêu công nghệ, hàng họ đầy mình như Bond, Bourne hay Mission Impossible chắc sẽ bật cười trước thế giới tình báo thô sơ và quê mùa trong Tinker. Thế giới của George Smiley (Oldman) và đồng nghiệp – Chiến tranh Lạnh những năm 70 – không có gì khác ngoài những văn phòng xấu xí và u ám, những tập tài liệu viết tay, và, ở trung tâm thế giới ấy, những người đàn ông. Quả vậy, suốt hai tiếng, MI6 chỉ xuất hiện hai người phụ nữ – một già, xấu, béo, đã về hưu + một cô thư ký văn phòng mà lời gợi ý đi chơi cuối tuần bị anh chàng Peter Guillam điển trai (Benedict Cumberbatch) lạnh lùng từ chối với lý do “phải đi thăm các bà cô”. Nếu như M, trên cương vị sếp sòng MI6, mang lại cho series James Bond nét lãng mạn của phụ nữ, thì bộ sậu của Cục Tình báo Anh dưới sự lãnh đạo của Control (cây đại thụ của điện ảnh sương mù, Sir John Hurt) chỉ có năm anh đực rựa, biến toa xe cách âm nơi họ hội họp thành sào huyệt của mưu mô, lạnh lùng, khắc nghiệt, và nam tính.

Sau vụ bại lộ khiến Jim Prideaux (Mark Strong) bị bắt tại Budapest, Control buộc phải từ chức và chết trong cô độc. Smiley được giao nhiệm vụ điều tra kẻ phản bội trong bốn nhân vật đầu não, được Control đặt bí danh là Tinker (Toby Jones), Tailor (Colin Firth), Soldier (Ciarán Hinds), và Poorman (David Dencik). Được sự trợ giúp của Peter và Ricki Tarr (Tom Hardy), một điệp viên bị gài bẫy vì tiết lộ sự tồn tại của kẻ phản bội, Smiley âm thầm xúc tiến cuộc điều tra.

Với nhiều bộ phim tương tự, danh tính của kẻ sát nhân/tên phản bội là điều cuốn hút khán giả đến giây phút cuối cùng. Tinker thì không thế. Những ai tinh ý sẽ có thể đoán ra điều đó ngay từ đầu qua danh sách diễn viên. Cái hấp dẫn ở Tinker là con đường đến câu trả lời, và đặc biệt là người dẫn chúng ta đến câu trả lời ấy.

Từ khi hóa thân thành tên sĩ quan DEA trong Léon, Oldman đã “chết” những vai phản diện quái dị, cuồng tín, và biến thái… Smiley là cơ hội lớn đầu tiên cho ông rũ bỏ vầng hào quang cũ (và rất có thể sẽ khoác lên một vầng hào quang mới nếu tới đây tượng vàng Oscar được trao cho vai diễn của Gary). Đây là một nhân vật, theo lời chính John le Carré, sở hữu “sự quỷ quyệt của Satan và lương tâm trinh nữ”. Và Smiley của Gary đúng là như thế, chính là như thế. Lạnh lùng, âm trầm, quyết đoán, lão mưu thâm toán, mừng giận không lộ ra ngoài mặt, nhưng không vì thế mà mất đi cái tình của con người. Với đồng nghiệp, Smiley chân thành; với địch thủ – Karla của KGB, ông tôn trọng; với thuộc cấp như Ricki và Peter, là một tình cảm bảo bọc gần như cha con. Nhưng khi cần tàn nhẫn, cần quyết tuyệt, ông sẵn sàng hành động, không nhíu mày, không biến sắc. Và, như bao người khác, ở Smiley cũng có điểm yếu trong tình cảm, mà Karla – đại địch của ông từ KGB, đã phát hiện ra và lợi dụng. Ngần ấy sắc thái, ngần ấy khía cạnh ở Smiley đều được Gary thể hiện ung dung và trọn vẹn qua từng cử chỉ, nét mặt, ánh mắt, ngữ điệu, phong thái và khí độ của một tay điệp viên cáo già.

Nhưng, Tinker không chỉ có mình Gary. Nói không ngoa, đây là màn phô trương sức mạnh hùng hậu của dàn diễn viên nam Anh quốc. Bốn thế hệ cùng góp mặt, và ai cũng đáng mặt anh hào – từ Hurt (72) tới Hinds (59), từ Firth (51) và Strong (48) đến Cumberbatch (35) và Hardy (34).  Firth vẫn lịch lãm như thường lệ trong khi Hardy đầy chất hài hước trong Inception lại diễn rất ra một Ricki Tarr bi kịch và rất con người. Strong khiến khán giả bất ngờ khi lột xác thành “anh giáo làng” Jim Prideaux, khổ sở để vượt qua cú sốc ở Budapest. Và không thể không kể tới Cumberbatch trong vai trợ thủ của Smiley, với ánh mắt xanh biếc và vẻ lãnh đạm rất Anh, đầy hứa hẹn trở thành một Alan Rickman mới.

Những gì đã đem lại thành công cho Let the right one in, Tomas Alfredson tiếp tục mang theo sang Tinker. Tomas dẫn dắt câu chuyện một cách rất điềm tĩnh, từ tốn, và đặc biệt tiết chế, với những khoảng lặng được tính toán kỹ lưỡng, để cảm giác khắc khoải và không khí bế tắc của mỗi cá nhân và của cả một thời đại ngấm vào tâm trí người xem. Đó là sự bế tắc của chính Smiley trong mối quan hệ vợ chồng; sự bế tắc của Prideaux khi mãi mắc kẹt trong hồi ức về những tháng ngày khủng khiếp ở Bulgaria; sự bế tắc của Ricki khi bất lực nhìn người đàn bà mình yêu biến mất một cách lặng lẽ; và sự bế tắc của một thế hệ điệp viên không biết cuộc chiến thầm lặng và dai dẳng hơn hai thập niên của họ rồi sẽ đi về đâu. Diễn ra không nhanh, nhưng câu chuyện của Tinker lại khiến khán giả không hề thấy chậm. Bởi nó hút người xem vào không khí đặc quánh của bộ phim, cái cách mà Let the right one in từng làm ba năm trước. Để giải mã được câu chuyện của Tinker, người xem phải tập trung cao độ và không thể bỏ sót một khuôn hình nào, vì trong cái chậm rãi này lại luôn dồn dập những dấu vết và chi tiết.

Không chỉ chậm rãi một cách dồn dập, Tinker còn chậm rãi một cách duyên dáng. Những cú máy trung bình hay tele, ống kính chuyển động từ từ và rê êm ru như nước, vừa giữ khoảng cách với nhân vật, vừa “mời gọi” người xem dấn thân vào câu chuyện, vừa phản ánh một góc nhìn tươi mới của đạo diễn người Thụy Điển. Sự tương phản giữa chất mềm mại và mượt mà của khuôn hình và nét kích thích đầy căng thẳng tích tụ trong khuôn hình ấy đã trở thành phong cách đặc hữu của Tomas Alfredson, được phóng đại qua ống kính của Hoyte van Hoytema trên vai trò quay phim chính.

Dấu ấn của Hoyte không chỉ dừng ở đó. Tinker xét cho cùng là period movie, kể về một thời đại đã qua. Những tông màu lợt lạt, những thước phim nổi hạt (grainy), những bộ quần áo được chăm chút kỹ lưỡng, cùng tiếng đàn dây dìu dặt đến thê lương của Alberto Iglesias đã phả vào khán giả một luồng gió ảm đạm mang hơi hướng rõ rệt thập niên 70, khi Chiến tranh Lạnh ở thời kỳ lắng dịu, nhưng sự thù địch giữa hai phe vẫn dữ dội và âm ỉ. Một phim như Tinker đòi hỏi chất nhạc dày dặn, có chiều sâu phức cảm, và người cộng sự quen thuộc của Pedro Almodovar đã chứng minh Tomas không hề sai lầm khi chọn ông.

Điểm cuối cùng song không thể không nhắc đến ở Tinker, là những ngón hài tỉnh rụi đặc sệt chất Anh, từ cảnh đôi chim cu hôn nhau tíu tít tại nhà nữ đồng nghiệp của Smiley, tới chuyện cả MI6 nói tiếng Nga nhem nhẻm trong lễ Giáng sinh với sự chủ trì của Santa Lenin. Ở nơi tưởng như không có chỗ cho tiếng cười, những tình tiết hài lại xuất hiện, thản nhiên mà không gượng ép, điểm nét duyên dáng Ănglê cho một bộ phim đã gần như hoàn hảo.

Bài đăng trên Thể thao Văn hóa Đàn ông số tháng 3/2012

Friday, February 3, 2012

Cơn cuồng nộ của nỗi cô đơn

Tháng 5 năm nay, sau khi LHP Cannes kết thúc, tờ Guardian nhận xét: “Chúng ta đã được chứng kiến sự ra đời của vũ trụ và ngày tận thế của trái đất. Nhưng hóa ra điều chúng ta thực sự trông đợi từ đầu là cảnh một gã đàn ông bị đập nát đầu trong thang máy. Khán giả chào đón nó như một người bạn thất lạc lâu ngày.”

Đó là lời bình luận về Drive, bộ phim đã nhận được 15 phút vỗ tay của khán giả khi trình chiếu ở Cannes và đem về cho Nicolas Winding Refn giải Đạo diễn xuất sắc nhất và báo hiệu một năm thành công rực rỡ cho Ryan Gosling (Crazy Stupid Love ra mắt tháng 7 và The Ides of March khởi chiếu tháng 9).

Trong Drive, Ryan sống đời bình lặng vào ban ngày trong vai anh thợ máy ngoan hiền tốt tính, thi thoảng làm cascadeur để kiếm thêm, và chuyên lái thuê cho các băng cướp khi đêm xuống. Cuộc đời bình lặng ấy bắt đầu nổi sóng khi gã có cảm tình với Irene (Carey Mulligan), nàng thiếu phụ nhà bên, có đức ông chồng đang vướng vòng lao lý. Vì một phút nổi lòng nghĩa hiệp giúp đỡ anh chồng mới ra tù đang khát khao làm lại cuộc đời, gã vướng vào một âm mưu đẫm máu do hai tay trùm mafia bày bố…

Câu chuyện của Drive chỉ có vậy, rất kinh điển, nếu không muốn nói là rất cũ và rất sến. Ấy thế nhưng từ một kịch bản quen thuộc như thế, bộ đôi Refn – Gosling đã đưa người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Cũng là một phim về xe, nhưng Drive không gầm rú như series Fast & Furious, mà chậm gấp ba nếu xét về tiết tấu, và dữ dội gấp ba nếu xét tới những khoảnh khắc “cuồng nộ” trong phim. Chính cái chậm rãi ấy, cái nhẩn nha ấy đã tích lũy và dồn nén sự căng thẳng để bộ phim bùng nổ vào những thời điểm bất ngờ nhất.

Độ bức bối trong tiết tấu của Drive được nhân thêm một tầng bằng những khuôn hình rất neo-noir của Newton T. Sigel. Sigel sử dụng những tông màu trầm, nặng như vàng nâu, xám; và tái hiện lại những thủ pháp ánh sáng và tương phản kinh điển của phim noir những năm 40-50, nhưng lại tạo ra một không khí đặc sệt của thập niên 80. Những màu sắc và tương phản ấy lại được bóp nghẹt đằng sau một ống kính góc rộng quen thuộc và đã trở thành “thương hiệu” của Refn.

Cái giỏi của Refn còn nằm ở chỗ anh tạo ra được những cảnh phim instant classic – nghĩa là vừa ra đời đã lập tức thành kinh điển. Đó là khi tột độ của lãng mạn và đỉnh điểm của bạo lực bị nén vào một phút và bị nhốt chung vào một thang máy nhỏ. Đó là khi ngôn từ im lặng, nhường chỗ cho sức mạnh kỳ ảo của hình ảnh để thể hiện cùng lúc cả tình yêu, nỗi đau chia ly và phút giây lột xác của một con dã thú. Hiếm đạo diễn nào dung hòa được hai thái cực đối lập trong một cảnh quay tài tình đến như Refn: nhân vật của anh bước từ miền yêu thương sang vùng tàn bạo, và bình thản làm điều đó chỉ trong một sát na.

Và Ryan Gosling trong Drive quả thực là một con mãnh thú, khiến những ai từng biết gã thầy giáo Brooklyn nghiện ma túy trong Half Nelson hay cậu trai bẽn lẽn ở Lars and the Real Girl đều phải bất ngờ. Drive vốn rất ít thoại, và gã tài xế do Ryan thủ vai là nhân vật kiệm lời nhất trong phim. Im lặng là cách gã thể hiện tình yêu thương, sự quan hoài. Và khi gã nói những câu dài, ấy là lúc gã nổi giận. Gosling mới 30, trẻ hơn rất nhiều và ngoại hình cũng rất khác Humphrey Bogart khi ông đóng Casablanca, song cái vẻ dễ tổn thương của một gã trai giang hồ ngoài cứng trong mềm ấy thì tuy hai mà một. Bộ phim làm ta không khỏi nhớ tới những câu chuyện của Cổ Long, với những nhân vật nam đầy “hiệp cốt nhu tình”, hành xử rất quyết đoán nhưng luôn vì nữ nhân mà khổ lụy.

Drive kể chuyện lái xe thì ít, mà về nỗi cô đơn, về tình yêu, về sự cảm thông và bản năng tự vệ – những động cơ thôi thúc (cũng là chữ drive trong tiếng Anh) các nhân vật hành động mạnh mẽ và quyết liệt như vậy – thì nhiều. Nhưng về bản chất, đây vẫn là một car movie, bởi đến cuối cùng, sau bao sóng gió, cùng gã tài xế ra đi trong nắng chiều chạng vạng vẫn chính là chiếc xe quen. Nhân vật ít lời của Ryan vì thế chắc cũng gợi không ít người nhớ tới tay cowboy vô danh của Clint Eastwood năm nào. Và Drive, trong chừng mực nào đấy, cũng có thể tính là một phim Viễn Tây của thời hiện đại.

Không có gì mới nhưng vẫn mới, tìm cảm hứng từ các thể loại cũ song lại không hề cũ, Drive đem đến cho những người hoài cổ một cơn rung động hồn nhiên mà mãnh liệt về những thể loại từng làm mưa làm gió một thời – film noir, Western, B-movies… Bộ phim đã, một lần nữa, cho ta thấy điều quan trọng không phải lúc giờ cũng là câu chuyện, mà là câu chuyện ấy được kể như thế nào.