Thursday, June 18, 2015

Gary Cooper

Audie Murphy và Brendan Fraser có thể là “người Mỹ trầm lặng” trong phiên bản điện ảnh của cuốn tiểu thuyết cùng tên của Graham Green. Nhưng “người Mỹ trầm lặng” đích thực của Hollywood thì chỉ có duy nhất một người.
Thực vậy. Trong lịch sử điện ảnh Mỹ, khó có diễn viên nào đại diện cho giá trị Mỹ hiện đại một cách điềm đạm, kiệm lời, không phô trương như Frank James Cooper, nghệ danh Gary Cooper, sinh năm 1901 ở Montana, miền đất hứa của những gã trai ôm mộng cao bồi, mất năm 1961 trong sự tiếc thương của cả thế giới điện ảnh, của Giáo hoàng, Nữ hoàng Anh, và Tổng thống John F. Kennedy.
Có người nói rằng sai lầm lớn nhất trong đời Gary Cooper là từ chối vai Rhett Butler trong Gone with the Wind. Nhưng một khi đã xem Gary diễn, thật khó để đồng nhất anh với gã lãng tử vô hạnh xứ Charleston. Cooper là một mẫu người hoàn toàn khác. Nếu John Wayne là đại diện tiêu biểu cho nước Mỹ thế kỷ XIX, cho những lữ đoàn kỵ binh dọc ngang miền biên viễn, thì Gary chính là gã trai điển hình của Mỹ quốc thế kỷ XX, là American Darling của xứ cờ hoa suốt bốn mươi năm đầy sóng gió.
Cuối thập niên 20, phim có tiếng như một cơn sóng thần tràn qua Hollywood, nhấn chìm cùng với nó không ít ngôi sao của thời đại phim câm. Gary Cooper không những sống sót, mà còn cưỡi lên đầu ngọn sóng ấy, để đi đến đỉnh cao danh vọng.
Chạm ngõ điện ảnh năm 1925, chàng trai cao ráo và mảnh khảnh xứ Montana, với tài kỵ mã được trui rèn từ thời thơ ấu, nhanh chóng trở thành gương mặt quen thuộc của thể loại Viễn Tây. Bộ phim có tiếng đầu tiên của Cooper, The Virginian (1929), không chỉ nâng anh lên hàng ngôi sao, mà còn góp phần xác lập hình tượng gã cao bồi phóng khoáng, can đảm, mã thượng của Hollywood cho đến tận ngày nay.
Trong vòng ba thập niên (1914-1945), nước Mỹ đã trải qua bốn lần biến động – hai cuộc Thế chiến, một trận Đại suy thoái, một cuộc cách mạng công nghiệp về dây chuyền sản xuất. Bối cảnh ấy thôi thúc xã hội Mỹ kiếm tìm một hệ giá trị bền vững, để neo đậu niềm tin của cả một dân tộc giữa thời tao loạn. Và Gary Cooper, với những vai diễn của mình, đã trở thành hiện thân của những phẩm chất ấy.
Năm 1932, Gary vào vai anh tài xế cứu thương ở A Farewell to Arms (Giã từ vũ khí), chuyển thể cuốn tiểu thuyết cùng tên của Hemingway. Chín năm sau, anh hóa thân thành Alvin York, viên Trung sĩ lừng danh của trận Meuse-Argonne. Cùng lấy bối cảnh Thế chiến I, song hai bộ phim lại mang thông điệp hoàn toàn đối lập. Nếu A Farewell to Arms là khúc bi ca phản chiến, thì Sergeant York đích thực là bài tụng ca của tự do, của đức tin, và của khát vọng đổi đời – những yếu tố then chốt cấu thành Giấc mơ Mỹ quốc.
Xuất thân là một gã trai quê bất trị nhưng vô cùng hiếu thảo, giấc mơ của Alvin York là được sở hữu một thửa ruộng màu mỡ và cưới người con gái mình yêu. Gã trai ngỗ ngược miền trung du một ngày kia bỗng tìm thấy niềm tin tôn giáo và trở thành một con chiên ngoan đạo, căm ghét bạo lực. Miễn cưỡng phải cầm súng, Alvin dần nhận thức được sự khác biệt giữa bạo lực thuần túy và bạo lực vì tự do, hòa bình, chính nghĩa. Và khi số phận gọi tên anh, Alvin, bằng tài thiện xạ của mình, đã lột xác thành người anh hùng nước Mỹ. Câu chuyện “như sách” của Alvin sở dĩ thuyết phục được người xem bởi vì diễn xuất của Gary Cooper tự nhiên và chân thành đến mức nó mài mòn mọi ba via ở những nơi tiếp giáp và hội tụ của các bài học luân lý và đạo đức trong phim. Và For Whom The Bell Tolls (1943) hai năm sau có lẽ chính là sự tiếp nối hợp lý câu chuyện của chàng Trung sĩ Alvin, khi Gary vào vai Robert Jordan, một người Mỹ chiến đấu cho lý tưởng Cộng hòa trong Nội chiến Tây Ban Nha 1936-1939.
Sau khi Henry Ford khởi đầu cuộc cách mạng về dây chuyền lắp ráp năm 1913, nước Mỹ tức thì tăng tốc, và rơi vào vòng quay hối hả của thời đại công nghiệp, thời đại kim tiền – điều từng được Charlie Chaplin khắc họa sống động và giễu cợt sâu cay qua Modern Times. Giữa thời buổi ấy, Gary và các nhân vật của anh bỗng nhiên xuất hiện, điềm đạm, bình thản, không ham danh lợi, chẳng nhuốm phù hoa. Đó là anh chàng Longfellow Deeds (Mr. Deeds Goes to Town, 1936), kẻ tỉnh nhất từng bước chân vào phòng xử án – như lời nhận xét của viên chủ tọa phiên tòa – giữa cõi đời say sưa vì dục vọng. Và đó là John Doe, người bình dân nhất trong những kẻ bình dân, đột nhiên trở thành nguồn cảm hứng cho xã hội trong việc làm người tử tế. Cả Deeds và Doe đều phải đối mặt với tột đỉnh của cám dỗ – với Deeds là khoản thừa kế 20 triệu dollar; với Doe là danh vọng và quyền lực. Nhưng cả hai, từ gã nhà thơ nghiệp dư chưa trải sự đời đến tay cựu cầu thủ bóng chày thất nghiệp đói ăn, đều vượt qua cám dỗ một cách ung dung như thể mọi chuyện vốn phải là như thế. Cái thiên lương tự nhiên nhi nhiên ấy tưởng chừng đơn giản, nhưng lại rất đỗi hiếm hoi, và chỉ có thể gặp mà không thể cầu, cả trong cuộc sống và diễn xuất. Nước Mỹ yêu Cooper, vì vậy, không chỉ như một ngôi sao, mà còn như hóa thân của cái chân và cái thiện.
Nhưng nhân vật của Gary không phải bao giờ cũng thuần hậu như vậy. Ngay từ những phim có tiếng tăm đầu tiên của mình như Morocco (1930), vai gã lính lê dương muôn vẻ phong tình của anh đã sớm không thể chê vào đâu được, đáng để nữ hoàng Marlene Dietrich vứt bỏ tất cả rồi mê muội theo anh vào miền gió cát. Một ví dụ khác là Now and Forever (1934), khi Gary vào vai một gã lừa đảo thành thần bỗng hồi tâm chuyển ý bởi tình yêu với đứa con gái nhỏ dễ thương (Shirley Temple). Giống như một số tên tuổi cùng thời – Clark Gable hoặc Cary Grant – mỗi vai diễn của Gary Cooper luôn chứa đựng một phần của chính anh, hay nói cách khác, Gary đã gieo cấy cá tính của mình vào nhân vật. Tom Brown trong Morocco đào hoa là thế nhưng vẫn kiên quyết bảo vệ danh tiết của người phụ nữ dan díu với mình bằng cách giấu kín tên nàng. Jerry Day cứng cỏi là thế nhưng cuối cùng cũng tan chảy trước đứa con gái mà gã toan đánh đổi cho gia đình nhà vợ lấy vài chục nghìn đô. Và tên cướp Link Jones của Man of the West từng máu lạnh là thế nhưng sau cùng đã đoạn tuyệt được quá khứ tội ác, làm lại cuộc đời. Cái hạt giống thiên lương trong nội tâm những kẻ giang hồ chính là điều khiến khán giả, đặc biệt là khán giả Mỹ, càng thêm yêu mến Cooper.
Một thể loại không thể không nói đến khi nói về Cooper chính là Viễn Tây. Mặc dù khởi nghiệp và thành danh từ Viễn Tây, nhưng phần lớn những bộ phim để đời ở thời kỳ sung mãn nhất của Cooper lại không phải Viễn Tây. Mãi đến cuối sự nghiệp, mảnh đất này mới mang đến cho Cooper hào quang, dù muộn màng nhưng không kém phần rực rỡ. Mười năm cuối đời, hai cột mốc đáng nhớ nhất của Cooper chính là High Noon (1952) và Man of the West (1958). Cá tính điềm đạm của Gary, càng trầm lắng hơn theo bề dày tuổi tác, chính là yếu tố làm nên chiều sâu và tính bùng nổ cho nhân vật Will Kane. Một cảnh sát trưởng kỳ cựu, vào ngày cuối cùng tại nhiệm sở, phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn: ở lại để bảo vệ thị trấn của mình, hay ra đi để bảo vệ hạnh phúc tinh khôi với người vợ trẻ xinh đẹp (Grace Kelly). Bộ phim đã phá tan khuôn mẫu người hùng Viễn Tây truyền thống khi biến cuộc vật lộn sinh tồn miền hoang dã thành cuộc đấu tranh nội tâm của người lính già đại diện cho Công Lý. Không phải ngẫu nhiên mà High Noon lại là bộ phim ưa thích của nhiều đời Tổng thống Mỹ – nhân vật Kane đại biểu cho sự cống hiến tuyệt đối, vô điều kiện cho bổn phận, luật pháp và lợi ích cộng đồng.
Dù là Will Kane hay bất cứ nhân vật nào – chàng cao bồi, người lính, hay gã Sở Khanh – Gary Cooper cũng không gặp bất kỳ khó khăn nào trong việc hóa thân thành nhân vật. Diễn xuất của anh tự nhiên và nhu nhuyễn đến độ khó lòng nói được đâu là nơi Cooper-con-người kết thúc, và Cooper-diễn-viên bắt đầu. Như Charles Laughton lừng danh từng kết luận: “Chúng ta diễn, Cooper sống.” Với Gary, Im lặng và Tự nhiên đã thành thiên tính.