Sunday, June 22, 2014

Fargo

Năm 1996, khi mới ra đời, Fargo lập tức trở thành một instant classic. Nghĩa là toát ra mùi kinh điển từ xa một dặm. Thư viện Điện ảnh Quốc gia Mỹ quy định chỉ những bộ phim đã ra đời ít nhất mười năm – nghĩa là đã qua sự khảo nghiệm của thời gian – mới đủ tiêu chuẩn để xem xét lưu trữ, “vì giá trị tiêu biểu về văn hóa, lịch sử, hoặc thẩm mỹ”. Fargo là một trong năm bộ phim hiếm hoi bước vào ngôi đền thiêng này ngay trong năm đầu tiên đủ tư cách xét duyệt.
Thách thức với Noah Hawley, tác giả của TV series cùng tên, dựa theo, kế thừa, tôn vinh và lấy cảm hứng từ Fargo 1996, bởi vậy, rất hiển nhiên: Làm thế nào thoát khỏi cái bóng khổng lồ của anh em nhà Coen, của câu chuyện hoang đường mà khả tín về một gã đụt, hai thằng đần, một bà chửa thông minh, và nỗi cắc cớ trớ trêu đến mức oái oăm và quái dị của Số Mệnh?
Đây là một bộ xương khủng long T-Rex thực thụ, và Hawley đã kỳ cạch tha bộ xương ấy từ Minneapolis về tận Bemidji, giữ nguyên từng chi tiết, rồi đắp cho nó một hình hài mới, dày dặn hơn, sống động hơn, nhưng vẫn giữ nguyên vẹn cái hồn cốt của con quái vật từng làm mưa làm gió ở Oscar và Cannes 18 năm về trước.
Hawley đã làm được điều đó bằng cách thêm vào Fargo 2014 một nhân vật mới: con quỷ. Những ai từng xem Tom & Jerry hẳn còn nhớ: đôi khi trong phim xuất hiện một Jerry-the-Devil, khơi dậy tà ý và ác tâm trong trái tim chú chuột. Ở Fargo 2014, kẻ đó chính là Lorne Malvo (Billy Bob Thornton). Nếu trong Fargo cũ, Số Mệnh là nhân vật chính, dẫn dắt câu chuyện đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác bằng những tình huống ngẫu nhiên kỳ quái và đẫm máu, thì ở đây, Malvo đã làm thay việc của thần may rủi.
Malvo là một nhân vật khiến người xem phải rùng mình. Vì khi nhìn vào y, ta thấy sự đồng hiện của ba gương mặt – Chúa, Quỷ và Người. Chúa là lúc y trừng phạt tay triệu phú gốc Hy Lạp bằng những ảo tượng kinh hồn về đại dịch. Quỷ là khi y khơi dậy ma tâm trong mỗi cá nhân một cách dễ dàng. Và Người là khi trở thành một sát thủ máu lạnh đoạt mạng không ghê tay – bởi đây không phải là cách sát nhân của Quỷ, mà chỉ có thể là của chính con người. Có những lúc, y nghịch tinh hệt một đứa con nít. Và lại có những lúc, y là một con ngáo ộp, khiến người lớn sởn da gà còn trẻ con sợ không dám khóc đêm. Hai thái cực ấy dung hợp trong một hình hài gầy gò và già nua, càng khiến ta thêm kinh sợ. Khó có ai phù hợp với vai Malvo hơn Thornton, bởi bản thân Thornton đã là một cá tính không thiếu phần lập dị. Mỗi lần cặp mắt Malvo nheo lại, mỗi lần y nhoẻn nụ cười ma mãnh, ở y lại tỏa ra một thứ quỷ khí làm ta lạnh gáy.
Một điều đáng nói là cách Fargo khắc họa những cảnh sát nhân. Máu me vung vãi, có, nhưng bừa bãi và lạm dụng thì không bao giờ. Với Malvo giết người là một thứ khoái lạc đầy hưởng thụ. Còn với Hawley, mỗi cảnh giết người là một tác phẩm nghệ thuật thực sự, với sự đa dạng trong hình thức dàn dựng và biểu đạt. Đấy có thể là một nhát búa vào đầu hay con dao vào ót, và cũng có thể là âm thanh chát chúa của tiếng súng, tiếng kính vỡ và tiếng la hét tuyệt vọng. Nhưng tất cả đều hướng tới cái đích chung là cười nhạo sự phù phiếm của sinh mệnh. Mỗi nạn nhân trong Fargo đều đón nhận cái chết theo cách được “thửa” riêng mình, qua lăng kính của Malvo.
Sự xuất hiện của Malvo tại Bemidji, một thị trấn nhỏ yên bình, quanh năm tuyết phủ, đã đảo lộn cuộc đời gã đại lý bảo hiểm hãm tài Lester Nygaard (Martin Freeman), cô cảnh sát thông minh Molly Solverson (Allison Tolman) và anh đồng nghiệp hiền lành Gus Grimly (Colin Hanks). Sau khi Malvo xuất hiện, một loạt án mạng đẫm máu xảy ra, như một cơn ác mộng ập xuống mảnh đất hiền hòa này. Molly và Gus là hai người duy nhất nghi ngờ sự liên đới của Lester và Malvo. Và, đơn độc, họ điều tra…
Nói đến đây, những ai từng xem, từng yêu và vẫn nhớ Fargo 1996 hẳn đã có thể hình dung ra Lester chính là phiên bản hai của con gà sống thiến tên gọi Jerry Lundegaard (William H. Macy), còn Molly đích thị là truyền nhân của Marge Gunderson (Frances McDormand). Vậy Gus là ai? Người viết xin dành bí ẩn nhỏ này lại cho độc giả dần dà tự khám phá. Chỉ xin có một gợi ý nhỏ rằng: ước mơ tuổi trẻ của Gus là trở thành anh bưu tá.
Lester, bất chấp ngoại hình nhỏ con, là một cục thất bại vĩ đại. Thời đi học bị bạn bè bắt nạt, khi đi làm bị đồng nghiệp coi thường, về nhà bị vợ rẻ rúng và em trai thương hại. Bao nhiêu dồn nén và ức chế biến gã thành một mảnh đất màu mỡ cho cái ác nảy mầm, và Malvo, nhìn thấy ngay điều đó khi tình cờ gặp gã, đã mau mắn làm nhiệm vụ của người gieo hạt.
Cơ duyên giữa Lester và Malvo có thể được xem như cuộc gặp gỡ của hai thái cực đối lập: một bên là con cừu nhu mì, phục tùng của xã hội, một bên là con sói ranh mãnh, khát máu của tự nhiên. Khi gặp con cừu, thay vì ăn thịt nó, con sói lại cho nó nếm thử vị máu, rồi thích thú nhìn con vật tội nghiệp trút bỏ lốt cừu để đi theo khát vọng sinh tồn. Lester, nói cho cùng, chính là “kiệt tác” của Malvo. Chứng kiến quá trình biến đổi của y suốt chiều dài bộ phim, có lẽ người xem sẽ không khỏi băn khoăn: đây là sự tha hóa của một con người, hay sự tiến hóa của một sinh vật?
Với lợi thế về dung lượng, Fargo của Hawley có một dàn nhân vật đông đảo hơn hẳn phiên bản phim truyện, mà nhân vật nào cũng phải nói là hết sức kỳ hình dị tướng. Nếu như anh em Coen chỉ trình làng một cặp đôi quái đản do Steve Buscemi và Peter Stormare thủ vai, thì ở đây chúng ta có tới ba cặp đôi như thế, mỗi đôi một vẻ, mười phân hãm mười: hai thằng con đầu teo chân tay to của Sam Hess, hai gã sát thủ thiểu năng (một bị câm điếc bẩm sinh!) của tổ chức Fargo, và hai đặc vụ bất lực toàn phần của FBI.
Hình như xứ tuyết là môi trường hết sức thuận lợi cho sự kỳ quặc sinh sôi, bởi trên cái nền mênh mông trắng xóa ấy, hầu như mọi nhân vật của Fargo đều tỏa ra một vẻ gì đó hài hước và lố bịch – từ tay cảnh sát trưởng dốt đặc cán mai đến em vợ béo xù của Lester, từ bà chủ khách sạn cắm cảu đến cô ả cựu vũ nữ thoát y vợ của Sam Hess. Chúng ta thừa biết trên đời có tồn tại những con người như thế, nhưng khi tất cả hội tụ lại trong một thị trấn hơn chục nghìn dân thì nồng độ kệch cỡm đã lên cao đến nỗi người xem chỉ còn biết phá ra cười sằng sặc.
Nhưng, cũng như Fargo 1996, giữa một rừng kỳ nhân quái thú ấy lại thấp thoáng vài chi tiết rất dịu dàng và ấm tình người. Ở bản cũ, chồng Marge là một anh giai thật thà chất phác nhưng đối với vợ hết mực ôn nhu. Ở bản mới, chúng ta có mối quan hệ cha con đầy trìu mến giữa Molly và Lou (Keith Carradine), giữa Gus và Greta (Joey King). Đó còn là khi anh hàng xóm tốt bụng của Gus, cố kìm nén nỗi sợ hãi, đối diện với con quỷ và liều mạng xua nó đi chỉ vì lo cho người láng giềng mới nói chuyện có một lần.
Và cuối cùng, không thể nhắc đến rất nhiều chi tiết dẫn chiếu tới Fargo cũ, được lồng ghép một cách khéo léo khiến người xem có cảm tưởng đây vừa là một sequel, vừa là một remake, lại vừa mang trong mình bóng dáng của một déjà vu./.