Wednesday, June 20, 2012

Une Vie de Chat

2011 dường như là một năm được mùa của những bộ phim “in Paris”. Chúng ta có Midnight in Paris của Woody Allen, có Monster in Paris của Bibo Bergeron, bộ phim hoạt hình 3D hiếm hoi từ nước Pháp. Nhưng mang đến nhiều ngạc nhiên hơn cả có lẽ phải là A cat in Paris, khi sản phẩm của Foliage studio bất ngờ có mặt trong danh sách đề cử Oscar 2012.

Dù là phim hoạt hình và mang một cái tên dễ thương đầy hứa hẹn, A cat in Paris không hoàn toàn dành cho trẻ con mà còn cả cho người lớn. Bộ phim vỏn vẹn 70 phút là một câu chuyện ly kỳ thực thụ, với những tên cướp đáng sợ, những cảnh rượt đuổi hồi hộp, những làn hơi khắc khoải của Billie Holiday khi hát I wished on the moon, và những sắc màu đượm chất noir hiếm thấy ở thế giới hoạt hình. May mắn thay, hiểm nguy và căng thẳng đã được gia giảm vừa đủ để hấp dẫn khán giả trưởng thành, nhưng không quá mức khiến các em bé phải sợ hãi; còn sâu lắng và hồn nhiên cũng được thêm nếm đều tay để thu hút người xem từ cả hai lứa tuổi.

Mối quan hệ giữa Jeanne, một nữ cảnh sát, và cô con gái nhỏ Zoe ngày càng xấu đi sau cái chết của người chồng/đồng nghiệp, nhất là khi Zoe bị sang chấn tâm lý và bị câm tạm thời. Niềm an ủi duy nhất của cô bé là Dino – một Ryan Gosling của loài mèo: chú ta bầu bạn với cô bé lúc ban ngày và khi đêm xuống, sánh vai gã “thần thâu” Nico, rong ruổi trên những mái nhà của thành Paris hoa lệ và vơ vét châu báu từ những nhà giàu có. Theo dấu chân Dino, cả Zoe và Nico bị cuốn vào cuộc phiêu lưu, đối đầu với tên tội phạm Victor Costa, kẻ sát hại cha cô bé và nay đang âm mưu ăn trộm một pho tượng quý mà Jeanne có trách nhiệm bảo vệ.

Trong khi Hollywood bị cuốn vào trào lưu 3D, hoạt hình Châu Âu vẫn âm thầm và kiên trì theo đuổi phong cách 2D, nhưng không thiếu cách tân và đột phá. Từ The Triplets of Belleville độc đáo, Secret of Kells tươi tắn, The Illussionist ưu tư, đến Persepolis sâu sắc, mỗi bộ phim đều đem đến cho người xem niềm hạnh phúc khi chứng kiến sức sống đa dạng mà mãnh liệt của hoạt hình truyền thống. A cat in Paris là sự nối tiếp duyên dáng cho dòng chảy ấy. Câu chuyện của Alain Gagnol có thể khá công thức, nhưng từng đường nét, từng khuôn hình đều toát lên chất sáng tạo khi pha trộn một cách tự nhiên nét vẽ của những cuốn sách tranh trẻ thơ với phong cách của hội họa Biểu hiện.

Không như những chú mèo thời đại của Hollywood, biết đấu kiếm và kể chuyện cười nhem nhẻm, Dino là một chú mèo đích thực, và cư xử cũng ra dáng một con mèo đích thực: sống về đêm, thích bắt thằn lằn, và cô độc. Song Dino không phải là nhân vật họ mèo duy nhất ở Paris. Bạn đồng hành của chú, Nico, nhanh chóng gợi cho khán giả nhớ tới tên trộm lừng danh John Robie, biệt danh Chú mèo trong To catch a thief của Alfred Hitchcock. Nếu già Alfred làm hoạt hình thì có lẽ phim của ông hẳn sẽ có phong cách không xa A cat là bao. Chất mèo còn được thể hiện qua phong cách chuyển động cách điệu mượt mà của nhân vật khi cả hai lướt đi nhẹ nhàng, như diều lướt gió, trên những mái nhà và dưới vòm trời sao Paris.

Không dừng ở đó, A cat còn là sự kết hợp tinh tế giữa hình với bóng. Dưới bàn tay bộ đôi Alain Gagnol – Jean-Loup Felicioli, màu sắc của ánh sáng và bóng tối, nhân vật và hậu cảnh được pha trộn một cách hoàn hảo và gây ấn tượng thị giác mạnh mẽ. Đó là khi Jeanne tập Thái cực quyền với cái bóng của mình, khi nhân vật giằng co, rượt đuổi trong bóng tối được minh họa bằng những đường viền trắng trên nền đen. Và xen giữa nét vẽ Biểu hiện là những khoảnh khắc siêu thực bất ngờ: cuộc chiến đấu của Jeanne với con bạch tuộc trong tâm thức, hay cơn hoang tưởng của gã trùm xấu xí…

Bên cạnh sự xuất sắc trong hình ảnh, A cat còn chứa đựng (và truyền tải) một lượng cảm xúc vượt xa độ dài của bộ phim. Người xem dễ dàng cảm nhận sự rời rạc trong mối quan hệ của Jeanne và Zoe, nỗi cô đơn và niềm tuyệt vọng của em khi bất lực trong việc bày tỏ suy nghĩ của mình bằng lời nói, cũng như cơn ám ảnh của Jeanne khi bị bóng ma của Victor Costa không ngừng đeo đuổi.

Để cân bằng với những giây phút nặng nề ấy, Alain và Jean-Loup tô điểm cho A cat bằng những tình tiết hài hước mà không dễ dãi. Phần lớn trong số này đến từ sự ngu khờ của đám tội phạm lâu la. Cuộc tranh cãi về đồ ăn khiến ta bật cười vì chất Tarantino không lẫn vào đâu được trong từng câu thoại. Và chú chó Rufus tội nghiệp, kẻ thù không đội chung trời của Dino, cũng là một tác nhân mang lại những tiếng cười sảng khoái.

Monday, June 18, 2012

Giấc mơ Bình đẳng và Bác ái

Trong một cuộc thăm dò ở Pháp về sự kiện văn hóa nổi bật nhất năm 2011, The Artist về thứ hai. Về ba là phần kết của Harry Potter. Về nhất là Intouchables của Olivier Nakache và Éric Toledano.

Câu hỏi tất yếu: Intouchables có gì đặc biệt mà đánh bại cả chủ nhân giải Oscar lẫn bom tấn đình đám nhất năm? Nếu nhìn vào bối cảnh xã hội nước Pháp thời gian qua, ta sẽ thấy không có gì khó hiểu khi câu chuyện giữa Philippe, một nhà quý tộc liệt toàn thân, và Driss, anh hộ lý bất đắc dĩ gốc Senegal, lại giành được nhiều cảm tình của khán giả Pháp đến thế.

Thành thật mà nói, Intouchables hơi quá đẹp, quá cổ tích. Nhưng giữa thời khủng hoảng và với những chấn thương tâm lý như Thảm sát Toulouse và Montauban, nước Pháp có lẽ rất cần một chuyện cổ tích như vậy để có thể tiếp tục tin vào câu tiêu ngữ Tự do – Bình đẳng – Bác ái của mình.

Nửa thế kỷ sau ngày thuộc địa cuối cùng của Pháp được trả độc lập, tự do có lẽ không còn là điều làm người Pháp suy nghĩ quá nhiều. Nhưng bình đẳng và bác ái thì vẫn canh cánh trong lòng họ. Đặt Philippe và Driss bên nhau dưới vòm trời Paris, Éric và Olivier muốn chứng minh bình đẳng hoàn toàn là khả thi và bác ái chẳng có gì là không thể, dù giữa hai con người trái ngược về mọi mặt. Và họ đã chứng minh điều đó một cách ngọt ngào nhưng không phô phang, hài hước mà vẫn đầy duyên dáng.

Sở dĩ một Philippe quý tộc, da trắng, giàu có, liệt tứ chi với một Driss có tiền án, da đen, thất nghiệp, cao lớn và đầy sức sống có thể trở thành bạn bè, thậm chí là tri kỷ, bởi vì họ tôn trọng nhau, và đối xử với nhau một cách bình đẳng. Philippe biết rõ Driss từng bị tù, nhưng không vì thế mà coi rẻ anh, một thái độ gần như bản năng của tầng lớp élite trong hoàn cảnh ấy. Ngược lại, Driss luôn coi ông là người bình thường, điềm nhiên giễu cợt tình trạng bại liệt của ông – không phải vì ác ý, mà đơn giản là với anh, chứng liệt tứ chi cũng không khác gì cái mũi to hay hàm răng vẩu. Philippe cần sự bình đẳng chứ không phải lòng thương hại, và chỉ Driss, bằng sự thẳng thắn tàn nhẫn của mình, là đem lại cho ông điều đó.

Và chính bình đẳng đã là mảnh đất để fraternité, để tình bằng hữu giữa họ đâm chồi nảy lộc,  Sẽ không hề quá nếu nói trong thời gian Driss ở cùng Philippe, họ đã “giáo dục” lẫn nhau. Philippe dạy Driss về nhạc cổ điển, hội họa và những kỹ năng giao tế xã hội. Ngược lại, Driss đóng vai trò như một Zorba, mang đến hơi thở tươi mới cho cuộc sống nhàm chán tới vô vị của Philippe – từ không khí tĩnh lặng của đêm đến cơn hưng phấn của tốc độ và marijuana.

Từ chỗ tôn trọng nhau, tôn trọng những giá trị của nhau, Philippe và Driss bắt đầu mở rộng lòng và cho phép người kia tiếp cận những góc khuất sâu kín trong trái tim mình. Mặc dù là một người đầy nghị lực , cái chết của người vợ và cú tai nạn dù lượn đã đóng một lớp hóa thạch quanh Philippe. Ông cần đến một ngọn lửa cuồng nhiệt và bộc trực như Driss để giúp ông nung chảy nó và quay lại với cuộc sống, với tình yêu. Nhưng ngược lại, Driss, như một viên ngọc thô, cần một đôi mắt xanh lịch duyệt để giúp anh sống tốt hơn và mài giữa thêm những phẩm chất tốt đẹp hơn ở mình.

Khi Intouchables đi đến những phút cuối, có cảm giác sự bình đẳng của bộ phim đã được đẩy đến mức tuyệt đối. Từ đầu đến cuối, Philippe và Driss không ai nợ ai một chút gì. Hai người đều chung một nỗi sợ-hãi-về-phụ-nữ – Philippe sợ đối diện với Eleonore còn Driss sợ gặp lại dì mình. Driss là người đầu tiên vượt qua, khi trở về bắt đầu cuộc sống mới, nhờ Philippe hy sinh bản thân để “trả” anh lại với gia đình. Còn Driss đã đáp lại nghĩa cử này khi tìm cho Philippe người chăm sóc mới, bằng cách lợi dụng đặc tính “đặt đâu ngồi đấy” của bạn mình.

Bài đăng trên Đẹp số tháng 7/2012

Saturday, June 16, 2012

The Lord of the Rings

Dịp gần đây, người viết có đọc bài phỏng vấn một tác giả trẻ của kiếm hiệp Đại lục. Trước nhận xét “kiếm hiệp đã cạn đề tài, chỉ quanh quẩn mấy câu chuyện ân oán tình thù cũ rích, chẳng còn gì mới mẻ cả”, anh ta cười bảo: “Thì Harry Potter là gia hận đó, Chúa Nhẫn là quốc thù kìa, thế giới người ta cũng chỉ lật đi lật lại chừng đó loại thôi.”

Câu nói ấy tuy đơn giản, nhưng lại gợi lên rất nhiều suy nghĩ, đặc biệt là về Lord of the Rings, một Mahabharata của Châu Âu thời hiện đại. Truyện cũng như phim, tác phẩm này đã tạo nên một thế giới huyền ảo, mê hoặc vô số độc giả cũng như khán giả khắp thế giới. Nhưng ở Middle Earth của Tolkien, nếu gạt bỏ đi những nguy nga hùng vĩ thần tiên tráng lệ, thì điều cuối cùng còn lại, one thing that rules them all, vẫn là các giá trị dẫu xưa nhưng chưa bao giờ cũ. Một trong số đó, là thứ tình cảm nhiệt thành và nguyên thủy của nhân loại mà ông lấy làm tên cho phần đầu và làm chủ đề xuyên suốt cho toàn bộ thiên sử thi: Fellowship of the Ring.

LOTR, tình bằng hữu hiện lên dưới muôn vàn hình tướng, trong muôn vàn hoàn cảnh, và đem lại cho chúng ta muôn vàn cung bậc cảm xúc khác nhau. Từ đầu phim, tình bạn hiện lên đẹp đẽ, thanh bình, như một bức tranh miền Shire. Nhưng đó chỉ là một khoảnh khắc thần tiên trước khi cả nhân loại bị cuốn vào loạn thế, và đây mới là bối cảnh thật sự thử thách tình bạn và làm nó tỏa ra thứ ánh sáng bất diệt, như ngôi sao Evenstar của nàng Arwen.

Xuyên suốt LOTR, làm người xem xúc động, đồng cảm, lo lắng, và ngưỡng mộ, là tình huynh đệ của bộ tứ hobbit: Frodo, Sam, Merry và Pippin. Mối tương giao của họ đặc biệt hơn hết thảy vì ẩn chứa sau ngoại hình thấp bé của họ là một tình bằng hữu cao cả và vĩ đại mà, như Aragorn đã nói, khiến toàn Middle Earth phải nghiêng mình kính phục và cảm tạ. Merry và Pippin chiến đấu vì ước mơ giản dị là về lại miền Shire. Frodo với Sam, bắt đầu từ chủ tớ và kết thúc là huynh đệ, đã vượt qua núi đao biển lửa, qua cám dỗ và ngờ vực, qua sự sống và cái chết, cũng chỉ để cùng nhau trở lại miền Shire.

Bắt đầu từ Shire và kết thúc ở Shire, tình cảm của các Hobbit về bản chất chính là một thứ “tình làng nghĩa xóm” đã thăng hoa và cứu vớt cả thế giới. Trong khi đó Hiệp hội Nhẫn là ẩn dụ về sức mạnh của một “thế giới đại đồng”, khi chín thành viên là đại diện cho nhiều chủng tộc (hobbit, người, tiên, người lùn, phù thủy) và đẳng cấp xã hội (vua, quý tộc, tiên nhân, pháp sư, trại chủ, nông dân). Tình bằng hữu giữa họ đã xóa nhòa và vượt qua những ranh giới ấy; gạt bỏ mọi mâu thuẫn, hiềm khích và định kiến, họ sát cánh để bảo vệ Middle Earth, bảo vệ nhau.

Dù Hiệp hội Nhẫn chỉ toàn nam, nhưng tình bằng hữu ở LOTR không phải là độc quyền của đàn ông. Thật khó mà quên được Arwen, tay ôm Frodo, kìm ngựa giữa dòng sông, đối mặt với các Nazgûl, quát lên đầy kiên định: “If you want him, come and claim him”. Và càng khó mà quên nổi Eowyn, tóc vàng, mặt lấm tấm tàn nhang, lạnh lùng thốt lên: “I am no man!” và một kiếm đâm suốt đầu Nazgûl Thủ lĩnh. Giữa một rừng chiến binh, nàng thiếu nữ Eowyn và cậu bé con Merry cùng nhau cầm gươm lên ngựa, và chính họ chứ không phải bất kỳ dũng sĩ nào, đã hạ sát Vua Nazgûl mà cả Gondor lẫn Rohan đều khiếp sợ. Đó há chẳng phải là vinh quang lớn nhất dành cho tình bằng hữu hay sao?

Không dừng ở đó, LOTR còn xem mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên là một thứ tình bằng hữu. Trong cuộc chiến chống lại cái ác, thiên nhiên đã bắt tay với con người, khi con người, với đại diện là Merry và Pippin, chìa bàn tay hồn nhiên và chân thành của tình bạn cho thiên nhiên, đại diện là các Thần Rừng.

Một phần không nhỏ cái hùng tráng của LOTR đến từ những cảnh chiến tranh, đặc biệt hai là trận chiến bảo vệ Helm’s Deep và Minas Tirith, khi con người đối diện với họa diệt vong. Trong thời khắc đen tối nhất này, ta càng thấy sự đối lập giữa con người và quái vật, và nguồn gốc sức mạnh của nhân loại càng được bộc lộ rõ hơn bao giờ hết. Đoàn quân Uruk-hai của Saruman đông hơn gấp bội, dũng mãnh và thiện chiến, nhưng đó là một tập hợp những cá nhân được cố kết bằng bạo lực, sợ hãi, tàn nhẫn và hủy diệt. Trong khi đó, Aragorn và Haldir, Gimli và Legolas, ngoài lưỡi gươm trong tay thì chỉ có tình bằng hữu là điểm tựa giúp họ đứng vững, trước những đợt công thành của hàng vạn Uruk-hai.

Trước trận Helm’s Deep, Gandalf ra đi với lời hẹn sẽ mang viện binh về khi tia sáng ban mai đầu tiên của ngày thứ ba xuất hiện. Chia tay đồng đội, Frodo ra đi với lời hứa sẽ mang chiếc Nhẫn đến Vực Diệt Vong. Trong cả hai lần ấy, người ở lại là Aragorn. Cả hai lần ấy, Aragorn đều tin, một niềm tin bất diệt, rằng bạn bè không bao giờ thất hứa. Tin đến mức đặt cược tính mạng bản thân và toàn quân vào niềm tin ấy. Và, cả hai lần, Aragorn đều thắng.

Nhưng LOTR không đơn thuần là câu chuyện của tình bằng hữu vững bền. Đó còn là câu chuyện về tình bằng hữu bị-tha-hóa và được-cứu-rỗi. Tình bằng hữu thiêng liêng là thế song cũng luôn đối mặt với thách thức, dù là hobbit, phù thủy hay con người. Ma chướng của chiếc Nhẫn khơi dậy ma tâm trong lòng Sméagol, và hắn đã giết bạn để chiếm đoạt chiếc Nhẫn và trở thành Gollum. Dã tâm quyền lực đã làm Saruman phản bội Gandalf, phản bội nhân loại để đi theo Sauron. Bản thân Frodo cũng đã không ít lần bị ma lực của chiếc Nhẫn khống chế, đe dọa hủy hoại tình cảm giữa cậu và Sam. Dù không phải bao giờ tình bằng hữu cũng chiến thắng như trong trường hợp của Sam với Frodo, nhưng cơ hội để sám hối thì vẫn có. Có khi sự chuộc lỗi đến sớm, như với Boromir – thoát khỏi ma thuật của chiếc Nhẫn, anh liền hy sinh để cứu Frodo. Có khi nó đến muộn, như với Đạo quân Tử thần, sau hàng nghìn năm mới có cơ hội hóa giải lời nguyền do phản bội Isildúr. Và cũng có khi cơ hội bị bỏ lỡ, như với Gollum – hắn đã có thể trở thành bạn của Frodo, nhưng cuối cùng vẫn không thắng nổi tâm ma trong lòng mình.

Nói cho cùng, tình bằng hữu, cũng như sự tồn tại, bền vững, hay tha hóa của nó, với Tolkien, đều là hệ quả những lựa chọn của con người.

Bài đăng trên Thể thao Văn hóa Đàn ông số tháng 7/2012

Saturday, June 9, 2012

Hẹn nhau ngày đó (ở St. Louis)

Ngày nay, phim gia đình vẫn chiếm một tỉ lệ không nhỏ ở các rạp chiếu phim. Nhưng số phim thực sự hay thì lại không nhiều, và, đôi khi, để tìm thấy một bộ phim như thế, ta phải ngược dòng thời gian rất xa để tìm về với những viên ngọc của quá khứ. Một trong những viên ngọc ấy là bộ phim musical của hãng MGM, Meet me in St. Louis (1944).

Năm năm sau thành công rực rỡ của Wizard of Oz, cô bé Dorothy (Judy Garland) nay đã lớn và hóa thân vào vai Esther Smith, một thiếu nữ tuổi vừa đôi tám ngụ ở 5153 Kensington Avenue, St. Louis – một thành phố lớn ven bờ Mississipi. Cô gái phải lòng chàng hàng xóm điển trai John Truett (Tom Drake) và tìm mọi cách để làm quen với John. Khi tình cảm giữa họ vừa chớm nở thì ông Smith cha cô lại có cơ hội thăng chức và quyết định cả gia đình sẽ dọn đến sống ở New York vào cuối năm, một cái tin rất đột ngột với nhà Smith, bởi ai nấy đều háo hức chờ đợi Hội chợ Thế giới 1904 sẽ được tổ chức vào cuối năm ở St. Louis. Trong bối cảnh ấy, Đêm Giáng sinh là sự kiện lớn cuối cùng của nhà Smith ở St. Louis, và cũng là cơ hội cuối cùng để John bày tỏ tình yêu của mình với Esther…

Meet me in St. Louis là một câu chuyện giản dị, nếu không muốn nói là kinh điển Hollywood, làm cho ta nhớ đến một bộ phim tương tự nhưng có lẽ nổi tiếng hơn nhiều là The Sound of Music. Judy Garland với đôi mắt to tròn đã mang giọng hát của mình vào bộ phim và lần đầu tiên đem đến với khán giả ba bài hát ngày nay đã trở thành một phần của The Great American Songbook – đó là The Boy Next Door, Trolley SongHave Yourself a Merry Little Christmas. Cảnh Esther mặc chiếc váy sọc, ngồi bên cửa sổ dưới vòm hoa và than thở: The moment I saw him smile, I knew he was just my style, sau hơn 60 năm có lẽ vẫn sẽ làm nhiều người xao xuyến, nhất là những thiếu nữ lần đầu biết tới hương vị của tình yêu. Và có lẽ cũng khó ai có thể quên được trường đoạn Esther đi xe điện và cất tiếng hát ngọt ngào: ‘Thump, thump, thump’ went my heartstrings. When he smiled I could feel the car shake. Sánh vai cùng Judy, Tom Drake rất tự nhiên hóa thân thành anh hàng xóm dễ thương, và mỗi lần anh xuất hiện, giữa John và Esther lại toát ra một vẻ bỡ ngỡ mà hồn nhiên rất đỗi tình đầu khiến ta không khỏi mỉm cười.

Sau Judy, có lẽ cô nhóc ‘Tootie’ Smith (Margaret O’Brien) là người đem lại nhiều tiếng cười nhất cho khán giả. Tootie là một bà cụ non chính hiệu với sở thích kỳ quái là làm lễ tang cho các em búp bê bị ốm; và mỗi trò nghịch ngợm vừa kỳ cục vừa ngộ nghĩnh của cô bé luôn là nguyên nhân gây rắc rối cho nhà Smith, nhưng chính nó cũng đã mang lại cho Margaret giải Oscar dành cho thiếu nhi năm 1944.

Nhưng nhà Smith không chỉ có Esther và Tootie. Đây là một đại gia đình gồm có Đại tá Darly (ông nội Esther), ông bà Smith, bốn chị em Rose, Alonzo Jr., Esther, Tootie và bác Katie giúp việc. Bên cạnh mối tình giữa Esther với John, cuộc sống của nhà Smith chính là những giây phút đẹp nhất và đầm ấm nhất của bộ phim. Mỗi chi tiết, dù lớn hay nhỏ, đều vẽ nên trước mắt khán giả một gia đình hạnh phúc và mẫu mực một cách đáng mơ ước. Đó là khi bà Smith và bác giúp việc ganh đua về công thức của món ketchup tuyệt hảo, là cảnh cả gia đình háo hức ngồi ở bàn ăn chờ đợi cuộc gọi đường dài từ ý trung nhân của cô chị cả Rose, là phản ứng giận dỗi của mọi người trong nhà, từ cô bé Tootie đến ông nội Darly, khi ông Smith thông báo sau Lễ Giáng sinh cả nhà sẽ chuyển đến New York.

Một vẻ đẹp nữa không thể không nhắc đến là từ cách nói chuyện cho đến lối ứng xử của mỗi người trong gia đình Smith, đều toát ra một vẻ lịch lãm rất đặc trưng của miền Nam nước Mỹ, vẻ lịch lãm từng mê hoặc người xem trong Gone with the Wind hay To Kill the Mocking Bird. Vẻ đẹp ấy càng trở nên duy mỹ hơn dưới gam màu rực rỡ đến phi thực của những thước phim Technicolor, khiến mỗi khi hoài cổ, người ta lại hẹn nhau tìm về với St. Louis, Louis…