Friday, April 12, 2013

Wolf Children

Từ lâu, anime (hoạt hình Nhật Bản) nổi tiếng với những câu chuyện dành cho người lớn. Nghiêm túc và có chiều sâu tâm lý, anime đã đạp đổ những định kiến cho rằng hoạt hình là thể loại thuần túy giải trí và chỉ dành cho trẻ em. Với “Wolf Children”, khúc tráng ca dịu dàng về tình mẹ, đạo diễn 45 tuổi Mamoru Hosoda đã một lần nữa, sau “The Girl Who Leapt Through Time”, cho khán giả thấy sức mạnh tiềm tàng và tưởng chừng bất tận của anime.

Khi cô sinh viên mười chín tuổi Hana đem lòng yêu thương gã người sói lạnh lùng cô độc, khán giả đã ngỡ mình đang được chứng kiến phiên bản hoạt hình của “Chạng vạng”, vẫn dành cho tuổi teen, song được cải biên theo hướng dành sự ưu ái cho Jacob. Tuy nhiên, câu chuyện nhanh chóng rẽ sang hướng khác khi Ookami bất ngờ chết đi, để lại Hana với hai đứa con thơ.

Ở “Wolf Children”, không có những phe phái ma cà rồng và người sói gầm ghè nhau. Chỉ có bờ vai gầy guộc của người mẹ trẻ một mình lo lắng cho hai đứa trẻ “khác” với những đứa trẻ bình thường, mỗi khi hưng phấn hoặc ức chế liền biến thành chó sói. Đặc điểm này chẳng mang lại siêu năng lực gì cho lũ trẻ ngoài việc đặt ra cho bà mẹ một nan đề: khi con ốm, nên mang chúng đến bác sĩ nhi hay bác sĩ thú y? Khổ sở vì phải che giấu bí mật của bọn trẻ giữa Tokyo, Hana quyết định dọn về miền núi, nơi hai chị em Yuki (Tuyết) và Ame (Vũ) có thể tự do sống giữa thiên nhiên và tránh được ánh mắt soi mói của người đời.

Đã từng có hai cô bé con (“My Neighbor Totoro”), một thiếu nữ (“A Letter to Momo”), và một phụ nữ độc thân (“Only Yesterday”) từ thành thị quay về nông thôn, để rồi tìm được ở đây những giá trị nguyên thủy nhất của cuộc sống. Hana là người mẹ đầu tiên, và khác với những nhân vật kia, cô trở về với một tâm thức rõ ràng, một ý chí kiên định, và một nghị lực phi thường. Nhiều phụ nữ hiện đại có lẽ sẽ mỉm cười khi thấy hình bóng của mình ở Hana: hoàn toàn không có kinh nghiệm nuôi con (và nuôi sói) cũng như làm nghề nông, cô chỉ biết dựa vào sách vở. Suốt hành trình dài, gian khó, lẻ loi này, Hana phải đối mặt với không ít vấp váp và thất bại. Nhưng tình yêu, đức nhẫn nại của người mẹ, và có lẽ cả sự hiếu thắng của tuổi trẻ, đã giúp cô vượt qua. Chính ở đây Hana đã cảm nhận được ân tình hồn hậu từ cộng đồng những người nông dân sống quanh cô.

Dưới sự chăm sóc và yêu thương của Hana, Ame và Yuki lớn lên giữa vùng cao nguyên hồn nhiên như cây cỏ. Nếu cách nuôi con của Hana làm ta cảm thông thì cách dạy con của cô đáng để ta nghiêng mình kính phục. Hiếm người mẹ nào lại thuận theo tự nhiên, khai mở, nâng niu và trân trọng cái “thiên tính” của con cái như Hana. Chưa bao giờ cô bắt con phủ nhận hay chối bỏ dòng máu sói, mà còn tạo điều kiện cho chúng tìm hiểu và học hỏi những kỹ năng và giá trị của giống loài này. Sói, với Hana, cũng như một nền văn hóa khác – cô muốn đem các con tìm về với nguồn cội của người cha đã khuất, một tâm nguyện tự nhiên, bình dị không khác gì của những phụ nữ lấy chồng ngoại quốc có cùng hoàn cảnh như cô. Có thể nói Hana đã là người hướng đạo tuyệt vời cho hai đứa trẻ trong hành trình đi tìm bản ngã. Cô chị Yuki lúc nhỏ hiếu động bao nhiêu thì lớn lên lại dịu dàng, nữ tính và “người” bấy nhiêu; trong khi cậu em Ame ngày bé yếu đuối và nhút nhát là thế mà sau này lại quyết liệt đi theo tiếng gọi của đại ngàn đến vậy. Và trong cả hai trường hợp, khi hai đứa trẻ chưa hoàn toàn trưởng thành nhưng đã kịp rẽ về hai ngả – một đường sói, một lối người – Hana vẫn dành cho cả hai tình yêu và sự ủng hộ không điều kiện, không điều kiện như tình yêu nồng nàn không toan tính mà tuổi trẻ của cô từng dành cho cha chúng.


Bên cạnh dòng chảy chính của thứ tình yêu tự nhiên đầy bản năng trong huyết quản Hana, “Wolf Children” còn một mạch ngầm khác, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Hayao Miyazaki, bậc thầy anime Nhật Bản: tình yêu thiên nhiên, môi trường sống. Thiên nhiên trong bộ phim được Hosoda chăm chút đến từng khuôn hình, từng mảng màu và nét cọ, dù đó là cánh đồng hoa trong giấc mơ của Hana, hay triền tuyết trắng phau nơi ba mẹ con cùng nô giỡn. Và hình ảnh con sói trẻ Ame nhẹ nhàng bay vút trên vách núi nghiêng nghiêng, có lẽ nào không làm người ta nhớ đến Moro, con sói trắng khổng lồ của Công chúa Mononoke?

Bài đã đăng trên Đẹp số tháng 5/2013.


Wednesday, April 10, 2013

The Hunt

Năm 2006 khi Casino Royale ra mắt, bên cạnh việc háo hức (và thỏa mãn) với diễn xuất của chàng James Bond mới, không ít khán giả ngạc nhiên và tò mò về người thủ vai Le Chiffre, địch thủ của 007. Đây là vai diễn khiến Mads Mikkelsen, được khán giả ngoài biên giới Đan Mạch quê hương anh biết đến nhiều hơn cả. Nhưng vai diễn khiến anh được nhớ tới và là cơ hội giúp anh phô diễn tài năng kiệt xuất của mình nhiều nhất, có lẽ sẽ là Lucas, người trông trẻ lặng lẽ trong The Hunt của Thomas Vinterberg. Vai diễn này đã mang lại cho Mads giải diễn viên nam chính xuất sắc của Liên hoan phim Cannes năm 2012.

Nếu ván bài trên bàn poker với Bond làm Le Chiffre chảy máu mắt thì cuộc chiến bảo vệ lòng tự tôn và nhân phẩm của Lucas trong The Hunt cũng làm cả nhân vật lẫn người xem phải chảy máu mắt, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ này. Khi trường phổ thông nơi anh dạy học đóng cửa, Lucas chuyển sang trông trẻ ở trường mẫu giáo trong vùng. Ly dị và không được sống cùng con trai, một cách tự nhiên Lucas trở nên gắn bó với Klara, con gái nhỏ của ông bạn nối khố Theo. Trong một lần giận dỗi vu vơ, cô bé vô tình làm Grethe, hiệu trưởng trường mẫu giáo, hiểu nhầm rằng cô bị Lucas lạm dụng tình dục. Câu chuyện lan ra, anh trở thành đối tượng bị căm ghét, khinh bỉ, và tẩy chay của cả cộng đồng một thị trấn nhỏ ở Đan Mạch, nơi tất cả cư dân đều quen biết nhau.

Thomas Vinterberg không phải là một cái tên xa lạ của điện ảnh thế giới. Từ năm 1995, ông đã cùng Lars von Trier thành lập Dogme 95, một phong trào chủ trương làm phim theo cách tiếp cận tối giản. The Hunt dù không phải là một phim dogme điển hình, nhưng vẫn bảo trì được tuyệt đối cái tinh thần Thomas hằng theo đuổi – tước bỏ tất cả những gì rườm rà, hoa lá, chỉ lấy câu chuyện và diễn xuất làm cốt tủy cho tác phẩm. Để nói về The Hunt, và về vai diễn của Mads, ta chỉ có thể viện đến một từ: ám ảnh.

Ở The Hunt, không có nhân vật xấu. Nếu không muốn nói rằng tất cả đều tốt. Thị trấn của The Hunt ít nhiều gợi nhớ đến thị trấn của Lars and the Real Girl, một xứ tuyết thân thiện và ấm cúng, cách xa thành thị, nơi tất cả đều tôn trọng và ủng hộ tình yêu của Lars dành cho cô búp bê Bianca. Thật khó hình dung một cộng đồng nhân văn như thế lại có thể hủy hoại triệt để phẩm giá của một con người và dồn họ đến đường cùng, như bầy mãnh cẩu dồn đuổi con mồi khốn khổ trong những cuộc đi săn của giới quý tộc thời Trung cổ.

Với một bộ phim như The Hunt, Mads Mikkelsen không còn là diễn viên. Anh trở thành một tấm gương, một cái phễu, phản chiếu và hứng nhận mọi khinh bỉ, chà đạp và lăng mạ của xã hội. Để rồi, bằng dáng đi, bằng ánh mắt, bằng cử chỉ, bằng lời nói, bằng cả sự im lặng hào hùng mà thống khổ, anh truyền tải tất cả những oan ức, đau thương, phẫn hận trong lòng nhân vật lại cho khán giả. Ở Lucas, vừa có cái nam tính xù xì thô ráp của xứ tuyết và của một thợ săn, vừa tiềm ẩn sự yếu đuối, dễ tổn thương của một gã đàn ông hết sức tự tôn và rất đỗi nặng tình. Điều này càng gia tăng chất bi kịch khi tai ương xảy đến: hai thứ mà anh trân quý nhất là phẩm giá và tình cảm (tình cha con, tình bạn, tình yêu) đều vỡ nát trước sức ép kinh khủng của hai chữ “ấu dâm”. Từ khi mới vào phim, những khuôn hình siêu rộng đặc tả Lucas đã báo hiệu một tương lai chẳng lành, nơi không gian sinh tồn của anh bị bóp nghẹt, còn con người anh bị bóp méo và ác quỷ hóa. Dõi theo mỗi bước đi của Lucas, cái cách anh đối mặt với hiện thực và xã hội khiến ta vừa cảm thông vừa kính phục. Anh chấp nhận, song không cam chịu, và không đầu hàng. Khi cần thiết, anh sẵn sàng bảo vệ tôn nghiêm và quyền làm người của bản thân, đồng thời che chở cho đứa con trai còn non nớt. Cái giỏi của Mads, trong một vai diễn phức tạp như thế này, là sự tiết chế toàn phần, nhưng vẫn sẵn sàng bùng nổ khi cần thiết mà không đi quá đà và tràn sang ngưỡng kịch.

Điều tàn nhẫn và đáng sợ nhất ở The Hunt là cái ác sinh ra một cách hoàn toàn tự nhiên, nếu không muốn nói là ngẫu nhiên, rồi cứ thế dồn nén, chất chồng, tích tụ cho đến khi hoàn toàn giẫm nát một con người; song người xem lại không thể chỉ vào bất kỳ ai mà kết luận rằng đây là kẻ thủ ác. Không phải cô bé Klara ngây thơ, người chính thức là nạn nhân của vụ việc; không phải bà hiệu trưởng, người rất cẩn trọng và tế nhị trong cách xử lý tình huống; không phải cha mẹ Klara, những người phản ứng hoàn toàn tự nhiên vì xót con; không phải các đồng nghiệp của Lucas; không phải cảnh sát; cũng không phải những cư dân thị trấn thuần hậu, chất phác và, oan nghiệt thay, ghét ác như thù. Nếu không phải lỗi cá nhân, thì lẽ nào đây là khiếm khuyết của hệ thống? Nhưng nếu ở một cộng đồng gần như lý tưởng này vẫn phát sinh một lỗi lầm khủng khiếp như thế thì chúng ta biết trông đợi, biết bấu víu vào mô hình xã hội nào đây? Nghịch lý còn nằm ở chỗ trong khi gần như tất cả bạn bè, người thân đều khinh bỉ Lucas thì người hiếm hoi tin vào sự vô tội của anh lại là một phụ nữ nhập cư, nói cách khác là một cá thể chưa biết gì nhiều về anh và (tạm thời) đứng ngoài rìa xã hội. Cảm giác hoang mang tuyệt vọng chính là dư âm đáng sợ nhất The Hunt lưu lại trong lòng khán giả: Phải làm sao? Để không thỏa hiệp trước cái ác. Nhưng đồng thời không vô thức biến mình thành một con chó dữ trong những cuộc săn người có tính bầy đàn bắt nguồn từ tâm lý đám đông? Đây là một câu hỏi khắc khoải mà cho đến tận phút cuối cùng, Vinterberg vẫn không cho chúng ta đáp án.

Không kém phần tàn nhẫn là những cái bẫy mà biên kịch Tobias Lindholm giăng ra cho khán giả, đặc biệt là những ai trông chờ một câu chuyện ấm lòng với một cái kết có hậu. Tối giản nhưng không hề đơn giản, Tobias lùi một bước để tiến ba bước, và mỗi bước tiến của anh như một sợi thừng siết chặt cả số phận Lucas lẫn hơi thở người xem. Lần thứ nhất, khi cuộc đời tưởng như sắp mỉm cười với anh –anh tìm thấy tình yêu mới và sắp đón con trai về sống với mình – thì tai ương ập tới. Lần thứ hai, khi luật pháp buông tha và trả anh về với con trai, ta ngỡ giông tố đã qua, thì đòn đánh thứ hai, nặng nề hơn, tàn độc hơn, giáng xuống, báo hiệu những gì tăm tối nhất vẫn còn ở phía trước. Cuối cùng, khi cả Lucas lẫn khán giả tưởng anh đã nắm trong tay chứng chỉ “phục hồi nhân phẩm”, thì một âm thanh chát chúa vang lên, nhạo báng niềm tin thơ ngây của anh và của cả người xem, vì cuộc đời không phải là một file văn bản trên máy tính, và chúng ta chẳng có cách nào để thực sự ấn “Undo”. 

Bài đã đăng trên Thể thao Văn hóa Đàn ông số tháng 5/2013.