Tuesday, April 17, 2012

Một con người. Một ngày dài. Một cuộc đời.

Có nhiều, nếu không muốn nói là rất nhiều, cách để làm một bộ phim hay. Lẽ dĩ nhiên, không có cách nào là dễ cả. Nhưng có một số cách có lẽ là khó hơn những cách khác. Quá duy mỹ thì dễ rơi vào hào nhoáng mà sáo rỗng. Quá duy cảm thì dễ mất đi sự chặt chẽ cần thiết cho một tác phẩm điện ảnh (bởi xét cho cùng, điện ảnh là một môn nghệ thuật đầy kỹ thuật). Người có thể đi thăng bằng trên hai sợi dây ấy không nhiều. Cùng lúc đi trên cả hai, lại càng ít nữa. Tom Ford, nhà thiết kế thời trang lừng danh, ở lần đầu lấn sân điện ảnh với bộ phim A single man, hẳn đã làm rất nhiều người ngạc nhiên khi ung dung đi về trên cả hai lằn ranh mong manh ấy.

A single man của Tom Ford là một bộ phim hoàn mỹ trong sự không hoàn mỹ của chính nó. Có lẽ không ai tán tụng nó là tuyệt phẩm, là kiệt tác bất hủ của mọi thời đại. Và chắc chắn là các nhà phê bình đã (và sẽ còn) nhìn ra những khiếm khuyết. Nhưng bất chấp tất cả, hẳn là không ít người vẫn phải thở dài trước vẻ đẹp mỹ lệ, đầy nhục cảm, và gần như không tì vết suốt chín mươi chín phút của bộ phim.

Dựa theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của Christopher Isherwood, A single man là câu chuyện về một ngày – chính xác là ngày 30 tháng 11 năm 1962, một tháng sau khủng hoảng tên lửa ở Cuba – của George Falconer (Colin Firth), một giáo sư văn học người Anh sống ở Los Angeles. Tám tháng sau khi người bạn đời 16 năm của ông qua đời, Falconer thức dậy vào buổi sớm từ cơn ác mộng về cái chết của Jim. Khởi đầu ngày mới với tâm niệm đây sẽ là ngày cuối, ông chuẩn bị cho cuộc chết của mình một cách không thể kỹ lưỡng hơn và phong cách hơn. Chỉ có điều, ông không ngờ rằng những gặp gỡ và tao ngộ với cô bạn lâu năm Charlotte (Julianne Moore), cậu sinh viên Kenny (Nicholas Hoult) và gã trai bao Tây Ban Nha Carlos đã biến hôm ấy thành một ngày đáng nhớ và kết thúc nó với một cách không thể đẹp hơn, đúng như Dinah Washington thời ấy thường hay hát: What a difference a day make! Twenty four little hours…

A single man hội đủ các nhân tố cần thiết để trở thành bi kịch. Là người đồng tính, Falconer vốn dĩ đã rất cô đơn - ai từng xem Milk thì chắc vẫn chưa quên vào thập niên 70 người đồng tính còn bị kỳ thị ghê gớm ra sao tại Mỹ, và càng cô đơn hơn khi mất đi người bạn đời đích thực. Mỗi nhân vật phụ cũng đều bi kịch theo cách của riêng mình: Charlotte thất bại trong hôn nhân, Kenny hoang mang giữa cuộc đời, và Carlos tan vỡ giấc mơ Hollywood. Tất cả sống khắc khoải trong bóng mây thảm họa hạt nhân bao trùm nước Mỹ ở thời điểm ấy. Tom Ford không né tránh điều đó, mà ngược lại, tiếp cận nó một cách trực diện, song với một góc nhìn đầy mỹ cảm và phong cách (stylistic). Và đi cùng với nó là một nỗi niềm đồng cảm sâu xa – bản thân Tom Ford cũng là một người đồng tính. A single man, bởi thế, rất buồn, nhưng cũng rất đẹp. Đẹp tới mức làm khán giả sững sờ, gần như quên mất đây là bi kịch. Đẹp tới mức chỉ có thể diễn tả bằng một từ: kinh diễm.

Câu chuyện của A single man giản dị. Thách thức với Tom Ford vì thế không phải là sẽ kể gì, mà là kể nó ra sao? Có những người làm biên kịch, quay phim rất giỏi, nhưng lại thất bại khi chuyển sang đạo diễn. Vậy thì tại sao, một nhà thiết kế thời trang, kinh nghiệm điện ảnh rất ít ỏi, lại thành công ngay ở bộ phim đầu tay? Câu trả lời có lẽ nằm trong vùng đất chồng lấn giữa thời trang và điện ảnh. Cả hai, xét đến tận cùng, đều là những môn nghệ thuật thị giác. Tom Ford có thể không hiểu biết rành rẽ về điện ảnh như dân trong nghề. Nhưng anh lại sở hữu một thứ hiếm người có được: một bản năng mỹ cảm thiên phú, một nhãn quan về phong cách ưu việt, điều đã giúp anh vực dậy Gucci từ chỗ suy tàn và biến nó thành một thương hiệu hùng mạnh của thời trang thế giới. Mỹ cảm của Tom, cộng với diễn xuất của Colin Firth và nhạc của Korzeniowski (soạn nhạc cho Metropolis) đã làm nên một A single man lung linh trên mỗi một khuôn hình.

Nét độc đáo nhất ở A single man là cách xử lý màu sắc của Tom. Những tông màu nóng và lạnh được sử dụng đan xen ở nhiều cấp độ tương phản khác nhau nhằm khắc họa sự đa dạng về cảm xúc của nhân vật. Mỗi khi Falconer u uất, màu phim trầm xuống và bợt đi. Và trong những phút hưng phấn hiếm hoi khi ông tiếp xúc với nguồn sinh khí dạt dào hơn từ những con người khác, khuôn hình bừng sáng với những gam màu nóng. Cùng một đoạn thoại, những khi ống kính hướng vào Falconer, tông màu chìm xuống. Chuyển sang Kenny, tất cả lại rực lên với vẻ tươi tắn của chàng trai 20 tuổi. Mỗi khi Falconer hoài niệm về Jim, ký ức lại lung linh trong sự tương phản sống động với cái ảm đạm của hiện thực. Sự tương phản ấy còn dữ dội hơn trong đoạn gặp gỡ giữa Falconer và Carlos. Đó vừa là sự tương phản của nhân vật – một kiệt quệ khát khao, một căng đầy nhựa sống; vừa là sự tương phản của ngoại cảnh – tà huy đỏ rực đổ bóng lên tấm poster khổ lớn màu xanh lợt, nơi đôi mắt kinh hoàng của Janet Leigh ở Psycho đang nhìn sâu vào lòng khán giả trong một nỗ lực tuyệt vọng để tìm lối thoát cho mình.

Sự chắc chắn tuyệt đối về sinh mệnh của mình (sẽ kết thúc khi ngày hết) đã khiến mọi giác quan của Falconer như căng ra và nhạy bén hơn. Khi cận kề sự chết nhất cũng là lúc ông mẫn cảm nhất với vẻ đẹp đầy mộng mị của sự sống, cho dù đó là mồ hôi trên bờ ngực trần của một tay vận động viên tennis, màu son môi và mùi nước hoa trên tóc mai cô thư ký, hay đôi chân gày gò nhưng vẫn chứa chan nhựa sống của cô bé Jennifer. Tom Ford khắc họa điều đó bằng những cú máy macro –cách giải quyết có thể là hơi nghiệp dư đối với một số người, nhưng lại phản ánh rõ nét nhất lối tiếp cận trực diện thường thấy ở anh. Sự thẳng thắn đến bạo liệt ấy của Tom đã nhận được một sự bổ sung ăn ý qua diễn xuất tiết chế và thâm trầm từng làm Colin Firth nổi danh với Kiêu hãnh và Định kiến. Với nét mặt Ănglê biểu cảm mãnh liệt trong mỗi cái nhíu mày, Firth diễn rất đạt nỗi cô đơn và niềm tuyệt vọng luôn bị kìm nén dưới vẻ ngoài lịch lãm của Falconer. Cũng tuyệt vọng như bạn mình và còn thất bại thê thảm trong hôn nhân, nhưng Charlotte của Julianne Moore lại mang đến một hơi thở hồn nhiên và vô ưu. Chính cô, cùng với Kenny, đã giúp Falconer tái sinh. Nếu như cô níu ông lại bằng trách nhiệm của tình bằng hữu, thì Kenny, bằng ánh mắt và nụ cười rạng rỡ sắc thanh xuân, bằng niềm chân thành tuổi trẻ, đã giúp ông vượt qua quá khứ, vượt qua Jim, để rồi trả lại cho ông niềm yêu cuộc sống, cho một ngày của ông thực sự là trọn vẹn.

Điểm mạnh của Tom, trong chừng mực nào đó, cũng chính là điểm yếu của anh. Bản năng của một art-director lâu năm trong ngành thời trang có lẽ đã cuốn Ford đi trong cách anh bài trí và bố cục bộ phim của mình. Mỗi một khung hình của A single man đều có thể trở thành một tấm print-ad hoàn hảo. Cách Falconer xếp đặt tư trang của mình để chuẩn bị tự tử không còn là sự chỉn chu của một giáo sư đại học, mà mang đậm dấu ấn của một stylist. Và đoạn hồi ức đen trắng của Falconer về Jim, nếu như thêm vào một chai Yves Saint Laurent M7 thì hẳn là không khác gì một bức hình quảng cáo nước hoa for men chính hiệu. Với một nhà phê bình khắt khe, đó sẽ là những điểm trừ. Nhưng đồng thời, chất stylistic của Tom cũng góp phần xóa nhòa đi ranh giới giữa video quảng cáo và điện ảnh, và đó cũng có thể tính là điểm cộng cho anh.

Có những giây phút ở A single man, Tom làm ta nhớ đến hai bậc thầy khác về mỹ cảm – Almodovar và Vương Gia Vệ. Nếu bức poster khổng lồ làm khán giả liên tưởng đến All about my mother thì những thanh âm se sắt rất Umebayashi sau mỗi khuôn hình quay chậm lại gợi nhớ về In the mood for love. Nhưng, có lẽ, với Tom, người hiểu rất rõ sự khác biệt giữa sáng tạo và sao chép, sự tương đồng ấy là một cách không thể đẹp hơn để tôn vinh những con người cùng chia sẻ với anh niềm đam mê dành cho mỹ cảm.

Trong một thế giới nơi lợi nhuận thống trị điện ảnh, những con người như Pedro Almodovar và Vương Gia Vệ ngày càng ít đi. Bởi thế cho nên, chúng ta có mọi lý do để vui mừng, khi có thêm một người gia nhập hàng ngũ ấy. Tháng 6/2010 vừa qua, Tom tiết lộ anh đang theo đuổi một dự án điện ảnh thứ hai. Và với những gì anh đem đến ở A single man, chúng ta có mọi lý do để cùng chờ đợi.

Monday, April 16, 2012

Master and Commander

Chiến tranh có lẽ là một thể loại (genre) điện ảnh yêu thích của đàn ông. Nhưng trong số các tiểu thể loại (sub-genre) của phim chiến tranh, lại có một thể loại đặc biệt dành cho đàn ông: hải chiến cổ điển. Và khi ta nói cổ điển, nghĩa là giai đoạn từ thế kỷ XVI đến XIX, khi các cường quốc Châu Âu cạnh tranh quyết liệt hòng giành giật ngôi bá chủ đại dương.

Vì sao những câu chuyện hải chiến lại hấp dẫn cánh đàn ông? Vì ba lẽ: thứ nhất, hàng hải hao giờ cũng là cuộc phiêu lưu vừa khắc nghiệt vừa lãng mạn vào bậc nhất trong lịch sử (hãy nhớ Columbus, hãy nhớ Magellan!); thứ hai, trên biển cả, mỗi con tàu là một thế giới thu nhỏ và hoàn toàn biệt lập với bên ngoài. Đó là thế giới của riêng đàn ông, cũng là của vô số mẫu đàn ông: từ vị thuyền trưởng lừng danh đến gã hải tặc độc ác, từ con sói biển lão luyện đến chú bé học việc, từ viên bác sĩ đến tay tù khổ sai; thứ ba, đại dương, bão tố và kẻ thù là thứ thuốc thử tốt nhất để khơi dậy những phẩm chất tinh túy trong mỗi người đàn ông: lòng dũng cảm, trí thông minh, đức kiên trì, và sự từng trải. Điều đó lại đặc biệt đúng trong thời kỳ hàng hải chưa có nhiều dấu ấn của cuộc cách mạng công nghiệp, và mỗi chuyến hải hành đều là thử thách lớn lao với con người, một thứ Mer des Hommes rất gần với Terre des Hommes[1] của Saint-Exupéry.

Đặc biệt là thế, nhưng điện ảnh thế giới dường như lại không nhiều tác phẩm thực sự để lại ấn tượng sâu sắc về đề tài này. Một bộ phim hiếm hoi trong số đó, chính là “kẻ thất bại vĩ đại” của Oscar lần thứ 76 – Master and Commander: The Far Side of the World.

Master and Commander là bộ phim đầu tiên (và rất được mong đợi) đưa hai nhân vật của series 21 cuốn tiểu thuyết hải chiến của Patrick O’Brian là Jack Aubrey và Stephen Maturin lên màn bạc. Aubrey là một thuyền trưởng lão luyện trong Hải quân Hoàng gia Anh, còn Maturin là một bác sĩ phẫu thuật, nhà tự nhiên học, và điệp viên của Hải quân. Họ quen biết nhau từ tình yêu chung dành cho âm nhạc (Aubrey chơi violin còn Maturin kéo cello) và từ năm 1800 đã cùng sánh vai trên những chuyến hải hành. Năm 1805, trong thời kỳ Chiến tranh Napoleon, Aubrey khi đang rong ruổi ở biển Caribbean trên chiếc HMS Surprise chở 28 pháo và 197 linh hồn thì có lệnh truy đuổi chiếc Acheron của quân Pháp. Đối mặt với một con tàu hơn hẳn về tốc độ và gấp rưỡi về hỏa lực, nhưng nhờ mưu trí của bản thân, lòng dũng cảm của thủy thủ đoàn, cộng với một chút may mắn, Aubrey đã dẫn dắt Surprise đến chiến thắng. Master and Commander kể về câu chuyện đó nhưng không dừng ở đó, nó còn là bản anh hùng ca về tình bằng hữu của cặp song tấu Aubrey – Maturin, về cuộc sống và tình đồng đội của những gã đàn ông chung một chiến thuyền, về vẻ huy hoàng và sự tàn nhẫn của biển khơi…

Peter Weir, đạo diễn của Master and Commander, đã không nhầm khi chọn Russell Crowe, người sở hữu một thứ thần thái và khí chất đặc biệt của kẻ sinh ra để làm thủ lĩnh (đã được minh chứng với Gladiator), một kiểu Hạng Vũ của phương Tây. Từ Aubrey ta thấy toát ra uy thế của một kẻ tự tin có thể làm chủ vận mệnh, làm chủ đại dương. Và Paul Bettany là một lựa chọn không thể phù hợp hơn cho vai chàng bác sĩ lập dị Maturin – một Charles Darwin lạc bước lên tàu chiến.

Điều quý giá nhất ở Master and Commander là nó khắc họa cuộc sống trên những chiến hạm thời xưa một cách cực kỳ trung thực, từ những đêm dài tĩnh lặng tới những cuộc giao tranh ngắn ngủi mà khốc liệt và thường cướp đi rất nhiều sinh mệnh, từ những thời khắc thủy thủ đoàn hồn nhiên hò hát bên nhau đến những giây phút nghi kỵ lẫn nhau bởi tinh thần sa sút và tuyệt vọng. Như Jack Aubrey chăm chút chiếc Surprise, Peter Weir chăm chút bộ phim trong từng chi tiết – từ những chiếc võng trắng đong đưa một cách bình yên dưới ánh nến bập bùng đến bức phù điêu trên mũi thuyền sứt sẹo vì đạn pháo. Không hoang đường và lừa mị như Pirates of the Caribbean, Master and Commander đem đến cho ta một tay bác sĩ múc não (theo nghĩa đen của từ này) người bị thương dưới ánh mắt tò mò của thủy thủ đoàn, và một cậu bé cắn chặt răng vào thanh gỗ bởi không có thuốc mê khi phẫu thuật cưa tay. Trong thế giới có tên là Surprise, các cậu bé buộc phải trở thành đàn ông, bởi vì Thuyền trưởng Aubrey chỉ có một cách xưng hô cho tất cả: Mister, Mister, và Mister.

Nhưng viên thuyền trưởng luôn đòi hỏi những người đàn ông mười ba tuổi của mình “đứng thẳng trên boong” lại cũng là người mở đầu bữa tối của các sĩ quan bằng lời chúc: “Cho vợ và tình nương!” và cùng Maturin kết thúc nó với Mozart, Correlli và Boccherini. Tình bằng hữu giữa Aubrey với Maturin là thứ tình cảm thuần phác nhất và nguyên thủy nhất, bởi mọi màu mè hoa lệ đã bị sóng gió Đại Tây Dương gột sạch lâu rồi. Họ giận nhau như những người đàn ông và yêu quý nhau cũng như những người đàn ông. Tình yêu âm nhạc mang họ đến với nhau và theo thời gian, hun đúc tình bạn của họ. Aubrey đè nén bản năng của một con thú săn mồi vì Maturin, và Maturin ngoảnh mặt trước cám dỗ của thiên nhiên vì Aubrey. Thứ tình cảm ấy, phải chăng, là đặc hữu của đám hải hồ huynh đệ? Bởi vì chúng ta nhìn thấy điều ấy không chỉ ở riêng Aubrey hay Maturin, mà ở tất cả 195 con người còn lại của Surprise. Sự kính trọng tới mức gần như sùng bái của thủy thủ với thuyền trưởng, sự gắn bó giữa bốn cậu bé tập sự sĩ quan, sự đoàn kết tự nhiên giữa những người con của biển, tất cả đã hội tụ lại để làm nên vẻ đẹp đầy nam tính của bộ phim.

Bên cạnh bầu nhiệt huyết tràn ngập boong tàu khiến người xem khó lòng không xúc động, Master and Commander còn mang đến cho khán giả một luồng cảm xúc khác: nỗi hồi hộp của cuộc rượt đuổi nghẹt thở giữa Aubrey với Acheron. Điều độc đáo là trong suốt 110 phút đầu bộ phim chỉ sử dụng một góc nhìn duy nhất từ Surprise; đến khi hai tàu áp mạn người xem mới được nhìn tận mắt “con tàu ma” đã ám ảnh Jack Aubrey. Góc nhìn một chiều này, kết hợp với việc sử dụng máy quay cầm tay theo sát từng bước đi của Aubrey trong các cảnh giao tranh khiến khán giả có cảm giác như mình đang là một phần của trận đánh.

Trận đánh ấy, với Aubrey, có lẽ không thuần túy chỉ là một trận hải chiến. Anh ta đuổi theo Acheron không phải vì lòng kiêu hãnh, mà vì khát khao muốn chứng nghiệm xem giữa con người và công nghệ, ai sẽ thắng? Và cuối cùng, con người đã thắng! Với sự trợ giúp của thiên nhiên, trong hình hài một chú bọ que.
____________________

[1] Cuốn hồi ký của Saint Exupery kể về cuộc đời những phi công chở thư tín của hãng Aéropostale đến Bắc Sahara và dãy Andes ở Nam Mỹ trước Thế chiến II, đã được Bùi Giáng dịch sang tiếng Việt với cái tên Cõi người ta.


Bài đăng trên Thể thao Văn hóa Đàn ông số tháng 5/2012