Saturday, August 22, 2015

Cary Grant

Khi mới xem vài bộ phim thời trẻ của Cary Grant, phần lớn trong số đó là phim hài, đã có lúc tôi nhíu mày tự hỏi: lẽ nào, chỉ bằng những vai diễn ấy, con người này lại đủ sức tề danh với Humphrey Bogart hay Gary Cooper trong danh sách những diễn viên nam xuất sắc nhất mọi thời đại?
Nhưng càng xem những vai diễn về sau của Cary, nỗi hoài nghi ấy dần dần tiêu biến. Và khi đã thấm thía cái hậu vị điềm đạm, sâu lắng và dai dẳng mà những vai diễn sau này của Grant, như một chai vang lâu năm, để lại nơi đầu môi chót lưỡi, tôi mới chợt hiểu rằng, những nhân vật của Grant thời trẻ cũng có giá trị của riêng mình.
Năm Archie Leach, nghệ danh Cary Grant, lên mười, mẹ cậu phải nhập trại tâm thần, cha cậu lấy vợ khác. Không mấy ai biết cậu trai quê Bristol (Anh) đã trải qua quãng đời niên thiếu ra sao, nhưng chắc chắn đó là một tuổi thơ chẳng dễ dàng gì. Mười sáu tuổi, cậu gia nhập đoàn xiếc, để rồi ở lại Mỹ sau một lần lưu diễn. Trải mấy năm phiêu bạt với các đoàn tạp kỹ và trên sân khấu Broadway, rốt cục chàng trai dừng chân ở Hollywood, ký hợp đồng với Paramount. Archie Leach chết, và Cary Grant ra đời.
Cuộc đời điện ảnh của Grant có thể chia làm hai chặng. Sau khi rũ bỏ được thứ tiếng Anh quê mùa xứ Bristol, nhờ ngoại hình phong lưu, Grant mau chóng lọt mắt xanh của những ngôi sao nữ thời ấy – Marlene Dietrich, Mae West – và bắt đầu nổi danh trên màn bạc. Nửa cuối thập niên 30, Grant là ngôi sao số một và không thể tranh cãi trong thể loại phim hài. Vai diễn của anh dao động giữa hai thái cực: anh thanh niên vụng về tốt tính như nhà cổ sinh vật học David Huxley trong Bringing Up Baby (1938), hay ranh mãnh và lắm chiêu như gã chủ báo His Girl Friday (1940). Điều đáng nói là những phim nổi trội của Grant thời kỳ ấy thường là chuyện tái hôn, motif điển hình của thể loại hài screwball. Nhân vật của Grant xung đột và chia tay với vợ - Irene Dunne trong The Awful Truth (1937), Katherine Hepburn trong Philadelphia Story, Rosalind Russell trong His Girl Friday, đều ra mắt năm 1940. Sau nhiều sóng gió, cặp đôi mới nhận ra người kia chính là một nửa đích thực, dù không hoàn hảo, của mình, và bọn họ gương vỡ lại lành. Đây vừa là một cách khôn khéo của các studio nhằm lách hệ thống kiểm duyệt – tình huống xung đột quyết liệt là sân khấu lý tưởng cho tư tưởng nữ quyền, tự do vượt thoát, trong khi cái kết đoàn viên giúp tránh được đại kỵ của Luật Hays là cổ xúy ly hôn. Song hệ quả gián tiếp mà có lẽ các studio cũng không ngờ đến khi vận dụng motif ấy, chính là bồi đắp hình tượng Grant thành American sweetheart. Các phụ nữ của Grant rời bỏ anh để tìm kiếm một người đàn ông khác nghiêm túc và gia bản hơn như hoàn cảnh của Hildy trong His Girl Friday, chín chắn và giàu có hơn như lựa chọn của Tracy ở Philadelphia Story và Lucy trong The Awful Truth. Nhưng sau cùng họ đều nhận ra, Grant có thể tinh quái, thậm chí khó ưa và đáng ghét, song cũng ngọt ngào và dễ thương đến mức không thể không yêu. Làm người mà phụ nữ nào cũng yêu dĩ nhiên là rất oách, nhưng lý tưởng quá và phi hiện thực quá. Làm người mà phụ nữ từng yêu, đã bỏ, nhưng không thể không quay lại, không chỉ oách hơn mà còn thực tế hơn. Tất nhiên, cũng phải nói thêm rằng, Grant, với chiều cao một mét tám bảy, khuôn mặt vuông vức một cách quý phái, và cái cằm chẻ hớp hồn nữ giới, tự thân đã sở hữu vẻ quyến rũ mê hoặc như nam châm, góp phần giải thích cái logic bí ẩn quanh việc những người phụ nữ trên phim của anh “đi mãi rồi cũng quay về.” Chẳng phải tự nhiên mà khi phóng viên nói, “Ai cũng muốn được như Cary Grant,” anh đã mỉm cười đáp, “Tôi cũng vậy.”
Đấy là chặng đường đầu tiên – của chàng trai Cary Grant. Chặng đường thứ hai – của người đàn ông Cary Grant, bắt đầu năm 1941, với Penny Serenade. Đây là vai diễn nội tâm phức tạp hơn nhiều những gã trai đào hoa anh từng đóng. Sau khi kết hôn, chàng phóng viên Roger Adams buộc phải từ bỏ cuộc đời độc thân vô lo vô nghĩ và đối diện với những áp lực từ cuộc sống gia đình. Sức ép Roger phải đối mặt đến từ doanh thu còm cõi của tờ báo làng do anh là chủ bút, và từ chuyện vợ anh (Irene Dunne) không thể có con sau một tai nạn. Cả hai phải nỗ lực hết mình để nhận con nuôi, và để giữ quyền nuôi dạy bé. Sự trưởng thành trong tính cách Roger dường như báo hiệu chính sự chuyển mình trong phong cách diễn xuất của Grant từ đây về sau. Đây cũng là vai diễn đầu tiên của Grant được đề cử Oscar, dù rằng suốt đời chưa bao giờ anh giành được vinh dự ấy.
Cùng năm, Grant lần đầu tiên trở thành kép chính của Alfred Hitchcock, người từng mô tả anh là “diễn viên nam duy nhất mà tôi yêu thích.” Trong Suspicion, Grant tiếp tục là một gã trai phong lưu, lần này còn mê cờ bạc và hồn nhiên tới mức vô trách nhiệm. Có điều, nội tâm Johnnie Aysgarth chẳng hề đơn giản như chúng ta lẫn vợ anh ban đầu vẫn tưởng. Từ một cơn yêu đương nồng cháy, đến một cuộc hôn nhân nhiều thách thức, và cuối cùng là địa ngục của hoài nghi và khiếp sợ, chặng đường ấy không dễ khắc họa lên màn bạc, nhưng Grant đã làm điều đó một cách xuất sắc cùng với bạn diễn Joan Fontaine.
Sau Suspicion là đến Notorious (1946), nơi Grant vào vai một điệp viên CIA nén lòng đẩy người mình yêu (Ingrid Bergman) vào vòng tay một tên Đức Quốc xã nhằm khám phá ra âm mưu của kẻ thù, và An Affairs to Remember (1955), nơi Grant, một gã Don Juan sắp lấy vợ triệu phú, bỗng phải lòng một cô cựu ca sĩ phòng trà (Deborah Kerr) trên chuyến tàu vượt Đại Tây Dương. Cũng như với Penny Serenade, nhân vật của Grant là sự hội tụ của nhiều mâu thuẫn – lối sống vô ưu của một tay độc thân và trách nhiệm gia đình; tình yêu với một thiếu nữ xuất thân “có vấn đề” và ý thức về nhiệm vụ của một điệp viên; máu đào hoa ở một kẻ đa tình và cảm xúc chân thành với một phụ nữ đính hôn; mơ ước được quy ẩn của một gã đạo chích và những níu kéo ràng rịt của giang hồ. Đây chính là lúc Grant thực sự thăng hoa, và những vai diễn của nửa cuối sự nghiệp mới là những hòn đá tảng giúp tượng đài mang tên C.G. bền vững đến bây giờ. Nhờ thực lực ấy, Grant đã trở thành diễn viên đầu tiên “ra riêng,” hay nói theo ngôn ngữ hiện đại là “làm freelance,” không lệ thuộc vào bất kỳ một studio nào nữa. Cái dũng khí mạo hiểm cả tương lai lẫn sự nghiệp của mình ấy, phải là một con người tài tình tuyệt thế ra sao mới có được?
Nhìn vào danh sách bạn diễn nữ đóng cặp với Grant, người ta mau chóng nhận thấy sức hút trường cửu của người đàn ông này: Katherine Hepburn, Deborah Kerr, Ingrid Bergman, Grace Kelly, Audrey Hepburn và Sophia Loren. Phần lớn đóng cặp với ông khi còn rất trẻ và Grant đã sang tuổi trung niên – Grace Kelly hai mươi sáu và Grant năm mươi mốt ở To Catch A Thief (1955), Sophia Loren kém Grant ba mươi tuổi khi hội ngộ tại Houseboat (1958), và Audrey Hepburn chỉ bằng gần nửa tuổi ông trong Charade (1963). Dầu vậy, Grant chưa bao giờ “lép vế” trước bất cứ nhan sắc nào. Đối diện với họ, Grant vừa giống một người cha, vừa như một người tình. Hãy nhớ nụ hôn đầy khiêu khích và ánh mắt đầy hối lỗi Frances dành cho John Robie ở To Catch A Thief. Hãy nhớ vẻ thuần phục của Anna (Ingrid Bergman) trước Philip trong Indiscreet (1958). Như không ít tên tuổi cùng thời, Grant luôn duy trì một phong cách bất biến trong diễn xuất, và chính điều đó đã giúp ông dung nạp được muôn hồng ngàn tía tỏa ra từ các mỹ nhân đối diện mình trên màn bạc. Bất luận họ thế nào, thông minh hay hồn nhiên, nhu mì hay quyến rũ, non tơ hay từng trải, ông vẫn luôn là chính mình, điềm đạm mà phong vận, bao dung mà châm biếm. Nghĩa là, rất Grant.