Saturday, January 31, 2015

Kaguya (2014)

Nếu đây là một bộ phim Việt Nam thì chắc hẳn bài hát chủ đề của nó sẽ có câu “Tôi là ai, mà còn trần gian thế? Tôi là ai mà yêu quá đời này?” Đặt lên môi một cô thiếu nữ hiện đại bất kỳ, câu hát ấy khó lòng tránh khỏi sắc màu sến sáo. Nhưng trên môi Kaguya, một sinh linh bí ẩn, hoàn mỹ, đến từ ống tre và lớn lên như một nàng công chúa giữa sùng kính và ham muốn của người đời, đó lại là tiếng lòng chân thật nhất.

Từ lâu, nhân duyên ngang trái của tiên giới và phàm trần đã thành cảm hứng bất tận của văn học phương Đông. Nhưng khác với câu chuyện của Chức Nữ và Tử Y, nơi đại diện cho trần thế là một chàng trai cụ thể, người tình của Kaguya chính là hồng trần, hồng trần với muôn vàn sắc màu hỉ nộ ai lạc của nhân gian, mặc dù quả thật tuổi thơ của nàng đã từng có một mối tình thanh mai trúc mã. Kaguya lớn lên giữa yêu thương nhân thế và tú lệ trần gian, nàng si mê vẻ đẹp của dương gian bao nhiêu thì cũng kinh sợ cái xấu của nhân loại bấy nhiêu. Cả đời mình, nàng khắc khoải kiếm tìm lời giải cho câu hỏi “Ta là ai và ta thuộc về đâu?”, nhưng khi đối diện với câu trả lời, hẳn nàng đã ước, giá như mình đừng đi tìm nó, giá như chỉ có nàng và trần gian, một trần gian vi diệu và đẹp tới nao lòng, một trần gian muôn tía ngàn hồng qua từng nét vẽ màu nước chỉ có thể là của Ghibli.

Nhưng câu chuyện người tiên cõi phàm ấy mới chỉ là tầng nghĩa đầu tiên trong tâm tưởng của Isao Takahata. Như Mononoke, như Chihiro, và như nhiều nhân vật nữ khác của Ghibli, Kaguya cũng là một cô gái đến tuổi trưởng thành, đang trên hành trình đi tìm bản ngã. Những xung đột giữa cá tính tự nhiên và chuẩn mực xã hội, giữa tham vọng khuôn phép của người cha và khát khao phá cũi sổ lồng của con gái, cũng là câu chuyện chung của mọi thiếu nữ sắp bước vào đời.

Tầng nghĩa thứ ba và đặc hữu của Takahata, là nỗi quan hoài sâu sắc về sự gắn bó giữa con người với tự nhiên. Những giây phút thần tiên nhất trong đời nàng công chúa, lại là khi em đắm mình giữa thiên nhiên cùng đám bạn hàn vi. Điện ngọc cung vàng của em là thật, song cũng là ẩn dụ về một thế giới nhân tạo của hoa chăm cỏ xén, ngăn cách con người với tự nhiên, với hồn nguyên của chính mình. Duyên của em với trần gian, vì thế, không hết khi em trở về tiên giới, mà đã “chết từ sơ ngộ màu hoa trên ngàn.”

Friday, January 30, 2015

Leviathan (2014)

Trong số các đề cử Oscar cho phim nước ngoài hay nhất của năm nay, đây đương nhiên là cái tên đáng chú ý nhất và cũng gây nhiều tranh cãi nhất. Kể về cuộc đấu tranh của một anh thợ sửa ô tô để bảo vệ ngôi nhà ven biển Barents khỏi nanh vuốt của viên thị trưởng, bộ phim là sự dung hợp khéo léo mà tàn nhẫn giữa thảm cảnh xã hội và bi kịch gia đình trong lòng nước Nga hiện đại. Trên tầng nghĩa đầu tiên, bộ phim là đòn tấn công trực diện vào Putin và Chính thống giáo, khi kẻ tha hóa số một và hai đại diện cho chính quyền và nhà thờ. Có lẽ nỗi oan khiên của anh chàng Nikolai trung hậu cũng sẽ tìm thấy khá nhiều đồng cảm ở khán giả Việt Nam, quê hương của câu thành ngữ “Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.” Bên cạnh những hình ảnh đả kích khá lộ liễu, như khi nhóm cường hào ác bá hội họp dưới chân dung đức ngài Tổng thống hay mớ ảnh lãnh tụ bị mang ra làm bia bắn, còn những chi tiết kín đáo hơn, ám chỉ tình trạng tha hóa đã lan sang cả cấp độ bình dân: những viên cảnh sát giao thông dùng xe công đi dã ngoại và mua vui bằng cách vãi đạn một khẩu AK.

Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì đã chẳng có gì đáng nói. Điều khiến Leviathan trở thành bộ phim “đáng sợ” nhất của Đông Âu từ Bốn tháng, ba tuần, hai ngày (phim Rumania, 2008) chính là bầu không khí hoang mang, tuyệt vọng, không lối thoát vây phủ bộ phim. Biển Barents đẹp sầu thảm và lạnh lẽo, còn ngôi nhà của Nikolai, dù là nơi trú ngụ của một gia đình ba người, dù có bàn tay phụ nữ, nhưng sớm đã tỏa ra mùi hoang phế của những giá trị cũ đang trong cuộc chết mòn, từ trước khi đổ sụp dưới những cú đòn máy xúc. Xem Leviathan, ta chẳng biết bấu víu vào đâu để mà hy vọng: anh chồng vũ phu, khéo tay nhưng không hiểu sự đời; người vợ nhẫn nại nhưng trong thẳm sâu vẫn khao khát một hạnh phúc tròn đầy hơn; tay luật sư tự mãn bị vỡ mộng làm hiệp-sĩ-vì-công-lý; đám bẹn bà vì vô tri mà đẩy nhau vào chỗ chết. Và những đứa trẻ, bơ vơ trong bóng tối, dưới mái vòm dột nát của nhà thờ. Tương lai của cậu bé Roma là tương lai mà nước Nga đang phải đối mặt khi cả ba tầng mái nhà – gia đình, chính quyền và tôn giáo – đều mục nát, theo nghĩa bóng và nhiều khi theo cả nghĩa đen. Cái viễn cảnh ấy tuy đáng sợ, nhưng rất có thể nó sẽ mang về cho Zvyagintsev một bức tượng vàng, vào ngày 22 tháng 2 sắp tới.

Tuesday, January 20, 2015

Clark Gable

“Chúng ta có thể nói Đức vua đã băng hà, nhưng chẳng thể hô lên Đức vua vạn tuế, bởi không có ai kế vị. Sẽ chẳng bao giờ có cả.” Hoàng tử của người Do Thái (Ben-Hur, Ten Commandments) và Tây Ban Nha (El Cid), Charlton Heston từng nói vậy, về cái chết của người được mệnh danh là “Ông hoàng của Hollywood,” Clark Gable.
Tại vương quốc phù hoa của điện ảnh, nơi các ông hoàng bà chúa mọc lên như nấm sau mưa và cũng mất ngôi như cơm bữa chỉ sau một bộ phim, Clark Gable đã trị vì xấp xỉ ba mươi năm.
Nếu cần phải nói một điều duy nhất về triều đại mang tên Gable thì đó là sự ổn định. Khác với đóa hoa nở muộn Bogart, và khác với kẻ thăng trầm Brando, từ khi khiến trái tim khán giả nữ thổn thức với A Free Soul (1931), Gable đã chính thức đoạn tuyệt với những vai phụ, và trong hơn 60 bộ phim tiếp theo của đời mình, luôn là kép chính, mười sáu lần ghi tên vào danh sách mười ngôi sao ăn khách nhất tại Mỹ. Hãy hình dung một người đàn ông đã đóng cặp với gần như tất cả các mỹ nhân Hollywood trong ba thập niên: Joan Crawford, Jean Harlow, Vivien Leigh, Ava Gardner, Grace Kelly, Sophia Loren v.v… và ở tuổi năm mươi chín, trước khi đột ngột qua đời vì bệnh tim, vẫn còn đủ hấp dẫn và nam tính để sánh vai với Marilyn Monroe!
Con đường dẫn đến ngai vàng của Gable, dầu vậy, không hề rải hoa hồng. Sinh ra trong một gia đình nghèo, phải lòng kịch nghệ từ năm mười bảy tuổi, Gable ngụp lặn trên những sân khấu hạng hai hàng năm trời và làm đủ nghề để kiếm sống cho tới khi gặp giám đốc nhà hát Josephine Dillon. Mất mẹ từ nhỏ, Gable, một cách bản năng, tìm thấy nơi người phụ nữ hơn mình 14 tuổi cảm giác an toàn và, trên hết, một người thầy lý tưởng. Dillon là người đã nhào nặn gã trai Ohio gầy gò, lộc ngộc và có giọng nói khó nghe thành một người đàn ông thực thụ, nam tính, biểu cảm, đài từ tốt, tóm lại là sẵn-sàng-cho-Hollywood.
Mặc dù vậy, cũng phải mất sáu năm từ khi họ đến L.A. với tư cách vợ-chồng và quản lý-diễn viên, qua khá nhiều vai quần chúng và vai phụ, Gable mới lọt vào mắt xanh của Louis B. Mayer, chủ hãng MGM. Chỉ trong vài năm, chất nam tính bụi bặm, cặp mắt phong lưu và đôi má lúm đồng tiền làm tan chảy trái tim phụ nữ nhanh chóng biến Gable thành “quốc bảo” của MGM. Nhưng điều trớ trêu là bộ phim mang lại Oscar duy nhất và biệt hiệu Nhà vua cho Gable, It Happened One Night (1934), lại ra đời khi anh được MGM cho Columbia mượn.
Sau mười năm ngự ở ngôi cao, Gable đăng lính, trở thành phi công chiến đấu ở chiến trường Châu Âu, và xuất ngũ năm 1945. Hai năm tuy ngắn với đời người, nhưng đủ dài để một dàn sao mới nổi lên ở Hollywood, thế chỗ những người vắng mặt. Nhưng ngai vàng vẫn để trống, chờ Gable quay về. Có điều, Nhà vua không còn trẻ nữa, Ngài đã sang tuổi bốn mươi tư. Tuy vẫn có thêm những tác phẩm để đời như Command Decision (1948), Mogambo (1953), hay The Misfits (1961), Gable không bao giờ tìm lại được nét phong quang vô hạn của thời kỳ trước Thế chiến. Mặc dù vậy, hai lần tái phát hành của Gone with the Wind năm 1947 và 1954 cũng là hai lần tình yêu khán giả dành cho chàng Rhett Butler có dịp hồi sinh mạnh mẽ.
Có thể bộ phim lừng lẫy nhất của Gable là Gone with the Wind, còn vinh quang nhất là It Happened One Night, nhưng Red Dust (1932) lại chính là tác phẩm có tính tiên tri và xác lập hình tượng Gable, dù khi đó trên môi anh vẫn chưa có bộ ria sẽ thành kinh điển. Hai mươi mốt năm sau, Mogambo, bản remake của nó, một lần nữa tái khẳng định điều này. Gable vào vai một gã đàn ông phong trần ở một xứ thuộc địa, say mê một thiếu phụ thượng lưu, nhưng phút cuối lại nén lòng rút lui vì không nỡ hủy hoại cuộc hôn nhân của nàng và người chồng chất phác. Ở cả hai phiên bản, cô gái còn lại (và cũng yêu nhân vật của Gable) trìu mến giễu cợt: “Tới phút chót anh lại đâm ra cao thượng, hả?” Đời Gable đã đóng đủ loại vai, nhưng trong huyết quản của gần như tất cả những nhân vật ấy đều chảy chung dòng máu có tên là Cao thượng. Đó là gã lừa đảo trong Hold Your Man (1933), sẵn lòng vào tù để cưới cô gái mình yêu và cho cái thai trong bụng cô một danh phận. Đó là tay phóng viên nghèo kiết xác ở It Happened One Night, không thèm một xu tiền thưởng nhưng lại đòi bằng được $39.60 đã tiêu cho con gái nhà tài phiệt. Đó là tay chủ quán bar ở San Francisco (1936), dù có hợp đồng trong tay nhưng vẫn sẵn sàng để cô ca sĩ gã thầm yêu ra đi, “chỉ cần em nói một lời.” Và đó là Rhett (các chị em: ôi Rhett!!!)
Một điểm khác biệt căn bản giữa thế hệ các diễn viên studio như Gable và như Cary Grant với những hậu bối sau này, là mối liên hệ giữa con người ngoài đời với con người điện ảnh. Điều này một phần cũng xuất phát từ cơ chế vận hành của hệ thống studio thời kỳ đó: các diễn viên ký hợp đồng với studio, được trả lương theo tuần, đóng phim của studio đó, theo những kịch bản được chọn sẵn cho họ. Và các chủ studio luôn muốn nhào nặn kép ruột theo một hình mẫu lý tưởng để câu hồn khán giả. Hệ quả là các vai diễn luôn có sự nhất quán cao độ, cốt tủy trong tính cách của nhân vật được “trích xuất” từ chính hình ảnh ngoài đời của diễn viên. Điều đáng nói là Gable cũng chia sẻ suy nghĩ ấy. “Tôi chưa và sẽ không bao giờ là một diễn viên. Những gì khán giả thấy trên màn ảnh chính là tôi.” Gable từng từ chối khóc ở Gone with the Wind, đơn giản vì Rhett Butler, theo anh, không phải là mẫu người rơi lệ. Một cảnh ở The Misfits cũng bị lược bỏ theo yêu cầu của Gable, bởi vì cũng như Dennis Carson (Red Dust) và Victor Marswell (Mogambo), Gaylord Langdon không thể cướp đàn bà của bạn. Chính sự tương đồng này đã khiến Gable gắn bó được với MGM trong thời gian kỷ lục là 24 năm trời.
Và cũng chính sự tương đồng ấy đã biến Gable thành một biểu tượng của điện ảnh. Đọc những tư liệu về Gable, người ta thấy hiện lên một tính cách quý phái, một khí độ vương giả. Trải qua năm cuộc hôn nhân và rất nhiều cuộc tình ngắn ngủi, Gable hầu như không để lại một lời oán thán nào từ những người đàn bà đã đi qua đời anh. Ở nơi người ta đánh nhau sứt đầu mẻ trán vì cỡ chữ của tên mình trong phần credit, Gable sẵn lòng để các bạn diễn trẻ đứng ngang hàng –một cú hích cho cả tên tuổi và sự nghiệp của những Turner, Gardner hay Kelly. Không khó nhận ra cá tính này trong những vai diễn của Gable, đặc biệt là The Hucksters (1947), nơi anh vào vai một chuyên gia quảng cáo, quan hệ thân mật và hòa nhã với hết thảy mọi người, hay Mutiny on the Bounty (1935), nơi Gable hóa thân thành viên thuyền phó làm binh biến vì không chịu được sự tàn bạo của thuyền trưởng với thủy thủ đoàn. Và, không thể bỏ qua một chi tiết: Gable đã từng đi lính, từng vào sinh ra tử thật sự. Tại đất nước của câu nói nổi tiếng “Hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc?”, diễn viên Gable có thể được hâm mộ, song Thiếu tá Gable mới là người có được sự kính trọng.
Hậu thế có không ít người phê phán nhân vật của Gable quá một chiều, thiếu đi sự “biến hóa” như các diễn viên theo trường phái Method – tức là đóng đủ loại vai, có tâm lý và tính cách phức tạp. Bản thân Gable luôn xem mình là kẻ may mắn, một kẻ chưa được học hành tử tế về diễn xuất, nhưng vẫn trở thành ngôi sao “vạn người mê.” Nhưng những người phê phán Gable quên mất một điều: đó là Gable, cũng như mọi nghệ sĩ khác, đều là sản phẩm của thời đại. Và Gable, trong sự ổn định và hình tượng nhất quán của mình, chính là đại diện tiêu biểu nhất cho thời hoàng kim của kỷ nguyên studio. Mỗi lần xuất hiện trên màn bạc, xưa cũng như nay, Gable đều khơi dậy vô số tiếng thở dài não nùng từ phụ nữ và ánh mắt ngưỡng mộ xen lẫn ghen tị của cánh đàn ông. Thứ ma lực ấy không thể đến từ may mắn, cũng không hoàn toàn từ sự bền bỉ suốt ba mươi năm. Để khắc câu nói “Frankly, my dear, I don’t give a damn!” vào lịch sử, và để biến nụ hôn với Vivien Leigh trên nền trời đỏ lửa Atlanta trở thành bất tử, Clark Gable cần nhiều hơn thế. Điều mà anh cần, và có, là chân mệnh. Của kẻ sinh ra để làm vua.