Monday, October 30, 2023

Flirting Fontane

Khi nói đến Bố già ở Việt Nam thì một cuộc tranh cãi thường gặp sẽ nổ ra xung quanh các bản dịch. Fan của Ngọc Thứ Lang đông nhất. Thứ đến là fan của Đoàn Tử Huyến. Hay đúng hơn là anti-fan của Ngọc Thứ Lang. Thi thoảng cũng có người thích bản Đặng Phi Bằng.

Cuối tuần rảnh rỗi ngồi xem hai bản dịch, cũng thấy khá nhiều điều thú vị.

Khi đọc Bố già, đoạn tôi thích nhất lại không liên quan đến Vito hay Michael. Mà là đoạn Johnny Fontane đưa em Sharon Moore về nhà chơi. Một phần có lẽ vì tôi mê những crooner như Frank Sinatra, mà Johnny thì được khá nhiều người đồn là lấy nguyên mẫu từ Frank.

Do vậy nên tôi chọn đoạn này để đối chiếu. Thực ra không chỉ đơn giản là đối chiếu mà còn để thưởng thức lại một đoạn văn hay, được Puzo tả rất khéo léo tinh tế, xứng đáng gọi là tuyệt tác về nghệ thuật à ơi, và cả về đạo hạnh của một gã lãng tử phong tình. Bữa tối của anh ả thật ra giống một ván cờ, mỗi người đều có tuyệt chiêu, và buồn thay cuối cùng cả hai đều thất bại.

Do không có bản cứng nên tôi dùng tạm các bản ebook trên mạng, hy vọng là đúng và đầy đủ. Nếu có chỗ nào thiếu hoặc không chính xác dẫn đến nhận định sai thì mong bà con chỉ giáo.

 

His invitations to dinner were always famous and had the force of royalty and of course she said yes.

NTL: Johnny Fontane mời về nhà chơi thì còn hân hạnh nào bằng!

ĐTH: Được Johnny Fontane mời về nhà thì còn vinh hạnh nào bằng.

Thực ra câu này NTL dịch thiếu ý đầu tiên: những lời mời ăn tối của Johnny vốn nổi tiếng khắp Hollywood. Ý câu này là bữa tối chỉ là tiền đề cho bữa chịck. Văn phong của NTL thường lược dịch, nên chuyện này cũng không có gì là lạ. Cái lạ là bản ĐTH cũng gần như giống hệt và cũng lược bỏ y như vậy.

 

He made a little small talk with her, found out about what she had been like as a kid, whether she had been a tomboy or boy crazy, whether she had been homely or pretty, lonely or gay. He always found these details touching, it always evoked the tenderness he needed to make love.

NTL: Hai đứa nói chuyện tâm tình, chuyện lăng nhăng… toàn những chuyện ngày xưa chuyện xấu đẹp, vui buồn…

ĐTH: Hai đứa nói chuyện lăng nhăng không đầu không đũa, hết chuyện sắc đẹp lại chuyện vui buồn...

Tương tự, đoạn này NTL lược khá nhiều. Kỹ thuật tán gái của anh Johnny là tỏ ra quan tâm đến em, hỏi chuyện em hồi bé ra sao, nghịch như con trai hay mê trai, nhu mì hay xinh xắn, hòa đồng hay cô độc. Nhưng gã làm vậy không đơn giản để lấy cảm tình với gái, mà vì gã cần cái đó để thấy gần gũi, hiểu em hơn, từ đó mới mềm lòng, để gợi hứng trước khi vào cuộc yêu (câu này hai bản đều bỏ, chắc vì tự kiểm duyệt do trái thuần phong mỹ tục quá). Nhưng đây là cái bỏ rất đáng tiếc, vì nó hé lộ bi kịch tâm lý của Johnny, sau đó sẽ được Puzo phơi bày trọn vẹn và khá tàn nhẫn.

Cái lạ là bản ĐTH cũng lược y hệt như bản NTL không khác chút nào.

 

He kissed her on the lips, a cool friendly kiss, and when she kept it that way he left it that way.

NTL: Johnny khe khẽ hôn môi. Em nhận cái hôn nhưng không thích tiến thêm thì tạm thời cứ sơ sơ mé ngoài vậy đó.

ĐTH: Johnny khẽ hôn môi. Cái hôn thì em nhận, nhưng chỉ sơ sơ vành ngoài thế thôi, tiếp theo xin miễn.

NTL lại lược một chút, nhưng vẫn giữ được tinh thần bản gốc: Johnny chủ động và không hề vội vàng. Em chưa vồ vập thì gã cũng thong thả. Câu của ĐTH dịch như vậy bị sai về ẩn ý: hóa ra Sharon chủ động. Tất nhiên Sharon có chủ động (đọc tiếp sẽ thấy), song cái chủ động của em vẫn nằm trong sự chủ động của chính Johnny. Dịch như thế này bị quá tay, nói cách khác là cầm đèn chạy trước ô tô, vì đây mới là những giây phút đầu tiên của cuộc à ơi, nếu cô bé đã quyết liệt như thế thì đến đây là giải tán luôn còn cần gì phải bàn nữa.

 

When he had been younger, he had done just such things (singing) and the result had always been stagy, the girls trying to look sexy and melting, making their eyes swim with desire for an imagined fantasy camera.

NTL: Johnny bật cười. Hồi còn trai trẻ… cái mục “anh hát em nghe” này nó biểu diễn biết bao nhiêu lần! Giọng cao cất lên là các em rạo rực bằng thích, giở hết điệu bộ màu mè con gái, mắt sáng lên như đâu đây có sẵn máy quay phim.

ĐTH: Johnny bật cười. Hồi nào cái khoản anh hát tặng em này hắn đã diễn mãi rồi. Cái giọng tenor của hắn cất lên là các em đã nực cả người, õng ẹo giở hết điệu bộ, mắt sáng như đèn ô tô, cứ như sắp lên phim không bằng.

Cơ bản không có gì đặc biệt, ngoài một chi tiết: bản gốc không hề nói đến chất giọng của Johnny. NTL dùng chữ “giọng cao,” còn ĐTH dùng hẳn “giọng tenor.” Những sự trùng hợp từ đầu đến giờ làm tôi có cảm giác ĐTH không dịch thẳng từ bản gốc mà dựa vào bản của NTL để biên tập lại.

 

He got up to give her a refill on her brandy glass, gave her a gold-monogrammed cigarette

NTL: Nó đứng dậy rót rượu thêm cho em, đưa điếu thuốc chữ vàng bật lửa cho em mồi.

ĐTH: Hắn đứng dậy rót thêm rượu cho cô bé, châm cho cô ta điếu thuốc lấy trong hộp thuốc khắc chữ vàng.

Gold-monogrammed cigarette là thú chơi sang của giới nhà giàu ngày xưa, là phủ vàng vào đầu điếu thuốc và khắc chữ viết tắt tên của chủ nhân (monogram). Câu này NTL dịch đúng còn ĐTH dịch sai. Câu hỏi đặt ra là nếu dịch từ bản gốc thì làm sao mà sai cái đơn giản thế được? Hay là ĐTH đọc bản NTL và cảm thấy điếu thuốc chữ vàng vô lý quá, chắc phải là hộp khắc chữ vàng mới đúng, nên sửa lại như vậy chăng?

 

The last two years had been hell on his ego, and he used this simple way to restore it, sleeping with a young fresh girl for one night, taking her to dinner a few times, giving her an expensive present and then brushing her off in the nicest way possible so that her feelings wouldn’t be hurt.

NTL: Vì hai năm nay nó quá phung phí sức lực, cần có hơi men hỗ trợ. Hai năm nay cứ thấy em nào vừa mắt là mời đi ăn nhậu du dương vài hôm, rồi tặng em món quà đích đáng để… cho em de cái một, khỏi lộn xộn.

ĐTH: Đó là vì hai năm nay Johnny đã phung phí quá nhiều sức lực, thấy em nào sạch nước một tí là chớp ngay, du dương vài hôm, tặng em một món quà rồi cho đi tàu suốt.

Đoạn này cả hai đều dịch sai câu đầu. Vấn đề của Johnny hai năm vừa rồi không phải (hoặc không đơn giản) là yếu sinh lý, vì yếu sinh lý thì làm sao mà liên tục đi mò gái trẻ như câu sau được. Hai năm rồi Johnny bị mất giọng, bị vợ coi thường, không đắt show như trước (phải nhờ Bố già vận động xin vai của Woltz), bởi vậy lòng tự tôn (ego) của gã bị tổn thương nặng nề (hell). Cho nên gã lấy việc đi chơi với các em gái trẻ như một cách để khôi phục tự tôn (restore it). Tất nhiên tâm lý ấy cũng ảnh hưởng đến mức độ hưng phấn của gã, song gói gọn vấn đề vào YSL thì hoàn toàn sai. Tiếp đó cả hai bản dịch đều bỏ qua câu cuối, do vậy không làm toát lên được sắc thái “nice guy” của Johnny: gã cố lựa cách mềm mại ngọt ngào êm ái nhất để chia tay, cốt để các em khỏi tổn thương.

 

NTL: Bàn tay Johnny tự động chạy theo đường cũ, quen lệ rồi… Dĩ nhiên phản ứng mỗi đứa mỗi khác. Có đứa làm như không hề hay biết, chẳng hề cảm thấy có sự đụng chạm giữa lúc đang hôn mải miết đam mê. Có đứa giật mình, uốn cong người. Có đứa vùng cho anh vài cái tát tai, nhất là hồi Johnny còn chưa có tên! Đó là cả một công trình, cả một kĩ thuật.

Cứ bảo NTL giang hồ Chợ Lớn thế nào mà đọc đến đoạn này cũng đỏ mặt, vội vàng dịch quấy quá cho xong, cắt đi bao nhiêu chi tiết. Song ít ra NTL vẫn còn dịch gần đủ. Bản ĐTH lẫn bản Đặng Phi Bằng đều bỏ cả. Thôi, thời các cụ, khó tránh.

 

She was saying something very sweetly, very lightly. “It’s not that I don’t like you, Johnny, you’re much nicer than I thought you’d be. And it’s not because I’m not that kind of a girl. It’s just that I have to be turned on to do it with a guy, you know what I mean?”

Johnny Fontane smiled at her. He still liked her.” And I don’t turn you on?”

She was a little embarrassed. “Well, you know, when you were so great singing and all, I was still a little kid. I sort of just missed you, I was the next generation. Honest, it’s not that I’m goody-goody. If you were a movie star I grew up on, I’d have my panties off in a second.”

NTL: Giọng Sharon thật ngoan và dễ thương:Không phải tại em không thích anh đâu. Anh dễ thương hơn em tưởng nhiều! Cũng không phải em sợ hay chưa thử, nói thực đấy. Em phải bốc mới thấy hứng, còn không thì…

Và anh không làm em bốc?Johnny mỉm cười hỏi, coi bộ chẳng có gì buồn hết làm con nhỏ lúng túng. “Sự thực thì hồi anh lên… em còn nhỏ xíu. Em mê giọng ca, mê anh đóng phim lắm chớ? Mê lắm lắm… nhưng có điều mình không cùng một thế hệ. Phải chi mình cùng một trang lứa thì xong ngay.

ĐTH: — Không phải tại em không thích anh đâu. Anh dễ thương hơn em tưởng nhiều đấy? Cũng không phải em sợ hay còn bỡ ngỡ chưa quen, chẳng qua em không thấy hứng, - cô bé nói thỏ thẻ.

Anh đúng là thằng vét đĩa, phải không?Johnny hỏi đùa, xem ra không có vẻ gì thất vọng lắm làm cho Sharon lúng túng.

Thật ra lúc anh đang lên thì em còn bé, cô ta nói. Em mê giọng hát của anh, mê anh đóng phim lắm. Có điều không phải lứa chứ không thì xong ngay.

Đoạn này phải nói là NTL dịch xuất sắc. Bẽn lẽn ra bẽn lẽn, trìu mến ra trìu mến, độ lượng ra độ lượng. Câu “thằng vét đĩa” của ĐTH tưởng hay mà thực ra là hỏng. Johnny Fontane là loại thế nào? Cả ngàn em gái đã qua tay gã. Gái nào gã cũng gặp rồi. Câu “And I don’t turn you on” của gã vừa trực diện, thẳng thắn nhưng vẫn bao dung và không hề có tí tự ái nào, chỉ hơi đùa bỡn làm khó em gái. Dùng một thành ngữ hơi có chút châm biếm như ĐTH, thực ra lại là rắc gia vị quá tay.

 

He didn’t like her quite so much now. She was sweet, she was witty, she was intelligent. She hadn’t fallen all over herself to screw for him or try to hustle him because his connections would help her in show biz. She was really a straight kid. But there was something else he recognized. It had happened a few times before. The girl who went on a date with her mind all made up not to go to bad with him, no matter how much she liked him, just so that she could tell her friends, and even more, herself, that she had turned down a chance to screw for the great Johnny Fontane. It was something he understood now that he was older and he wasn’t angry. He just didn’t like her quite that much and he had really liked her a lot.

NTL: Nghe nó nói, Johnny không thấy ham mấy nữa. Con nhỏ duyên dáng, láu lỉnh thật. Nó không mê anh Johnny đến độ hiến dâng hay sẵn sàng nạp thuế thịt để tiến thân sau này. Nó là thứ đàng hoàng. Nó không như con nhỏ hồi nào, đi với nhau lu bù nhưng đã nuôi sẵn định ý. Có ham đến mấy cũng từ chối để tự hào với mình hay với chúng bạn: “Biết sao không? Johnny Fontane mê tao, gạ tao quá xá… nhưng tao thèm vào!”

ĐTH: Nghe vậy Johnny liền sang số lùi. Cô bé xinh xắn, nhí nhảnh thật. Cô là loại gái chính chuyên, không phải dễ dàng hiến thân hay sẵn sàng nộp thuế thịt để sau này còn leo, không như bọn cứ bám kè kè bên hắn nhưng chỉ để lợi dụng chứ chẳng có tình nghĩa quái gì cả, cũng không phải làm cao để sau này đi khoe: “Johnny Fontane xin chết nhưng tao thèm vào".

Đoạn này NTL dịch sai một ý mấu chốt. Johnny nhận ra Sharon giống một số em gái gã từng gặp: đến cuộc hẹn với quyết tâm từ chối gã để lấy số má và ve vuốt lòng tự tôn của chính mình. Chứ không phải là em Sharon này khác mấy em gái “đã nuôi sẵn định ý” như NTL dịch. Có như vậy thì nó mới hợp với đoạn sau khi Johnny đùa là anh sẽ viết giấy xác nhận cho em về vụ này để em được thỏa lòng. Lạ thay, ĐTH cũng dịch sai tương tự.

 

NTL: Cảm ơn anh! Mai sau về già biết đâu chừng em chẳng có quyền kể lại cho đám con cháu nghe rằng ngày xưa đã có lần tao và Johnny Fontane hai đứa ở với nhau một phòng gần trọn đêm và chẳng có gì xảy ra.

Chẳng có gì xảy ra vì tao nhất định không chịu.” “Nhất định… là chúng nó khỏi tin! Hứng chí Johnny khôi hài, “Không tin thì để anh cấp cho em cái giấy chứng nhận? Viết tay đàng hoàng.Con nhỏ lắc đầu cười. Johnny tiếp, “… Hay có thằng nào dám nghi ngờ lời em thì em phôn cho anh một cú? Anh sẽ vạch mặt chúng! Anh sẽ bảo rằng anh đã rượt bắt em cả đêm trong phòng mà em nhất định không chịu là không chịu.

Đùa quá hóa ác thật! Con nhỏ hơi nhăn mặt khiến Johnny biết ngay là đã đi quá lố. Nói như vậy có khác nào bảo thẳng nó rằng tại tao không muốn nên không thèm gạ gẫm tới, bằng không mà phải bị rơi? Hay vì mày người ngợm chẳng ra gì nên tao không thèm? Nghĩa là nếu có kể lại con cháu nghe thì phải thêm vô: “Tao còn giữ gìn được hôm đó vì Johnny coi bộ không tha thiết lắm.” Cảm thấy hơi thương hại, nó vỗ về con nhỏ, “Đùa đấy thôi em! Có phải cứ đụng gặp cô nào là làm cô ấy đâu? Có chuyện gì cần đến em cứ phôn cho anh một cú.

Sharon chỉ “Dạ” rồi rút lui.

Đoạn này không nhiều cái cần so sánh. Tôi chỉ trích lại bản NTL để mọi người tiện theo dõi diễn biến và cái kết.

Ta thấy rõ ràng đây là một ván cờ. Anh Johnny là kỳ thủ lão luyện, thân trải trăm trận. Em Sharon thì cũng như Beth Hammon trong Queen’s Gambit, mới vào nghề nhưng kỳ lực chẳng vừa. Johnny có kiểu thong thả thuận tự nhiên, binh đến tướng ngăn, ung dung coi xem em nó thế nào. Nước lên thì thuyền lên, mà nếu nước cạn thì ta về nghỉ, cũng chẳng hề gì. Anh Johnny thương em mến em chiều em, nhưng không thể để em ca khúc khải hoàn dễ dàng như thế. Em dám đơn đao phó hội thì cũng phải để lại chút gì. Và chút gì đó chính là lòng tự tôn của em. Nhưng Johnny cũng chẳng hơn gì, em về rồi để lại anh trống rỗng và hư thoát. Anh không thèm thịt mà chỉ thèm hơi người. Cho nên anh lại tìm đến tâm sự với Ginny, cô vợ cũ.

 

Tóm lại đọc xong một hồi thì thấy Ngọc Thứ Lang vẫn là Ngọc Thứ Lang mà chúng ta hằng biết. Ngôn ngữ tự nhiên, thậm chí suồng sã, không câu nệ vào bản gốc. Có chất giang hồ rõ rệt. Tuy lược bỏ chỗ này chỗ kia nhưng tinh thần câu chuyện vẫn được bảo tồn. Nói chung nếu tay không bắt giặc, tức là chỉ nhìn bản gốc mà dịch ra được như ông thì hơi bị khó đấy.

Điều bất ngờ lại là bản Đoàn Tử Huyến. Có khá nhiều chỉ dấu cho thấy bản Đoàn Tử Huyến thực ra chỉ là sửa lại bản Ngọc Thứ Lang cho giọng văn Bắc hơn và hiện đại hơn:

(i) Thường bản dịch sau bao giờ cũng “tranh hơn” với bản dịch trước bằng cách bổ khuyết những chỗ bản trước không dịch. Với NTL thì làm điều đó không khó vì NTL lược khá nhiều. Thế nhưng bản ĐTH lại không thêm gì, chỗ nào NTL không dịch thì ĐTH cũng không dịch. Như vậy khả năng là không (hoặc rất ít) đối chiếu bản gốc.

(ii) Chỗ nào NTL dịch sai thì ĐTH cũng dịch sai.

Với một người có văn tài như ĐTH thì việc sửa lại bản NTL để ra một bản dịch khác nghe cũng xuôi, cũng ổn, và vừa miệng độc giả Bắc hơn không có gì là khó. Nhưng nếu xét công lao bỏ vào bản dịch thì không đáng kể và giá trị gia tăng không nhiều. Ai thích bản này thì cứ thích thôi, nó là vấn đề khẩu vị. Nhưng nếu vì thích bản này mà phủ nhận bản NTL, hoặc ngược lại là nếu vì anti NTL mà đi ca tụng bản này, thì kể cũng hơi buồn cười.

Sunday, August 6, 2017

Craft of Translation 10: Make your choice

Sau rất nhiều bài viết, hình như tôi vẫn chưa động đến cái cốt lõi nhất của chuyện dịch ở cấp độ hạt nhân nguyên tử – chọn chữ. Let’s do it now.
Nếu coi mỗi ngôn ngữ như một tập hữu hạn (vô hạn cũng chẳng sao) các phần tử, thì dịch thuật về bản chất là tìm kiếm một phần tử ở tập đích (ngôn ngữ đích) đủ tiêu chí làm ảnh của một phần tử ở tập nguồn (ngôn ngữ gốc). Tương quan giữa phần tử nguồn và đích, nếu bạn nào còn nhớ, được gọi là ánh xạ.
Về nguyên tắc, một phần tử nguồn có thể có nhiều ảnh ở tập đích (nhiều cách dịch khác nhau). Ví dụ dog có thể dịch là chó, là cẩu, là cầy, là khuyển. Ngược lại, nhiều phần tử nguồn có thể ánh xạ đến cùng một phần tử của tập đích (chung một cách dịch). Dog, mongrel, houndcanine đều có thể dịch là chó (có thể là một chuyện, nhưng có nên không lại là chuyện khác, tôi sẽ bàn sau). Ở mỗi ngôn ngữ, những từ này hợp thành một tập con mà ta vẫn gọi là các từ đồng nghĩa hoặc gần nghĩa.
Dịch, ở cấp độ từ, nói cho cùng, là một quá trình gồm ba bước.
Bước thứ nhất: khi gặp một từ bất kỳ, ta phải bằng mọi giá huy động trong trí óc càng nhiều phương án càng tốt. Nôm na là rải chữ ra để chọn. Số lượng phương án nhiều hay ít lệ thuộc vào hai yếu tố:
(i) Trường từ vựng của dịch giả phong phú đến đâu. Cái này, như tôi đã nói ở post trước, hoàn toàn phụ thuộc vào bề dày kiến thức của người dịch. Đọc nhiều xem nhiều nhớ nhiều thì từ vựng sẽ rộng. Giống như nội lực trong kiếm hiệp, đây là cái không thể làm giả, không thể giấu trời qua biển, không thể cấp tốc tựu thành, mà phải kiên trì bồi dưỡng.
(ii) Sức huy động và độ nhạy bén. Người thường khi đọc phương án của một dịch giả giỏi thường bảo: từ này tôi cũng biết, nhưng lúc dịch tôi lại không nghĩ ra. Tức là từ vựng của hai bên như nhau, nhưng một bên có sức huy động tốt hơn, “gọi ra” được nhiều phương án hơn, nhờ đó có cách dịch hay hơn.
Một cách lý giải khác là người bình thường huy động các phương án một cách bản năng, trong đó có những phương án không thật sự phù hợp. Còn dịch giả chuyên nghiệp làm việc này một cách có tính toán. Có thể tổng số phương án họ huy động ra (trong đầu) không nhiều bằng người khác, nhưng số phương án khả thi lại cao hơn. Cũng như người thường bắn vãi đạn mà không trúng đích, còn xạ thủ thật sự chỉ bắn ba phát mà phát nào cũng sát hồng tâm.
Dù lý giải theo cách nào, thì tôi vẫn cho rằng đây là kết quả của sự rèn luyện. Càng đọc nhiều, dịch nhiều, phản xạ tìm từ sẽ càng mẫn cảm, chính xác, hiệu quả hơn.
Bước thứ hai là từ các phương án đã huy động, phải chọn ra một phương án thích hợp nhất. Nhưng thế nào là thích hợp? Đây là một câu hỏi rất phức tạp, và cũng là cốt lõi của đa số tranh cãi trong dịch thuật, bởi cái thích hợp của người này nhiều khi lại không thích hợp với người kia. Tiêu biểu nhất là mâu thuẫn khi dịch những từ ngữ dung tục – thẳng thừng hay là nhã hóa, hay cách lựa chọn các đại từ nhân xưng trong tiếng Việt, vốn phức tạp hơn nhiều so với tiếng Anh.
Nói chung, trừ những trường hợp đơn giản mà ai cũng sẽ dịch giống nhau (chẳng hạn technology = công nghệ), phần lớn lựa chọn đều mang tính chủ quan của dịch giả. Nếu giả định là các dịch giả hiểu đúng văn bản như nhau, thì có nhiều yếu tố định hình nên lăng kính chủ quan ấy – giới tính, cá tính, kinh lịch, xuất thân, vùng miền… Tuy nhiên, tôi nghĩ vẫn có thể thiết lập một số tiêu chí chung cho việc lựa chọn phương án dịch.
Trong một tập con các từ đồng nghĩa, mỗi từ bao giờ cũng có sắc thái riêng. Ví dụ, mặt trăng là từ đơn giản, trung tính nhất. Chị Hằng nghe mềm mại sến súa. Vầng nguyệt nghe cao sang cổ kính. Thỏ (trải bao thỏ lặn ác tà) có mùi văn chương điển cố. Nắm được điều này sẽ rất hữu ích trong việc lựa chọn phương án dịch.
Tiếng Anh cũng vậy. Có từ đơn giản. Có từ thô tục. Có từ cổ nhã. Có từ cao quý tót vời. Làm sao để xác định? Tất nhiên là phải đọc cho nhiều thôi. Nhưng cái đó thật ra rất khó, và tôi nghĩ không nhiều dịch giả Việt đương đại có được điều này. Bản thân tôi cũng vậy. Với tiếng Việt, tôi có điều kiện tích lũy từ rất sớm. Nhưng trình độ tiếng Anh của tôi phải năm ngoài 20 mới tạm gọi là đủ đọc văn học nước ngoài. Nhưng đến lúc đó lại phải đi làm, cơm áo gạo tiền. Có muốn đọc nhiều, đọc kỹ như thời trẻ cũng không còn cơ hội nữa.
Để bù đắp lại cái đó, chúng ta có thể dựa vào một số công cụ và thủ thuật. Lịch sử hình thành ngôn ngữ bao giờ cũng đi từ giản đơn tới phức tạp. Con người bao giờ cũng cố gắng biểu đạt khái niệm đơn giản trước, và biểu đạt chúng một cách ngắn gọn nhất. Thế nên những từ càng ngắn thường là những từ đơn giản và trực quan nhất. Nice đơn giản hơn pretty, pretty đơn giản hơn beautiful, beautiful đơn giản hơn beauteous. Ta có thể lập một danh sách tương tự trong tiếng Việt: xinh, xinh xắn, đẹp/xinh đẹp, kiều diễm. Hai tập con này có thể tạm xem là song ánh (tương ứng một-một). Tất nhiên không ai dịch nice thành kiều diễm, nhưng dịch pretty thành xinh xắn hay xinh đẹp cũng không phải là vấn đề gì nghiêm trọng, vì độ sai lệch không quá lớn. Tương ứng một-một sẽ chỉ quan trọng khi từ đồng nghĩa xuất hiện dày đặc như một thủ pháp nghệ thuật. Một câu của Rushdie chứa bốn từ chỉ giới ảo thuật: conjurer, fakir, prestidigitator, illusionist. Đấy là chưa kể magician, sorcerer, entertainer xuất hiện ở những đoạn khác. Người dịch phải huy động cạn kiệt từ vựng, thậm chí sáng tạo từ mới để tái hiện sự đa dạng trong bản gốc: ảo thuật gia, hí sư, thuật sĩ, huyễn giả, pháp sư, nghệ nhân tạp kỹ…
Nói vậy không có nghĩa cứ ngắn là đơn giản. Có những từ ngắn nhưng lại là từ cổ, ít dùng (xem dưới), cũng phải đặc biệt lưu tâm. Đối nghịch với từ ngắn tất nhiên là từ dài. Từ dài thường phức tạp. Chẳng hạn như un/pre/dict/abil/ity. Hai tiền tố và hai hậu tố. Phức tạp chắc cũng chỉ đến thế là cùng.
Thủ thuật thứ hai là dựa vào độ quen thuộc (tần suất xuất hiện) của một từ. Bình thường, ta dùng cảm quan cũng được – nếu đủ tự tin vào cảm quan. Nhưng để cho chắc chắn thì Google là lựa chọn tối ưu. Nếu bản gốc là một từ lạ, hiểm, cổ kính thì bản dịch không nên dùng một từ đơn giản, phổ thông. Sordiddirty đều là bẩn thỉu, hèn hạ, có điều dirty cho ra 700 triệu kết quả tìm kiếm còn sordid có 6 triệu. Tương tự, buccaneer có 12 triệu kết quả còn pirate có 260 triệu. Con số ấy nói lên điều gì? Sordid/buccaneer là những từ ít dùng, và ta phải xét đến yếu tố ấy khi lựa chọn phương án dịch.
Thủ thuật thứ ba là dựa vào từ điển. Những từ điển tốt như Oxford thường có chú thích từ nguyên: xuất hiện từ bao giờ, phổ biến vào giai đoạn nào, có nguồn gốc từ ngôn ngữ gì. Từ đó ta có thể suy đoán một từ là mới hay cũ, sang cả hay bình dân. Oxford chú sordid(Middle English): from French. sordide or Latin. sordidus, from sordere 'be dirty'. Buccaneer: (historical) a pirate, originally one preying on ships in the Caribbean. Thành thử khi Conrad viết sordid buccaneers thì tôi dịch là hải tặc hạ lưu chứ không phải cướp biển hèn hạ như có bạn đã gợi ý (và than phiền là tại sao tôi sính dùng từ Hán Việt thế).
Nên dựa vào từ điển, nhưng cũng nên thận trọng với từ điển, nhất là từ điển Anh-Việt. Vì từ điển đơn ngữ đáng tin cậy hơn thì lại có xu hướng GIẢI NGHĨA là chính, còn từ điển Anh-Việt thì không phải lúc nào cũng cung cấp được từ tương đương, mà nếu có thì cũng không đủ để ta lựa chọn. Ví dụ, Oxford định nghĩa melancholydeep and long-lasting sadness. Không thể bưng nguyên cụm nỗi buồn sâu sắc và dài lâu này vào bản dịch, vì đó là diễn giải chứ không phải dịch. Còn từ điển Anh-Việt thì chỉ cho ta ba lựa chọn: u sầu, sầu muộn, u uất. Còn vô số phương án khác: buồn thương, muộn phiền, sầu não, ưu phiền, ưu uất, bi ai… mà từ điển không đề cập đến, ta chỉ có cách tự mình động não mà thôi. Nhiều khi ngay từ điển Anh-Việt cũng chỉ diễn giải chứ không có đáp án nào khả dụng cho người dịch. Đối với một từ như unpredictableđịnh nghĩa là không thể đoán, không thể dự đoán, không thể dự báo, không thể nói trước, không thể đoán trước được (ở tratu.coviet.vn) thì chỉ giúp ích được việc đọc hiểu nhưng gần như vô dụng khi dịch. Ta buộc phải chế ra thêm những khôn lường hay vô phương dự đoán.
Bước thứ ba là kết hợp những từ ngữ đã chọn để tạo nên một kết cấu hoàn chỉnh (câu). Trong nhiều trường hợp quá trình chọn từ và tạo câu diễn ra gần như đồng thời – giống như thợ xây, xếp từng viên gạch nối tiếp nhau cho đến khi thành một hàng gạch. Có khi xếp xong rồi nhìn lại bỗng thấy điểm không ổn. Có thể là nhịp điệu. Có thể là tính đăng đối, tương hợp của từ ngữ. Nhẹ thì gỡ ra thay bằng viên khác. Nặng thì phá đi xếp lại từ đầu.
Trên đây tôi đã cố gắng chẻ nhỏ quá trình dịch thành từng bước cho dễ hiểu, còn trong thực tế thì tất cả hòa trộn nhuần nhuyễn, diễn ra trong đầu người dịch một cách nhanh chóng, liên tục và lặp đi lặp lại không ngừng.
Quá trình ấy, như có lần tôi đã nói, giống như chạy đường trường. Đó là môn thể thao đòi hỏi sức bền. Mỗi động tác được tinh giản tối đa, để tiêu hao năng lượng tối thiểu. Vì vậy, nếu không thấy thực sự cần thiết thì không nên chọn phương án cầu kỳ, phiền phức làm gì. Tôi thích dịch Schindler’s List là vì thế. Đây là một trải nghiệm rất dễ chịu, vì thứ ngôn ngữ điềm đạm, bình hòa của Keneally không buộc tôi phải thường xuyên mang súng lớn (từ Hán Việt) ra bắn. Còn Conrad thì ngược lại. Đấu với bậc nhất đại tông sư này là một trận chiến cực kỳ mệt mỏi, và tôi lấy làm mừng vì nó chỉ là một novella.
P.S: Thực ra, những gì tôi viết bên trên mới là nửa sau của dịch thuật, với một giả định rằng người dịch làm tốt nửa đầu (đọc hiểu văn bản gốc). Đây cũng chẳng phải là việc dễ dàng gì, và chắc tôi sẽ dành cho nó một entry riêng.
Until next entry, then.

Thursday, July 27, 2017

Craft of Translation 09: The Name of the Game

Trong bốn cuốn sách tôi dịch đến thời điểm này, hai cuốn từng có người chê cách dịch tên. Mục đích của bài viết này không phải là phản biện phê bình của họ. Tôi chỉ muốn bàn chút ít về tầm quan trọng và cách dịch cái tên của tác phẩm.
Có người, khi chê cái tên tôi dịch, nói rằng chưa cần đọc (cả bản gốc lẫn bản dịch), chỉ cần nhìn cách dịch nhan đề cũng biết là dịch kém. Việc khen chê dịch giả là chuyện bình thường, đối với làng văn xứ ta lại càng bình thường nữa. Nhưng chê như thế đối với tác giả thật ra hơi thiếu tôn trọng. Tên sách hội tụ tinh thần của tác phẩm. Tự cho rằng mình hiểu cái tên khi chưa đọc sách khác nào gián tiếp nói giá trị của tác phẩm hoàn toàn nằm trên bề mặt.
Nhan đề là thứ cuối cùng tôi dịch ở một tác phẩm. Nghĩa là sau khi đã đọc hết và dịch hết ba trăm, năm trăm trang sách, quần nát nước những gì tác giả muốn nói và đã viết, tôi mới dám mon men bén mảng đến cái tên.
Nói vậy không có nghĩa là tôi không nghĩ đến việc dịch nhan đề từ sớm. Thật ra đây là việc phải nghĩ đến đầu tiên và luôn để nằm lòng suốt quá trình dịch sách, nhưng phải thực hiện sau cùng. Ai cũng biết ý nghĩa của cái tên đối với cuốn sách. Thế nên phải dịch nó cuối cùng, khi đã đi hết chặng đường, đã ở vị thế tốt nhất để lĩnh hội trọn vẹn, hay ít nhất là tối đa, những gì tác giả gửi gắm.
Có những cái tên đơn giản, dễ dịch. Ví dụ Jane Eyre (không cần dịch), Ba người lính ngự lâm (dịch phát ăn luôn). Có những cái tên tricky hơn chút đỉnh, nhưng không gọi là khó, như Haroun và Biển Truyện (Sea of Stories, thay vì dịch chữ of thì bỏ đi).
Nhưng cũng có những cái tên chẳng hề đơn giản. Inheritance of Loss là một trong số đó. Đây là ví dụ tiêu biểu cho thủ pháp oxymoron (nghịch hợp). Tức là sự kết hợp của hai khái niệm mâu thuẫn. Inheritance (di sản) là thứ còn lại. Còn lại nên mới thành di sản. Trong khi loss là thứ mất đi. Cái còn lại của thứ mất đi! Nghịch hợp là như thế. “Anh này là Đảng viên nhưng mà tốt” cũng là một dạng nghịch hợp, hay được sử dụng theo kiểu nghịch hợp. Như vậy, phương án dịch phải thể hiện được phép tu từ ấy. Nhưng mọi chuyện không dừng ở đó. Loss là một khái niệm đa nghĩa, dù các nghĩa của loss đều gần nhau: thất bại, mất mát, lạc lối… Trong những phương án này, chỉ có thể chọn một. Và tôi chọn phương án thể hiện tốt nhất phép nghịch hợp: mất mát. Thực tế đã chứng minh sự đúng đắn của lựa chọn này: tác phẩm tôi dịch, như thường lệ, không mấy ai nhớ đến. Nhưng cái tên thì được dùng lại khá nhiều, chẳng hạn như ở đây.
Heart of Darkness là một ví dụ khác. Inheritance of Loss là một cụm từ không hề xuất hiện trong suốt hơn 300 trang của tác phẩm. Đây là thuận lợi lớn cho người dịch, vì ta không bị câu thúc trong bất kỳ văn cảnh cụ thể nào và chỉ phải làm việc với cái tên như một thực thể độc lập. Heart of Darkness thì khác. Khái niệm này hiện diện thường xuyên trong tác phẩm và có nhiều biến thể khác nhau. Do vậy, ngoài việc giải mã thấu đáo ngữ nghĩa, ta còn phải tính đến một yếu tố không đơn giản nữa là chọn cách dịch sao cho cụm từ ấy vừa đủ linh hoạt để phát triển thành các biến thể tương ứng với các biến thể trong bản gốc, vừa đủ bất biến để giữ vai trò trung tâm, neo đậu dòng chảy của tác phẩm và tạo những liên tưởng cần thiết, lại vừa đủ uyển chuyển để dung nạp vào các văn cảnh khác nhau (nghĩa là nhét vào câu nào, ngữ cảnh nào đọc cũng xuôi tai). Thành thử, khi dịch cuốn này, mỗi khi bắt gặp khái niệm darkness trong văn bản, tôi liền ngừng lại và đem các phương án dịch tên ra “lắp ghép” vào xem thế nào.
Phân tích kỹ, Heart of Darkness chứa đựng ít nhất ba tầng nghĩa: tầng nghĩa con người, tầng nghĩa địa lý, và tầng nghĩa xã hội. Tầng thứ nhất là trái tim tăm tối của nhân vật chính, Mister Kurtz. Tầng thứ hai là sông Congo, trái tim của lục địa đen, miền đất tăm tối nhất trên bản đồ thế giới – tăm tối vì bị bao phủ dưới bóng rừng nguyên sinh, tăm tối vì chưa được thám hiểm, và có lẽ vì cả màu da của thổ dân xứ sở này. Tầng thứ ba là Congo với tư cách một con mồi béo bở, một xứ man di chưa biết mùi khai hóa, một thuộc địa phơi bày cùng cực những gì đê tiện nhất, đen tối nhất của chủ nghĩa thực dân da trắng. Nhưng tầng thứ ba ấy cũng chính là Châu Âu, là London, là Brussels, là sông Thames rực rỡ ánh đèn, bởi cực cùng đen tối không nằm tận Châu Phi, mà ở ngay đây, chính giữa trái tim của lục địa già, giữa cái nôi của văn minh và khai sáng.
Trên cả ba tầng nghĩa ấy, đen tối chưa bao giờ là một khái niệm mơ hồ. Nó luôn hiện hữu như một sinh thể. Đó là Kurtz, một hình hài khẳng khiu, yếu ớt nhưng đầy ma lực, hiện thân của thần chết. Đó là rừng già Phi châu huyền bí, muôn hình vạn trạng, không ngừng rình rập, đè nén, bóp nghẹt những kẻ viễn chinh. Và đó là dòng hải lưu phập phồng ánh sáng văn minh của sông Thames.
Heart khi dịch sang tiếng Việt có hai phương án phổ biến: trái tim và trung tâm. Phương án một đáp ứng được sắc thái sinh lý. Phương án hai thể hiện được sắc thái địa lý. Nhưng cả hai đều không trọn vẹn, không thực sự truyền tải được tính đa tầng và đa nghĩa của bản gốc. Và trên hết, khó lòng đặt hai phương án này vào nhiều ngữ cảnh khác nhau một cách suôn sẻ. Giữa lòng tăm tối làm chuyện đó tốt hơn. Vậy nên tôi chọn nó. Not an excellent choice. But an optimal choice.
Nhưng có những khi không thể dịch thành công một cái tên. Người ta thường ca ngợi dịch giả vì những cái tên hay. Tôi lại nghĩ đa số là may mắn (trong đó có tôi). May mắn, vì những cái tên ấy bản thân nó có lời giải. Nhiệm vụ của người dịch chỉ là đi tìm, có thể khó, có thể dễ, nhưng nhiều khả năng sẽ tìm ra. Đôi khi, có những cái tên không lời giải, hoặc không có lời giải tối ưu. The Great Gatsby là một ví dụ. Cái bất khả trong bài toán này là khoảng cách không thể bắc cầu giữa hai bờ ngôn ngữ chứa đựng trong chữ The và chữ Great.
Câu hỏi đặt ra là, ta làm gì trong những trường hợp ấy.
Câu trả lời, tôi nghĩ, sẽ làm nhiều người ngạc nhiên: Kệ thôi.
Lý do rất đơn giản: cái tên đại diện nhưng không thay thế được tác phẩm. Một cái tên, dù dịch hay đến mấy, cũng không bù đắp được một bản dịch dở. Dĩ nhiên tên mà tốt thì ta có quyền hy vọng bản dịch cũng tốt, nhưng không phải lúc nào cũng thế. Trình Giảo Kim chỉ đánh được ba búa là hết hơi, mà người như anh thì không phải ít.
Trong group Thủ môn mà tôi tham gia, một số bạn thường hỏi: găng nào bắt dính nhất hả anh? Tôi trả lời: tất nhiên là găng đắt nhất. Nhưng trước găng, em phải có kỹ thuật. Nhưng kể cả khi đã có kỹ thuật, điều quan trọng hơn cả là cách tiếp cận. Dù nhìn rất cool, rất ngầu, nhưng bắt dính cũng chỉ là một trong nhiều phương án bảo vệ khung thành, và cũng là phương án nhiều rủi ro nhất. Bắt bóng hai chạm, đẩy bóng hết biên, đấm bóng ra xa, điều khiển hậu vệ cản phá cú sút từ sớm… đều là giải pháp. Mục đích cuối cùng là giữ sạch lưới. Ở Việt Nam, tư tưởng có thể thua nhưng phải đá đẹp hình như khá phổ biến trên nhiều lĩnh vực. Hát có thể không hay nhưng vũ đạo phải đẹp. Kịch bản có thể kém nhưng hình ảnh phải long lanh. Và còn nhiều nữa.
Ở ta, số độc giả đọc sách bằng bìa hoặc cao hơn một chút là đọc sách bằng tên khá nhiều, và điều đó trở thành một áp lực cho người dịch. Họ sợ thất bại ngay từ đầu, ngay từ cái tên. Nói cho cùng, cái tên, dù quan trọng, cũng chỉ là một, hai, hay cùng lắm là mười trong năm mươi, thậm chí hai trăm nghìn chữ của toàn bộ bản thảo. Thế nên, hãy cứ cố giải bài toán cái tên, nhưng nếu thấy vô phương, thì cũng đừng băn khoăn làm gì. Give it your best shot. Then save your strength for the great battle that lies ahead.