Friday, December 14, 2012

Lawless

Nếu điện ảnh Mỹ có hai đặc sản, thì đó chính là gangster và Western, với những “Godfather” hay “The Good, the Bad, and the Ugly”, từ lâu đã trở thành huyền thoại. Nhưng rất hiếm khi có một bộ phim vừa gangster vừa Western. Chính thế nên, khi vừa ra mắt, “Lawless” đã lập tức thu hút sự quan tâm đặc biệt của khán giả. Nhất là khi cha đẻ của nó lại là John Hillcoat và Nick Cave từng lừng lẫy với “The Proposition”.

Lấy bối cảnh cuối thời Cấm rượu (1931-1933), “Lawless” đưa ta đến hạt Franklin, tiểu bang Virginia, cái nôi của moonshine, thứ rượu lậu 95 độ cồn (!) từng hoành hành khắp miền nam nước Mỹ. Nơi đây có một gia tộc đã trở thành huyền thoại của cả hạt: nhà Bondurant. Người anh cả, Forrest (Tom Hardy), là một con hùng sư trầm lặng. Người anh thứ, Howard (Jason Clarke) là một con dã nhân dữ tợn. Còn cậu út, Jack (Shia LaBeouf) là một chú sói con đang tuổi giương vây và ghẹo gái. Cuộc kinh doanh rượu lậu của nhà Bondurant đương hồi suôn sẻ thì Charles Rakes (Guy Pearce), Phó thanh tra Đặc trách của tiểu bang, xuất hiện và đòi phần to trong miếng bánh không chỉ của ba anh em mà của tất cả các nhà nấu rượu lậu trong vùng. Là hộ duy nhất không quy phục, nhà Bondurant trở thành đối tượng mà Rakes muốn đánh gục để răn đe và trấn áp cả vùng. Hai bên dấn sâu vào một cuộc chiến không khoan nhượng, dai dẳng và cực kỳ đẫm máu…

Đẫm máu là chuyện hết sức bình thường đối với phim gangster và Western, càng bình thường hơn khi tác giả của nó là Hillcoat và Cave. Nhưng điều đáng nói là cả hai không vãi máu lên màn ảnh, mà rất toan tính và tiết chế. Để đảm bảo rằng mỗi lần máu đổ, là một lần người xem phải rùng mình. Ở “Lawless”, bạo lực đã trở thành một thứ ngôn ngữ biểu cảm, một diễn ngôn tàn khốc về tính cách của từng nhân vật. Bạo lực của Forrest Bondurant là thứ bạo lực âm trầm, lão luyện, và đầy nguyên tắc của một kẻ từng trải giang hồ. Y hiếm khi ra tay, nhưng đã ra tay thì bao giờ cũng tàn độc và bất lưu tình. Bạo lực của Howard là thứ bạo lực nguyên thủy mang màu sắc dã thú. Bạo lực của Jack là thứ bạo lực bốc đồng của tuổi trẻ. Bạo lực của Floyd Banner (Gary Oldman), ông trùm kiêm đối tác buôn rượu lậu của nhà Bondurant, là thứ bạo lực đậm chất gangster phố lớn, tay cầm khẩu Tommy vãi đạn vào xe hơi. Bạo lực của Charles Rakes là thứ bạo lực khủng bố của một viên cảnh sát bệnh hoạn, biến chất, gợi cho người ta nhớ đến Norman Stansfield trong “Léon” (thật tình cờ, do chính Gary Oldman đóng). Còn bạo lực của hai tên sát thủ mà Rakes cử đến là thứ bạo lực đê tiện của những kẻ đốn mạt, buộc một nhan sắc đô thành như Maggie Beauford (Jessica Chastain) phải lưu lạc phong trần về tận Franklin làm thuê cho quán rượu nhà Bondurant.

Cùng với bạo lực, một thành công rất độc đáo của “Lawless” là sự pha trộn khéo léo song vẫn phân định rạch ròi giữa gangster và Western. Những năm 30 là thời đại của gangster, với những Al Capone, John Dillinger, sản phẩm của một xã hội công nghiệp và hiện đại. Thời của những gã cowboy đã qua lâu rồi. Franklin tuy không phải là New York hay Chicago, song cũng không phải là một thị trấn Viễn Tây bảy mươi năm về trước. Con người nơi đây ít nhiều vẫn bảo tồn được những giá trị, những nguyên tắc hành xử xưa cũ, nhưng trong tính cách đã có nhiều đổi thay sâu sắc. Forrest Bondurant là đại diện cho những thay đổi ấy. Trong chừng mực nào đó, y vẫn là một tay hảo hán, một kiểu Võ Tòng phương Tây. Nhưng y đồng thời đã thành một ông chủ, một người làm ăn. Tuy chưa tha hóa như Tony Montana trong “Scarface”, nhưng y không còn là tay súng vô danh huyền thoại của Sergio Leone thuở nào. Y có những quy tắc và những đạo lý của riêng mình, nhưng y cũng không chê tiền. Từ chỗ là một con hùng sư cô đơn và xa cách, sau cùng y đã phải lòng Maggie, một mỹ nhân thành thị.

Ở đây, Forrest Bondurant và Floyd Banner chính là hai thái cực đối lập, hai mẫu người hùng thời loạn: một khoác cardigan, thủ trong áo một nắm đấm thép; một vận complet, tay xách tiểu liên. Một cao-bồi-thôn và một gangster-thành-phố. Và nhân nói về cardigan, sau “Lawless”, chúng ta sẽ không bao giờ nghĩ về cardigan như trước đây ta từng nghĩ nữa, bởi vì Tom Hardy đã đem đến cho chiếc-áo-của-ông-nội này một khí chất bất thường. Khoác trên thân hình vạm vỡ của Tom, nó vẫn gợi lên bóng dáng bậc cha chú – mà quả thực, với Jack, thậm chí cả Howard, Tom vừa như anh vừa như cha. Nhưng đồng thời nó cũng tỏa ra một áp lực kinh khủng, bởi với y, “khác biệt giữa con người không phải là bạo lực; khác biệt nằm ở chỗ anh sẵn sàng đi xa đến đâu”. Mà y thì đi đến tận cùng. Âm trầm, lãnh đạm và hiếm khi biểu lộ cảm xúc, nội tâm y sâu thẳm khó dò đến mức, sau đêm ân ái đầu tiên Maggie phải hờn giận thốt lên: “Ai lại bắt con gái chờ như thế?” Chuyện tình của y với Maggie, cũng như của Jack với em gái nhà lành theo đạo Mormon, vừa điểm xuyết thêm một nét lãng mạn cho mạch truyện đẫm máu, vừa làm nổi bật hơn nét tương phản giữa hai anh em – trong cách làm ăn, sử dụng bạo lực và cách ứng xử với đàn bà. Đây là một nỗ lực lớn của Shia LaBeouf trong việc rũ bỏ những vai diễn con nít kiểu “Transformer” để đóng một cái gì đó chất hơn. Hai lần người ta tưởng Jack sắp sửa rũ bùn đứng dậy sáng lòa và trở thành nhân vật chính – lần đầu khi gã gặp Floyd trên phố, lần hai khi tai biến xảy ra với Forrest. Nhưng rốt cục, người nào vẫn vào chỗ ấy, đàn ông vẫn là đàn ông và cậu bé vẫn chỉ là cậu bé. Cho đến phút chót, khi gã xuyên qua bóng tối của cây cầu, để bước ra ánh sáng – một ẩn dụ của sự thành nhân.

Cũng trong “Lawless”, người ta chứng kiến cuộc xâm lăng của thành phố đối với nông thôn, phong cách gangster đối với văn hóa Western. Cảnh Floyd Banner vãi đạn giữa phố chính Franklin là hồi kèn báo hiệu cuộc xâm lăng này. Thứ bạo lực hào nhoáng ấy đã mê hoặc được Jack; thứ áp lực khủng bố của Rakes đã trấn áp được tinh thần người dân nơi đây; và thứ mị lực của Maggie đã chiếm hữu được huyền thoại bất tử của Franklin. Một là bạn, một là địch, một là tình nhân, nhưng cả ba đều là những kẻ chinh phục. Có người thành công, có kẻ thất bại, nhưng rõ ràng cộng đồng nấu rượu lậu cảm nhận rất rõ áp lực này. Cuộc đọ súng giữa họ với Rakes và thuộc hạ, chính là một nỗ lực phản kháng đầy bản năng của những con người cũ hòng bảo vệ một trật tự cũ và những giá trị cũ. Viễn Tây trong thập niên 30 đang oằn mình tuyệt vọng để kháng cự lại gangster. Lần này, họ tạm thời chiến thắng. Nhưng chúng ta đều biết điều gì đang chờ đợi họ ở phía trước: đó là “Goodfellas”, là “Scarface”, là “Heat”. Thế nên, năm 2007, anh em nhà Coen mới cám cảnh thốt lên rằng: “No country for old men!” – hết đất cho những anh già.

Bài đăng trên Thể thao Văn hóa Đàn ông số tháng 1/2013

Tuesday, December 11, 2012

Life of Pi

Năm 2002, khi “Life of Pi” đoạt giải Booker, câu chuyện hiện thực kỳ ảo này lập tức được giới điện ảnh dán cho cái nhãn “không thể dựng thành phim”. Thế nên, mười năm sau, khi Lý An tiếp nhận thách thức này, cả thế giới đều háo hức chờ ngày “Life of Pi” công chiếu. Tất cả chờ đợi ba điều. Ông sẽ giải quyết câu đố hóc búa của một kịch bản có hai phần ba thời gian diễn ra trên chiếc xuồng cứu sinh dài tám mét kiểu gì? Ông sẽ giải đáp câu hỏi về Chúa Trời xuyên suốt tác phẩm ra sao? Và ông sẽ mang chất thơ mỹ cảm mà tàn nhẫn từng giúp ông thành danh với “Ngọa hổ Tàng long” và “Brokeback Mountain” vào bộ phim này thế nào?

Trong chừng mực nào đó, Lý An đã giải đáp xuất sắc cả ba nan đề ấy. Ông đã rất dũng cảm khi không hề né tránh câu hỏi về Chúa, mà ngược lại, lấy nó làm trung tâm, thể hiện và kiến giải nó bằng những khuôn hình đầy tinh tế. Mỗi cảnh quay đẹp đến sững sờ và run rẩy của “Life of Pi” không chỉ thấm đẫm mỹ cảm mà còn là những ẩn dụ sâu xa về đức tin, nỗi nghi vấn, và niềm hoang mang tôn giáo mà Pi đối diện từ thời thơ ấu, và đặc biệt là trong 227 ngày lênh đênh trên Thái Bình Dương. Bộ phim khởi đầu bằng một trường đoạn đậm chất Animal Planet tưởng như chỉ nhằm phô diễn kỹ xảo 3D. Nhưng đó, kỳ thực, chính là cách Lý An khắc họa thế giới đa thần ở Ấn Độ: vườn bách thú chính là một thứ điện bách thần của đạo Hindu. Con cá voi khổng lồ lấp lánh lân quang là ám chỉ về Jonah , trong khi không khó để nhận ra hòn đảo ăn thịt người là hình tượng thần Vishnu ngủ trên biển sữa. “Tại sao hoa sen lại ẩn trong rừng?”, câu hỏi Pi đặt ra cho Anandi chính là khát vọng truy cầu và chứng nghiệm của cậu suốt cuộc hải hành sinh tử ấy. Và đó cũng chính là lời tiên tri của Anandi, bởi chiếc răng giữ vai trò thức tỉnh Pi đã được Lý An giấu vào một “đài sen” – loài hoa thần thánh nhất của Ấn Độ.

Với tiếng tăm của mình và bản thân tác phẩm, Lý An hoàn toàn có thể chọn một diễn viên nổi tiếng hơn. Nhưng ông đã rất tỉnh táo khi gửi gắm vai Pi hồi trẻ cho Suraj Sharma, một cậu bé hoàn toàn vô danh. Suraj đã có một màn trình diễn làm các diễn viên gạo cội cũng phải ghen tị, vừa thể hiện được tình yêu ngây thơ của một gã trai “phải lòng” tôn giáo lẫn niềm tuyệt vọng của một đứa trẻ lênh đênh giữa đại dương. Người xem chia sẻ với từng cảm xúc của cậu: nỗi mất mát, niềm hy vọng, sự dại khờ, và lòng can đảm. Trong khi đó, Pi tuổi thành niên lại là một người đàn ông có biệt tài kể chuyện. Sau những đường nét trầm tĩnh trên khuôn mặt Irrfan Khan là khả năng biểu đạt cảm xúc dữ dội chỉ bằng một ánh liếc mắt, một cái nhíu mày. Trong khi Suraj mê hoặc khán giả nhờ cuộc chìm nổi trên biển khơi kỳ ảo, thì Irrfan điềm đạm ngồi trong căn bếp, và mang đến cho câu chuyện sức mạnh khả tín của hiện thực.

Đã tìm ra hai vai chính, nhiệm vụ còn lại của Lý An là đem câu chuyện của Yann Martel lên màn bạc. Sau James Cameron, ông là một nhà làm phim hiếm hoi, nếu không muốn nói là đầu tiên, thực sự làm chủ kỹ xảo 3D và vận dụng nó như một thủ pháp nghệ thuật chứ không phải một công nghệ làm tiền. Chiều không gian thứ ba này đã lôi khán giả vào màn ảnh, đặt họ lên con thuyền với Pi và Richard Parker trong suốt bảy mươi phút biển trời nghiêng ngả.

Trung thành với phong cách mỹ cảm của mình, và có lẽ vì cả sức ép từ studio, Lý An đã tước bỏ đi khá nhiều khía cạnh “tàn nhẫn” của tiểu thuyết, để nó phù hợp hơn với mọi đối tượng khán giả. Ta sẽ không thấy con linh cẩu ăn sống con ngựa vằn, cắn đứt đầu con đười ươi, hay cậu bé ăn phân của Richard Parker, nhưng ấn tượng về sự khắc nghiệt của chuyến hải trình không vì thế mà giảm sút. Có điều, nếu “Life of Pi” của Yann Martel bi tráng một cách kinh sợ thì “Life of Pi” của Lý An lại đẹp đến kinh diễm, khiến người xem bỗng cảm thấy hành trình của Pi, với bấy nhiêu đau khổ đọa đày, trong chừng mực nào đấy, vẫn là rất đáng. Sau “The Fall” của Tarsem Singh, mới lại có một phim đẹp một cách duy mỹ đến nhường này. Nhưng khác với “The Fall”, cái đẹp ở “Life of Pi” không chỉ đẹp để mà đẹp. Đây là cái đẹp thăng hoa của tâm linh, của mối giao cảm giữa trời và nước, thiên đàng và trần thế, của mối tình ghen tuông và chiếm hữu mà cái chết dành cho sự sống. Câu chuyện của Pi chứa đựng một quyền năng khiến nhân vật nhà văn tin vào Chúa Trời, còn bộ phim về Pi sở hữu một vẻ đẹp làm người xem tin vào điện ảnh – điều dường như đã trở thành xa xỉ trong thời đại ngày nay.

Bài đã đăng trên Đẹp số tháng 1/2013

Friday, November 16, 2012

The Teddy Bear

Bạn sẽ làm gì khi ông bạn nối khố ở chung nhà, ngủ chung giường, xem chung ti vi, hút chung cần sa, và cùng chia sẻ nỗi-sợ-sấm suốt hai mươi bảy năm nay, một ngày kia bỗng trở thành vật cản trong mối quan hệ của bạn với một hot girl đẹp không kém gì Mila Kunis (người phụ nữ sexy nhất của GQ năm 2011 và Esquire 2012). Một câu hỏi chẳng dễ trả lời! Càng khó khăn gấp bội với John Bennett, khi bạn của anh chàng là một con gấu bông tên là (dĩ nhiên rồi) Teddy!

Năm lên tám, cậu bé John tịnh không có một người bạn nào ngoài chú gấu bông. Đêm Giáng sinh, cậu bé đã nói ra một điều ước mà không biết rằng đúng lúc đó, một ngôi sao băng đang bay qua bầu trời Boston. Và hệ quả là, 27 năm sau, John (Mark Wahlberg) vẫn còn là một cậu-bé-ôm-gấu-bông dù đã ba mươi lăm tuổi; trong khi Teddy, tên thân mật là Ted (Seth MacFarlane lồng tiếng), đã biến thành một gã gấu già phóng đãng, nghiện ngập, và ăn nói tục tĩu. Sau ngần ấy năm, họ vẫn là đôi-bạn-sợ-sấm thuở nào. Có điều, cuộc sống của họ từ bốn năm nay đã có thêm Lori. Cô nhân viên của một công ty PR lớn không rõ ăn phải bùa ngải gì mà lại đem lòng yêu gã trai ham chơi lười làm, không có tiền đồ, suốt ngày chỉ tụ bạ xem ti vi, hút xách và chém gió với một con gấu bông ác cảm với đàn bà Boston vì tội đã xấu lại còn chuyên giả vờ lên cơn cực khoái.

Bốn năm là một thời gian đủ dài để John cảm thấy đã đến lúc mình và Lori phải đi đến chung kết. Có điều, với Lori, muốn đủ tiêu chuẩn vào chung kết thì John phải là một người đàn ông độc lập, chín chắn và có trách nhiệm. Tóm lại là phải tống khứ con gấu bất hảo kia đi. Và, vô số chuyện khó lường đã xảy ra, khi John quyết định yêu cầu Ted “ra riêng”…

Sau hơn chục năm làm hoạt hình, trong lần đầu tiên ra mắt làng điện ảnh, Seth MacFarlane đã gây ấn tượng phải nói là rất mạnh. Ted có năm điểm ăn tiền. Thứ nhất là một ý tưởng kỳ quái – so với Paul (cũng của một anh chàng tên Seth, Seth Rogen) rõ ràng phim này dị hơn, bởi giữa một gã alien chửi bậy nhem nhẻm với một con gấu bông chơi trò fivesome, chắc chắn khán giả sẽ nhướng mày trước cốt truyện thứ hai. Thứ hai là lời thoại hài hước một cách duyên dáng, rất tục mà lại không sống sượng, với nhiều chi tiết liên hệ đến văn hóa đại chúng đương đại  khiến người xem không nhịn nổi tiếng cười khoái trá (Ở Ted, khán giả sẽ có dịp nghe giọng nói trầm ấm của Giáo sư Xavier của series X-men trong vai người dẫn chuyện, được biết chi tiết về chuyện tình một đêm của Ted với một nữ ca sĩ nhạc jazz nổi tiếng, được gặp chồng cũ của  Scarlett Johansson trong một vai diễn làm tất cả phải ngỡ ngàng. Và đặc biệt, fan hâm mộ của Twilight sẽ có cơ hội tìm hiểu về tuổi thơ bất hạnh của “người sói” Taylor Lautner.)

Thứ ba là câu chuyện đánh trúng tâm lý khán giả, cả nam lẫn nữ. Nam giới đồng cảm với John bao nhiêu về nỗi giằng xé tội nghiệp giữa một bên là chiến hữu còn bên kia là người yêu, thì phụ nữ cũng chia sẻ bấy nhiêu với Lori về nỗi chán nản trước thói chơi bời nhậu nhẹt của bọn đàn ông hôi hám. Thứ tư là nhạc phim khá quyến rũ của Walter Murphy cộng với giọng hát ngọt ngào sóng sánh của Norah Jones trong ca khúc chủ đề, Everybody Needs a Best Friend. Và cuối cùng là… (nhạc nền hoành tráng) Mila Kunis trong vai Lori. Đây chính là những lý do đã giúp Ted vượt mặt The Hangover để thành phim hài dành cho người lớn (R-rated) có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Cũng cần nói thêm rằng, xét một cách công bằng Mark Wahlberg diễn không hề tệ. Chỉ có điều khuôn mặt và ngoại hình quá cơ bắp của anh không thật sự phù hợp với phim hài lãng mạn. Đó là chưa kể việc hào quang của bộ phim hoàn toàn dồn vào Teddy Bear, người đã quen thuộc với vị thế ngôi sao showbiz từ hồi bé tí, càng khiến vai diễn của Mark bị lu mờ.

Mặc dù vậy, có lẽ không ít đàn ông vẫn sẽ thấy bóng dáng mình ở John Bennett, dù hiếm ai gặp phải một tuổi thơ cô độc như anh. Ở John, có một nỗi băn khoăn thường trực luôn dằn vặt nhiều đấng nam nhi: nên cố gắng phấn đấu, có chí tiến thủ, để “có danh gì với núi sông”? Hay nên là một người bình thường, sống cuộc đời vô lo vô nghĩ, túy lúy với đồng chí, lè phè cùng bạn bè? Ở tuổi 35, John có thể không phải là tấm gương của sự thành đạt, nhưng ai dám bảo những năm tháng đã qua của anh và Ted kém hạnh phúc hơn bất kỳ ai? Và, còn nữa, thành đạt làm gì khi rốt cục, người cua được gái xinh lại là anh John cả ngố chứ không phải gã Rex bố làm to? (Tất nhiên điều này chỉ có thể là trong phim Hollywood, nên câu hỏi trên thiết tưởng cũng không cần phải trả lời.) Chính thế nên bộ phim đã khép lại với những kết cục rất cụ thể cho từng nhân vật, trừ John. Anh và Lori sẽ ở bên nhau, chắc chắn rồi. Nhưng anh có thành đạt không, có thăng tiến không, có trở thành người đàn ông mẫu mực, kế tục ông sếp làm quản lý cửa hàng không thì không ai biết cả.

Một điều nữa, càng làm các chàng trai thấy nhân vật John vô cùng thân thuộc, là tiếng cười khanh khách của đứa trẻ trong anh. Trong mỗi người đàn ông luôn có một đứa trẻ. Đó vừa là khuyết điểm, nhưng cũng là may mắn của đàn ông. Đành rằng đứa trẻ trong John quậy phá hơi nhiều và hơi dai, nhưng liệu có mấy gã trai ba mươi mà chẳng ham chơi, chẳng thích nằm ườn xem ti vi tán nhảm, chẳng bồi hồi khi được gặp thần tượng thời thơ ấu bằng xương bằng thịt? Và, hơn hết, có ai chẳng ước ao có một người bạn-thiết-trọn-đời như Ted? Ted của John không chỉ là một chú gấu bông biết nói, một cao thủ sử dụng cà rốt (thực ra là parsnip, một củ có họ với cà rốt) và ăn salad khoai tây trên bờ mông trần của em gái bán hàng tóc vàng nóng bỏng. Ted còn là hiện thân và hội tụ của tất cả những gì cánh đàn ông sẽ vĩnh viễn chẳng bao giờ tìm thấy được ở người yêu hay vợ của mình. Ted, chính là biểu tượng cho câu nói đã trở thành chân lý với không ít chàng trai: chỉ có đàn ông mới đem lại cho nhau hạnh phúc.

Bài đăng trên Thể thao Văn hóa Đàn ông số tháng 12/2012

Sunday, November 11, 2012

Rust & Bone

Năm 2007, nàng trở thành nữ diễn viên đầu tiên trong lịch sử đoạt cả giải César lẫn Oscar cho cùng một vai diễn. Tiếng tăm nổi như cồn, nàng liên tục xuất hiện trong các bom tấn: Public Enemies, Nine, Inception, The Dark Knight Rises… Nhưng những ai yêu mến Marion Cotillard, tự đáy lòng, vẫn nhớ về nàng trong hình hài con én nhỏ bi thương của nước Pháp. Họ hiểu rằng, nàng là nhiều hơn thế, và tài năng của nàng vượt xa những vai thứ, vai phụ mà Hollywood đưa lại cho nàng.

Thế nên khi biết năm 2012, nàng sẽ cộng tác với Jacques Audiard của The Beat That My Heart SkippedRust and Bones, tất cả đều háo hức chờ đợi. Và Marion đã không làm những ai yêu mến nàng thất vọng.

Rust and Bones, nàng vào vai một huấn luyện viên cá voi không may bị tai nạn phải cắt bỏ đôi chân. Suy sụp, Stéphanie tìm đến Ali (Matthias Schoenaerts), một cựu võ sĩ, như một điểm tựa tinh thần. Ali, bất chấp một thể chất mạnh mẽ, căng tràn nam tính, cũng có những bất ổn của riêng gã khi dọn đến Antibes[1] sống tạm bợ cùng đứa con trai sáu tuổi ở nhà chị gái.

Có thể nói, kể từ La Vie en Rose tới nay, nàng mới được giao một vai diễn phức tạp và có chiều sâu tâm lý và xứng tầm đến thế. Từ trước khi bị tai nạn, ánh mắt, giọng nói, cử chỉ của Stéphanie đã chất chứa vẻ hoang mang lạc lối, như một dự cảm không lành. Sau tai nạn, tinh thần của nàng càng sa sút thê thảm. Diễn xuất của Marion vừa tiết chế không sa vào cường điệu, vừa tự nhiên như thể nỗi đau vốn là như thế. Cảnh Stéphanie ngồi bên cửa sổ, điều khiển cỗ xe lăn nhún nhảy theo nhạc gieo vào lòng người xem một nỗi bi thương khó bề lý giải. Có cảm giác ngôn ngữ cơ thể của Marion còn biểu cảm hơn cả gương mặt của nhiều diễn viên nữ khác (mà Kristen Stewart là một ví dụ điển hình).

Rất tình cờ, hai bộ phim cạnh tranh suất đại diện cho Pháp dự Oscar năm nay đều là câu chuyện về một người tàn tật và một thanh niên nhập cư (Intouchables đã được giới thiệu trên Đẹp tháng 7/2012). Chỉ có điều Rust and Bones không nhẹ nhàng và ấm lòng người, mà thật như chính cuộc đời, buộc người xem phải nghĩ và phải day dứt. Mối quan hệ giữa Stéphanie với Ali thực tế một cách thẳng thắn và thẳng thắn một cách tàn nhẫn. Cách gã đối xử với nàng ban đầu vừa tự nhiên, lại cũng vừa khó hiểu. Đó không phải là tình yêu, mà là sự bảo bọc rất bản năng của một con đực khỏe mạnh đối với một con cái bị thương. Nhưng phải đợi đến khi nàng có lại đôi chân, gã mới bắt đầu nhìn nàng như một người đàn bà. Nàng cũng vậy, đôi chân khiến nàng thấy mình đàn bà trở lại (dấu hiệu là nàng không chịu tắm khỏa thân như lần gã đến thăm và đưa nàng ra biển nữa.)

Nhưng để thực sự là một người đàn bà trọn vẹn thì, cả nàng và gã đều có chung một quan điểm, phải có năng lực tình dục và cả khoái cảm tình dục nữa. Bởi vậy nên nàng tự ti. Và gã giải tỏa nỗi niềm ấy bằng cách cho nàng cảm giác được làm một người đàn bà thực thụ, chứ không phải một thân xác bị phí hoài. Họ tìm đến với nhau trong một mối tương giao rất nguyên thủy: gã đem đến cho nàng khoái cảm và, quan trọng hơn cả, sự tự tôn, hai thứ làm mặt nàng tươi tắn và mắt nàng thì sáng long lanh có phần hơi bẽn lẽn.

Về phần mình, Ali nghèo, gặp khó khăn trong công việc, trong cách giao cảm và chăm sóc đứa con trai. Nhưng không chỉ có vậy, bất ổn lớn nhất của gã là gã tìm thấy khoái cảm(?) và sự giải tỏa trong những trận kick-boxing của thế giới ngầm. Chính ở một trận đấu kiểu đó, lần đầu tiên Stéphanie từ chỗ được gã giúp đỡ đã trở thành người cổ vũ gã về tinh thần. Nhưng khi đó gã còn chưa hiểu hết được ý nghĩa của nàng đối với mình. Gã nghĩ rằng gã không cần ai cho tới khi gã cảm thấy cần nàng, mãi tận sau này, khi biến cố xảy ra, khi cái bản năng đàn ông vốn là điều nổi bật nhất ở gã từ đầu phim đến giờ bị lu mờ trước bản năng mãnh liệt hơn của tình phụ tử.

Cho dù Matthias cũng rất xuất sắc trong vai Ali, phải nói rằng diễn xuất của anh đã bị lu mờ trước Marion. Muôn vàn cung bậc cảm xúc của Stéphanie, từ cơn suy sụp hậu-tai-biến đến những bước hồi sinh rụt rè bỡ ngỡ, từ niềm ghen tuông hờn giận rất đàn bà đến nỗi khát khao nhớ tiếc sân khấu trên một khuôn hình đơn sắc vô thanh nhưng đầy biểu cảm, tất cả đều được nàng thể hiện một cách không thể xuất sắc hơn. Sau Sophie Marceau, với La Vie en Rose, và với Rust and Bones, nàng chính là người định nghĩa lại vẻ đẹp Pháp trong điện ảnh.


[1] Một thành phố biển miền nam nước Pháp.

Bài đăng trên Đẹp số tháng 12/2012

Friday, October 19, 2012

Rome: mùa yêu đương, mùa rong chơi

Sau bốn mươi năm mải mê chinh chiến và yêu đương với cô nàng Muse có tên là Điện ảnh, gã phù thủy Manhattan, Woody Allen, muốn nghỉ ngơi bằng cách làm ra những bộ phim “rong chơi cuối trời quên lãng” về Châu Âu. Woody khởi đầu series bưu ảnh đẹp mộng mị ấy bằng Vicky Cristina Barcelona, tiếp nối là Midnight in Paris, và năm nay là To Rome with Love.

Sau một Barcelona phóng túng, và một Paris mộng mơ, phần lớn khán giả chờ đợi một Rome không kém phần nồng nàn say đắm. Và có lẽ là phần lớn đã thất vọng. Thất vọng do quá thật thà. Thật thà đâm ra tổ trác. Vừa lãng mạn được hai phim, Woody đã không giấu nổi cái đuôi xù của con cáo già tinh quái, ưa giễu nhại: cái khán giả tưởng là một chuyện tình thi vị, hóa ra lại là một tuyển tập những tiếng cười trào phúng đủ mọi cung bậc nhắm vào cả giới elite lẫn bình dân.

Câu chuyện đầu tiên là về một viên chức quèn đang sống đời buồn tẻ bỗng nhiên nổi tiếng đến nỗi chuyện ông ta mặc quần lót gì cũng được lên báo. Chuyện thứ hai về một đôi vợ chồng son từ quê lên Rome, và trong khi anh chồng dút dát bất ngờ bị một gái điếm hạng sang xông vào tận phòng ve vãn thì cô vợ sa vào lưới tình của một diễn viên nổi tiếng. Chuyện thứ ba về một chàng sinh viên kiến trúc người Mỹ phải lòng cô bạn thân nhất của bạn gái mình; và chuyện thứ tư về một ông nhà đòn có biệt tài hát opera trong buồng tắm bỗng trở thành ngôi sao nhờ sự giúp đỡ của thông gia tương lai, một nhà sản xuất âm nhạc về hưu.

Bốn câu chuyện của Rome hầu như không có mối liên hệ nào, nếu không muốn là hoàn toàn riêng biệt. Sự gắn kết, nếu có, chính là không gian thơ mộng của chốn Đô thành Bất tử và không khí siêu thực bao trùm bộ phim, bởi tất cả dù được kể đan xen nhau, nhưng lại không diễn ra trên cùng trục thời gian: tao ngộ kỳ lạ của đôi vợ chồng son chỉ trong vòng một ngày, của Begnini độ vài ngày, cuộc phiêu lưu của ông nhà đòn và chàng sinh viên dài vài tuần, thậm chí vài tháng. Không những thế, câu chuyện của Jack còn có một nhân vật kỳ quái (Alec Baldwin), một kiến-trúc-sư-trung-niên-kiêm-thần-hộ-mệnh, lẽo đẽo đi theo và hăm hở chọc phá mối nhu tình vừa chớm nở của chàng sinh viên khờ khạo.

Coi Rome như một cuộc dạo chơi, Woody tha hồ phô diễn những trò tinh quái, và cái sự nghịch tinh này đã bộc lộ ngay từ cách chọn diễn viên. Khuôn mặt Begnini của Cuộc sống tươi đẹp 15 năm trước đã rất buồn cười thì giờ đây càng ngộ nghĩnh hơn khi vào vai ông viên chức điển hình. Mỹ nhân Tây Ban Nha, Penelope Cruz, hóa thân thành gái điếm nói tiếng Ý nhem nhẻm. Vai tay tài tử nổi tiếng hào hoa sát gái lại được giao cho một diễn viên lùn béo và hói sọi. Cô gái Mỹ được quảng cáo làm đàn ông ai cũng mê đắm hóa ra là Ellen Page, loắt choắt như trẻ con, ăn mặc chả khác gì cô bé vị thành niên mang bầu ở Juno ngày trước. Và nhà sản xuất âm nhạc về hưu nhát chết, dứt khoát không ăn món bruschetta của bà thông gia tương lai vì ngờ có formol, lại do chính Woody Allen đảm nhiệm.

Với Rome, Woody, nhẹ nhàng và trìu mến, giễu cợt tất thảy, từ sự lố bịch của các “ngôi sao” ở thời đại truyền thông, tới cái cách mà hai cuộc ngoại tình ngắn ngủi có thể là chất xúc tác cho cuộc hôn nhân nhàm chán về tình dục của đôi vợ chồng quê; từ lối kiểu cách “biết tuốt” nửa mùa của các em gái thích làm ra vẻ mình am hiểu và sành sỏi văn thơ nhạc họa, đến môn nghệ thuật được xem là hàn lâm cao quý là opera. Những quan niệm sáo mòn và đã thành công thức của du khách về Rome, những câu tán tụng cửa miệng về vẻ đẹp của thành phố cũng không thoát khỏi bị Woody chòng ghẹo. Và mỗi câu chuyện đều điểm xuyết những khoảnh khắc rất hài, rất kịch, khiến người xem hoặc cười khúc khích, hoặc cười sằng sặc, hoặc (đôi khi) ngơ ngác chẳng hiểu gì. Có thể đây không phải là một tác phẩm để đời của Woody, nhưng nó vẫn rất Allen, và vẫn mang đến cho những ai yêu mến ông 112 phút đồng hồ đầy sảng khoái.

Bài đăng trên Đẹp số tháng 11/2012

Tuesday, October 16, 2012

Khúc tráng ca của đời đặc nhiệm

Tháng 3/2012, một bộ phim Indonesia đã gây ra cơn địa chấn lớn nhất trong giới ghiền điện ảnh võ thuật kể từ Ong Bak (2003). The Raid: Redemption là sự kết hợp kỳ lạ (nếu không muốn nói là kỳ quái) của Gareth Evans, một đạo diễn trẻ người xứ Wales, và Iko Uwais, ngôi sao có gương mặt rất thư sinh của xứ Vạn đảo. Nếu Ong Bak khiến khán giả giật mình nhận ra Hongkong không còn là xứ sở độc tôn của những kiệt tác võ thuật, thì những màn cận chiến nhanh, chuẩn, độc và khốc liệt kinh người của The Raid đã thuyết phục họ rằng Tony Jaa đã có đối thủ xứng tầm ở Đông Nam Á. Mắc kẹt trong một chung cư cũ nát, sào huyệt của tên trùm xã hội đen, đội đặc nhiệm của viên cảnh sát trẻ Rama chỉ còn một lựa chọn là mở đường máu tiến lên. Và từ đấy, The Raid chỉ còn là cảnh Rama tiến lên, để lại sau lưng một con đường đẫm máu…

Trước khi Rama dấn bước vào hỏa ngục, The Raid dành cho viên cảnh sát trẻ một giây phút bình yên để chia tay người vợ đang mang thai đứa con đầu lòng. Cảnh quay đơn giản, dung dị, nhưng làm người ta bùi ngùi nhớ đến một viên cảnh sát đặc nhiệm khác ở bên kia quả địa cầu, cũng thân lâm hiểm địa khi vợ đang mang thai đứa con đầu lòng: Roberto Nascimento, Đội trưởng đặc nhiệm của thành Rio de Janeiro trong Tropa de Elite.

Trên thế giới, không thiếu gì những bộ phim ra đời để nối tiếp một bộ phim khác (sequel), hoặc làm lại một bộ phim khác (remake). Nhưng, bổ sung cho nhau một cách vừa ngẫu nhiên, vừa tự nhiên, vừa trọn vẹn như The Raid Tropa thì quả là hiếm thấy. Hai bộ phim đều là khúc tráng (và bi) ca của đời đặc nhiệm, nhưng từ hai góc độ, với hai cung bậc hoàn toàn khác biệt. Thế nên khán giả xem phim nào trước cũng được, bởi trình tự nào cũng có tư vị riêng, cũng sẽ mang lại cho người xem những cảm xúc riêng.

Bản chất của The Raid là một viên adrenaline liều cao, không phụ gia và không tá dược. Rama, như vị hoàng tử huyền thoại mà anh mang tên, từ đầu đến cuối, chỉ làm duy nhất một việc, đó là chiến đấu, chiến đấu, và chiến đấu, chống lại Tama và thuộc hạ, hóa thân trần thế của Quỷ vương Ravana. Chỉ thế thôi, nhưng cũng đủ khiến mạch máu khán giả sục sôi và thái dương thì giần giật theo mỗi đòn sát thủ của Rama.

Tropa thì không thế. Đây là câu chuyện chân thực mà khắc nghiệt về cuộc đời các thành viên trong lực lượng tinh nhuệ nhất của cảnh sát Brazil. Với giới tội phạm ở Rio, BOPE đã thành một thứ truyền kỳ, một nỗi ám ảnh, một Tử thần. Nhưng, với các thành viên trong đội, khi câu chuyện dần hé mở, ta mới hiểu rằng: chọn con đường này, với họ, đồng nghĩa với việc bước chân vào Vô gián đạo – một địa ngục bất tận và không lối thoát.

Câu chuyện của Tropa được kể qua góc nhìn dạn dày trận mạc của Nascimento. Người đội trưởng sắt đá của BOPE một ngày kia nhận ra mình sắp làm cha. Làm cha, đồng nghĩa với việc anh không thể làm đội trưởng nữa. Nascimento khởi sự cuộc săn lùng một người thay thế vai trò của mình, và thấy ở Matias và Neto, hai viên cảnh sát mới vào nghề vẫn sục sôi nhiệt huyết và lý tưởng, hai ứng cử viên tiềm năng cho vị trí mà anh sắp ra đi. Nascimento, bằng giọng nói trầm, lạnh, vô cảm, kể cho ta câu chuyện về Neto và Matias, về cơ duyên đã đẩy đưa họ đến với đội quân tinh nhuệ này.

Ở Matias và ở Neto, ta nhìn thấy hai tính cách hoàn toàn trái ngược: một da đen, trầm tĩnh, chất phác, trí thức; một da trắng, bốc đồng, ranh mãnh, máu lửa. Có điều, họ lại chia sẻ hai phẩm chất không thể thiếu khi gia nhập BOPE: lòng can đảm, và sự chính trực chưa bị giới cảnh sát biến chất ở Rio làm vấy bẩn.

Nhưng như thế là chưa đủ. Đặc biệt là với Matias, một anh chàng da đen mặc dù đã gia nhập BOPE nhưng vẫn ngây thơ tin rằng mình có thể vừa là luật sư vừa là cảnh sát, vừa là hung thần của tội phạm vừa là tình nhân dịu ngọt của Maria, cô nữ sinh quý tộc da trắng xinh đẹp cùng trường. Ở The Raid, tất cả những gì Rama cần để đột phá vào sào huyệt của cái ác chỉ là sức mạnh thể chất và một ý chí bất khuất. Nhưng, muốn tôi luyện bản thân đủ sức đương đầu với thế giới ngầm của Rio, Matias đã phải trả một cái giá rất đắt: đoạn tuyệt với con người cũ của mình, với lý tưởng về tinh thần thượng tôn pháp luật, với cuộc sống vô tư của một sinh viên, với vai người anh của muôn vàn em nhỏ, với cả Tình yêu… Đây chính là bi kịch của những cảnh sát thực thụ ở Tropa: họ khao khát trở thành người xuất sắc nhất để chiến đấu chống lại cái ác, và rồi nhận ra sự thật tàn nhẫn rằng: để thắng được cái ác, con đường duy nhất hữu hiệu, là phải ác-hơn-cái-ác!

Nếu địa ngục của Rama là một tòa chung cư với hàng trăm gã đầu trâu mặt ngựa thì địa ngục của Nascimento có tới hai tầng. Tầng thứ nhất, là các favelas (khu ổ chuột) đầy rẫy hiểm nguy của Rio. Tầng thứ hai, hiểm ác hơn, là con đường đẫm máu mà anh ngày một lún sâu vào. Tra tấn tàn bạo để bức cung, bỏ mặc kẻ chỉ điểm vị thành niên bị giết, xem đây như một tổn thất không-mong-muốn-nhưng-không-tránh-khỏi, Nascimento quả không từ thủ đoạn gì để duy trì trật tự và (?!) công lý. Có nhiều nhà phê bình cho rằng Tropa là sự tôn vinh trá hình bạo lực của cảnh sát. Nhưng trên thực tế, Nascimento hơn ai hết ý thức rõ và ghê sợ thứ bạo lực mà anh thực thi. Có điều, chính anh cũng vô phương cưỡng lại nó – nó đã ăn vào cốt tủy nghề nghiệp của anh. Ngoài đứa con sắp ra đời, nỗi ám ảnh của vòng xoáy bạo lực ngày một tăng dần chính là động cơ thôi thúc anh rút lui. Thật khó lòng phán xét anh đúng hay sai, song rõ ràng cuộc chiến nội tâm của Nascimento để duy trì sự cân bằng của tâm lý, để không chìm quá sâu vào vực thẳm bạo lực, cũng khốc liệt chẳng kém cuộc chiến của súng đạn mà anh phải đương đầu.

Ở đây, kết cấu truyện-trong-truyện cùng với những thủ pháp đặc thù của phim tài liệu khiến Tropa không thực sự có nhân vật chính: Nascimento vừa kể chuyện vừa trực tiếp tham gia câu truyện, nhưng chuyện lại chủ yếu xoay quanh Matias và Neto. Nhưng điều đó không quan trọng. Bởi vì Matias, Neto, hay Nascimento, cũng đều là một. Matias và Neto chính là quá khứ của Nascimento, cái ngày anh mới chân ướt chân ráo bước vào đặc nhiệm; còn Nascimento chính là Matias hay Neto của tương lai, khi họ đã bị bào mòn và gọt nhẵn mọi khía cạnh cá nhân, chỉ giữ lại những gì cần thiết nhất, ác liệt nhất cho cuộc chiến chống tội phạm. Nhìn Matias, ta không khỏi bùi ngùi, cảm thông với Nascimento khi hình dung ra anh đã phải hy sinh những gì, vứt bỏ những gì, sau ngần ấy năm làm một Đội trưởng ở BOPE. Nhưng biết làm sao? Bài học được Đại úy Nascimento dành cho Matias, khi đặt vào tay anh khẩu shotgun, hóa ra, cực kỳ giản dị: Ta không vào địa ngục, thì ai vào địa ngục đây?

Bài đăng trên Thể thao Văn hóa Đàn ông số tháng 11/2012

Tuesday, September 18, 2012

Những vòng quay cảm xúc

Mười ba năm trở lại đây, Jean-Pierre và Luc Dardenne đã trở thành hai tên tuổi nổi tiếng bậc nhất ở LHP Cannes. Gần như không lần nào đến đây mà họ lại ra về tay trắng. Phim của anh em nhà Dardenne là một thế giới có hấp lực mãnh liệt, đau đớn nhưng đầy chất nhân văn, và, với nhiều khán giả, đã thành một sự kiện đáng chờ đợi của Cannes. Năm 2011, họ đã không làm người xem thất vọng khi mang đến đây The Kid with a Bike.

Cậu Bé ở đây là Cyril (Thomas Doret), một tâm hồn hoang dại, bị người cha đơn thân bỏ lại trại mồ côi. Xe Đạp là chiếc địa hình màu đen gióng nhôm bất ly thân của cậu, đã mất tích cùng với cha cậu bé. Nóng lòng tìm cha, Cyril xin đến ở với Samantha (Cécile de France), cô thợ uốn tóc sống gần nhà cũ, người đã tìm thấy và chuộc chiếc xe về cho cậu. Trong khi khát khao được quay về với cha chưa lúc nào nguôi trong Cyril, nỗi chống chếnh đã đẩy cậu vào vòng tay Wes, một tên du đãng địa phương…

Thoạt đầu, không ít khán giả sẽ khó chịu với Cyril, vì cậu quá ương ngạnh, ương ngạnh đến vô lý. Cái cách cậu phản kháng cũng không khác gì những cậu bé hư khác – làm đúng cái điều người lớn nói cậu không được làm. Nhưng, dần dà, khi câu chuyện bắt đầu hé mở, chúng ta lại từ khó chịu chuyển sang đồng cảm, đồng cảm sang xót xa, xót xa sang lo âu, lo âu thành giận dữ, giận dữ thành nhẹ nhõm thở phào… theo từng vòng bánh xe số phận của Cyril. Cái giỏi của Jean-Pierre và Luc là ở đấy: câu chuyện đơn giản, nhưng xúc cảm nó gieo vào lòng khán giả thì lại phức tạp đến ngổn ngang; kinh phí khiêm tốn, nhưng The Kid vẫn như một lỗ đen hút tuột người xem vào đáy sâu của cảm xúc.

Để làm điều này với The Kid, anh em nhà Dardenne cần đến một phép màu. Phép màu ấy tên là Thomas Doret. Cyril của Thomas hiện lên trong mắt chúng ta như một con sói con trung thành – không phải yêu, mà là trung thành! – một cách tội nghiệp với người cha đã vứt bỏ mình. Trong hành trình bướng bỉnh mà vô vọng đi tìm cha, con sói tóc vàng phải gánh chịu hết ngọn roi này tới cú đòn khác: đầu tiên là sự thật trần trụi rằng cha đã bỏ cậu đi, rồi đến sự thật phũ phàng rằng ông đã bán chiếc xe cậu hằng yêu quý lấy vài đồng, tiếp đến là sự thật tàn nhẫn rằng ông ta không cần cậu. Và cuối cùng là sự thật đau lòng rằng mọi cố gắng của cậu chẳng có ý nghĩa gì với ông ta… Bất chấp tất cả, Cyril chưa một lần rơi nước mắt, và chính cái không-khóc-ở-Cyril lại khiến người xem rơi lệ.

Nếu Cyril là nửa hiện thực đau lòng của The Kid, thì Samantha là nửa cổ tích của bộ phim. Mối liên hệ duy nhất giữa họ là lần Cyril chạy trốn thầy giáo ở nhà trẻ, và bất ngờ ôm chặt lấy cô, như người chết đuối níu một cái cọc. Nhưng từ cái ôm ghì ngắn ngủi ấy, tim Samantha đã cảm ứng với những nhịp đập cô đơn, hoang mang và thổn thức trong tim cậu bé. Một cái ôm thay đổi hai cuộc đời. Có thể với tất cả, vòng tay giang rộng của Samantha là phi logic, nhưng với cô tiên kiêm thợ uốn tóc này, mọi chuyện đều hết sức tự nhiên, kể cả những giọt nước mắt mà cô nhỏ xuống vì Cyril, một lần duy nhất trong phim. Samantha là lời nhắn nhủ mà Jean-Pierre và Luc gửi đến những người mẹ, đến tất cả chúng ta: không đứa trẻ nào là không thể cảm hóa, miễn là có một tình yêu, và một lòng bao dung đủ lớn.

Nhiều đạo diễn khác có lẽ đã dừng lại ở đây. Anh em nhà Dardenne thì không. Như một cua rơ xe đạp, cần một cú bứt phá để cán đích đầu tiên, cậu bé đạp xe của chúng ta đã dấn thêm một nhịp trong phần kết, để chạm đến đáy lòng khán giả, để buộc người xem phải bồi hồi suy ngẫm, về tính trọn vẹn của sự chuộc lỗi, về ranh giới mong manh của tội ác, và về sự vô thường trong số phận con người.

Bài đăng trên Đẹp số tháng 10/2012

Sunday, September 16, 2012

Malèna

Những người đàn bà đi qua đời tôi, ai cũng nói rằng “Hãy nhớ em!” Người duy nhất mà tôi nhớ, đến tận bây giờ, chính là người duy nhất chưa bao giờ nói, Malèna.

Renato Amoroso kết thúc câu chuyện về nàng Mary Magdalene của mình như thế. Một cậu bé mười bốn tuổi, tên là yêu đương (amore), đem lòng mê đắm một thiếu phụ hai mươi bảy tuổi đẹp tựa Nữ thần, và có cái tên làm người ta nhớ đến người nữ ái đồ lừng danh của Chúa: Maddalena Scordia (và thật tình cờ, Monica Bellucci cũng chính là người thủ vai Magdalene trong The Passion of the Christ).

Như đạo diễn Salvatore Di Vita của Cinema Paradiso, và như tay kèn Max Tooney của Legend of 1900, Renato cũng ôm trong lòng một nỗi hoài nhớ đầy khắc khoải. Nhưng có lẽ, nỗi nhớ của Renato sẽ có được sự đồng cảm từ cánh đàn ông nhiều hơn cả, bởi trên đời này có bao nhiêu cậu trai mười ba, mười bốn, đã trao những rung cảm đầu đời cho một người đàn bà hơn tuổi, một người đàn bà có nụ cười xe chỉ ấm trôn kim?

Người đàn bà này, nàng Malèna xứ Sicily này, chỉ có thể là Monica Bellucci. Vai diễn này sinh ra dành cho nàng. Mà cũng chỉ có nàng, biểu tượng của vẻ đẹp Ý hậu Sophia Loren, mới xứng đáng vào vai diễn này. Tornatore đích thực là một đạo diễn tài ba, nhưng nếu không có Monica, Monica với mái tóc đen huyền, bờ môi đầy nhục cảm, ánh mắt u uẩn, và thân hình của một thần Vệ nữ Phục hưng, thì Malèna sẽ chẳng bao giờ có thể là Malèna mà chúng ta từng biết.

Malèna buổi ban đầu là một thiếu phụ thời chiến điển hình: nàng yêu và nhung nhớ người chồng ra trận. Chỉ có điều, nàng quá đẹp, và vẻ đẹp ấy đã đem lại cho nàng bao khó khăn và sức ép giữa một thị trấn mà ngồi lê đôi mách, đồn thổi và đơm đặt đã thành lẽ sống của người dân. Trước những đòn đánh của chiến tranh và của người đời, nàng gục ngã, phó mặc cho số phận. Đến một lúc nào đó, nàng trở nên bất cần – nếu người đời vu cho nàng là một con điếm, thì nàng sẽ là một con điếm. Cuối cùng, khi số phận xót thương nàng, cho nàng cơ hội, nàng lại can đảm trở về, đối mặt với nơi từng cướp đi của nàng tất cả – chồng, cha, tự tôn, và nhân phẩm…

Tất cả những sắc thái và diện mạo khác nhau này của Malèna, từ một thiếu phụ lắc đầu trông nắng vãn bên sông tới cô gái tóc vàng “hãy cố vươn vai mà sống, tô son lên môi lạnh lùng”, dường như, với Monica, đều có sẵn từ trong máu. Nàng không cần diễn, nàng chỉ cần đứng đó thôi, khí chất tự nhiên của một nữ thần ba mươi sáu tuổi sẽ thay nàng làm tất cả.

Suốt những ngày tháng thăng trầm của Malèna, luôn có một đôi mắt nâu trong veo của tuổi mười ba đầy si mê và ngưỡng vọng dõi theo nàng. Renato yêu nàng vừa như một người đàn bà, vừa như một thánh nữ – cách mà những cậu trai non tơ luôn yêu những người đàn bà thành thục. Tình cảm Renato dành cho Malèna vừa có cái khát khao nhục dục rất đỗi bản năng của một cậu bé đang tuổi dậy thì, vừa có niềm sùng kính của một tâm hồn thuần khiết với hiện thân của cái Đẹp. Hai thái cực tưởng như mâu thuẫn này đã hòa quyện vào nhau một cách hết sức tự nhiên, trong suốt thời niên thiếu và cũng là thời-say-đắm của Renato.

Những ký ức của Renato, qua ống kính của Tornatore, cũng hòa quyện với nhau với cùng một sự tự nhiên như thế. Chắc hẳn nhiều người sẽ mỉm cười khi thấy Renato đắm mình vào những huyễn tưởng trẻ thơ – từ Tarzan đến Caesar, từ võ sĩ giác đấu bất bại đến tay súng Viễn Tây oai hùng… Mỗi khuôn hình đen trắng này lại làm ta nhớ đến Cinema Paradiso, bởi đó là sự gặp gỡ của hai niềm đam mê trong tim cậu bé: Malèna và điện ảnh. Và chắc cũng không ít người bùi ngùi khi chứng kiến Renato đau khổ trong nỗi ghen tuông đầu đời. Ghen tuông một cách đầy cao quý và bao dung. Ghen tuông và thấy mình bất lực. Có lẽ chỉ sự thuần khiết của Renato mới đủ sức kháng cự lại những đòn đánh mà số phận đã giáng xuống đầu Malèna, qua đó gián tiếp công kích trái tim non nớt đang rực lửa yêu đương của cậu bé. Đau lòng biết mấy trước mỗi lần sa ngã của người đàn bà yếu đuối, nhưng cậu bé vẫn yêu, vẫn xót thương, vẫn cảm thông, và vẫn sẵn lòng tha thứ – điều không phải gã đàn ông nào ở vào địa vị cậu cũng làm được.

Renato yêu Malèna khi cậu bắt đầu bước vào tuổi thiếu niên, và khi tình yêu kết thúc, cũng là lúc cậu trở thành người lớn. Nói đúng hơn, cuộc tình thầm lặng ấy đã mang Renato từ miền trẻ thơ sang bờ thành trưởng. Tất cả những trải nghiệm đầu đời của cậu đều gắn liền với bóng hình người đàn bà kiều mị ấy: từ chiếc xe đạp đầu tiên tới chiếc quần dài đầu tiên, từ bức thư tình đầu tiên tới lần làm tình đầu tiên. Hết đắm đuối hờn ghen với mối tình đầu đặc biệt, Renato lại vật vã với bản thân và với gia đình trên con đường trở thành người lớn. Nhưng cuộc thành nhân của cậu bé, trong vòng tay bà mẹ mê tín mà thương con và ông bố dữ đòn, mang màu sắc hài hước bao nhiêu, thì cuộc yêu của Renato lại ngọt ngào mà cay đắng bấy nhiêu. Yêu Malèna, Renato đã nếm trải, chứng kiến mọi tư vị của cuộc đời, bởi Malèna chính là tấm gương phản chiếu cuộc đời một cách chân xác nhất. Ở nàng, Renato đã thấy hết: sự tàn phá ghê gớm của chiến tranh, sự tàn nhẫn của con người, sự vô tình của xã hội… Nàng, với Renato, là hiện thân của cái Đẹp, bị Dục vọng thèm khát, Ghen tị thù ghét, và cái Ác chà đạp. Cuối cùng, khi cái Đẹp bị Chính chuyên đánh hội đồng giữa quảng trường thành phố, trong nỗi kinh hoàng thảng thốt, Renato bỗng nhận ra rằng, để thực sự trưởng thành, người đàn ông không thể thiếu một chút lòng can đảm…

Sau Monica Bellucci và sau Giuseppe Sulfaro trong vai Renato, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến diễn viên thứ ba đã làm Malèna trở thành một bài ca buồn không thể nào quên: âm nhạc. Suốt một trăm lẻ chín phút, Renato-người-lớn chỉ nói vài lời. Phần còn lại dành cho Ennio Morricone, bởi ông đã thay Renato nói lên tiếng lòng của hiện tại khi hoài niệm về quá khứ. Âm nhạc của Morricone lúc náo nức hăm hở như từng vòng quay bánh xe của Renato đuổi theo nàng, khi lại cười đùa giễu cợt trước cảnh đám đàn ông tay chân xoắn quẩy trước mặt nàng. Nhưng khi chỉ còn lại nàng với Renato, trong chốn riêng tư của tình yêu câm lặng, giai điệu dặt dìu quen thuộc của nỗi hoài nhớ lại trỗi dậy, như ngọt ngào thủ thỉ, như khắc khoải chờ mong, như ngậm ngùi tiếc nuối, và cả hổ thẹn một cách âm thầm… Và mỗi lần như thế, ta lại như nghe thấy Renato-của-hiện-tại đang mơ màng níu gọi: Ma-lè-na!

Bài đăng trên Thể thao Văn hóa Đàn ông số tháng 10/2012

Monday, August 20, 2012

Một tấm lòng chất phác

Sau khi đã mệt mỏi với những Tree of Life, chán chường với những Melancholia, và ám ảnh với những Antichrist, đôi khi, điện ảnh cần đến một lời nhắc nhở dịu dàng, rằng giản dị và đời thường vẫn luôn có thể là cội nguồn của cái đẹp, miễn là có một con mắt khám phá ra nó, lưu giữ nó, và đem nó đến với tất cả chúng ta. Năm 2012 này, người làm được điều ấy, có lẽ là Hứa An Hoa.

Câu chuyện ở Đào thư rất giản đơn, giản đơn như cái tên tiếng Anh và như tông màu rất nhạt của phim: A Simple Life. Một người phụ nữ bảy mươi bị ốm và một người đàn ông bốn mươi đứng trước nhiệm vụ phải chăm sóc bà. Có điều, quan hệ giữa chị Đào, tên tục A Đào, tên đầy đủ Chung Xuân Đào, và đạo diễn Lương La Kiệt, thiếu gia nhà họ Lương, không phải là mẹ con. Họ là người giúp việc và cậu chủ. Đào thư kể về cách hai thân phận ấy ứng xử với cuộc khủng hoảng đã phá vỡ nhịp sống thường ngày của gia đình họ (họ thực sự là một gia đình).

Chuyện về một người đàn bà, do một người đàn bà làm đạo diễn, tất nhiên, sẽ có cái chi tiết và tỉ mỉ rất đỗi đàn bà. Nhân vật của Hứa An Hoa không nói, họ dùng cử chỉ thay lời nói, để nói ra một sự im lặng rất đỗi hùng hồn. Bữa tối của La Kiệt và chị Đào diễn ra trong lặng lẽ, nhưng từ nó là biết bao yêu thương, trìu mến và quan hoài giữa bà-mẹ-người-làm và đứa-con-thiếu-chủ.

Khi họ đổi vai cho nhau – người 60 năm chăm sóc người khác trở thành người được chăm sóc, còn người đã 40 năm được chăm sóc giờ phải chăm sóc người kia – cả chị Đào lẫn La Kiệt đều bỡ ngỡ, theo cách của riêng mình. Một ngỡ ngàng trước sức nặng của tuổi tác, bệnh tật và nỗi cô đơn tất yếu luôn rình rập một bà lão độc thân. Một bỡ ngỡ trước trách nhiệm trĩu nặng lần đầu trên vai gã trai bốn mươi chưa vợ. Nhưng chị Đào, qua diễn xuất của Diệp Đức Nhàn, đón nhận nó an nhiên và bình thản. Cũng như chị Đào suốt đời an phận người hầu, Diệp Đức Nhàn cả đời chuyên vào vai phụ. Nhưng trong lần vào vai Đào (chính) hiếm hoi này, bà đã làm cả Venice phải nghiêng mình với Cúp Volpi cho vai nữ chính xuất sắc nhất. Trong khi đó, La Kiệt (Lưu Đức Hoa) đảm nhiệm vai trò con nuôi một cách dũng cảm và trọn vẹn, dẫu còn chút vụng về của gã công tử bột. Điều duy nhất đáng tiếc, có chăng, là khâu biên tập thiếu một chút tiết chế, để câu chuyện cô đọng hơn, ít dàn trải hơn, và ngon đến miếng cuối cùng, như món lưỡi bò trứ danh của chị Đào.

Ân tình sâu đậm giữa chị Đào với La Kiệt và gia đình anh đẹp bình lặng như một chuyện cổ tích thời hiện đại, nhất là khi đặt nó bên cạnh thế giới phù hoa của đạo diễn họ Lương. Sự xuất hiện hài hước và bất gờ của ba đạo diễn Từ Khắc, Ninh Hạo, và Hồng Kim Bảo với ba vai cameo càng gia tăng sự tương phản ấy. Nhưng khi mối quan hệ ấy được đặt trên cái nền là Viện dưỡng lão với những mảnh đời già nua, cô đơn đến tội nghiệp, hiện thực vụt trở lại, thẳng thừng và tàn nhẫn. Ta chợt hiểu rằng: câu chuyện của chị Đào, ngày nay, chẳng còn bao nhiêu nữa. Chị là một cái đẹp ngày xưa, của cái thời đã một đi không trở lại. Những người giúp việc như A Đào không còn nữa. Có lẽ vì, những người như bà Lương, chủ nhân xứng đáng của những người giúp việc như thế, cũng không còn mấy nữa.

Những gì còn lại, giờ đây, chỉ là nỗi hoài nhớ của những ai từng sống trong vòng tay tận tụy và âu yếm của A Đào, trong đó có lũ bạn học phổ thông của La Kiệt –đám trai già vừa cắn một miếng lưỡi bò đã nghe tuổi thơ bồi hồi trở lại, vội vàng bốc điện thoại lên ríu rít gọi: Chị Đào! Âu cũng là một bài học dành cho phái nữ: muốn cho đàn ông nhớ, đàn bà nhất thiết phải giỏi nấu ăn.

Bài đăng trên Đẹp số tháng 9/2012

Thursday, August 16, 2012

Những người cha trong đời Batman

Tim Burton là người đã mang Batman đến với điện ảnh. Nhưng phải đợi đến Christopher Nolan, Batman mới thật sự bước vào đời thực. Khác với Batman của Burton, lập dị mà xa cách, Người Dơi của Nolan gần hơn, thật hơn, đời hơn, như anh tự thừa nhận: “Ai cũng có thể là Batman.” Một phần không nhỏ cái gần, cái thật và cái đời ấy đến từ quan hệ của Bruce với những người xung quanh, đặc biệt là những hình-tượng-người-cha hằng đổ bóng xuống đời anh.

Nói đến Batman, người ta nghĩ ngay đến một người hùng cô độc, một mình chống chọi với cái ác để bảo vệ công lý, bảo vệ Gotham. Người Dơi của Nolan không, và không thể, là như thế. Để có thể chiến đấu và chiến thắng trong cuộc chiến song trùng với cái Ác và với cả bản thân mình, Batman cần phải có sự ủng hộ và hậu thuẫn về mọi mặt – vật chất, thể chất, và (nhất là) tinh thần. Và đây là chỗ để những người cha của Batman xuất hiện.

Người cha đầu tiên, lẽ đương nhiên, là cha ruột của anh, bác sĩ Wayne. Tuy mất sớm nhưng ông đã kịp để lại cho Bruce hai di sản lớn. Thứ nhất là tấm gương về nhân cách và tình yêu Gotham để suốt đời Bruce noi theo. “Vì sao ta ngã? Để ta có thể học cách đứng lên”. Câu nói này đã in sâu vào ký ức Bruce, và không thể kể hết những lần nó đã là nguồn sức mạnh giúp Batman đứng dậy, đặc biệt là ở Dark Knight Rises. Thứ hai là sản nghiệp khổng lồ của Wayne Enterprises mà nếu không có nó sẽ chẳng thể có Batcave, Batsuit, Batpod, và dĩ nhiên cả Batman. Câu nói của Alfred Pennyworth sau khi Wayne Manor cháy rụi thế mà rất đúng, theo nghĩa vật chất lẫn tinh thần: “Di sản của gia tộc Wayne đâu chỉ có gạch và vữa!”

Và trong số những di sản Bruce thừa kế từ dòng họ, quý giá nhất chính là người lão bộc trung thành có cái họ kỳ quặc: “đáng giá một xu.” Ông yêu thương Bruce bằng tình yêu của một người cha và chăm sóc anh bằng sự tận tụy của một người hầu. Ra ngoài, anh là Batman oai hùng; nhưng về nhà, anh đích thực là cục cưng của Alfred. Ngày cũng như đêm, lúc mạnh khỏe lẫn khi thương tích, Alfred luôn ở bên Bruce, lo lắng cho anh, yểm trợ cho anh, vỗ về, khuyên nhủ, và cảnh tỉnh anh mỗi khi cần thiết. Nếu bầu trời sụp xuống Gotham, đã có Batman chống đỡ. Nhưng khi bầu trời sụp đổ trên đầu Bruce Wayne thì sao? Người đứng ra chống đỡ giùm anh, che chở cho anh, hy sinh vì anh, không phải ai khác ngoài Alfred. Alfred với sự minh triết và từng trải của bậc ẩn giả. Alfred với sự lịch lãm và óc hài hước của một nhà quý tộc. Alfred-người-Cha. Trong số những nhân vật phụ mà Nolan tạo đã ra, Alfred đích thực là hình tượng xuất sắc nhất, nhân văn nhất, và cũng trường tồn nhất của cả trilogy.

Người cha thứ ba, chính là sư phụ của Batman, Ra's al Ghul. Dù cuối Batman Begins, họ trở thành địch thủ và thầy chết dưới tay học trò, song vai trò của ông trong sự hình thành của Hiệp sĩ Bóng đêm là không thể phủ nhận. Trước khi gặp Ra’s al Ghul, Bruce Wayne không là gì ngoài một chàng triệu phú trẻ căm thù cái ác. Chính ông đã tôi luyện Bruce, trang bị cho anh những kỹ năng để tuyên chiến với cái Ác. Kể cả về sau này, khi Ra’s al Ghul đã chết, di sản của ông ta, bóng ma của ông ta và lý tưởng mà ông ta theo đuổi, vẫn tiếp tục ám ảnh Batman qua hai người bạn đồng môn của Batman – Bane và Talia.

Người cha thứ tư, là Cảnh sát trưởng Gordon. Có thể có người sẽ nghĩ Gordon yếu đuối và vô dụng, chỉ biết trông chờ vào Batman để duy trì trật tự và công lý cho Gotham. Nhưng bản thân Bruce không nghĩ thế. Trong mắt anh, Gordon là một con người chính trực, người làm yên lòng một cậu bé mất cha chỉ bằng một hành động giản đơn là khoác tấm áo choàng lên vai cậu, để cậu biết rằng thế giới chưa chấm dứt. Sự tồn tại mà không bị tha hóa của Gordon giữa Gotham đã đem đến cho Batman một người đồng đội, và tiếp thêm sức mạnh cho anh trong cuộc chiến chống cái ác. Và khi chính Batman đã nghĩ về Gordon như một người cha, chúng ta là ai mà có quyền nói điều ngược lại?

Người cha thứ năm, có một chút ngạc nhiên, là Lucius Fox. Nếu Alfred là hậu phương vững chãi của Batman thì Lucius là đồng đội đáng tin cậy của anh ngoài tiền tuyến. Alfred lo việc nhà trong khi Lucius quán xuyến việc công ty, đảm bảo rằng Wayne Enterprises ăn nên làm ra và sẵn sàng về nguồn lực cho những cuộc chiến của Batman. Nhưng Lucius đối với anh không chỉ như Q với James Bond. Không chỉ cung cấp “đồ chơi” cho Batman, người bạn của cha Bruce còn là lương tri “dự phòng” của anh. Khi Batman phát triển công nghệ sonar thành hệ thống theo dõi cả Gotham, ông lập tức nghiêm khắc nhắc nhở anh đã vượt quá giới hạn và yêu cầu anh cam kết phá hủy cỗ máy sau khi bắt được Joker. Việc Batman gửi gắm thiết bị này cho Lucius và cài sẵn mật khẩu tự hủy bằng tên ông đã cho thấy sự tôn trọng đặc biệt và tin tưởng tuyệt đối anh dành cho người bạn lớn này.

Năm con người trên đều đặc biệt quan trọng với Batman. Có nhiều cách để hiểu họ quan trọng đến mức nào; và cách đơn giản nhất là nhìn vào dàn diễn viên mà Nolan đã chọn cho những vai diễn này. Trừ Linus Roache chỉ xuất hiện trong vài phút, bốn cái tên còn lại không ai không làm ta phải chắt lưỡi: Sir Michael Caine. Liam Neeson. Gary Oldman. Morgan Freeman. Bốn tên tuổi mà sự xuất hiện của chỉ một trong số này thôi cũng đủ là bảo chứng cho bất kỳ bộ phim nào. Vậy mà Nolan phải vời đến tất cả, thì đủ biết vai trò của các father figure này lớn đến đâu trong mắt Nolan và trong đời Batman.

Có thể liên tưởng sau đây hơi quá xa, nhưng tuyến nhân vật người cha này bỗng làm cuộc đời Batman có gì đó rất tương đồng với Quách Tĩnh ở Xạ điêu anh hùng truyện. Cả hai đều mồ côi từ nhỏ, đều có một người cha ruột là tượng trưng cho chuẩn mực đạo đức. Họ đều có nhiều người cha – Batman có năm và Quách Tĩnh mười hai. Bóng dáng những người cha này luôn hiện hữu trong đời họ, dẫn dắt họ trưởng thành. Và, cả hai đều phải đối đầu với một trong những người cha của mình – Batman với Ra’s al Ghul, Quách Tĩnh với Thành Cát Tư Hãn…

Nhưng nếu nghĩ gần hơn chút nữa, câu chuyện về Batman không chỉ giống riêng một gã Quách Tĩnh, mà giống tất cả chúng ta. Cuộc phiêu lưu của Batman hoang đường là thế, phi thường là thế, nhưng cũng rất đời và rất người, vì rốt cục nó có thể được gói gọn trong tám chữ: những lần vấp ngã, những bận đứng lên. Bruce chỉ may mắn hơn đời ở chỗ, anh có những người cha sẵn sàng vấp ngã cùng anh. Như, ngày anh còn bé, Alfred có lần đã hỏi: “Took quite a fall, didn’t WE?”

Bài đăng trên Thể thao Văn hóa Đàn ông số tháng 9/2012

Wednesday, July 18, 2012

Có một Pixar đã qua đời

Suốt từ đầu năm nay, bộ máy marketing của Disney đã hoạt động hết công suất nhằm quảng bá cho bộ phim cổ tích đầu tiên, bộ phim công chúa đầu tiên, và bộ phim có đạo diễn nữ đầu tiên của Pixar: Brave. Trên thực tế, Brave rất thành công ở phòng vé, nhận được nhiều phản hồi tích cực của cả khán giả lẫn giới phê bình. Nhưng những thành công ấy, xét cho cùng, vẫn không che giấu được một sự thật đáng buồn: Brave đánh dấu sự lụi tàn của Pixar – studio đã hai mươi lăm năm nay giữ ngôi vị độc tôn về sức sáng tạo của công nghiệp hoạt hình Mỹ.

Không thể phủ nhận Brave là một bộ phim tốt – hình ảnh đẹp có, câu chuyện lớp lang có, cao trào có, căng thẳng có, hài hước có, thông điệp có… Tóm lại là có đủ mọi yếu tố thỏa mãn yêu cầu của đa số khán giả Việt, nhất là khán giả nhí, từ lâu đã ăn quen và ăn ngon miệng món bánh-ngọt-hoạt-hình của Hollywood. Nhưng, điều duy nhất thiếu vắng ở đây, mà cũng là điều những người yêu Pixar chờ đợi nhất ở đây, lại chính là điều gắn liền với hình ảnh nhóc đèn Luxo Jr. bấy lâu nay: trí-tưởng-tượng và óc-sáng-tạo.

Thật ra, nỗi lo đã nhen nhóm từ khi Disney thâu tóm Pixar vào năm 2006. Nhưng Wall-E, UpToy Story 3 đã phần nào làm người hâm mộ yên tâm rằng dù đã trở thành công ty con, Pixar vẫn giữ được sự độc lập sáng tạo với hãng mẹ Disney.

 Tiếc thay, sau thất bại của Cars 2, bộ phim bị giới phê bình đánh giá là “một màn quảng cáo đồ chơi tồi”, nỗi lo ấy lại xuất hiện và đến Brave thì cuộc kháng cự anh dũng của Pixar trước kẻ thôn tính Disney đã thật sự kết thúc. Brave không còn lại chút gì nữa dấu vết của trí tưởng tượng phi thường từng làm mê đắm người xem của Toy Story hay Finding Nemo, mà chỉ còn là một câu chuyện công chúa cũ mèm và công thức của Disney. Mái tóc đỏ được render kỳ công của Merida chỉ là thứ yếu, nếu xét đến việc cô là công chúa thứ n của Disney “nghe theo tiếng gọi trái tim” và chiến đấu giành quyền làm chủ vận mệnh: Ariel nghe theo tiếng gọi của tình yêu, cưỡng lại cha mình; Jasmine nghe theo tiếng gọi của tình yêu; cưỡng lại cha mình, Pocahontas nghe theo tiếng gọi của tình yêu và cưỡng lại sự xung đột giữa hai nền văn minh. Merida cũng vậy, nếu có khác thì chỉ khác ở chỗ cái đích của nàng không phải là bạch mã hoàng tử mà là tự do. Mà nghĩ cho cùng, nàng chính là sự kết hợp không lấy gì làm mới mẻ giữa Rapunzel và Mộc Lan (mái tóc + tài bắn cung).

Công bằng mà nói, nếu là sản phẩm của một studio khác, Brave có thể được xem là một thành công. Nhưng đây lại là Pixar, và Pixar là gì suốt hai mươi lăm năm qua nếu như không phải là biểu tượng của việc lợi nhuận không thể gò bó điện ảnh vào công thức và kìm nén sáng tạo trong khuôn khổ? Pixar đã gieo vào lòng khán giả hạt giống của sự kỳ vọng và đặt ra cho mình một chuẩn mực không thể thấp hơn. Những nhân vật công thức như vua, hoàng hậu, hay những cảnh hài y như sách của Brave thể làm ta cười đôi chút, song nó cũng chỉ mua vui được vài trống canh trước khi đi vào quên lãng. Thứ duy nhất Pixar ở đây có lẽ chính là La Luna, bộ phim ngắn chiếu trước khi vào phim chính. Còn Brave, đặt cạnh những tuyệt phẩm một thời của Pixar, chỉ là màn ra mắt cầu kỳ cho thành viên tiếp theo trong bộ sưu tập Búp bê Công chúa của Disney mà thôi.

Trước khi Brave ra đời, có thông tin chính thức cho biết sắp tới Monsters Inc. cả Finding Nemo sẽ có phần hai. Còn nhớ, trước kia Pixar từ chối mọi sequel (trừ Toy Story) nhằm bảo trì tính sáng tạo tuyệt đối và duy nhất của mỗi tác phẩm. Đó đã là chuyện của quá khứ. Các ông chủ lớn không chấp nhận cảnh những con gà có thể đẻ trứng vàng lại nằm trong tủ kính viện bảo tàng.

Biết làm sao được. Hollywood mà. Ta chỉ có thể thở dài và nói: Vĩnh biệt, Pixar!

Bài đăng trên Đẹp số tháng 8/2012

Monday, July 16, 2012

Sát Phá Lang

Có một điều ở phim võ thuật hình như không thật sự tuân theo quy luật chung của điện ảnh chính thống: một câu chuyện bình thường, nhiều khi vẫn làm nên một phim võ thuật ra trò. Có lẽ vì một phần không nhỏ (nếu không muốn nói là lớn nhất) cái hay của phim võ thuật nằm ở những cảnh quyết đấu. Những phim vừa có câu chuyện tốt vừa có võ thuật phi phàm rất hiếm hoi, và mỗi khi chúng xuất hiện, người xem lập tức biết ngay: bộ phim này, kể từ mai, sẽ có chỗ trong “đền thiêng” của thể loại võ thuật.

Sát Phá Lang là một phim như thế.

S.P.L. ra đời trong một bối cảnh có thể nói là “người trước chẳng thấy ai, người sau thì chưa thấy.” Bước vào thập niên 2000, Lý Liên Kiệt sa sút đáng kể từ khi sang lập nghiệp ở Hollywood. Những bộ phim “made in USA” của Lý vẫn làm khán giả phương Tây thỏa mãn, nhưng lại khiến khán giả Châu Á hoang mang. Tất cả chờ đợi trong tuyệt vọng người sẽ kế tục anh để trở thành tượng đài mới của điện ảnh võ thuật. Nỗi hoang mang càng tăng thêm gấp bội trước sự ra đời và áp đảo của Ngọa hổ tàng longAnh hùng – những tác phẩm cổ xúy cho wire-fu, phát huy kỹ xảo thay vì võ thuật thực chiến.

Trong thời điểm ấy, S.P.L. xuất hiện, uy mãnh như một chiêu Kiến long tại điền của Kiều Phong, và có thể nói đã khắc vào vách đá dòng chữ: Bắc Lý (Liên Kiệt), Nam Chân (Tử Đan). Thật ra, sự ganh đua này đã nhen nhóm từ 1992, khi Chân và Lý, dưới sự chỉ đạo của Viên Hòa Bình, cũng đã tạo nên một cảnh quyết đấu kinh điển trong Hoàng Phi Hồng II. Trước S.P.L., Chân đã nổi tiếng với Thiết mã lưu (Iron Monkey) và nhiều phim khác, nhưng phải đợi đến S.P.L., vị thế không thể tranh cãi của anh trong làng điện ảnh võ thuật Hongkong mới được xác lập. Và không chỉ vậy, S.P.L. còn đánh dấu sự nổi lên của một ngôi sao mới, hứa hẹn kế tục Lý và Chân: Ngô Kinh.

Khác với phần lớn phim võ thuật, S.P.L. chỉ có duy nhất hai trường quyết đấu, song cả hai đều ác liệt tới mức làm người xem phải rùng mình. Thứ nhất là Phá Quân (Chân Tử Đan) chiến Thất Sát (Ngô Kinh), thứ hai là Phá Quân đấu Tham Lang (Hồng Kim Bảo).

Trong những cảnh giao đấu, thì giao đấu trong không gian hẹp bao giờ cũng hấp dẫn nhất, vì quyết chiến sinh tử vốn dĩ đã căng thẳng lại bị cái bức bối của không gian bóp nghẹt thêm một tầng. Và Chân Tử Đan hình như đặc biệt có duyên với những ngõ hẻm: năm 2005, tại ngõ hẻm của một tòa thành đất ngoài đại mạc, Sở Chiêu Nam của anh đã tử chiến với Phong Hỏa Liên Thành trong Thất kiếm. Lần này, ở một ngõ hẻm Hongkong, anh đối diện với sát thủ A Kiệt trong một trận ác đấu làm ta không khỏi liên tưởng đến một ngõ hẻm khác, của 13 năm trước, khi Nạp Lan Nguyên Thuật đối mặt với Hoàng Phi Hồng. Chỉ khác có một điều: khi xưa hai cao thủ dùng trường côn, một cứng một mềm, còn nay là đoản đao đấu đoản côn. Một tấc ngắn là một tấc hiểm, bọn họ lao vào nhau bằng những chiêu sát thủ, đúng tác phong “nhanh, chuẩn, độc” thường thấy ở truyện Cổ Long. Có một điều đáng chú ý là sát thủ mặc đồ toàn trắng còn cảnh sát y phục đen tuyền. Đây, phải chăng là ẩn dụ của Diệp Vĩ Tín về một thế giới hắc bạch khó phân của Hongkong thủa ấy? Cũng phải nói thêm rằng không chỉ võ nghệ phi phàm, tạo hình của Đan cũng cool đến nỗi số khán giả trầm trồ về chiếc áo da và cái cách anh cởi áo ném đi cũng không thua số người hâm mộ võ thuật của anh là mấy.

Công bằng mà nói thì cuộc chiến thứ hai, Mã Quân vs. Vương Phá có phần kém hấp dẫn hơn trận một. Phần vì Hồng Kim Bảo đã già và đã béo, bề ngoài không phải là đối thủ xứng tầm với Chân Tử Đan đang độ tráng niên. Tuổi tác và cân nặng khiến Hồng không còn đủ linh hoạt để thi triển những đòn thế phức tạp như thời đỉnh cao. Chiêu thức mà hai bên sử ra vì thế nặng về cầm nã và đấu vật, dù vẫn cực cùng hung hiểm nhưng lại thiếu đi phần đẹp mắt so với trận trước.

Thế nhưng, càng xem kỹ hai đoạn giao đấu này, người ta càng trân trọng Chân Tử Đan hơn, vì nó thể hiện những nỗ lực không mệt mỏi của anh cả trong vai trò diễn viên lẫn trên cương vị chỉ đạo võ thuật. Nhìn lại một loạt phim của Đan thời gian qua như Đạo hỏa tuyến, Diệp Vấn 1 2, Thập nguyệt vi thành, Võ hiệp có thể thấy anh luôn không ngừng tìm tòi, thể nghiệm, chắt lọc tinh túy của các nhà các phái, từ Wushu đến Taekwondo, từ Vịnh Xuân đến quyền Thái, từ boxing đến Judo… nhằm mang đến những điều mới mẻ cho điện ảnh võ hiệp. Đây có lẽ là điều khiến Donnie mặc dù thành danh sau nhưng sẽ đứng trước Jet Li trong lòng người hâm mộ.

Nếu chỉ dừng lại ở đó thôi thì có lẽ S.P.L. cũng là một phim võ thuật “coi được” như rất nhiều phim khác. Nhưng, may mắn hơn rất nhiều phim khác, S.P.L. có một câu chuyện khá tốt, và chính điều đó đã làm nên sự khác biệt. Lấy bối cảnh Hongkong trước thời điểm trở về với Đại lục, bộ phim đượm một màu sắc hoài cổ như thể nhớ tiếc thời kỳ hoàng kim của điện ảnh Hongkong. Quả tình, S.P.L. mang âm hưởng của những Anh hùng bản sắcNhân tại giang hồ rất rõ, khi ranh giới trắng đen, thiện ác trở nên rất mơ hồ, kịch bản không phải là điều quá quan trọng và logic cũng chỉ là thứ yếu, chỉ có hào khí và bầu nhiệt huyết nam nhi là muôn đời vẫn đẹp, và vẫn làm người xem ngây ngất, đê mê.

Chính vì thế nên S.P.L. ung dung đi theo một cốt truyện đã trở thành kinh điển: cuộc đối đầu không khoan nhượng giữa cảnh sát với tội phạm; trong đó cảnh sát dù thoái hóa – ngụy tạo bằng chứng, biển thủ tang vật, bóp méo khẩu cung… – nhưng vẫn là những hán tử đầu đội trời chân đạp đất; còn tội phạm dẫu tàn độc, không từ thủ đoạn nhưng vẫn có những nét rất con người. Tuy những sát chiêu đẩy nhân vật của Diệp Vĩ Tín đến hai bờ đối nghịch của sống và chết, nhưng sâu kín trong họ vẫn chảy chung một mạch ngầm cảm xúc rất bản năng: tình phụ tử. Trần Quốc Trung săn đuổi kẻ thù vì muốn trả thù cho con, Vương Phá tàn độc vì muốn được ở bên con, Mã Quân làm cảnh sát vì muốn xứng đáng với cha mình, hai thuộc cấp của Trần chết đi cũng chỉ vì khát khao tìm lại tình phụ tử…

Mở đầu bằng một người cha chết đi để lại đứa con và kết thúc cũng bằng một người cha chết đi để lại đứa con, S.P.L., sau một trường sát kiếp, lại để lại trong lòng người xem không ít những bùi ngùi.

Bài đăng trên Thể thao Văn hóa Đàn ông số tháng 8/2012

Wednesday, June 20, 2012

Une Vie de Chat

2011 dường như là một năm được mùa của những bộ phim “in Paris”. Chúng ta có Midnight in Paris của Woody Allen, có Monster in Paris của Bibo Bergeron, bộ phim hoạt hình 3D hiếm hoi từ nước Pháp. Nhưng mang đến nhiều ngạc nhiên hơn cả có lẽ phải là A cat in Paris, khi sản phẩm của Foliage studio bất ngờ có mặt trong danh sách đề cử Oscar 2012.

Dù là phim hoạt hình và mang một cái tên dễ thương đầy hứa hẹn, A cat in Paris không hoàn toàn dành cho trẻ con mà còn cả cho người lớn. Bộ phim vỏn vẹn 70 phút là một câu chuyện ly kỳ thực thụ, với những tên cướp đáng sợ, những cảnh rượt đuổi hồi hộp, những làn hơi khắc khoải của Billie Holiday khi hát I wished on the moon, và những sắc màu đượm chất noir hiếm thấy ở thế giới hoạt hình. May mắn thay, hiểm nguy và căng thẳng đã được gia giảm vừa đủ để hấp dẫn khán giả trưởng thành, nhưng không quá mức khiến các em bé phải sợ hãi; còn sâu lắng và hồn nhiên cũng được thêm nếm đều tay để thu hút người xem từ cả hai lứa tuổi.

Mối quan hệ giữa Jeanne, một nữ cảnh sát, và cô con gái nhỏ Zoe ngày càng xấu đi sau cái chết của người chồng/đồng nghiệp, nhất là khi Zoe bị sang chấn tâm lý và bị câm tạm thời. Niềm an ủi duy nhất của cô bé là Dino – một Ryan Gosling của loài mèo: chú ta bầu bạn với cô bé lúc ban ngày và khi đêm xuống, sánh vai gã “thần thâu” Nico, rong ruổi trên những mái nhà của thành Paris hoa lệ và vơ vét châu báu từ những nhà giàu có. Theo dấu chân Dino, cả Zoe và Nico bị cuốn vào cuộc phiêu lưu, đối đầu với tên tội phạm Victor Costa, kẻ sát hại cha cô bé và nay đang âm mưu ăn trộm một pho tượng quý mà Jeanne có trách nhiệm bảo vệ.

Trong khi Hollywood bị cuốn vào trào lưu 3D, hoạt hình Châu Âu vẫn âm thầm và kiên trì theo đuổi phong cách 2D, nhưng không thiếu cách tân và đột phá. Từ The Triplets of Belleville độc đáo, Secret of Kells tươi tắn, The Illussionist ưu tư, đến Persepolis sâu sắc, mỗi bộ phim đều đem đến cho người xem niềm hạnh phúc khi chứng kiến sức sống đa dạng mà mãnh liệt của hoạt hình truyền thống. A cat in Paris là sự nối tiếp duyên dáng cho dòng chảy ấy. Câu chuyện của Alain Gagnol có thể khá công thức, nhưng từng đường nét, từng khuôn hình đều toát lên chất sáng tạo khi pha trộn một cách tự nhiên nét vẽ của những cuốn sách tranh trẻ thơ với phong cách của hội họa Biểu hiện.

Không như những chú mèo thời đại của Hollywood, biết đấu kiếm và kể chuyện cười nhem nhẻm, Dino là một chú mèo đích thực, và cư xử cũng ra dáng một con mèo đích thực: sống về đêm, thích bắt thằn lằn, và cô độc. Song Dino không phải là nhân vật họ mèo duy nhất ở Paris. Bạn đồng hành của chú, Nico, nhanh chóng gợi cho khán giả nhớ tới tên trộm lừng danh John Robie, biệt danh Chú mèo trong To catch a thief của Alfred Hitchcock. Nếu già Alfred làm hoạt hình thì có lẽ phim của ông hẳn sẽ có phong cách không xa A cat là bao. Chất mèo còn được thể hiện qua phong cách chuyển động cách điệu mượt mà của nhân vật khi cả hai lướt đi nhẹ nhàng, như diều lướt gió, trên những mái nhà và dưới vòm trời sao Paris.

Không dừng ở đó, A cat còn là sự kết hợp tinh tế giữa hình với bóng. Dưới bàn tay bộ đôi Alain Gagnol – Jean-Loup Felicioli, màu sắc của ánh sáng và bóng tối, nhân vật và hậu cảnh được pha trộn một cách hoàn hảo và gây ấn tượng thị giác mạnh mẽ. Đó là khi Jeanne tập Thái cực quyền với cái bóng của mình, khi nhân vật giằng co, rượt đuổi trong bóng tối được minh họa bằng những đường viền trắng trên nền đen. Và xen giữa nét vẽ Biểu hiện là những khoảnh khắc siêu thực bất ngờ: cuộc chiến đấu của Jeanne với con bạch tuộc trong tâm thức, hay cơn hoang tưởng của gã trùm xấu xí…

Bên cạnh sự xuất sắc trong hình ảnh, A cat còn chứa đựng (và truyền tải) một lượng cảm xúc vượt xa độ dài của bộ phim. Người xem dễ dàng cảm nhận sự rời rạc trong mối quan hệ của Jeanne và Zoe, nỗi cô đơn và niềm tuyệt vọng của em khi bất lực trong việc bày tỏ suy nghĩ của mình bằng lời nói, cũng như cơn ám ảnh của Jeanne khi bị bóng ma của Victor Costa không ngừng đeo đuổi.

Để cân bằng với những giây phút nặng nề ấy, Alain và Jean-Loup tô điểm cho A cat bằng những tình tiết hài hước mà không dễ dãi. Phần lớn trong số này đến từ sự ngu khờ của đám tội phạm lâu la. Cuộc tranh cãi về đồ ăn khiến ta bật cười vì chất Tarantino không lẫn vào đâu được trong từng câu thoại. Và chú chó Rufus tội nghiệp, kẻ thù không đội chung trời của Dino, cũng là một tác nhân mang lại những tiếng cười sảng khoái.

Monday, June 18, 2012

Giấc mơ Bình đẳng và Bác ái

Trong một cuộc thăm dò ở Pháp về sự kiện văn hóa nổi bật nhất năm 2011, The Artist về thứ hai. Về ba là phần kết của Harry Potter. Về nhất là Intouchables của Olivier Nakache và Éric Toledano.

Câu hỏi tất yếu: Intouchables có gì đặc biệt mà đánh bại cả chủ nhân giải Oscar lẫn bom tấn đình đám nhất năm? Nếu nhìn vào bối cảnh xã hội nước Pháp thời gian qua, ta sẽ thấy không có gì khó hiểu khi câu chuyện giữa Philippe, một nhà quý tộc liệt toàn thân, và Driss, anh hộ lý bất đắc dĩ gốc Senegal, lại giành được nhiều cảm tình của khán giả Pháp đến thế.

Thành thật mà nói, Intouchables hơi quá đẹp, quá cổ tích. Nhưng giữa thời khủng hoảng và với những chấn thương tâm lý như Thảm sát Toulouse và Montauban, nước Pháp có lẽ rất cần một chuyện cổ tích như vậy để có thể tiếp tục tin vào câu tiêu ngữ Tự do – Bình đẳng – Bác ái của mình.

Nửa thế kỷ sau ngày thuộc địa cuối cùng của Pháp được trả độc lập, tự do có lẽ không còn là điều làm người Pháp suy nghĩ quá nhiều. Nhưng bình đẳng và bác ái thì vẫn canh cánh trong lòng họ. Đặt Philippe và Driss bên nhau dưới vòm trời Paris, Éric và Olivier muốn chứng minh bình đẳng hoàn toàn là khả thi và bác ái chẳng có gì là không thể, dù giữa hai con người trái ngược về mọi mặt. Và họ đã chứng minh điều đó một cách ngọt ngào nhưng không phô phang, hài hước mà vẫn đầy duyên dáng.

Sở dĩ một Philippe quý tộc, da trắng, giàu có, liệt tứ chi với một Driss có tiền án, da đen, thất nghiệp, cao lớn và đầy sức sống có thể trở thành bạn bè, thậm chí là tri kỷ, bởi vì họ tôn trọng nhau, và đối xử với nhau một cách bình đẳng. Philippe biết rõ Driss từng bị tù, nhưng không vì thế mà coi rẻ anh, một thái độ gần như bản năng của tầng lớp élite trong hoàn cảnh ấy. Ngược lại, Driss luôn coi ông là người bình thường, điềm nhiên giễu cợt tình trạng bại liệt của ông – không phải vì ác ý, mà đơn giản là với anh, chứng liệt tứ chi cũng không khác gì cái mũi to hay hàm răng vẩu. Philippe cần sự bình đẳng chứ không phải lòng thương hại, và chỉ Driss, bằng sự thẳng thắn tàn nhẫn của mình, là đem lại cho ông điều đó.

Và chính bình đẳng đã là mảnh đất để fraternité, để tình bằng hữu giữa họ đâm chồi nảy lộc,  Sẽ không hề quá nếu nói trong thời gian Driss ở cùng Philippe, họ đã “giáo dục” lẫn nhau. Philippe dạy Driss về nhạc cổ điển, hội họa và những kỹ năng giao tế xã hội. Ngược lại, Driss đóng vai trò như một Zorba, mang đến hơi thở tươi mới cho cuộc sống nhàm chán tới vô vị của Philippe – từ không khí tĩnh lặng của đêm đến cơn hưng phấn của tốc độ và marijuana.

Từ chỗ tôn trọng nhau, tôn trọng những giá trị của nhau, Philippe và Driss bắt đầu mở rộng lòng và cho phép người kia tiếp cận những góc khuất sâu kín trong trái tim mình. Mặc dù là một người đầy nghị lực , cái chết của người vợ và cú tai nạn dù lượn đã đóng một lớp hóa thạch quanh Philippe. Ông cần đến một ngọn lửa cuồng nhiệt và bộc trực như Driss để giúp ông nung chảy nó và quay lại với cuộc sống, với tình yêu. Nhưng ngược lại, Driss, như một viên ngọc thô, cần một đôi mắt xanh lịch duyệt để giúp anh sống tốt hơn và mài giữa thêm những phẩm chất tốt đẹp hơn ở mình.

Khi Intouchables đi đến những phút cuối, có cảm giác sự bình đẳng của bộ phim đã được đẩy đến mức tuyệt đối. Từ đầu đến cuối, Philippe và Driss không ai nợ ai một chút gì. Hai người đều chung một nỗi sợ-hãi-về-phụ-nữ – Philippe sợ đối diện với Eleonore còn Driss sợ gặp lại dì mình. Driss là người đầu tiên vượt qua, khi trở về bắt đầu cuộc sống mới, nhờ Philippe hy sinh bản thân để “trả” anh lại với gia đình. Còn Driss đã đáp lại nghĩa cử này khi tìm cho Philippe người chăm sóc mới, bằng cách lợi dụng đặc tính “đặt đâu ngồi đấy” của bạn mình.

Bài đăng trên Đẹp số tháng 7/2012