Friday, August 3, 2007

Lan man Melbourne #2


Hai tuần nay tôi không ra Nova. Không phải vì tôi lười. Cũng không phải vì tôi đã chán xem phim. Chẳng qua vì ở nhà đã có con máy chiếu khuân ở Sydney về. BenQ MP510, ở khoảng cách 4m sẽ cho hình ảnh tương đương màn hình 100″. Đợt này ở Nova cũng chưa có mấy phim mới, mà tình cờ trong đống đĩa tôi mang từ Việt Nam sang lại có vài phim đang now-showing ngoài đó – The Science of Sleep, Paris Je t’aime. Sang tuần chắc tôi sẽ đi xem Romulus My Father, có Hector of Troy – Eric Bana. Roxbourgh cả đời đóng vai villain, để xem lần này làm đạo diễn thế nào.

Vậy là tôi tự cho phép mình ngồi lọt thỏm trong cái salon ấm áp, một mình hưởng thụ sự sung sướng xa xỉ ấy. Xem phim một mình có cái khoái tỉ riêng, dĩ nhiên rồi. Nhưng xem ở Nova lại có một cảm giác khác, bùi ngùi và lạc lõng. Sự lạc lõng không đến từ một sự thật là tôi-nói-tiếng-Việt còn họ-nói-tiếng-Anh. Đó là sự lạc lõng đến từ tuổi tác. Like a lost and lonesome weeping willow. Lost in the wood (Kent again – cười). Tôi hay xem ở Nova vào ca chiều, nghĩa là tầm 3 đến 6 giờ. Cũng dễ hiểu khi vào giờ ấy thì rạp vắng. Vắng, nhưng cũng lấp đầy già nửa phòng chiếu. Phần lớn là những mái đầu hoa râm, muối tiêu, có khi là bạc trắng. Hiếm khi thấy có người nào trẻ, neither local nor foreign.

Tôi biết trong khi khán giả của Nova đa phần là lớn tuổi, thì đám thanh thiếu niên đang tụ tập ở Hoytz, háo hức chờ đợi Harry Potter, Pirates III hay Fantastic Four II. Cũng dễ hiểu. Tôi cũng đã từng chờ như thế. Nhưng tôi lại nghĩ về một điều khác. Thế còn Việt Nam thì sao?

Đôi khi, tôi có cảm giác đối với nhiều người Việt, sự già đi về tuổi tác đồng nghĩa với sự chấm dứt của đời sống tinh thần. Ba mươi tuổi, sau mười mấy năm học hành và năm bảy năm phấn đấu, con người ta có một gia đình, vài đứa con, nếu may mắn thì sẽ thêm tiền bạc và sự nghiệp. Cuộc sống trở thành một tấm vé khứ hồi giữa nhà và công sở, thi thoảng có một cái terminal là kỳ nghỉ mát của cơ quan, bữa ăn nhậu cùng đồng nghiệp. Bao nhiêu người trong số họ đã và sẽ từ bỏ những điều họ đam mê thời còn trai trẻ? Tôi biết nhiều người không hề có đam mê dù đã về già hay đang còn trẻ. Nhưng rất nhiều người đã có. Họ đọc sách, viết văn, làm thơ, vẽ tranh, xem phim, nghe nhạc. Hay chỉ là tỉ mẩn ngồi gấp những con hạc giấy, tết những chiếc vòng tay.

Và rồi họ từ bỏ những điều tưởng chừng đã trở thành một phần trong con người họ. Gánh nặng gia đình, gạo tiền cơm áo, that’s what they say. Nhưng khi tôi ngồi trong phòng chiếu của Nova, nhìn hai mái đầu ba mươi năm trước hẳn vẫn còn xanh đang kề nhau thủ thỉ, khi bộ phim vừa kết thúc trong tràng pháo tay điềm đạm của mọi người – điều tôi đã gặp không chỉ một lần – tôi bỗng nhận ra rằng không phải. Nếu như hai mái đầu ấy nhắc tôi nhớ đến Tình già của Phan Khôi, thì sự hiện diện của họ ở nơi này làm tôi nghĩ đến một thứ tình yêu khác, một thứ tình yêu không già đi theo năm tháng. Đấy là tình yêu cái Đẹp.

Dường như đó là điều người Việt Nam đang thiếu. Cái tình ấy không già đi, nó đã chết đi trong lòng họ. Từ ngày có Megastar, người Hà Nội đi xem phim nhiều hơn. Nhưng đa số vẫn là thanh niên. Cỡ như tôi đã có thể gọi là già trong đám ấy. Đã có nhiều hơn những người lớn tuổi, nhưng họ không đi một mình và cũng không xem những bộ phim dành cho người lớn. Họ ngồi cùng con cái, xem những bộ phim thiếu nhi, coi như hoàn thành nghĩa vụ với gia đình vào một ngày Chủ Nhật, chỉ thế mà thôi. Có lẽ nào đó chỉ là thứ tình yêu dành cho những người trẻ tuổi?

Và, vẫn như Kent của tôi thường hát. What the world needs now, is love, sweet love. No not just for some, but for everyone.