Monday, August 20, 2012

Một tấm lòng chất phác

Sau khi đã mệt mỏi với những Tree of Life, chán chường với những Melancholia, và ám ảnh với những Antichrist, đôi khi, điện ảnh cần đến một lời nhắc nhở dịu dàng, rằng giản dị và đời thường vẫn luôn có thể là cội nguồn của cái đẹp, miễn là có một con mắt khám phá ra nó, lưu giữ nó, và đem nó đến với tất cả chúng ta. Năm 2012 này, người làm được điều ấy, có lẽ là Hứa An Hoa.

Câu chuyện ở Đào thư rất giản đơn, giản đơn như cái tên tiếng Anh và như tông màu rất nhạt của phim: A Simple Life. Một người phụ nữ bảy mươi bị ốm và một người đàn ông bốn mươi đứng trước nhiệm vụ phải chăm sóc bà. Có điều, quan hệ giữa chị Đào, tên tục A Đào, tên đầy đủ Chung Xuân Đào, và đạo diễn Lương La Kiệt, thiếu gia nhà họ Lương, không phải là mẹ con. Họ là người giúp việc và cậu chủ. Đào thư kể về cách hai thân phận ấy ứng xử với cuộc khủng hoảng đã phá vỡ nhịp sống thường ngày của gia đình họ (họ thực sự là một gia đình).

Chuyện về một người đàn bà, do một người đàn bà làm đạo diễn, tất nhiên, sẽ có cái chi tiết và tỉ mỉ rất đỗi đàn bà. Nhân vật của Hứa An Hoa không nói, họ dùng cử chỉ thay lời nói, để nói ra một sự im lặng rất đỗi hùng hồn. Bữa tối của La Kiệt và chị Đào diễn ra trong lặng lẽ, nhưng từ nó là biết bao yêu thương, trìu mến và quan hoài giữa bà-mẹ-người-làm và đứa-con-thiếu-chủ.

Khi họ đổi vai cho nhau – người 60 năm chăm sóc người khác trở thành người được chăm sóc, còn người đã 40 năm được chăm sóc giờ phải chăm sóc người kia – cả chị Đào lẫn La Kiệt đều bỡ ngỡ, theo cách của riêng mình. Một ngỡ ngàng trước sức nặng của tuổi tác, bệnh tật và nỗi cô đơn tất yếu luôn rình rập một bà lão độc thân. Một bỡ ngỡ trước trách nhiệm trĩu nặng lần đầu trên vai gã trai bốn mươi chưa vợ. Nhưng chị Đào, qua diễn xuất của Diệp Đức Nhàn, đón nhận nó an nhiên và bình thản. Cũng như chị Đào suốt đời an phận người hầu, Diệp Đức Nhàn cả đời chuyên vào vai phụ. Nhưng trong lần vào vai Đào (chính) hiếm hoi này, bà đã làm cả Venice phải nghiêng mình với Cúp Volpi cho vai nữ chính xuất sắc nhất. Trong khi đó, La Kiệt (Lưu Đức Hoa) đảm nhiệm vai trò con nuôi một cách dũng cảm và trọn vẹn, dẫu còn chút vụng về của gã công tử bột. Điều duy nhất đáng tiếc, có chăng, là khâu biên tập thiếu một chút tiết chế, để câu chuyện cô đọng hơn, ít dàn trải hơn, và ngon đến miếng cuối cùng, như món lưỡi bò trứ danh của chị Đào.

Ân tình sâu đậm giữa chị Đào với La Kiệt và gia đình anh đẹp bình lặng như một chuyện cổ tích thời hiện đại, nhất là khi đặt nó bên cạnh thế giới phù hoa của đạo diễn họ Lương. Sự xuất hiện hài hước và bất gờ của ba đạo diễn Từ Khắc, Ninh Hạo, và Hồng Kim Bảo với ba vai cameo càng gia tăng sự tương phản ấy. Nhưng khi mối quan hệ ấy được đặt trên cái nền là Viện dưỡng lão với những mảnh đời già nua, cô đơn đến tội nghiệp, hiện thực vụt trở lại, thẳng thừng và tàn nhẫn. Ta chợt hiểu rằng: câu chuyện của chị Đào, ngày nay, chẳng còn bao nhiêu nữa. Chị là một cái đẹp ngày xưa, của cái thời đã một đi không trở lại. Những người giúp việc như A Đào không còn nữa. Có lẽ vì, những người như bà Lương, chủ nhân xứng đáng của những người giúp việc như thế, cũng không còn mấy nữa.

Những gì còn lại, giờ đây, chỉ là nỗi hoài nhớ của những ai từng sống trong vòng tay tận tụy và âu yếm của A Đào, trong đó có lũ bạn học phổ thông của La Kiệt –đám trai già vừa cắn một miếng lưỡi bò đã nghe tuổi thơ bồi hồi trở lại, vội vàng bốc điện thoại lên ríu rít gọi: Chị Đào! Âu cũng là một bài học dành cho phái nữ: muốn cho đàn ông nhớ, đàn bà nhất thiết phải giỏi nấu ăn.

Bài đăng trên Đẹp số tháng 9/2012

Thursday, August 16, 2012

Những người cha trong đời Batman

Tim Burton là người đã mang Batman đến với điện ảnh. Nhưng phải đợi đến Christopher Nolan, Batman mới thật sự bước vào đời thực. Khác với Batman của Burton, lập dị mà xa cách, Người Dơi của Nolan gần hơn, thật hơn, đời hơn, như anh tự thừa nhận: “Ai cũng có thể là Batman.” Một phần không nhỏ cái gần, cái thật và cái đời ấy đến từ quan hệ của Bruce với những người xung quanh, đặc biệt là những hình-tượng-người-cha hằng đổ bóng xuống đời anh.

Nói đến Batman, người ta nghĩ ngay đến một người hùng cô độc, một mình chống chọi với cái ác để bảo vệ công lý, bảo vệ Gotham. Người Dơi của Nolan không, và không thể, là như thế. Để có thể chiến đấu và chiến thắng trong cuộc chiến song trùng với cái Ác và với cả bản thân mình, Batman cần phải có sự ủng hộ và hậu thuẫn về mọi mặt – vật chất, thể chất, và (nhất là) tinh thần. Và đây là chỗ để những người cha của Batman xuất hiện.

Người cha đầu tiên, lẽ đương nhiên, là cha ruột của anh, bác sĩ Wayne. Tuy mất sớm nhưng ông đã kịp để lại cho Bruce hai di sản lớn. Thứ nhất là tấm gương về nhân cách và tình yêu Gotham để suốt đời Bruce noi theo. “Vì sao ta ngã? Để ta có thể học cách đứng lên”. Câu nói này đã in sâu vào ký ức Bruce, và không thể kể hết những lần nó đã là nguồn sức mạnh giúp Batman đứng dậy, đặc biệt là ở Dark Knight Rises. Thứ hai là sản nghiệp khổng lồ của Wayne Enterprises mà nếu không có nó sẽ chẳng thể có Batcave, Batsuit, Batpod, và dĩ nhiên cả Batman. Câu nói của Alfred Pennyworth sau khi Wayne Manor cháy rụi thế mà rất đúng, theo nghĩa vật chất lẫn tinh thần: “Di sản của gia tộc Wayne đâu chỉ có gạch và vữa!”

Và trong số những di sản Bruce thừa kế từ dòng họ, quý giá nhất chính là người lão bộc trung thành có cái họ kỳ quặc: “đáng giá một xu.” Ông yêu thương Bruce bằng tình yêu của một người cha và chăm sóc anh bằng sự tận tụy của một người hầu. Ra ngoài, anh là Batman oai hùng; nhưng về nhà, anh đích thực là cục cưng của Alfred. Ngày cũng như đêm, lúc mạnh khỏe lẫn khi thương tích, Alfred luôn ở bên Bruce, lo lắng cho anh, yểm trợ cho anh, vỗ về, khuyên nhủ, và cảnh tỉnh anh mỗi khi cần thiết. Nếu bầu trời sụp xuống Gotham, đã có Batman chống đỡ. Nhưng khi bầu trời sụp đổ trên đầu Bruce Wayne thì sao? Người đứng ra chống đỡ giùm anh, che chở cho anh, hy sinh vì anh, không phải ai khác ngoài Alfred. Alfred với sự minh triết và từng trải của bậc ẩn giả. Alfred với sự lịch lãm và óc hài hước của một nhà quý tộc. Alfred-người-Cha. Trong số những nhân vật phụ mà Nolan tạo đã ra, Alfred đích thực là hình tượng xuất sắc nhất, nhân văn nhất, và cũng trường tồn nhất của cả trilogy.

Người cha thứ ba, chính là sư phụ của Batman, Ra's al Ghul. Dù cuối Batman Begins, họ trở thành địch thủ và thầy chết dưới tay học trò, song vai trò của ông trong sự hình thành của Hiệp sĩ Bóng đêm là không thể phủ nhận. Trước khi gặp Ra’s al Ghul, Bruce Wayne không là gì ngoài một chàng triệu phú trẻ căm thù cái ác. Chính ông đã tôi luyện Bruce, trang bị cho anh những kỹ năng để tuyên chiến với cái Ác. Kể cả về sau này, khi Ra’s al Ghul đã chết, di sản của ông ta, bóng ma của ông ta và lý tưởng mà ông ta theo đuổi, vẫn tiếp tục ám ảnh Batman qua hai người bạn đồng môn của Batman – Bane và Talia.

Người cha thứ tư, là Cảnh sát trưởng Gordon. Có thể có người sẽ nghĩ Gordon yếu đuối và vô dụng, chỉ biết trông chờ vào Batman để duy trì trật tự và công lý cho Gotham. Nhưng bản thân Bruce không nghĩ thế. Trong mắt anh, Gordon là một con người chính trực, người làm yên lòng một cậu bé mất cha chỉ bằng một hành động giản đơn là khoác tấm áo choàng lên vai cậu, để cậu biết rằng thế giới chưa chấm dứt. Sự tồn tại mà không bị tha hóa của Gordon giữa Gotham đã đem đến cho Batman một người đồng đội, và tiếp thêm sức mạnh cho anh trong cuộc chiến chống cái ác. Và khi chính Batman đã nghĩ về Gordon như một người cha, chúng ta là ai mà có quyền nói điều ngược lại?

Người cha thứ năm, có một chút ngạc nhiên, là Lucius Fox. Nếu Alfred là hậu phương vững chãi của Batman thì Lucius là đồng đội đáng tin cậy của anh ngoài tiền tuyến. Alfred lo việc nhà trong khi Lucius quán xuyến việc công ty, đảm bảo rằng Wayne Enterprises ăn nên làm ra và sẵn sàng về nguồn lực cho những cuộc chiến của Batman. Nhưng Lucius đối với anh không chỉ như Q với James Bond. Không chỉ cung cấp “đồ chơi” cho Batman, người bạn của cha Bruce còn là lương tri “dự phòng” của anh. Khi Batman phát triển công nghệ sonar thành hệ thống theo dõi cả Gotham, ông lập tức nghiêm khắc nhắc nhở anh đã vượt quá giới hạn và yêu cầu anh cam kết phá hủy cỗ máy sau khi bắt được Joker. Việc Batman gửi gắm thiết bị này cho Lucius và cài sẵn mật khẩu tự hủy bằng tên ông đã cho thấy sự tôn trọng đặc biệt và tin tưởng tuyệt đối anh dành cho người bạn lớn này.

Năm con người trên đều đặc biệt quan trọng với Batman. Có nhiều cách để hiểu họ quan trọng đến mức nào; và cách đơn giản nhất là nhìn vào dàn diễn viên mà Nolan đã chọn cho những vai diễn này. Trừ Linus Roache chỉ xuất hiện trong vài phút, bốn cái tên còn lại không ai không làm ta phải chắt lưỡi: Sir Michael Caine. Liam Neeson. Gary Oldman. Morgan Freeman. Bốn tên tuổi mà sự xuất hiện của chỉ một trong số này thôi cũng đủ là bảo chứng cho bất kỳ bộ phim nào. Vậy mà Nolan phải vời đến tất cả, thì đủ biết vai trò của các father figure này lớn đến đâu trong mắt Nolan và trong đời Batman.

Có thể liên tưởng sau đây hơi quá xa, nhưng tuyến nhân vật người cha này bỗng làm cuộc đời Batman có gì đó rất tương đồng với Quách Tĩnh ở Xạ điêu anh hùng truyện. Cả hai đều mồ côi từ nhỏ, đều có một người cha ruột là tượng trưng cho chuẩn mực đạo đức. Họ đều có nhiều người cha – Batman có năm và Quách Tĩnh mười hai. Bóng dáng những người cha này luôn hiện hữu trong đời họ, dẫn dắt họ trưởng thành. Và, cả hai đều phải đối đầu với một trong những người cha của mình – Batman với Ra’s al Ghul, Quách Tĩnh với Thành Cát Tư Hãn…

Nhưng nếu nghĩ gần hơn chút nữa, câu chuyện về Batman không chỉ giống riêng một gã Quách Tĩnh, mà giống tất cả chúng ta. Cuộc phiêu lưu của Batman hoang đường là thế, phi thường là thế, nhưng cũng rất đời và rất người, vì rốt cục nó có thể được gói gọn trong tám chữ: những lần vấp ngã, những bận đứng lên. Bruce chỉ may mắn hơn đời ở chỗ, anh có những người cha sẵn sàng vấp ngã cùng anh. Như, ngày anh còn bé, Alfred có lần đã hỏi: “Took quite a fall, didn’t WE?”

Bài đăng trên Thể thao Văn hóa Đàn ông số tháng 9/2012