Monday, August 10, 2009

Giấc mơ Nova

Melbourne, cách trường tôi học chừng năm phút đi bộ, có một rạp chiếu bóng chuyên chiếu phim nghệ thuật, tên gọi Cinema Nova. Với mười một phòng chiếu, vào thời điểm bất kỳ, khán giả đến đây có thể chọn cho mình một phim arthouse ưng ý trong số bảy tám đầu phim đang ra rạp. Quay về Việt Nam, tôi vẫn thường xuyên vào website của Nova để xem bên ấy đang chiếu phim gì. Đôi khi trong tôi nhói lên một niềm ghen tị, cùng với một câu hỏi: Bao giờ đến lượt Việt Nam?

Câu hỏi này, có lẽ không chỉ mình tôi mới có. Đó có lẽ là câu hỏi chung của nhiều người yêu phim mấy năm gần đây, khi chứng kiến những đổi thay mạnh mẽ trên thị trường điện ảnh nước nhà. Và nó lại dẫn ta đến với cái quy luật muôn đời của cung & cầu, được thể hiện bằng hai câu hỏi khác: Ai chiếu? Chiếu cho ai?

Chiếu cho ai?

Thành công của mô hình cineplex (cụm rạp chiếu bóng liên hoàn) tại Việt Nam ba năm qua là một hiện tượng không khó lý giải: cầu về phim ở Việt Nam rất lớn, và sự ra đời của các cineplex đã thỏa mãn cơn khát ấy. Nhưng điều này hình như chỉ đúng với dòng phim giải trí mà Hollywood, với những X-menTransformers, là đại diện. Ba bộ phim nghệ thuật hiếm hoi được nhập về mấy năm vừa qua (Đông Tà Tây Độc, Thiết tam giác, The Fountain) chỉ như ba hòn đá ném xuống ao bèo, nếu không muốn nói là thất bại thảm hại. Bởi thế cho nên, câu hỏi “Chiếu cho ai?” đối với phim nghệ thuật không hề dễ trả lời.

Lẽ tự nhiên, để xem phim nghệ thuật, người xem phải đạt đến một trình độ thẩm mỹ nhất định. Mà nhất định lại là một khái niệm rất khó định lượng. Chẳng phim nào yêu cầu khán giả phải tốt nghiệp đại học mới xem được. Và bằng cấp chắc gì đã là cơ sở đáng tin cậy về khả năng cảm thụ nghệ thuật? Nhưng tất nhiên, khán giả phải có một vốn hiểu biết nào đó. Đáng tiếc là con số khán giả có cái nào đó ấy không nhiều. Nhưng đó lại là vấn đề chung của nhiều lĩnh vực nghệ thuật, từ âm nhạc, sân khấu đến văn học, chứ không riêng gì phim arthouse, và là cả một câu chuyện dài về giáo dục nằm ngoài phạm vi bài viết này. Thừa nhận thực tế ấy, và tạm gác nó sang bên, ta lại đối diện với một câu hỏi khác: trong số khán giả có cái nào đó ấy, có bao nhiêu người muốn xem phim nghệ thuật?

Phim nghệ thuật không nhất thiết phải khó xem – Amélie của Jeunet hay Hoa dạng niên hoa của Vương Gia Vệ vẫn mê hoặc khán giả đấy thôi? Nhưng rõ ràng, phim nghệ thuật khác phim giải trí ở chỗ, nó buộc khán giả phải suy nghĩ, phải trăn trở (tất nhiên, có những phim yếu tố nghệ thuật và giải trí hòa trộn vào nhau không thể phân biệt rạch ròi). Hơn nữa, phim nghệ thuật là một món phải ăn quen mới thấy ngon – không chỉ kiến thức, nó đòi hỏi cả sự rèn luyện. Xã hội có thể không thiếu người có trình độ, vấn đề là bao nhiêu người sẵn sàng dành thời gian, tiền bạc, và công sức cho một thứ buộc họ phải động não, thậm chí ám ảnh, day dứt? Cuộc sống hiện đại đầy rẫy áp lực, và đa số sẽ nói: Tôi mệt mỏi đủ rồi. Tôi muốn giải trí. Tôi muốn cười, tôi không muốn nghĩ. Một điều hoàn toàn hợp lý. Nào đó chỉ là điều kiện cần, muốn xem mới là điều kiện đủ.

Vậy, sau cùng, khán giả của phim nghệ thuật ở Việt Nam là ai? Dĩ nhiên, đầu tiên phải kể đến những người làm/học về điện ảnh (với giả định là mọi người làm/học về điện ảnh đều có sự quan tâm tương xứng tới phim nghệ thuật). Đối tượng thứ hai là người nước ngoài sống và làm việc ở Việt Nam: tại những buổi chiếu phim do Viện Goethe, L’Espace, hay Hội đồng Anh tổ chức, một bộ phận không nhỏ là khán giả nước ngoài. Phim nghệ thuật vốn không xa lạ với khán giả phương Tây, và ở Việt Nam những buổi chiếu này là cơ hội hiếm hoi cho họ thỏa mãn nhu cầu thưởng thức. Đối tượng thứ ba, đáng chú ý nhất và có tiềm năng phát triển nhất, là những khán giả trẻ thực sự đam mê điện ảnh. Họ là thế hệ người Việt đầu tiên có may mắn được tiếp xúc với điện ảnh thế giới một cách toàn diện. Họ là những người được xem Last Tango in Paris ở Fansland và có dịp thưởng thức Chiến hạm Potemkin trên nền nhạc sống. Trớ trêu thay, hai kênh thông tin chính giúp họ tiếp xúc với phim nghệ thuật lại đều là bất hợp pháp: Internet và băng đĩa lậu. Ví như không có Internet, không có đĩa Tàu, hẳn còn lâu lắm nữa khán giả Việt Nam mới biết đến Godard, Fellini, Kurosawa, Hầu Hiếu Hiền, và rất nhiều tên tuổi khác.

Cộng cả ba đối tượng nói trên lại, thị trường phim nghệ thuật ở Việt Nam vẫn rất nhỏ bé, khó lòng đảm bảo cho một rạp chiếu phim như Nova sống tốt, sống khỏe. Sự ghẻ lạnh của khán giả với Đông Tà Tây Độc, với The Fountain là minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó. Trong hoàn cảnh ấy, câu hỏi còn lại, “Ai chiếu?”, có lẽ còn khó trả lời hơn rất nhiều.

Ai chiếu?

Có một điều chắc chắn: không phải những nhà nhập khẩu phim hiện nay. Khi thị trường phim giải trí đầy tiềm năng vẫn chưa được khai thác hết – Hà Nội mới chỉ có duy nhất một cineplex và đang rất quá tải; Huế thậm chí còn chưa có cụm rạp tiêu chuẩn quốc tế nào – họ khó có thể mạo hiểm bước vào một thị trường hẹp và đầy rủi ro như thế. Thất bại của Đông Tà Tây ĐộcThe Fountain đã là quá đủ. Có lẽ chính các nhà nhập khẩu khi đó cũng không biết đây là phim nghệ thuật. Đông Tà Tây Độc được nhập về nhiều khả năng là vì tiếng tăm của dàn sao tham gia nó, và vì thể loại kiếm hiệp vốn hấp dẫn khán giả Việt Nam. Người ta kỳ vọng nó sẽ là một Anh hùng hay Thập diện mai phục khác, chứ không ngờ rằng nó là một phim thuần arthouse và rất Vương Gia Vệ.

Ở thời điểm hiện tại, những tổ chức văn hóa như Viện Goethe, British Council, và L’Espace có lẽ là nguồn phim nghệ thuật chính thức duy nhất ở Việt Nam. Ngoài ra còn có những chương trình giao lưu văn hóa như LHP ASEM, Tuần phim châu Âu, v.v… Những sự kiện này tuy rất giá trị nhưng chỉ mang tính mùa vụ, không thể là nguồn cung cấp phim thường xuyên, đều đặn cho khán giả. Cuối 2008, khi Viện Goethe giới thiệu đạo diễn người Đức gốc Thổ Fatih Akin, mỗi phim chỉ có hai ba suất chiếu. Nghĩa là chỉ có chừng ba trăm khán giả có may mắn được xem Edge of Heaven hay Head on ở Hà Nội, và chừng ấy nữa ở Sài Gòn. Một con số quá ít ỏi, nếu so với lượng khán giả trung bình của một bộ phim giải trí ngoài rạp.

Nói đi nói lại, câu hỏi của người viết có lẽ vẫn là: bao giờ Việt Nam có một Nova? Hà Nội từng có một Fansland. Giờ thì có Cinemathèque (22A Hai Bà Trưng), hoạt động từ 2004 dưới hình thức câu lạc bộ phi lợi nhuận. Nhưng 89 ghế là quá ít cho một thành phố sáu triệu dân, và mô hình của Cinemathèque tồn tại thì được song muốn mở rộng thì có lẽ không khả thi. Nói cho cùng, để phát triển mô hình chiếu phim nghệ thuật, không thể thiếu sự tham gia của nhà nước cũng như các tổ chức xã hội. Khi khả năng thu lợi nhuận không cao, nguồn tài trợ của chính phủ và các Mạnh Thường Quân là một nhân tố quan trọng giúp các rạp chiếu phim arthouse tồn tại và phát triển. Hơn nữa, trong điều kiện Việt Nam, nhân tố nhà nước là sự bảo đảm pháp lý cần thiết cho hoạt động của rạp. Vì, khác với phim giải trí, phim nghệ thuật luôn tiềm ẩn những sự nhạy cảm nhất định cả về đề tài lẫn nội dung.

Một hướng đi khác, dễ triển khai hơn và ít tốn kém hơn, là một chương trình giới thiệu phim nghệ thuật trên truyền hình. Cách đây vài năm, VTV2 đã từng có một chương trình tương tự dành cho phim kinh điển, nhưng cuối cùng không rõ vì lý do gì đã ngừng phát sóng. Khán giả Việt Nam bây giờ đã no nê với phim Mỹ qua những kênh truyền hình cáp như Star Movies, HBO, Cinemax. Cái mà họ thiếu là phim của những nền điện ảnh khác, như Tây Ban Nha, Ý, Israel, hay Thổ Nhĩ Kỳ. Cái mà họ thiếu là một thế giới quan phi-Hollywood chỉ có ở những bộ phim như Children of Heaven (Iran) hay The Band’s Visit (Israel). Truyền hình chính là kênh rộng nhất và nhanh nhất đưa chúng đến với khán giả. Đấy là chưa kể, bản quyền truyền hình chắc chắn sẽ rẻ hơn nhiều so với phim Hollywood.

Nhưng, nói cho cùng, cái chúng ta đang thiếu có lẽ không phải là tiền. Tiền nhà nước cho điện ảnh ở ta hình như chưa bao giờ thiếu – cứ nhìn những dự án hàng trăm tỷ như phim Lý Công Uẩn là biết. Cái chúng ta đang thiếu, là một tầm nhìn. Nếu những người chịu trách nhiệm về sự phát triển của điện ảnh Việt Nam thực sự quan tâm tới lĩnh vực này, phim nghệ thuật sẽ có đất sống ở đây. Bằng không, Nova sẽ mãi vẫn chỉ là một giấc mơ.

Bài đăng trên Thể thao Văn hóa cuối tuần ra ngày 07/08/2009