Sunday, July 31, 2016

Ghi vội về 3:10 to Yuma và True Grit

Vài năm gần đây, xuất hiện vài phim Western remake. Trong số này, nổi bật nhất có lẽ là 3:10 Yuma 2007, remake bản 1957, và True Grit 2010, remake bản 1969.
Khi nói đến remake, rất dễ sa vào tranh luận xem giữa original và remake, phim nào xuất sắc hơn. Nhưng câu hỏi thú vị hơn mà một remake trong trường hợp này mang lại có lẽ sẽ là, Western, as a genre, đã thay đổi như thế nào sau ngần ấy năm?
Điểm chung giữa Yuma 1957 và Grit 1969 là tính kinh điển. Nhiều người không thích phim kinh điển vì tiết tấu chậm, kết cấu đơn giản, tình tiết dễ dự báo. Thật ra xem phim kinh điển cũng như đọc thơ Đường. Ngày nay những câu như "Trừu đao đoạn thuỷ thuỷ cánh lưu, cử bôi tiêu sầu sầu cánh sầu" có lẽ chẳng còn gì mới mẻ. Nhưng hãy nghĩ đến chuyện Lý Thanh Liên viết ra ý tưởng này từ một nghìn ba trăm năm trước. Và một nghìn ba trăm năm sau, nhiều câu thơ khác, của nhiều nhà thơ khác, trau đi chuốt lại, cũng vẫn chỉ là một biến thể của Lý Bạch mà thôi.
Nói vậy không có nghĩa là bản 2007 và 2010 không kinh điển. Ngược lại, cả hai đều là Western revisionism at its best, nghĩa là hai cây đào non (nói đến Western thì hai nhánh xương rồng có lẽ sẽ hợp hơn?) đâm chồi nảy lộc từ hai gốc cây già.
Bốn bộ phim là bốn cuộc hành trình. Yuma là hành trình tìm lại tôn nghiêm của gã cao bồi Dan Evans. Grit là hành trình phục hồi công lý của cô thiếu nữ Mattie Ross. Hành trình của Yuma thì ngắn - từ Bisbee đến Contention chỉ chưa đầy năm mươi cây số. Hành trình của Grit thì quan san muôn dặm. Nhưng cả hai đều đầy rẫy thử thách với nghị lực, lòng tin, và dũng khí của người đi.
Điểm chung thứ hai của Yuma 1957 và Grit 1969 là tính lãng mạn nguyên thủy của Western. Cả Dan lẫn Mattie đều có những cái kết đẹp. Nói theo kiểu Tàu là "công thành thân thoái". Hậu thân của họ mấy chục năm sau thì không thế. Mattie trả giá cho công lý bằng một cánh tay và một cuộc đời cô độc. Còn Dan đánh đổi tôn nghiêm bằng cả tính mạng mình.
Không chỉ có vậy. Viễn Tây trong mắt hậu thế - nghĩa là James Mangold và anh em nhà Coen, còn khắc nghiệt hơn của tiền nhân nhiều lắm. Năm 1957, ánh mắt thất vọng của vợ và hai đứa con trai đủ thôi thúc để Dan lãnh sứ mệnh mà cả Bisbee từ chối - áp giải Ben Wade đón chuyến tàu đi Yuma. Năm 2007, để làm được điều này, Dan cần thêm một trang trại bị đốt và một quá khứ đáng hổ thẹn trong cuộc Nội chiến. Năm 1969, cuộc viễn du của Mattie ít nhiều vẫn mang bóng dáng một chuyến phiêu lưu. Năm 2010, dù theo lời cô, đó chỉ là "một thời sôi nổi" (lively times), nhưng có thể nói Mattie đã đến địa ngục rồi lại quay về.
Cái đen tối và khắc nghiệt của bản 2007 và bản 2010, phải chăng đã ánh xạ nhân sinh quan của thập niên đầu thế kỷ 21, một thập niên được khởi đầu và định hình bằng sự kiện 11.9, đầy rẫy bạo lực, bế tắc và mạt pháp? Nét lạc quan duy nhất có lẽ nằm trong phát đạn cuối cùng của Ben Wade dành cho Charlie Prince. Đó chính là giá trị bất biến của Western: bảo trì nguyên tắc hành xử của mình trong mọi hoàn cảnh. Ben không đi đường chính. Y chọn nẻo tà. Nhưng dứt khoát không đặt chân vào lối ác.

Sunday, July 10, 2016

Craft of Translation 07

Ở Việt Nam, một trong những tính từ thường gặp nhất khi bình phẩm về một bản dịch là “mượt.” Dịch rất mượt. Mượt dường như đã thành tiêu chí tối hậu để đánh giá chất lượng bản dịch. Dịch sai nhưng mượt nhiều khi vẫn được khen – dĩ nhiên cái này cũng khó tránh vì phần lớn độc giả chỉ biết tác phẩm qua bản dịch. Đôi khi tôi tự hỏi: phải chăng vì ta là một dân tộc của văn học truyền khẩu, của truyện thơ (thời cận đại Việt Nam gần như không có tiểu thuyết), nên “êm tai” đã thành một thứ chuẩn mực của văn chương. Không chỉ vậy, êm tai còn là tiêu chí về cách sống – người khôn ăn nói dịu dàng dễ nghe.
Tất nhiên, nội hàm của chữ mượt vốn rất vô chừng, và thước đo độ mượt của mỗi người cũng lại khác nhau. Với độc giả thông thường, mượt nghĩa là trơn tru, sạch sẽ, dễ hiểu. Với độc giả đòi hỏi (và có thể ở trình độ) cao hơn, đó là mượt mà, bay bổng, đẹp đẽ. Điều oái ăm là một bản dịch đôi khi bị chê đầy oan uổng là không đủ độ mượt vì trót trung thành với bản-chất-không-mượt của nguyên tác. Dịch Cormac McCarthy hoặc Raymond Carver mà mượt thì không hiểu có cách nào giết tác giả tàn nhẫn hơn không? Việt Nam hình như đã dịch sáu quyển McCarthy, nhưng có vẻ không một cuốn nào gây được tiếng tăm gì (ngoại trừ The Road), không biết là do dịch quá dở hay do văn phong McCarthy không hợp khẩu vị độc giả Việt?
Mượt hay không mượt là một câu hỏi mà mỗi dịch giả phải tự trả lời cho bản dịch của mình. Vấn đề là làm thế nào để mượt, hoặc không?
Để trả lời câu hỏi ấy, trước tiên phải tìm hiểu cơ chế cảm nhận văn bản của độc giả. Khi đọc bằng mắt, ta đồng thời cũng đọc thầm trong miệng và nghe thầm bằng đôi tai ảo trong đầu. Thế nên khi đọc thơ ta mới cảm nhận được nhạc tính và nhịp điệu của văn bản dù không đọc thành tiếng. Nếu ví văn bản như một tấm vải thì đọc chính là quá trình ngắm nhìn những họa tiết, đồng thời sờ và cảm nhận xem bề mặt ấm hay mát, phẳng phiu hay gồ ghề, mịn màng hay thô ráp. Có lẽ một phần cũng bởi vậy mà cổ nhân vẫn tán tụng một áng văn chương đẹp đẽ là “tú khẩu cẩm tâm” – lòng gấm miệng vóc. Hiệu ứng thị giác của mượt là điều khá dễ hiểu - độc giả Việt vốn ưa những từ ngữ đẹp đẽ, thanh nhã, giàu sức gợi. Đến mức đôi khi bản dịch vì trung thành với nguyên tác mà bị chê là thô tục. Nhưng tôi muốn bàn đến một khía cạnh ít được chú ý hơn: hiệu ứng thính giác của mượt, hay nói cách khác là texture của bản dịch.
Đặc thù của tiếng Việt là thanh điệu. Trong tiếng Anh I love you có thể đọc thành ai lớp viu, ài lơp víu, ài lợp vìu… Tiếng Việt chỉ có một cách: Anh yêu em. Không bao giờ có ành yều èm hay ánh yếu ém. Đây cũng là cái khó của người nhạc sĩ khi đặt lời bài hát tiếng Việt: dấu thanh phải tương hợp với nốt nhạc thì hát nghe mới xuôi. Muốn biết một bài hát đặt lời kém trái tai ra sao, xin mời nghe Quốc tế ca.
Vì thế cho nên, dịch đúng về nghĩa là một chuyện, điều khiển nhịp điệu của câu văn để tái tạo chính xác âm hưởng của nguyên tác lại là chuyện khác. Có khi cần du dương uyển chuyển, có lúc phải mạnh bạo dứt khoát, có khi nên gai góc xù xì, có lúc lại ung dung đài các. Để làm được điều đó, người dịch phải có cái tai thính nhạy, cảm nhận được từng thay đổi vi tế trong âm điệu, tiết tấu của văn bản. Khi chọn chữ để dịch, tiêu chí hàng đầu bao giờ cũng là đúng về nghĩa, nhưng khi có nhiều lựa chọn đúng thì việc chọn chữ nào có thanh điệu phù hợp nhất sẽ quyết định cái hay.
Lấy ví dụ mấy câu thơ này của Hoàng Cầm:
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ
Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc
Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay
Ở câu thứ tư, nếu ta đảo thành “Xanh xanh bờ dâu bãi mía” thì về nghĩa rõ ràng không thay đổi gì, nhưng âm điệu nghe rất nghịch. Đấy là vì chữ mía mang thanh trắc, đặt ở cuối làm câu thơ như bị hất ngược lên, trong khi chữ dâu là thanh bằng – làm tứ thơ mềm đi và như bồng bềnh trong nỗi nhớ. Giả sử đây là một câu dịch, và trình tự bản gốc là bờ dâu/bãi mía, thì người dịch nếu nghe thấy không xuôi hoàn toàn có thể chủ động đảo lại.
Tương tự, câu thứ năm có bản chép là xanh biếc. Chữ xanh ấy làm sao hay bằng biêng. Biêng biếc có âm điệu du dương, nghe như dài nhung nhớ. Xanh biếc nghe rất gần, rất thật. Biêng biếc nghe xa xôi và có phần mộng ảo. Đọc câu này bỗng nhớ bàn tay chấp chới lướt trên cánh đồng lúa mì của Gladiator. Tuyệt đích nhất chính là vần biếc/tiếc. Hai thanh trắc sắc ngọt như hai nhát dao chém vào tấm lòng hoài hương. Hai nhát chém để lại dư âm “sao xót xa như rụng bàn tay.”
Phân tích nhảm như vậy để thấy rằng tiết tấu, thanh điệu có ý nghĩa như thế nào đối với tính biểu cảm của văn bản. Tôi chọn Hoàng Cầm làm ví dụ bởi thơ của ông rất gần với văn xuôi. Và có những áng văn rất gần với thơ.
Thứ nhạc cảm văn chương này không tự nhiên mà có. Nó là kết quả của một quá trình. Trước năm 25 tuổi, chưa bao giờ tôi nghĩ đến chuyện dịch sách. Nhưng có lẽ tôi có duyên với nó, bởi từ năm 14 tuổi, tôi đã rất thích cổ văn. Tôi nhớ mười năm trước, có một cô học trò khiến cả nước chấn động vì chê Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc khô khan, khó hiểu, và khẳng định “10 học sinh như em thì có 9 người cũng không thích tác phẩm này.” Có lẽ tôi chính là cái một người còn lại ấy. Tôi thích tất cả những bài văn biền ngẫu được học và đọc thêm thời phổ thông – Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Bạch Đằng giang phú… Và dĩ nhiên là tôi mê cổ thi – từ Bầu trời cảnh bụt của Chu Cán Thần đến Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm của Đỗ Công Bộ.
Sở dĩ nhắc lại chuyện cũ vì tôi tin rằng cách tốt nhất để rèn luyện nhạc cảm văn chương là đọc văn biền ngẫu và cổ thi. Đây có lẽ là một gợi ý khá kỳ quái đối với không ít người. Nhưng thực sự nó rất logic. Nhiều người chê văn biền ngẫu là lỗi thời. Thể văn này lỗi thời thì đúng rồi, nhưng thủ pháp của nó thì không bao giờ. “It’s made it harder for a hardworking family to pull itself out of poverty, harder for young people to start their careers, tougher for workers to retire when they want to.” Câu này trích từ State of the Union Speech của Obama năm 2016. Không khó nhận ra, hai cụm in nghiêng là một sự đăng đối hoàn chỉnh. Nó đâu có khác gì hai câu “Nặng nề những nỗi phu phen, tan tác cả nghề canh cửi” trong Bình Ngô đại cáo? Thủ pháp song hành (parallelism) trong tiếng Anh và biền văn trong tiếng Việt tuy hai mà một. Câu tiếng Anh đối tương đồng (harder/tougher) lẫn tương phản (start/retire), câu tiếng Việt cũng vậy: nặng nề/tan tác là tương đồng, phu phen (đàn ông)/canh cửi (đàn bà) là tương phản. Một người nắm chắc những thủ pháp của biền văn, chắc chắn sẽ nhìn ra những dụng tâm tương tự trong phát biểu của Obama, và sẽ dịch tốt bài diễn văn ấy: Nó khiến con đường thoát nghèo của một gia đình cần lao gian truân hơn, tham vọng khởi nghiệp của người trẻ trắc trở hơn, mong muốn nghỉ hưu của người già khó khăn hơn…
So với thứ văn xuôi hùng biện của tiếng Anh, biền văn còn chặt chẽ hơn, cầu kỳ hơn. Hai câunặng nề những nỗi phu phen, tan tác cả nghề canh cửi” không chỉ đối ý mà còn đối cả từ láy (nặng nề/tan tác, phu phen/canh cửi), đối thanh và tuân theo luật bằng trắc (nhị tứ lục). Và so với biền văn thì cổ thi còn cô đọng hơn, biểu cảm hơn – hãy nhớ đôi danh cú của Bà huyện Thanh Quan: Sóng lớp phế hưng coi đã rộn, chuông hồi kim cổ lắng càng mau. Có bản chép coinghe. Nếu hiểu rõ thủ pháp đối ngẫu thì ta sẽ thấy ngay coi là lựa chọn đúng, bởi nghelắng đều tả ấn tượng thính giác, riêng coi là ấn tượng thị giác; mỗi câu một vẻ sẽ khiến tứ thơ đăng đối một cách toàn bích hơn.
Tóm lại, biền ngẫu và cổ thi chính là uy lực của tiết tấu và thanh điệu vận dụng đến cực hạn, thậm chí cực đoan. Mỗi chữ đều là kết quả của sự cân nhắc và lựa chọn kỹ lưỡng nhằm tuân thủ những quy tắc khắt khe. Tương truyền Chu Du năm xưa rất sành âm luật, đang ngồi trên tiệc mà nhạc công gảy sai là ông ngoảnh lại nhìn ngay (thế nên mới có câu thơ “Dục đắc Chu lang cố, thời thời ngộ phất huyền” – muốn được Chu lang nhìn đến, thỉnh thoảng lại gảy sai cung đàn). Đọc nhiều, tìm hiểu kỹ biền văn/cổ thi sẽ giúp người dịch có được sự nhạy cảm tương tự, từ đó có thể dễ dàng khống chế nhịp điệu câu văn theo ý mình. Không phải lúc nào ta cũng cần đến nó, nhưng tôi dám chắc đây là một kỹ năng sẽ được người dịch sử dụng khá thường xuyên. Believe me, it helps a lot.