Saturday, April 24, 2010

Bí mật của những điều giản dị

Đến với Oscar, người thắng có tất cả. Quy luật ấy từ lâu đã thành chân lý. Người thua, dù xuất sắc đến mấy, được ngợi ca đến mấy, cũng khó lòng tránh khỏi (dẫu là đôi chút) ngậm ngùi. Năm 1994, Pulp Fiction thua Forrest Gump. Hai năm sau, Fargo bại dưới tay English Patient. Năm 1998, đến lượt Life is Beautiful đứng nhìn Shakespeare in Love đăng quang. Suốt 82 năm lịch sử giải Oscar, những ví dụ như thế nhiều vô kể. Công bằng mà nói, khó ai có thể nói rằng những chiến thắng này không xứng đáng. Nhưng hẳn không ít người vẫn thở dài tiếc nuối cho những bộ phim cũng không kém phần xứng đáng được tôn vinh kia.

Đêm 8 tháng Ba năm 2010, người chiến thắng là Up. Một lần nữa, tôi thở dài tiếc nuối. Cho Secret of Kells.

Công bằng (vâng, lại công bằng) mà xét, Up hoàn toàn xứng đáng. Một bộ phim được đầu tư lớn hơn nhiều lần (175 triệu USD so với chưa đầy 9 triệu), đình đám hơn cũng rất nhiều lần (700 triệu doanh thu). Up có một câu chuyện tốt, hình ảnh đẹp, nhạc hay, thỏa mãn nhiều đối tượng. Nghĩa là (gần như) hoàn thiện để chiến thắng. Secret of Kells thoạt nhìn thì không được thế. Cốt truyện đơn giản, kịch tính vừa phải, và có lẽ, với một số người, sẽ phần nào thiếu vắng sự dày dặn và sức mạnh cần thiết ở một bộ phim dài.

Ấy thế nhưng chính Kells, một bộ phim nồng đượm chất Ireland, chứ không phải Up, lại làm tôi xao xuyến. Vì nét trong trẻo đến tê người hiển hiện trong từng nét vẽ. Vì sức sáng tạo hồn nhiên bất ngờ mà Tomm Moore và Nora Twomey đã đem đến cho Kells. Vì màu xanh biêng biếc gợi nhớ đồng cỏ Ireland từng làm say lòng khán giả trong The wind that shakes the barley. Và vì một thông điệp kín đáo mà bộ phim mang đến cho chúng ta: bất chấp tuổi đời dài hơn thế kỷ, hoạt hình truyền thống vẫn luôn là một cô bé Aisling – một nàng thanh nữ trẻ mãi không già.

The Secret of Kells, là câu chuyện về cậu bé 12 tuổi Brendan và cuộc phiêu lưu để hoàn thành The Book of Kells, một cuốn sách có thực của thế kỷ thứ 9, được người dân Ireland coi là quốc bảo. Trước khi làm Tu viện trưởng, bác của Brendan từng là một Illuminator – một họa sư tài ba. Bị nguy cơ xâm lăng của hải tặc Viking ám ảnh, ông dồn tâm sức để xây dựng một tòa thành bảo vệ người dân địa phương. Cậu bé Brendan lớn lên trong vòng tay quản thúc của ông bác và sống một cuộc đời bình lặng sau những bức tường thành. Nhưng một ngày kia, tất cả đã hoàn toàn thay đổi với sự xuất hiện của Họa sư Aidan cùng chú mèo Pangur Ban. Ông lão râu bạc đã khơi dậy nơi Brendan tình yêu dành cho nghệ thuật trang trí sách và thôi thúc cậu khám phá thế giới ngoài những bức tường thành. Với chú mèo trắng đặc biệt dễ thương làm bạn đồng hành, Brendan đã có cuộc tao ngộ kỳ thú với Aisling, một cô bé có thân phận bí hiểm trú ngụ trong khu rừng gần đó, trước khi vượt qua vô vàn thách thức và hiểm nguy để đeo đuổi một sứ mệnh mà có lẽ cậu được sinh ra để hoàn thành: biến bóng tối thành ánh sáng.

Sức mạnh của Secret of Kells nằm ở từng nét vẽ và trong mỗi gam màu mà Tomm Moore và Nora Twomey đem đến cho bộ phim truyện đầu tay của họ. Nếu Up là một đại diện tiêu biểu của công nghệ hiện đại, của hiệu ứng 3D và đồ họa vi tính, thì Kells, khai thác chất liệu của hội họa tiền Phục hưng, lại đứng ở bờ bên kia của thế giới hoạt hình với những khung hình phẳng – mọi quy tắc phối cảnh đều bị gạt bỏ: gà, lợn, ngỗng và tu sĩ xuất hiện trên cùng một mặt phẳng bất kể họ ở gần hay xa. Nhưng đây mới chỉ là điểm độc đáo đầu tiên trong phong cách hình họa của Kells. Lấy cảm hứng từ cuốn sách nổi tiếng của Ireland thời Trung cổ, bộ phim gây ấn tượng thị giác mạnh mẽ lên khán giả bằng vô số họa tiết phức tạp và tinh tế điển hình cho nghệ thuật trang trí kinh sách (illumination) cổ xưa. Những làn sương mỏng mảnh, những hoa văn cầu kỳ, những cỏ hoa và cây cối uốn lượn như mê cung, tất cả khiến ta thấy như đang lạc vào một tiên cảnh miền Celtic.

Tương phản với sự tinh vi ở hậu cảnh là nét giản đơn nhưng vẫn hết sức đa dạng trong tạo hình nhân vật. Ross Stewart - đạo diễn nghệ thuật của Kells hiểu rõ rằng nếu xử lý đường nét của nhân vật cũng bằng phong cách được áp dụng với thiên nhiên, thì họ sẽ chìm trong sự phức tạp của hậu cảnh. Bởi vậy, đoàn làm phim đã chọn một cách tiếp cận khác. Từ Brendan và Aisling tới muông thú, từ các tu sĩ đến hải tặc Viking, tất cả đều được phác thảo theo những hình khối cách điệu, vuông vức có, tròn trịa có, thô ráp có mà mềm mại cũng có, và trong từng đường nét rực rỡ sắc màu đều hiện lên vẻ táo bạo, quyết đoán mang đậm hơi hướng thời Trung cổ. Phong cách tạo hình này càng phát huy hiệu quả thị giác khi được bổ trợ bằng một phong cách thiết kế chuyển động cũng rất đặc thù. Khác với nét vẽ mượt mà quen thuộc kiểu Disney, cử động của nhân vật trong Kells nhanh, mạnh, dứt khoát, song vẫn không kém phần thanh thoát và duyên dáng (mà Aisling và Pandur Ban là tiêu biểu).

Không dừng lại ở đó, Kells còn sở hữu một lối kể chuyện rất ảo với những chi tiết khơi gợi mạnh mẽ trí tưởng tượng. Huyền thoại về cuốn sách được các tu sĩ kể lại như một đoạn phim nhựa pop-up với nét vẽ hoạt kê. Cuộc đối đầu của Brendan với con quái xà Crom mang đậm màu sắc ẩn dụ, trong khi cảnh Aisling phù phép lên chú mèo lại bay bổng và rất đỗi siêu thực. Đây cũng là một trường đoạn đặc biệt ấn tượng nơi Bruno Coulais chứng minh mình là lựa chọn chính xác cho vai trò nhà soạn nhạc cho Kells. Chất dân ca Celtic qua giọng ca thơ trẻ của Christen Mooney (lồng tiếng Aisling) có lẽ sẽ còn vương vấn trong tâm trí khán giả rất lâu sau khi chúng ta đã đi hết 75 phút tưng bừng màu sắc của bộ phim.

Như đã nói, với một số khán giả khó tính, câu chuyện của Kells hơi quá đơn giản. Nhưng nếu chúng ta nhìn lại, bằng con mắt trẻ thơ, thì đây mới là một thứ cổ tích hoàn hảo. Hoàn hảo trong sự hồn nhiên và trực diện của nó, một sự hoàn hảo rất xưa, sự hoàn hảo của những câu chuyện chân thật nhất, ít màu mè nhất về những chuyến phiêu lưu, sự hoàn hảo chúng ta từng biết trong Bambi hay Bạch Tuyết. Và vì chân thật như vậy, nên Kells, bên cạnh những hình ảnh rực rỡ làm mê hoặc trẻ thơ, cũng không ngần ngại khắc họa sự hiện diện bằng xương bằng thịt của cái ác trong bộ phim: từ hải tặc Viking khát máu tới con quái vật đáng sợ Crom Cruach. Nhưng ẩn dưới bề mặt bình dị của câu chuyện này, lại là một bài học lớn về niềm đam mê và lòng dũng cảm để đeo đuổi đam mê ấy. Trong phim, Brendan không chỉ chiến thắng sự khắt khe của người bác. Cậu bé, khi đánh bại con quái vật, đã chiến thắng nỗi sợ hãi trong nội tâm mình để trở thành người nghệ sĩ.

Nếu đặt Up của người khổng lồ Pixar bên cạnh Secret of Kells, kết quả sự hợp tác giữa ba công ty nhỏ đến từ Ireland, Pháp và Bỉ, một bên hẳn sẽ là nàng công chúa lộng lẫy của Hollywood, còn bên kia là cô thôn nữ tay cầm nhánh cỏ ba lá với nụ cười tươi tắn. Có thể nói, Secret of Kells là một sự nối tiếp xứng đáng của Once khi đại diện cho Ireland tại đấu trường Oscar. Giản dị, trong sáng, và luôn rực rỡ đến khôn cùng trong những sắc màu sáng tạo, đó là điều làm nên sự khác biệt của bộ phim và cũng là điều đã biến Secret of Kells thành một lời tuyên ngôn ngạo nghễ: mảnh đất của điện ảnh, dù cũ đến đâu, vẫn luôn còn đủ không gian cho trí tưởng tượng và sức sáng tạo. Chính người chiến thắng của Oscar 2010, Pete Docter (đạo diễn của Up) đã phải thừa nhận, Secret of Kells là “một bài học về việc nghệ thuật đồ họa có thể ảnh hưởng tới điện ảnh và đem lại những điều mới mẻ không thể thực hiện ở bất kỳ thể loại nào khác ngoài hoạt hình.”