Monday, May 16, 2016

Craft of Translation 03

1. Đôi khi tôi thấy, dịch giống như phá giải một môn võ công. Triết lý của Phong Thanh Dương là “Vô chiêu thắng hữu chiêu.” Dịch cũng vậy. Nếu quá câu nệ vào cấu trúc, vào câu chữ, vào từ loại, thì sẽ có những lúc không thể hóa giải triệt để được nguyên tác. “Word by word” chính là một biểu hiện lộ liễu của câu nệ, nhưng không phải là biểu hiện duy nhất. Trương Vô Kỵ học Thái cực kiếm, khi kiếm pháp đại thành cũng là lúc quên hết chiêu thức. Muốn dịch tốt, có những lúc cũng phải quên như thế. Quên câu văn gốc là gì, chỉ cần thể hội tinh thần của nó để viết lại thành một câu mới hoàn toàn khác. Chẳng hạn khi một cô gái mắng gã trai là “You pervert!” ta hoàn toàn có thể dịch thành “Phải gió cái nhà anh này!”
2. Nói vậy không có nghĩa là cứ dịch thoáng là hay, và xa rời nguyên tác bao nhiêu cũng được. Đừng nói là dịch thơ, ngay khi dịch văn xuôi, số âm tiết trong một câu nhiều khi cũng mang ý nghĩa sống còn. Một phát ngôn ngắn gọn, quyết tuyệt của nhân vật (ví dụ: “So be it!”) mà câu dịch lại dài ngoẵng thì mất hết ý nghĩa. Nhiều tác giả rất chú trọng cấu trúc, nhịp điệu, tiết tấu, âm vận của câu văn. Bởi vậy, khi dịch, đọc thầm hoặc thậm chí đọc thành tiếng nguyên tác sẽ giúp người dịch phát hiện ra những chỗ dụng tâm tân khổ ấy của người viết, để lưu tâm tái tạo chúng trong bản dịch. Đây lại là lúc cần câu nệ.
3. Một người nói/viết giỏi là người diễn đạt được điều mình muốn nói/viết bằng số đơn vị ngôn ngữ ít nhất. Điều này áp dụng cả với người dịch. Ai từng dịch thơ Đường sẽ thấy rõ điều này. Dịch một bài ngũ ngôn theo nguyên thể khó hơn nhiều dịch thành lục bát (mỗi câu được thêm hai chữ). Một phép thử khá chính xác nếu biên tập viên muốn phỏng đoán chất lượng bản dịch là lấy số chữ ở bản dịch chia cho bản gốc. Dĩ nhiên, tỉ lệ này còn phụ thuộc vào độ khó của cuốn sách. Nếu ngôn ngữ ở bản gốc phức tạp, cầu kỳ, lắt léo, thì con số này sẽ tăng lên. Schindler’s List, theo tôi, có ngôn ngữ khá chính tắc. Do đó tỉ lệ tôi đạt được là 1,15. Hai cuốn sách trước tôi dịch, Inheritance of LossMidnight’s Children phức tạp hơn nhiều, tỉ lệ là 1,27.
4. Có thể sẽ có người hỏi: vậy đâu là cái phần “dôi ra” giữa một bản dịch tốt và một bản dịch chưa tốt. Xin thưa: có hai loại. Ví dụ câu This season the weather is quite unpredictable, một số sẽ dịch là “không thể dự báo” hoặc “không thể đoán trước.” Ai khéo hơn sẽ dịch là “Mùa này thời tiết khó lường/thất thường lắm.”
Loại thứ hai là những chữ có thể lược bỏ nhưng không làm câu văn thay đổi về nghĩa. Ví dụ câu “He is a good man.” Một người mới dịch thường sẽ cho ra đáp án: Anh ấy là một người đàn ông tốt. Không sai, rất đúng, rất kín kẽ. Nhưng Anh ấy là người tốt, há chẳng hay hơn sao? Trong nhiều trường hợp, chúng ta có thể mạnh dạn lược đi những từ kiểu một, những, cái, chiếc, sự… Càng nhiều những chữ này, câu văn nghe càng rườm rà, trúc trắc, thiếu tự nhiên. Và man đôi khi là con người chứ không nhất thiết phải là đàn ông.
Một cuốn sách cỡ vừa có 100.000 chữ, 6000-8000 câu. Chỉ cần mỗi câu dư hai chữ, sẽ có tới 15.000 chữ thừa, tương đương 40 trang. A lot, isn’t it?
5. Nhân nói về chữ thừa, tôi muốn nói luôn về cách tự biên tập khi dịch. Theo tôi, có hai lối dịch chính: dịch kỹ ngay từ đầu, câu nào xong câu ấy, và dịch “nháp” hay dịch “thô” trước, biên tập lại sau. Độ kỹ của lần dịch đầu tiên cũng khác nhau theo từng dịch giả. Có người là 70%, có người là 80% (tôi tạm lượng hóa bằng một con số để bạn đọc dễ hình dung).
Tôi thuộc trường phái thứ nhất – đã dịch là phải xong và ưng ý mới chuyển sang câu mới, đoạn mới, và độ “tự bằng lòng” khi hoàn thành bản dịch phải là 90, 95%. Mỗi câu văn tôi dịch đều qua ba công đoạn: (i) cho ra version đầu tiên; (ii) đọc lại và thay thế một số từ ngữ ưng ý hơn, đôi khi chưa bằng lòng với cấu trúc tôi thay hẳn bằng một câu mới; (iii) lược bỏ những chữ thừa. Công đoạn (ii) và (iii) có thể diễn ra đồng thời.
Sau khi biên tập viên đọc bông một và trả lại bản thảo, tôi sẽ đọc lại một lượt, sửa những chỗ biên tập góp ý nếu đúng và phản hồi những chỗ tôi bảo lưu quan điểm, để có một bản thảo hoàn thiện để gửi đến nhà in.
Thế nào là một bản dịch hoàn thiện (trong mắt dịch giả) là chuyện rất khó nói. Hôm nay ta thấy thế là hoàn thiện, nhưng vài tháng sau, sẽ có những chỗ trong bản dịch cũ ta thấy không ưng ý, muốn dịch khác đi. Nếu ta có sửa thì vài tháng nữa ta sẽ lại muốn thay đổi. Sở dĩ như vậy bởi ta của ngày mai đã là một ta khác, có nhân sinh quan khác, sở kiến khác, cảm xúc khác, nói gì đến ta của mấy tháng sau. Cứ dằn vặt như thế thì cả đời cũng không dịch xong nổi một cuốn sách. Cho nên dịch tốt tuy khó, nhưng với những người có tật perfectionist, biết bằng lòng với bản thân, biết thế nào là đủ tốt để dừng lại cũng là chuyện chẳng dễ dàng gì.
Nếu định theo cách thứ hai (dịch thô trước, biên tập sau), tôi cho rằng tối đa chỉ có thể làm theo chương (mỗi chương 10-20 trang), chứ không thể dịch thô cả quyển rồi mới biên tập lại. Có hai lý do. Thứ nhất, hết một chương, cảm xúc và ký ức của người dịch với văn bản vẫn còn sống động, tươi mới, dễ dàng chìm vào văn bản để có những điều chỉnh phù hợp. Đợi hết quyển, tâm trạng đã nguội lạnh và mạch tư duy đã bị gián đoạn. Thứ hai, không mấy ai đủ kiên nhẫn rà soát và tỉ mẩn chỉnh sửa từng câu suốt vài trăm trang. Văn của mình thì kiểu gì mình cũng sẽ thấy trôi, thấy mượt, sẽ dễ dàng lướt nhanh và bỏ qua sai sót.

Saturday, May 14, 2016

Craft of Translation 00

Đã tròn một năm tôi không viết thêm gì cho blog này. Mỗi lần nghĩ đến là lại một lần áy náy. Hôm nay dịch xong Schindler’s List, thôi thì trở lại với đề tài ấp ủ bấy lâu – Craft of Translation.
Bài này lẽ ra phải có đầu tiên, bây giờ mới viết âu cũng là hơi muộn.
1. Ngày nay, tìm bản text tiếng Anh của một cuốn tiểu thuyết không có gì là khó khăn, dù là sách kinh điển hay best seller. Cách dịch tốt nhất, theo tôi, là dịch đè lên bản text gốc, theo kiểu cuốn chiếu, xong và ưng ý đến đâu thì xóa bản gốc đi đến đấy. Lý do:
(i) Khi đặt bản gốc và bản dịch chung một chỗ, dưới thị tuyến của người dịch, ta dễ dàng so sánh, đối chiếu hơn. Ta không cần liên tục di chuyển ánh mắt từ sách lên màn hình và ngược lại. Điều này giúp hạn chế sai sót, duy trì sức bền của não và mắt, giúp làm việc lâu và hiệu quả hơn. Thời dịch Inheritance of Loss, khi chưa tìm được bản text, tôi phải dùng máy ảnh chụp từng trang, sau đó mở hai cửa sổ cạnh nhau trên máy tính để dịch cho tiện.
(ii) Với cách làm này, ta không tạo ra một văn bản mới song song với nguyên tác, mà thay thế dần nguyên tác bằng bản dịch. Như vậy, tại bất kỳ thời điểm nào, văn bản trên Word, qua góc nhìn song ngữ của người dịch, luôn là một thể thống nhất, thuận tiện cho việc xem xét ngữ cảnh của văn bản.
(iii) Dùng bản text rất tiện tra cứu. Với những phần mềm như Babylon (tôi sẽ nói kỹ bên dưới), người dịch không cần gõ lại một từ, mà chỉ cần click chuột là đã tra được ngay từ đó.
(iv) Thay vì gõ lại tên riêng nhân vật, địa danh, tôi thường copy and paste để đảm bảo chính xác tuyệt đối. Những cái tên như Leopold Pfefferberg, chỉ cần sơ ý là sẽ gõ sai. Copy and paste vừa nhanh vừa lành. Có người sẽ nghĩ làm gì mà nhiêu khê thế? Xin thưa: sự chuyên nghiệp bắt đầu từ cái nhỏ nhất. Cái tên nhân vật anh còn sai thì không ai đảm bảo được anh  dịch đúng – đó là suy nghĩ của độc giả nếu bắt gặp lỗi chính tả ngay những trang đầu cuốn sách.
2. Trước khi ra trận, điều đầu tiên ta cần chuẩn bị là vũ khí. Đối với một người dịch, vũ khí chính là từ điển.
(i) Điều này có lẽ nhiều người đã biết, nhưng tôi thấy vẫn cần nhắc lại: đừng bao giờ lấy Anh-Việt làm từ điển chính khi dịch. Không từ điển Anh-Việt nào giải thích đầy đủ, chi tiết, chính xác bằng những từ điển Anh-Anh uy tín. Đã không ít lần tôi thấy từ điển Anh-Việt sót hẳn một vài nghĩa so với từ điển Anh-Anh, và oái oăm thay chính cái nghĩa bị thiếu lại được sử dụng trong bản gốc.
Đấy là chưa kể, từ điển Anh-Việt sẽ đóng khung lựa chọn của dịch giả vào những từ hay cách giải nghĩa có sẵn. Từ điển Anh-Anh chỉ giải thích, nhiệm vụ của người dịch là múc não để tìm ra cách dịch tối ưu.
Vậy thì từ điển Anh-Anh nào đáng tin cậy? Trả lời: còn tùy bản gốc. Nếu tác giả người Anh hoặc Ấn Độ, nên dùng từ điển Anh như Oxford, Collins. Nếu là văn của Mỹ hoặc Canada, nên dùng từ điển Mỹ như Merriam-Webster, American Heritage. Với tác giả Úc (như Thomas Keneally) có vẻ cả hai loại đều dùng được. Trong bốn cuốn tôi đã dịch đến thời điểm này, có ba cuốn Ấn Độ và một cuốn Úc, bởi vậy tôi không có nhiều kinh nghiệm về từ điển Mỹ. Ưu điểm của từng từ điển được phân tích khá kỹ trên mạng, ai quan tâm có thể tìm đọc thêm.
(ii) Sau từ điển Anh-Anh, ta vẫn cần từ điển Anh-Việt. Vì trong 70% tình huống, cách giải nghĩa của từ điển Anh-Việt vẫn hữu ích và khả dụng. Nhiều khi đọc giải thích của từ điển Anh-Anh xong, nghĩ mãi chưa ra giải pháp, thuận tay giở từ điển Anh Việt lại bắt gặp một đáp án tốt.
(iii) Thứ ba, ta cần từ điển Hán-Việt và từ điển tiếng Việt. Có người sẽ hỏi: dịch Anh-Việt thì cần từ điển Hán-Việt làm gì? Xin thưa: 70% từ vựng tiếng Việt là gốc Hán. Từ Hán Việt thường ngắn gọn, súc tích, nội hàm bao quát hơn từ thuần Việt. Trong nhiều trường hợp, từ Hán Việt sẽ là đáp án tối ưu cho một khái niệm dài, phức tạp, khó diễn dịch của bản gốc. Tôi thường dùng Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh và Việt Nam tự điển của Khai trí tiến đức. Những từ điển này ra đời đã lâu nhưng vẫn đứng đầu bảng về tính chính xác, độ uyên bác và uy tín. Đây đồng thời cũng là những từ điển tiếng Việt rất tốt. Tuy nhiên do ra đời đã lâu, từ vựng trong hai cuốn này tương đối cổ. Cập nhật và hiện đại có Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ, Hoàng Phê chủ biên, được Viện Ngôn ngữ học tái bản nhiều lần (bản tôi có in năm 2006). Ngoài ra còn có Đại từ điển tiếng Việt của Nguyễn Như Ý, nhưng tôi chưa sử dụng quyển này bao giờ nên không rõ chất lượng ra sao.
(iv) Từ điển cuối cùng tôi gợi ý là từ điển Anh-Trung. This must be the biggest “Why?” Như đã nói, có 70% tiếng Việt là từ Hán Việt. Bởi vậy, khá nhiều từ trong tiếng Trung sẽ “dùng được” trong bản dịch tiếng Việt. Ngoài ra, trong lịch sử, mức độ phơi nhiễm của Trung Quốc với văn hóa phương Tây mạnh hơn Việt Nam. Bởi vậy có nhiều từ tiếng Anh chưa có cách dịch sang tiếng Việt, hoặc cách dịch chưa chuẩn. Nếu may mắn, ta sẽ tìm thấy khái niệm đó đã được dịch sang tiếng Trung.
Tra được kết quả tiếng Trung rồi thì sao? Bạn không cần biết Trung văn, chỉ cần có phần mềm hoặc trang web convert từ tiếng Trung sang âm Hán Việt là đủ. Một trong những khó khăn thường gặp là dịch tên thực vật tiếng Anh sang tiếng Việt. Nhiều cây ôn đới ở ta không có và do vậy sẽ không có sẵn từ trong tiếng Việt. Ví dụ anemone, một số từ điển dịch là cỏ chân ngỗng. Nghe không thơ mộng chút nào! Tra tiếng Trung sẽ ra kết quả là 銀蓮花, 秋牡丹. Copy vào trang web convert ta sẽ có kết quả là ngân liên hoa/thu mẫu đơn. Hai cái tên đều đẹp và dùng được.
(v) Phần mềm từ điển: Việc tìm kiếm và sử dụng bản text tiếng Anh sẽ không còn nhiều ý nghĩa nếu không có phần mềm từ điển hỗ trợ. Từ lâu tôi sử dụng Babylon, đơn giản, hiệu quả. Tính năng nổi bật nhất là one-click lookup. Click bất kỳ chữ nào trong văn bản, Babylon sẽ giải nghĩa ngay bên cạnh. Babylon hỗ trợ nhiều từ điển đa ngôn ngữ, bộ dữ liệu premium gồm tất cả các từ điển uy tín đã liệt kê bên trên (favourite của tôi là Concise Oxford English Dictionary - từ điển chính thức của Liên Hợp quốc). Cùng lúc có thể tra cả Anh-Anh, Anh-Việt và Anh-Trung.
Sau từ điển thì đến thế giới bát ngát của Internet, Google, Wikipedia. Tuy nhiên kỹ năng tra cứu tư liệu mạng thì phải dành riêng một entry mới đủ. Nên xin tạm dừng lại ở đây.