Friday, May 29, 2009

Angels & Demons


Có nhẽ vì tên bác Dan Brown đã nâu (Brown) lại đen (Dan) nên phim chuyển thể từ truyện của bác có số phận khá là trắc trở. Năm 2006 The Da Vinci Code ra mắt ở Cannes bị bà con la ó dữ dội, đến khi phát hành lại bị giới phê bình chê bai không tiếc lời (nhưng rốt cục vẫn về nhì với 750 triệu USD doanh thu – lý do chính khiến Columbia Pictures tiếp tục chơi con bài nâu-đen này lần nữa). Angels & Demons đến lượt mình cũng vấp phải sự phản đối của Công giáo và bị từ chối không được quay ngoại cảnh tại các nhà thờ ở Rome. Nhưng hết cơn bĩ cực cũng đến hồi thái lai, cuối cùng bộ phim lại được chính tờ Đại đoàn kết của Vatican khẳng định là vô hại.

Kể ra nếu Angels & Demons được đặt tên là Kiếp đỏ đen thì cũng không có gì là vô lý, vì Ron Howard đã đem đến cho khán giả một bộ phim low-key (tông tối) với màu đen linh mục (hai) và sắc đỏ hồng y (đếm không xuể) là chủ đạo. Đây cũng là điều dễ hiểu khi bộ phim xảy ra trọn vẹn trong một buổi tối mà mỗi giờ đồng hồ lại được đánh dấu bằng cái chết thảm khốc của một preferiti, ứng cử viên cho ngôi vị Giáo hoàng.

Như thường lệ, giáo sư biểu tượng học Robert Langdon (Tom Hanks), với sự trợ giúp (như thường lệ) của một sinh vật khả ái là chuyên gia vật lý Vittoria Vetra (Ayelet Zurer) dẫn đầu cuộc săn đuổi tên sát nhân giấu mặt đã bắt cóc bốn hồng y giáo chủ và cho biết sẽ xử tử họ tại bốn địa điểm tượng trưng cho bốn nhân tố đất, gió, lửa, nước tại thành Rome. So với câu đố Robert Langdon phải giúp Tòa thánh giải đáp thì chuyện một cô gái mĩ miều dường ấy lại còn là chuyên gia về phản vật chất quả thực còn bí hiểm hơn nhiều; có lẽ chỉ thua câu hỏi hẳn không ít người đã từng tự hỏi khi xem The world is not enough: “Thế nào mà một em gái nóng bỏng rẫy ra như Denise Richards lại còn là chuyên gia vật lý hạt nhân?”

Quay trở lại với bộ phim, hành động của tên sát nhân có vẻ là một nghi thức báo thù cuộc thanh trừng của Giáo hội với Illuminati – một hội kín của các nhà khoa học ra đời từ thế kỷ 17 – và y đe dọa sẽ kết thúc nó với một vụ nổ phản vật chất (lý do giải thích sự có mặt của sự khả ái mang tên Vittoria Vetra) có sức mạnh hủy diệt cả Vatican đúng lúc các hồng y họp kín để bầu ra Giáo hoàng mới. Vụ việc càng phức tạp hơn khi Tổng quản Vatican là Patrick McKenna (Ewan McGregor) phát hiện ra cố Giáo hoàng chết vì bị đầu độc…

Để bà con khỏi sốt ruột, người viết xin nói luôn: Angels & Demons hay hơn Da Vinci Code, và hay hơn đáng kể (lưu ý: hay hơn Da Vinci Code thôi nhé). Đây cũng là điều dễ hiểu vì Da Vinci Code bám quá sát nguyên tác; và khi cố nhồi nhét bằng hết cuốn tiểu thuyết lên màn bạc, Ron Howard đã bỏ qua những thế mạnh đặc thù của điện ảnh, khiến bộ phim trở thành một thứ minh họa vụng về cho cuốn tiểu thuyết hơn là một tác phẩm độc lập.

Rút ra bài học này, kịch bản của Angels & Demons, dù không phải là xuất sắc, tỏ ra khá linh hoạt, câu chuyện đơn giản và tập trung, không sa vào mớ bòng bong thông tin được Robert Langdon tuôn ra như suối còn khán giả chỉ biết há hốc mồm lắng nghe (và lủng bủng rủa: Đù mé, nói gì mà lắm thế!) ở phần một. Howard sử dụng hai motif quen thuộc của phim thriller là săn đuổi kẻ sát nhân và tháo bom hẹn giờ để tạo sự căng thẳng, hồi hộp và đã khá thành công khi kết hợp nó với nét tương phản đỏ-đen đầy ngụy dị trong ánh sáng u ám của toàn phim. Mặc dù vậy Angels & Demons vẫn có những chi tiết lộ và dễ đoán với một khán giả nhiều kinh nghiệm xem thriller. Tuy khá hơn Da Vinci Code nhưng Angels & Demons vẫn thiếu cái sức hút cần thiết của một phim thriller xuất sắc: khán giả không bị hút vào một cách triệt để, mà vẫn còn khoảng cách, vẫn cảm thấy mình đang đứng ngoài quan sát hơn là đồng hành cùng nhân vật.

Với tiết tấu rất nhanh (đoán rồi đuổi, lại đoán rồi lại đuổi) và một cốt truyện thiên về hành động, không có chỗ ngừng nghỉ cho cảm xúc, hầu hết các diễn viên chỉ phải đóng mà không phải diễn, trừ Ewan McGregor. Trong không khí chung của phim, Patrick McKenna dù xuất hiện không quá nhiều nhưng vẫn khiến người ta cảm nhận được (dù mơ hồ, và cũng chỉ mơ hồ) một điều gì đó. Ewan đóng khéo nhưng kín đến nỗi sau khi phim hết rồi, khi đã thở phào một tiếng rồi, ta mới nhận ra rằng anh diễn tốt thật. Một điều đáng tiếc là mâu thuẫn đức tin – khoa học có thể được khai thác tốt hơn ở Langdon, khi đoạn đối thoại giữa anh và Patrick McKenna ở đầu phim hé lộ khá nhiều điều thú vị. Với nội lực của Tom Hanks, điều này hẳn không phải là quá khó. Cái khó là làm sao để lồng được nó vào cuộc truy đuổi hối hả trong năm giờ đồng hồ của Langdon mà thôi.

Cũng như ở Da Vinci Code, nhạc của Angels & Demons do Hans Zimmer đảm nhiệm, và ông làm khá tốt ở phần cuối. Cái dồn dập ở phần đầu tuy ổn, tuy hoành tráng, tuy không sai, nhưng có vẻ cứ cliché làm sao đó, chưa xứng với tầm vóc của ông, và chưa thật sự ăn khớp với cái không khí bề ngoài thì tĩnh lặng mà bên trong thì cuồn cuộn sóng ngầm của Vatican lúc đó. Phần cuối trầm lắng và giàu xúc cảm với những đoạn solo của Joshua Bell, người được trang trọng dành riêng một dòng khá lớn ở phần credit.

Nói là như vậy, nhưng để chấm điểm cho Angels & Demons thì lại hơi khó. Có lẽ phải chia làm hai thang điểm. Với những người đã đọc truyện thì cái hay chắc sẽ chẳng còn lại bao nhiêu, vì  yếu tố bất ngờ đã mất đi; và sự thú vị (nếu còn) sẽ dừng lại ở không gian tôn giáo của thành Rome mà bộ phim đã tái tạo lại khá thành công bằng ngoại cảnh, phim trường và kỹ xảo CGI. Nhưng với những ai chưa đọc truyện thì sự bất ngờ sẽ còn nguyên vẹn, và Angels & Demons sẽ là một phim giải trí xem được của tháng Năm này.

Đã đọc truyện: 2.5

Chưa đọc truyện: 3.5 

Wednesday, May 20, 2009

Synecdoche, New York revisited


For T.

Có lẽ nên nói ngay rằng đây không phải là một bài review.

Có những bộ phim, đôi khi khiến ta thấy bất lực khi phải miêu tả bằng lời.

Như Synecdoche, New York.

Đó là một ngày tháng ba ở Melb. Tan học, tôi rẽ vào rạp phim quen gần trường. Nova không phải là một cineplex hiện đại. Nội thất của nó tựa như Fansland ở Hà Nội, chỉ là tiện nghi hơn, ấm cúng hơn. Như thường lệ, mười phút đầu là trailer của những phim sắp chiếu. Lúc này phòng chiếu có ánh đèn vàng rất dịu để khán giả ổn định chỗ ngồi. Tôi xem ca chiều, ba giờ. Cả phòng chỉ có hai ba người. Đó là một ngày mệt mỏi. Tôi nhắm mắt lại, tranh thủ thả lỏng vài phút, vì biết phim sắp xem, Rachel Getting Married, sẽ khá nặng nề.

I’m just a little person, one person in a sea.

Câu hát đầu tiên vừa dứt, tôi đã biết, bộ phim này mình sẽ phải xem.

Nó rất dị. Và rất bình thường. Bình thường trong những chi tiết quái dị nhất. Quái dị từ những chi tiết bình thường nhất.

Tôi sẽ cố gắng tìm một sự so sánh thích hợp. Nếu Synecdoche, New York được ví với một loại kem, nó sẽ là kem ký. Và nó có vị sầu riêng.

Tại sao là kem ký? Vì đó là thứ kem đơn giản nhất. Nó chỉ là một khối vật chất mát lạnh thế thôi, không que, không ốc quế, không ly, không trái cherry, và không có ô giấy cắm vào làm cảnh. Tại sao là sầu riêng? Vì đó là một thứ hương vị mà ai đã thích thì mê mệt, còn ai đã sợ thì không bao giờ ăn được.

Synecdoche, New York cũng vậy. Cái nó mang đến là một thứ cảm giác, một thứ hương vị, một sự xao động trong tâm hồn, và sẽ chỉ hoài công nếu ai đó cố gắng đi tìm cho nó một cốt truyện, một khuôn mẫu, một hình hài. It’s Charlie Kaufman, man.

Đó là câu chuyện của nhân sinh. Về sự bình thường đến khác thường và sự tầm thường đến dị thường của kiếp người. Đó là đẹp, là buồn, là đôi chút ngọt ngào, là không ít bi thương, là rất nhiều cay đắng.

Hình như khi ngôn từ bất lực thì người ta hay so sánh. Synecdoche, New York cũng giống như trò đu quay. Kaufman bắt đầu câu chuyện một cách bình thường đến mức khó có thể bình thường hơn. Một buổi sáng bình thường của một gia đình bình thường, và thấp thoáng đâu đó là những sự bất thường. Một ông chồng việc đầu tiên khi mở tờ báo sáng ra là đọc mục cáo phó. Một cô bé con đi ị ra màu xanh lá cây. Mật độ và cường độ của bất thường trong đối thoại, trong tình tiết, trong hình ảnh, cứ thế tăng dần như đu quay tăng tốc. Để khi kết thúc vòng quay cuối, khán giả ra khỏi chỗ ngồi, đầu óc hoặc quay cuồng lảo đảo, hoặc ngây ngất như mê như say.

Như mê như say.

Vì thế giới của Synecdoche, New York là một thế giới chưa bao giờ tỉnh. Không phải ngẫu nhiên mà Caden mang họ Cotard. Adele thổ lộ rằng cô hay huyễn hoặc rằng Caden chết. Cô nhầm. Điều họ huyễn hoặc, là mình đang sống. Từ khi dòng chữ 7:44 xuất hiện trên màn ảnh, Caden Cotard đã bắt đầu cuộc chết của mình – một hành trình kéo dài nửa đời người, nhưng dường như cũng có thể gói gọn trong vòng một phút.

Đó là cuộc chết của thể xác và của tâm hồn. Gia đình. Tình yêu. Nghệ thuật. Thời gian. Và hơn bao giờ hết, của cảm giác rằng mình đang sống. Lẻ loi, lạc loài, kiệt quệ, Caden vẫn không ngừng tranh đấu. Like a lost and lonesome weeping willow (chỉ có điều, một lúc nào đó, nước mắt cũng sẽ rời bỏ ông).

Cuộc chiến không cân sức ấy là điều đẹp đẽ nhất và đau đớn nhất của Synecdoche, New York. Hơn ai hết, Caden ý thức rõ ràng về sự nhỏ bé, bất lực đến vô cùng của kiếp người. I do my little job. And live my little life. Eat my little meals. Miss my little kid and wife. Biết rõ rằng mình rồi sẽ chết. Tất cả rồi sẽ chết. Nhưng, trước mỗi cú đánh của số phận, Caden đều kiên cường đáp trả, từ chối chết đi một cách lặng lẽ, để rồi cuối cùng lặng lẽ chết đi, trong một niềm mãn nguyện. Mỗi nỗ lực ấy, mỗi lần gượng dậy ấy, dù muộn màng, dù thơ ngây, dù khờ khạo, vẫn khiến ta phải nghiêng mình.

Lọ nước mắt, cây gậy, mái tóc giả… là sự kháng cự tuyệt vọng của Caden trước sự tàn tạ của thể xác. Claire và Ariel là nỗ lực tái hiện bất thành Adele và Olive – một mái ấm gia đình. Chiếc hộp màu hồng và lời “tự thú” nghẹn ngào bên giường bệnh Olive là cố gắng vô vọng vãn hồi một tình cha con đã chết. Sân khấu khổng lồ là sự ganh đua thất bại với những tác phẩm tiểu họa của Adele – không phải Adele-người-vợ mà là Adele-đối-thủ-trong-nghệ-thuật. Kiệt tác mà Caden ôm ấp, cái mộng tưởng tưởng chừng to tát là được lưu danh của người nghệ sĩ, thật ra, lại là mong muốn giản đơn nhưng bất khả của con người – được sống: “I'm gonna finally put my real self into something.”

Còn Hazel, là cuộc truy cầu bất tận một tình yêu.

Thật khó nói Caden đã thành công hay thất bại. Chẳng ai có thể viết lại lịch sử. Chẳng ai có thể trộn mộng và thực để tái tạo đời. Chẳng ai có thể đi tìm thời gian đã mất. Chẳng ai có thể về lại dưới bóng những cô gái tuổi hoa. Nhưng, khi bà cụ trìu mến nói với Caden: “You're very welcome, young lady!”, ta lại mơ hồ cảm thấy, điều ấy dường như là có thể. Vãn hồi một cuộc hôn nhân, một thuở hoa niên, một khát vọng, một tình yêu, bằng cách ánh xạ cuộc đời lên sân khấu là không thể, nhưng rũ bỏ bản thân và đi tìm lại chính mình giữa sân-khấu-cuộc-đời này thì hình như lại là có thể, phải không?

Somewhere, maybe someday,
Maybe somewhere far away, 
I'll meet a second little person.
And we'll go out and play.

Wednesday, May 6, 2009

X-men, hay X-man?


Trong số các superhero của Marvel Comics, Wolverine sở hữu một sự hấp dẫn đặc biệt. Đặc biệt là với chị em. Chẳng phải ngẫu nhiên mà 50% khán giả cuối tuần qua ở Bắc Mỹ là nữ. Cũng dễ hiểu thôi, vì anh là Hugh Jackman, ”The Sexiest Man Alive” của People. Nghĩ kỹ ra, trong X-men Trilogy, anh là vô đối. Xavier hói. Cyclop thư sinh èo uột. Magneto già, xấu, lại suốt ngày đội nồi cơm điện. Anh là cool nhất. Đẹp trai này, nam tính này, hoang dại này. Thân thế bí ẩn nữa này. X-men Origins: Wolverine giải đáp sự bí ẩn ấy, nhưng bù lại, nó khoác cho anh một vẻ hấp dẫn mới đối với chị em: một quá khứ bi thương.

Bất ngờ đầu tiên: anh rất già, già hơn ta tưởng rất nhiều. Bất ngờ thứ hai: anh có một ông anh. Bất ngờ thứ ba: anh có vợ. Bất ngờ thứ tư: bộ vuốt của anh là hàng “độ.” Chả là sau rất rất nhiều năm vào sinh ra tử cùng Victor (Liev Schreiber), ông anh cùng cha khác họ, James (hồi ấy anh tên James) chán ngấy cuộc sống chém giết, lui về vui thú điền viên cùng Kayla (Lynn Collins), tình yêu của đời anh. Một ngày kia, ông anh quý hóa biệt hiệu Sabretooth tìm đến và chấm dứt sáu năm hạnh phúc của đôi uyên ương. Logan (bây giờ anh tên Logan) gạt nước mắt lên đường báo thù rửa hận.

Hugh Jackman vẫn là Hugh Jackman, và nếu ai đến rạp chỉ vì anh, chỉ để xem anh thì chắc chắn người ấy sẽ không thất vọng. Wolverine vẫn hoang dại như thế, vẫn tràn đầy khí chất như thế. Nhưng ngoài anh ra thì quả thực không có gì nhiều để xem, dù hầu hết các vai diễn đều tốt. Lynn Collins là một Kayla duyên dáng và quyến rũ. Liev Schreiber là một Sabretooh man dại, vừa yêu vừa hận đứa em trai. Danny Huston là một Đại tá Stryker bị ám ảnh với siêu năng lực của những X-men như một đứa trẻ hiếu động với bộ đồ xếp hình vừa được tặng, nghĩa là tháo ra lắp vào và cuối cùng phá hỏng tất cả. Taylor Kitsch rất hứa hẹn trong vai Gambit, và có nhiều khả năng anh sẽ xuất hiện trong phần sau. Đôi vợ chồng già Wolverine xin tá túc cũng hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình trước khi phải kết thúc chúng một cách khá lãng xẹt…

Thật đáng tiếc khi một bộ phim mà ai đóng cũng tốt cuối cùng lại không thành một phim hay. Vấn đề là X-men Origins: Wolverine tập trung vào hành động, chỉ vào hành động mà thôi. Và công bằng mà nói, phần hành động của phim khá ổn, quay đẹp, máu lửa mãn nhãn, dù rằng đôi chỗ hơi cliché (đoạn Wolverine oai hùng bước về phía ống kính, sau lưng khói lửa mịt mùng chẳng hạn). Nếu có điểm gì chưa đạt trong CGI, thì đó là những cảnh phi thân của Sabretooth, nhìn hơi giả.

Gavin Hood là đạo diễn của TsotsiRendition, thế nên không ít người đã chờ đợi một câu chuyện có chiều sâu (chiều sâu xét theo tiêu chí của phim superhero), chí ít thì cũng được như hai phần đầu tiên của X-men Trilogy. Tiếc rằng không như vậy. Kịch bản khá đơn giản, và chỉ là cái nền để Wolverine thể hiện kỹ năng chiến đấu siêu hạng với bộ vuốt độ không đụng hàng, và thế là hết. Logan không mất đi vẻ hài hước phong trần của anh, nhưng thế là chưa đủ để cứu vãn cả bộ phim.

Những ai đã là fan của những phần trước hẳn sẽ có hai điểm thất vọng. Trước hết là vì Wolverine trong phim không có đối thủ xứng tầm, nhất là sau khi được lên level với bộ vuốt adamantium. Sabretooth cá tính rất xứng với vai trò tử địch của Wolverine thì hàng lại không đủ xịn. Deadpool (một kiểu “X-men tinh tuyển” tập hợp năng lực của các X-men khác) hàng cực xịn thì lại chẳng cá tính gì. Có lẽ không ít người sẽ nuối tiếc một Mystique ma quái và một Lady Deathstrike sát thủ trong hai phần đầu tiên.

Sau nữa, khi đi vào khai thác đời tư của Wolverine, câu chuyện đã đánh mất đi cái ẩn dụ xã hội của cả series. X-men tượng trưng cho sự nổi loạn của những con người “khác biệt” trong một xã hội chuẩn mực và đòi hỏi tuân thủ chuẩn mực. Hãy nhớ lại cậu bé ở trường tư của giáo sư Xavier trở về nhà và đã bị cả gia đình từ chối như thế nào. Bố mẹ chối bỏ cậu, em trai ghen tị cậu. X-men là cuộc chiến của những con người đòi được khác và đòi hỏi xã hội chấp nhận cái khác ấy. Xavier chọn con đường ôn hòa, còn Magneto chọn con đường bạo lực. Cuộc đối đầu giữa X-men và Brotherhood of Mutants ở ba phần trước, bởi thế, không chỉ là cuộc đối đầu của hai nhóm siêu nhân, mà còn là cuộc đối đầu của hai lý tưởng. Thiếu đi điều đó, X-men Origins: Wolverine cũng sẽ chỉ là một phim superhero như bao phim superhero khác mà thôi.

Shinjuku Incident – Nỗ lực không thôi chưa đủ


Nhắc đến Thành Long, người ta nghĩ ngay đến hai thứ: (1) võ thuật: (2) hài. Tóm lại, Thành Long = võ thuật + hài. Lần này không thế. Shinjuku Incident không hài và cũng không võ thuật, dù vẫn có không ít cảnh đánh nhau. Sau hơn ba mươi năm theo nghề và hơn chín mươi bộ phim, nỗ lực quay sang đóng một vai nghiêm túc trong một bộ phim nghiêm túc này tuy rất đáng trân trọng, nhưng hình như hơi quá muộn đối với Mr. Chan.

Thiết Đầu (Thành Long) là một anh nông dân nghèo ở miền đông bắc Trung Quốc, lặn lội lên thành phố tìm người yêu. Vấn đề: thành phố ấy là Tokyo, và con đường mà Thiết Đầu đi là nhập cư bất hợp pháp. Với sự giúp đỡ của cậu bạn đồng hương A Kiệt (Ngô Ngạn Tổ), anh bắt đầu cuộc sống mới ở Shinjuku, một quận tập trung rất đông người Hoa nhập cư trái phép. Ở đây, anh gặp Lệ Lệ (Phạm Băng Băng), một cô chủ quán bar tốt bụng, và tái ngộ với Tú Tú (Từ Tịnh Lôi), người anh tìm kiếm bấy lâu. Sau cuộc gặp gỡ không lời ấy, Thiết Đầu quyết tâm ở lại Tokyo, quyết tâm đi lên bằng cách dấn thân vào thế giới ngầm của Shinjuku.

Đây không phải là lần đầu tiên Nhĩ Đông Thăng làm phim về một chàng trai nông thôn phải đối diện với hiện thực thành thị tàn nhẫn. Shinjuku IncidentOne Night in Mongkok cùng chia sẻ sự tàn nhẫn ấy trong một bầu không khí u tối và ảm đạm, nhưng sự sai lầm trong casting và kịch bản khiến họ Nhĩ không tái lập được thành công ở One Night In Mongkok. “Chàng trai” Thành Long đã năm mươi lăm, và khi sánh vai với một Ngô Ngạn Tổ trẻ trung và một Phạm Băng Băng xinh đẹp thì dù đã được sự hỗ trợ tích cực của botox khuôn mặt anh cũng không có được sự thuyết phục và biểu cảm tương xứng với một vai diễn bi kịch như vậy. Nhưng anh đã cố gắng, và nếu so với Lý Liên Kiệt và Chân Tử Đan thì cố gắng ấy vẫn rất đáng để người ta khen ngợi.

Ngô Ngạn Tổ vốn là diễn viên ưa thích của Nhĩ Đông Thăng, và nếu không có Thành Long chắc ông đã chọn anh vào vai chính như ở One Night In Mongkok. Và anh cũng là điểm sáng lớn nhất trong phim bên cạnh Naoto Takenaka vai thanh tra Kitano. A Kiệt của anh có lẽ là một bi kịch còn đáng xót xa hơn nhiều cái bi kịch của nhân vật chính. Bên cạnh anh, Phạm Băng Băng rất thành công trong vai bình hoa mới tốt bụng, trong khi Từ Tịnh Lôi cũng xuất sắc không kém trong vai bình hoa cũ nhiều tâm sự của Thiết Đầu.

Câu chuyện của Shinjuku Incident có thể nói là hứa hẹn khi nó khai thác một đề tài mới mẻ: người Hoa nhập cư bất hợp pháp ở Nhật và mặt trái của cuộc sống ấy (và có lẽ vì nó quá trái nên bộ phim đã bị cấm chiếu ở Đại lục). Chỉ tiếc rằng kịch bản của phim khá lỏng, và lại lỏng ở đúng những thời điểm mấu chốt. Nếu sự ngây thơ của Thiết Đầu dễ hiểu thì sự thăng tiến dễ dàng của anh ở Shinjuku lại cho thấy sự ngây thơ đến khó hiểu của biên kịch, khi cái thế giới ngầm mà anh dấn thân vào có lúc rất thật mà cũng có lúc không thật chút nào, cả trong cái đơn giản và sự tàn nhẫn của nó. Cái kết dành cho Thiết Đầu là hợp lý, nhưng cái cách anh đi đến cái kết đó thì hơi quá khiên cưỡng.

Nếu không có điểm yếu về kịch bản thì có lẽ Shinjuku đã thành một phim rất đáng xem với sự mới mẻ cả trong đề tài và cách tiếp cận. Càng đáng tiếc hơn khi phim quay rất tốt, dưới một ống kính toan tính và đầy dụng ý của Kita Nobayashu. Nhĩ Đông Thăng rất giỏi dùng phim 2.35:1, chiều rộng của khuôn hình kết hợp với góc máy cận cảnh đã lột tả khá chân thực cái bức bối cả về không gian lẫn tinh thần của cuộc sống ở Shinjuku.

Nhưng thế vẫn là chưa đủ. Vấn đề của một phim như Shinjuku Incident là nó rất u tối. U tối là một lựa chọn mạo hiểm, bởi nếu thành công thì bộ phim sẽ lưu lại rất lâu trong ký ức người xem. Nếu không, những gì lưu lại chỉ là mệt mỏi.