Tuesday, September 18, 2012

Những vòng quay cảm xúc

Mười ba năm trở lại đây, Jean-Pierre và Luc Dardenne đã trở thành hai tên tuổi nổi tiếng bậc nhất ở LHP Cannes. Gần như không lần nào đến đây mà họ lại ra về tay trắng. Phim của anh em nhà Dardenne là một thế giới có hấp lực mãnh liệt, đau đớn nhưng đầy chất nhân văn, và, với nhiều khán giả, đã thành một sự kiện đáng chờ đợi của Cannes. Năm 2011, họ đã không làm người xem thất vọng khi mang đến đây The Kid with a Bike.

Cậu Bé ở đây là Cyril (Thomas Doret), một tâm hồn hoang dại, bị người cha đơn thân bỏ lại trại mồ côi. Xe Đạp là chiếc địa hình màu đen gióng nhôm bất ly thân của cậu, đã mất tích cùng với cha cậu bé. Nóng lòng tìm cha, Cyril xin đến ở với Samantha (Cécile de France), cô thợ uốn tóc sống gần nhà cũ, người đã tìm thấy và chuộc chiếc xe về cho cậu. Trong khi khát khao được quay về với cha chưa lúc nào nguôi trong Cyril, nỗi chống chếnh đã đẩy cậu vào vòng tay Wes, một tên du đãng địa phương…

Thoạt đầu, không ít khán giả sẽ khó chịu với Cyril, vì cậu quá ương ngạnh, ương ngạnh đến vô lý. Cái cách cậu phản kháng cũng không khác gì những cậu bé hư khác – làm đúng cái điều người lớn nói cậu không được làm. Nhưng, dần dà, khi câu chuyện bắt đầu hé mở, chúng ta lại từ khó chịu chuyển sang đồng cảm, đồng cảm sang xót xa, xót xa sang lo âu, lo âu thành giận dữ, giận dữ thành nhẹ nhõm thở phào… theo từng vòng bánh xe số phận của Cyril. Cái giỏi của Jean-Pierre và Luc là ở đấy: câu chuyện đơn giản, nhưng xúc cảm nó gieo vào lòng khán giả thì lại phức tạp đến ngổn ngang; kinh phí khiêm tốn, nhưng The Kid vẫn như một lỗ đen hút tuột người xem vào đáy sâu của cảm xúc.

Để làm điều này với The Kid, anh em nhà Dardenne cần đến một phép màu. Phép màu ấy tên là Thomas Doret. Cyril của Thomas hiện lên trong mắt chúng ta như một con sói con trung thành – không phải yêu, mà là trung thành! – một cách tội nghiệp với người cha đã vứt bỏ mình. Trong hành trình bướng bỉnh mà vô vọng đi tìm cha, con sói tóc vàng phải gánh chịu hết ngọn roi này tới cú đòn khác: đầu tiên là sự thật trần trụi rằng cha đã bỏ cậu đi, rồi đến sự thật phũ phàng rằng ông đã bán chiếc xe cậu hằng yêu quý lấy vài đồng, tiếp đến là sự thật tàn nhẫn rằng ông ta không cần cậu. Và cuối cùng là sự thật đau lòng rằng mọi cố gắng của cậu chẳng có ý nghĩa gì với ông ta… Bất chấp tất cả, Cyril chưa một lần rơi nước mắt, và chính cái không-khóc-ở-Cyril lại khiến người xem rơi lệ.

Nếu Cyril là nửa hiện thực đau lòng của The Kid, thì Samantha là nửa cổ tích của bộ phim. Mối liên hệ duy nhất giữa họ là lần Cyril chạy trốn thầy giáo ở nhà trẻ, và bất ngờ ôm chặt lấy cô, như người chết đuối níu một cái cọc. Nhưng từ cái ôm ghì ngắn ngủi ấy, tim Samantha đã cảm ứng với những nhịp đập cô đơn, hoang mang và thổn thức trong tim cậu bé. Một cái ôm thay đổi hai cuộc đời. Có thể với tất cả, vòng tay giang rộng của Samantha là phi logic, nhưng với cô tiên kiêm thợ uốn tóc này, mọi chuyện đều hết sức tự nhiên, kể cả những giọt nước mắt mà cô nhỏ xuống vì Cyril, một lần duy nhất trong phim. Samantha là lời nhắn nhủ mà Jean-Pierre và Luc gửi đến những người mẹ, đến tất cả chúng ta: không đứa trẻ nào là không thể cảm hóa, miễn là có một tình yêu, và một lòng bao dung đủ lớn.

Nhiều đạo diễn khác có lẽ đã dừng lại ở đây. Anh em nhà Dardenne thì không. Như một cua rơ xe đạp, cần một cú bứt phá để cán đích đầu tiên, cậu bé đạp xe của chúng ta đã dấn thêm một nhịp trong phần kết, để chạm đến đáy lòng khán giả, để buộc người xem phải bồi hồi suy ngẫm, về tính trọn vẹn của sự chuộc lỗi, về ranh giới mong manh của tội ác, và về sự vô thường trong số phận con người.

Bài đăng trên Đẹp số tháng 10/2012

Sunday, September 16, 2012

Malèna

Những người đàn bà đi qua đời tôi, ai cũng nói rằng “Hãy nhớ em!” Người duy nhất mà tôi nhớ, đến tận bây giờ, chính là người duy nhất chưa bao giờ nói, Malèna.

Renato Amoroso kết thúc câu chuyện về nàng Mary Magdalene của mình như thế. Một cậu bé mười bốn tuổi, tên là yêu đương (amore), đem lòng mê đắm một thiếu phụ hai mươi bảy tuổi đẹp tựa Nữ thần, và có cái tên làm người ta nhớ đến người nữ ái đồ lừng danh của Chúa: Maddalena Scordia (và thật tình cờ, Monica Bellucci cũng chính là người thủ vai Magdalene trong The Passion of the Christ).

Như đạo diễn Salvatore Di Vita của Cinema Paradiso, và như tay kèn Max Tooney của Legend of 1900, Renato cũng ôm trong lòng một nỗi hoài nhớ đầy khắc khoải. Nhưng có lẽ, nỗi nhớ của Renato sẽ có được sự đồng cảm từ cánh đàn ông nhiều hơn cả, bởi trên đời này có bao nhiêu cậu trai mười ba, mười bốn, đã trao những rung cảm đầu đời cho một người đàn bà hơn tuổi, một người đàn bà có nụ cười xe chỉ ấm trôn kim?

Người đàn bà này, nàng Malèna xứ Sicily này, chỉ có thể là Monica Bellucci. Vai diễn này sinh ra dành cho nàng. Mà cũng chỉ có nàng, biểu tượng của vẻ đẹp Ý hậu Sophia Loren, mới xứng đáng vào vai diễn này. Tornatore đích thực là một đạo diễn tài ba, nhưng nếu không có Monica, Monica với mái tóc đen huyền, bờ môi đầy nhục cảm, ánh mắt u uẩn, và thân hình của một thần Vệ nữ Phục hưng, thì Malèna sẽ chẳng bao giờ có thể là Malèna mà chúng ta từng biết.

Malèna buổi ban đầu là một thiếu phụ thời chiến điển hình: nàng yêu và nhung nhớ người chồng ra trận. Chỉ có điều, nàng quá đẹp, và vẻ đẹp ấy đã đem lại cho nàng bao khó khăn và sức ép giữa một thị trấn mà ngồi lê đôi mách, đồn thổi và đơm đặt đã thành lẽ sống của người dân. Trước những đòn đánh của chiến tranh và của người đời, nàng gục ngã, phó mặc cho số phận. Đến một lúc nào đó, nàng trở nên bất cần – nếu người đời vu cho nàng là một con điếm, thì nàng sẽ là một con điếm. Cuối cùng, khi số phận xót thương nàng, cho nàng cơ hội, nàng lại can đảm trở về, đối mặt với nơi từng cướp đi của nàng tất cả – chồng, cha, tự tôn, và nhân phẩm…

Tất cả những sắc thái và diện mạo khác nhau này của Malèna, từ một thiếu phụ lắc đầu trông nắng vãn bên sông tới cô gái tóc vàng “hãy cố vươn vai mà sống, tô son lên môi lạnh lùng”, dường như, với Monica, đều có sẵn từ trong máu. Nàng không cần diễn, nàng chỉ cần đứng đó thôi, khí chất tự nhiên của một nữ thần ba mươi sáu tuổi sẽ thay nàng làm tất cả.

Suốt những ngày tháng thăng trầm của Malèna, luôn có một đôi mắt nâu trong veo của tuổi mười ba đầy si mê và ngưỡng vọng dõi theo nàng. Renato yêu nàng vừa như một người đàn bà, vừa như một thánh nữ – cách mà những cậu trai non tơ luôn yêu những người đàn bà thành thục. Tình cảm Renato dành cho Malèna vừa có cái khát khao nhục dục rất đỗi bản năng của một cậu bé đang tuổi dậy thì, vừa có niềm sùng kính của một tâm hồn thuần khiết với hiện thân của cái Đẹp. Hai thái cực tưởng như mâu thuẫn này đã hòa quyện vào nhau một cách hết sức tự nhiên, trong suốt thời niên thiếu và cũng là thời-say-đắm của Renato.

Những ký ức của Renato, qua ống kính của Tornatore, cũng hòa quyện với nhau với cùng một sự tự nhiên như thế. Chắc hẳn nhiều người sẽ mỉm cười khi thấy Renato đắm mình vào những huyễn tưởng trẻ thơ – từ Tarzan đến Caesar, từ võ sĩ giác đấu bất bại đến tay súng Viễn Tây oai hùng… Mỗi khuôn hình đen trắng này lại làm ta nhớ đến Cinema Paradiso, bởi đó là sự gặp gỡ của hai niềm đam mê trong tim cậu bé: Malèna và điện ảnh. Và chắc cũng không ít người bùi ngùi khi chứng kiến Renato đau khổ trong nỗi ghen tuông đầu đời. Ghen tuông một cách đầy cao quý và bao dung. Ghen tuông và thấy mình bất lực. Có lẽ chỉ sự thuần khiết của Renato mới đủ sức kháng cự lại những đòn đánh mà số phận đã giáng xuống đầu Malèna, qua đó gián tiếp công kích trái tim non nớt đang rực lửa yêu đương của cậu bé. Đau lòng biết mấy trước mỗi lần sa ngã của người đàn bà yếu đuối, nhưng cậu bé vẫn yêu, vẫn xót thương, vẫn cảm thông, và vẫn sẵn lòng tha thứ – điều không phải gã đàn ông nào ở vào địa vị cậu cũng làm được.

Renato yêu Malèna khi cậu bắt đầu bước vào tuổi thiếu niên, và khi tình yêu kết thúc, cũng là lúc cậu trở thành người lớn. Nói đúng hơn, cuộc tình thầm lặng ấy đã mang Renato từ miền trẻ thơ sang bờ thành trưởng. Tất cả những trải nghiệm đầu đời của cậu đều gắn liền với bóng hình người đàn bà kiều mị ấy: từ chiếc xe đạp đầu tiên tới chiếc quần dài đầu tiên, từ bức thư tình đầu tiên tới lần làm tình đầu tiên. Hết đắm đuối hờn ghen với mối tình đầu đặc biệt, Renato lại vật vã với bản thân và với gia đình trên con đường trở thành người lớn. Nhưng cuộc thành nhân của cậu bé, trong vòng tay bà mẹ mê tín mà thương con và ông bố dữ đòn, mang màu sắc hài hước bao nhiêu, thì cuộc yêu của Renato lại ngọt ngào mà cay đắng bấy nhiêu. Yêu Malèna, Renato đã nếm trải, chứng kiến mọi tư vị của cuộc đời, bởi Malèna chính là tấm gương phản chiếu cuộc đời một cách chân xác nhất. Ở nàng, Renato đã thấy hết: sự tàn phá ghê gớm của chiến tranh, sự tàn nhẫn của con người, sự vô tình của xã hội… Nàng, với Renato, là hiện thân của cái Đẹp, bị Dục vọng thèm khát, Ghen tị thù ghét, và cái Ác chà đạp. Cuối cùng, khi cái Đẹp bị Chính chuyên đánh hội đồng giữa quảng trường thành phố, trong nỗi kinh hoàng thảng thốt, Renato bỗng nhận ra rằng, để thực sự trưởng thành, người đàn ông không thể thiếu một chút lòng can đảm…

Sau Monica Bellucci và sau Giuseppe Sulfaro trong vai Renato, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến diễn viên thứ ba đã làm Malèna trở thành một bài ca buồn không thể nào quên: âm nhạc. Suốt một trăm lẻ chín phút, Renato-người-lớn chỉ nói vài lời. Phần còn lại dành cho Ennio Morricone, bởi ông đã thay Renato nói lên tiếng lòng của hiện tại khi hoài niệm về quá khứ. Âm nhạc của Morricone lúc náo nức hăm hở như từng vòng quay bánh xe của Renato đuổi theo nàng, khi lại cười đùa giễu cợt trước cảnh đám đàn ông tay chân xoắn quẩy trước mặt nàng. Nhưng khi chỉ còn lại nàng với Renato, trong chốn riêng tư của tình yêu câm lặng, giai điệu dặt dìu quen thuộc của nỗi hoài nhớ lại trỗi dậy, như ngọt ngào thủ thỉ, như khắc khoải chờ mong, như ngậm ngùi tiếc nuối, và cả hổ thẹn một cách âm thầm… Và mỗi lần như thế, ta lại như nghe thấy Renato-của-hiện-tại đang mơ màng níu gọi: Ma-lè-na!

Bài đăng trên Thể thao Văn hóa Đàn ông số tháng 10/2012