Friday, November 16, 2012

The Teddy Bear

Bạn sẽ làm gì khi ông bạn nối khố ở chung nhà, ngủ chung giường, xem chung ti vi, hút chung cần sa, và cùng chia sẻ nỗi-sợ-sấm suốt hai mươi bảy năm nay, một ngày kia bỗng trở thành vật cản trong mối quan hệ của bạn với một hot girl đẹp không kém gì Mila Kunis (người phụ nữ sexy nhất của GQ năm 2011 và Esquire 2012). Một câu hỏi chẳng dễ trả lời! Càng khó khăn gấp bội với John Bennett, khi bạn của anh chàng là một con gấu bông tên là (dĩ nhiên rồi) Teddy!

Năm lên tám, cậu bé John tịnh không có một người bạn nào ngoài chú gấu bông. Đêm Giáng sinh, cậu bé đã nói ra một điều ước mà không biết rằng đúng lúc đó, một ngôi sao băng đang bay qua bầu trời Boston. Và hệ quả là, 27 năm sau, John (Mark Wahlberg) vẫn còn là một cậu-bé-ôm-gấu-bông dù đã ba mươi lăm tuổi; trong khi Teddy, tên thân mật là Ted (Seth MacFarlane lồng tiếng), đã biến thành một gã gấu già phóng đãng, nghiện ngập, và ăn nói tục tĩu. Sau ngần ấy năm, họ vẫn là đôi-bạn-sợ-sấm thuở nào. Có điều, cuộc sống của họ từ bốn năm nay đã có thêm Lori. Cô nhân viên của một công ty PR lớn không rõ ăn phải bùa ngải gì mà lại đem lòng yêu gã trai ham chơi lười làm, không có tiền đồ, suốt ngày chỉ tụ bạ xem ti vi, hút xách và chém gió với một con gấu bông ác cảm với đàn bà Boston vì tội đã xấu lại còn chuyên giả vờ lên cơn cực khoái.

Bốn năm là một thời gian đủ dài để John cảm thấy đã đến lúc mình và Lori phải đi đến chung kết. Có điều, với Lori, muốn đủ tiêu chuẩn vào chung kết thì John phải là một người đàn ông độc lập, chín chắn và có trách nhiệm. Tóm lại là phải tống khứ con gấu bất hảo kia đi. Và, vô số chuyện khó lường đã xảy ra, khi John quyết định yêu cầu Ted “ra riêng”…

Sau hơn chục năm làm hoạt hình, trong lần đầu tiên ra mắt làng điện ảnh, Seth MacFarlane đã gây ấn tượng phải nói là rất mạnh. Ted có năm điểm ăn tiền. Thứ nhất là một ý tưởng kỳ quái – so với Paul (cũng của một anh chàng tên Seth, Seth Rogen) rõ ràng phim này dị hơn, bởi giữa một gã alien chửi bậy nhem nhẻm với một con gấu bông chơi trò fivesome, chắc chắn khán giả sẽ nhướng mày trước cốt truyện thứ hai. Thứ hai là lời thoại hài hước một cách duyên dáng, rất tục mà lại không sống sượng, với nhiều chi tiết liên hệ đến văn hóa đại chúng đương đại  khiến người xem không nhịn nổi tiếng cười khoái trá (Ở Ted, khán giả sẽ có dịp nghe giọng nói trầm ấm của Giáo sư Xavier của series X-men trong vai người dẫn chuyện, được biết chi tiết về chuyện tình một đêm của Ted với một nữ ca sĩ nhạc jazz nổi tiếng, được gặp chồng cũ của  Scarlett Johansson trong một vai diễn làm tất cả phải ngỡ ngàng. Và đặc biệt, fan hâm mộ của Twilight sẽ có cơ hội tìm hiểu về tuổi thơ bất hạnh của “người sói” Taylor Lautner.)

Thứ ba là câu chuyện đánh trúng tâm lý khán giả, cả nam lẫn nữ. Nam giới đồng cảm với John bao nhiêu về nỗi giằng xé tội nghiệp giữa một bên là chiến hữu còn bên kia là người yêu, thì phụ nữ cũng chia sẻ bấy nhiêu với Lori về nỗi chán nản trước thói chơi bời nhậu nhẹt của bọn đàn ông hôi hám. Thứ tư là nhạc phim khá quyến rũ của Walter Murphy cộng với giọng hát ngọt ngào sóng sánh của Norah Jones trong ca khúc chủ đề, Everybody Needs a Best Friend. Và cuối cùng là… (nhạc nền hoành tráng) Mila Kunis trong vai Lori. Đây chính là những lý do đã giúp Ted vượt mặt The Hangover để thành phim hài dành cho người lớn (R-rated) có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Cũng cần nói thêm rằng, xét một cách công bằng Mark Wahlberg diễn không hề tệ. Chỉ có điều khuôn mặt và ngoại hình quá cơ bắp của anh không thật sự phù hợp với phim hài lãng mạn. Đó là chưa kể việc hào quang của bộ phim hoàn toàn dồn vào Teddy Bear, người đã quen thuộc với vị thế ngôi sao showbiz từ hồi bé tí, càng khiến vai diễn của Mark bị lu mờ.

Mặc dù vậy, có lẽ không ít đàn ông vẫn sẽ thấy bóng dáng mình ở John Bennett, dù hiếm ai gặp phải một tuổi thơ cô độc như anh. Ở John, có một nỗi băn khoăn thường trực luôn dằn vặt nhiều đấng nam nhi: nên cố gắng phấn đấu, có chí tiến thủ, để “có danh gì với núi sông”? Hay nên là một người bình thường, sống cuộc đời vô lo vô nghĩ, túy lúy với đồng chí, lè phè cùng bạn bè? Ở tuổi 35, John có thể không phải là tấm gương của sự thành đạt, nhưng ai dám bảo những năm tháng đã qua của anh và Ted kém hạnh phúc hơn bất kỳ ai? Và, còn nữa, thành đạt làm gì khi rốt cục, người cua được gái xinh lại là anh John cả ngố chứ không phải gã Rex bố làm to? (Tất nhiên điều này chỉ có thể là trong phim Hollywood, nên câu hỏi trên thiết tưởng cũng không cần phải trả lời.) Chính thế nên bộ phim đã khép lại với những kết cục rất cụ thể cho từng nhân vật, trừ John. Anh và Lori sẽ ở bên nhau, chắc chắn rồi. Nhưng anh có thành đạt không, có thăng tiến không, có trở thành người đàn ông mẫu mực, kế tục ông sếp làm quản lý cửa hàng không thì không ai biết cả.

Một điều nữa, càng làm các chàng trai thấy nhân vật John vô cùng thân thuộc, là tiếng cười khanh khách của đứa trẻ trong anh. Trong mỗi người đàn ông luôn có một đứa trẻ. Đó vừa là khuyết điểm, nhưng cũng là may mắn của đàn ông. Đành rằng đứa trẻ trong John quậy phá hơi nhiều và hơi dai, nhưng liệu có mấy gã trai ba mươi mà chẳng ham chơi, chẳng thích nằm ườn xem ti vi tán nhảm, chẳng bồi hồi khi được gặp thần tượng thời thơ ấu bằng xương bằng thịt? Và, hơn hết, có ai chẳng ước ao có một người bạn-thiết-trọn-đời như Ted? Ted của John không chỉ là một chú gấu bông biết nói, một cao thủ sử dụng cà rốt (thực ra là parsnip, một củ có họ với cà rốt) và ăn salad khoai tây trên bờ mông trần của em gái bán hàng tóc vàng nóng bỏng. Ted còn là hiện thân và hội tụ của tất cả những gì cánh đàn ông sẽ vĩnh viễn chẳng bao giờ tìm thấy được ở người yêu hay vợ của mình. Ted, chính là biểu tượng cho câu nói đã trở thành chân lý với không ít chàng trai: chỉ có đàn ông mới đem lại cho nhau hạnh phúc.

Bài đăng trên Thể thao Văn hóa Đàn ông số tháng 12/2012

Sunday, November 11, 2012

Rust & Bone

Năm 2007, nàng trở thành nữ diễn viên đầu tiên trong lịch sử đoạt cả giải César lẫn Oscar cho cùng một vai diễn. Tiếng tăm nổi như cồn, nàng liên tục xuất hiện trong các bom tấn: Public Enemies, Nine, Inception, The Dark Knight Rises… Nhưng những ai yêu mến Marion Cotillard, tự đáy lòng, vẫn nhớ về nàng trong hình hài con én nhỏ bi thương của nước Pháp. Họ hiểu rằng, nàng là nhiều hơn thế, và tài năng của nàng vượt xa những vai thứ, vai phụ mà Hollywood đưa lại cho nàng.

Thế nên khi biết năm 2012, nàng sẽ cộng tác với Jacques Audiard của The Beat That My Heart SkippedRust and Bones, tất cả đều háo hức chờ đợi. Và Marion đã không làm những ai yêu mến nàng thất vọng.

Rust and Bones, nàng vào vai một huấn luyện viên cá voi không may bị tai nạn phải cắt bỏ đôi chân. Suy sụp, Stéphanie tìm đến Ali (Matthias Schoenaerts), một cựu võ sĩ, như một điểm tựa tinh thần. Ali, bất chấp một thể chất mạnh mẽ, căng tràn nam tính, cũng có những bất ổn của riêng gã khi dọn đến Antibes[1] sống tạm bợ cùng đứa con trai sáu tuổi ở nhà chị gái.

Có thể nói, kể từ La Vie en Rose tới nay, nàng mới được giao một vai diễn phức tạp và có chiều sâu tâm lý và xứng tầm đến thế. Từ trước khi bị tai nạn, ánh mắt, giọng nói, cử chỉ của Stéphanie đã chất chứa vẻ hoang mang lạc lối, như một dự cảm không lành. Sau tai nạn, tinh thần của nàng càng sa sút thê thảm. Diễn xuất của Marion vừa tiết chế không sa vào cường điệu, vừa tự nhiên như thể nỗi đau vốn là như thế. Cảnh Stéphanie ngồi bên cửa sổ, điều khiển cỗ xe lăn nhún nhảy theo nhạc gieo vào lòng người xem một nỗi bi thương khó bề lý giải. Có cảm giác ngôn ngữ cơ thể của Marion còn biểu cảm hơn cả gương mặt của nhiều diễn viên nữ khác (mà Kristen Stewart là một ví dụ điển hình).

Rất tình cờ, hai bộ phim cạnh tranh suất đại diện cho Pháp dự Oscar năm nay đều là câu chuyện về một người tàn tật và một thanh niên nhập cư (Intouchables đã được giới thiệu trên Đẹp tháng 7/2012). Chỉ có điều Rust and Bones không nhẹ nhàng và ấm lòng người, mà thật như chính cuộc đời, buộc người xem phải nghĩ và phải day dứt. Mối quan hệ giữa Stéphanie với Ali thực tế một cách thẳng thắn và thẳng thắn một cách tàn nhẫn. Cách gã đối xử với nàng ban đầu vừa tự nhiên, lại cũng vừa khó hiểu. Đó không phải là tình yêu, mà là sự bảo bọc rất bản năng của một con đực khỏe mạnh đối với một con cái bị thương. Nhưng phải đợi đến khi nàng có lại đôi chân, gã mới bắt đầu nhìn nàng như một người đàn bà. Nàng cũng vậy, đôi chân khiến nàng thấy mình đàn bà trở lại (dấu hiệu là nàng không chịu tắm khỏa thân như lần gã đến thăm và đưa nàng ra biển nữa.)

Nhưng để thực sự là một người đàn bà trọn vẹn thì, cả nàng và gã đều có chung một quan điểm, phải có năng lực tình dục và cả khoái cảm tình dục nữa. Bởi vậy nên nàng tự ti. Và gã giải tỏa nỗi niềm ấy bằng cách cho nàng cảm giác được làm một người đàn bà thực thụ, chứ không phải một thân xác bị phí hoài. Họ tìm đến với nhau trong một mối tương giao rất nguyên thủy: gã đem đến cho nàng khoái cảm và, quan trọng hơn cả, sự tự tôn, hai thứ làm mặt nàng tươi tắn và mắt nàng thì sáng long lanh có phần hơi bẽn lẽn.

Về phần mình, Ali nghèo, gặp khó khăn trong công việc, trong cách giao cảm và chăm sóc đứa con trai. Nhưng không chỉ có vậy, bất ổn lớn nhất của gã là gã tìm thấy khoái cảm(?) và sự giải tỏa trong những trận kick-boxing của thế giới ngầm. Chính ở một trận đấu kiểu đó, lần đầu tiên Stéphanie từ chỗ được gã giúp đỡ đã trở thành người cổ vũ gã về tinh thần. Nhưng khi đó gã còn chưa hiểu hết được ý nghĩa của nàng đối với mình. Gã nghĩ rằng gã không cần ai cho tới khi gã cảm thấy cần nàng, mãi tận sau này, khi biến cố xảy ra, khi cái bản năng đàn ông vốn là điều nổi bật nhất ở gã từ đầu phim đến giờ bị lu mờ trước bản năng mãnh liệt hơn của tình phụ tử.

Cho dù Matthias cũng rất xuất sắc trong vai Ali, phải nói rằng diễn xuất của anh đã bị lu mờ trước Marion. Muôn vàn cung bậc cảm xúc của Stéphanie, từ cơn suy sụp hậu-tai-biến đến những bước hồi sinh rụt rè bỡ ngỡ, từ niềm ghen tuông hờn giận rất đàn bà đến nỗi khát khao nhớ tiếc sân khấu trên một khuôn hình đơn sắc vô thanh nhưng đầy biểu cảm, tất cả đều được nàng thể hiện một cách không thể xuất sắc hơn. Sau Sophie Marceau, với La Vie en Rose, và với Rust and Bones, nàng chính là người định nghĩa lại vẻ đẹp Pháp trong điện ảnh.


[1] Một thành phố biển miền nam nước Pháp.

Bài đăng trên Đẹp số tháng 12/2012