Saturday, June 15, 2013

Before Midnight

Có lẽ hiếm có series phim truyện nào trên thế giới lại đặc biệt như bộ ba “Before” của Richard Linklater. Phim được xây dựng theo kết cấu thời gian thực thì nhiều. Series phim kéo dài suốt nhiều năm và khán giả chứng kiến sự trưởng thành của nhân vật theo thời gian cũng không phải ít.

Nhưng hẳn “Before” là trilogy duy nhất dung hợp cả hai yếu tố một cách “cực đoan” đến thế. Sau khi hé lộ cho người xem một lát cắt ngắn ngủi vài tiếng đồng hồ sex định đoạt cuộc đời của đôi trai gái (“Before Sunrise”, 1995), Linklater bắt ta chờ đợi chín năm để gặp lại Jesse và Celine, cũng của chín năm sau (“Before Sunset”, 2004) trong vòng 80 phút. Vàthêm một lần chín năm như thế trôi qua, với cả người xem và nhân vật, trước khi ta tái ngộ đôi tình lữ ấy lần thứ hai. Ở “Before Midnight”.

Những khán giả may mắn nhất của trilogy này hẳn sẽ là những người trạc tuổi Ethan Hawke (1970) và Julie Delpy (1969), vì họ sẽ luôn luôn và mãi mãi ở cùng độ tuổi với nhân vật trên phim. Sự tương đồng về tuổi tác sẽ ban cho họ một ưu thế độc quyền: mối tương liên của những con người cùng thế hệ. Hơn ai hết, họ là người thấu hiểu hơn cả những cuồng dại tuổi hai mươi, những suy tưởng tuổi ba mươi, những trải nghiệm, khó khăn, khủng hoảng tuổi bốn mươi của đôi bạn đời này. Nhìn vào Jesse và Celine, không ít người sẽ thấy chính mình; thấy mình trẻ trung, trưởng thành và già đi; thấy những buồn vui, mộng tưởng, mâu thuẫn trong nội tâm mình.

Thật khó để review một phim như “Before Midnight”, và lại không tiết lộ điều mà tất cả khán giả đều băn khoăn khi kết thúc phần hai. Rất xin lỗi các bạn: Phải, Jesse đã lỡ chuyến bay! Anh đã bỏ lại nước Mỹ người vợ oán hận và cậu con trai lên bốn, để đến với Paris. Đến với Celine.

Linklater là người rất biết chọn những địa danh lãng mạn để làm cái nền quyến rũ cho “Before”. Phần một là Vienna. Phần hai là Paris. Và phần ba là Kardamyli – một thị trấn đẹp như tranh ở miền nam Hy Lạp. Nhưng khác với hai phần đầu, khi Jesse và Celine hăm hở đi tìm (và tìm lại) mối giao cảm của đời mình, lần này chính sự gắn bó quá sâu sắc, quá ràng rịt, đã thành căn nguyên của vấn đề giữa họ. Không phải ngẫu nhiên Linklater lại chọn Hy Lạp, một xứ sở của di sản quá khứ nhưng đang vật lộn trong khủng hoảng hiện tại, làm bối cảnh cho phim. Vì đây cũng chính là điều Jesse và Celine sắp phải đối mặt: họ sẽ phải xem, những gì đã bị tàn phá, và những gì có thể bảo tồn, sau chín năm chung sống.

Cuối kỳ nghỉ hè ở Kardamyli, Jesse phải trả cậu con trai về Mỹ với người vợ cũ. Cuộc chia tay khơi lên trong anh niềm day dứt vì chưa tròn nghĩa vụ người cha với cậu bé. Trong khi đó, Celine, sau chín năm làm việc cho NGOs, đã chán nản và muốn tìm kiếm một thử thách mới. Quá nhạy cảm, quá hiểu nhau, cả hai dần dà cảm nhận thấy một rạn nứt mơ hồ trong người kia và trong mối quan hệ giữa họ, trước khi cơn sóng ngầm âm ỉ ấy bùng lên.

Nếu như trước kia câu chuyện chỉ là của riêng Jesse và Celine, phần ba chứng kiến sự xuất hiện của một dàn nhân vật phụ – gia đình nhà văn già đã mời nhà Wallace đến đây nghỉ hè. Quan hệ giữa họ được đặt trong tương quan với ba cặp quan hệ khác: nhà văn già với người bạn đời, cặp vợ chồng Hy Lạp đồng lứa, và một đôi tình nhân trẻ. Cuộc trò chuyện về tình yêu và tình dục bên bàn ăn rất dễ thương, có gì phảng phất phong vị của “Zorba, con người hoan lạc”.

Nhưng Jesse và Celine chỉ thực sự là Celine và Jesse khi chỉ có họ ở bên nhau. Điều này được khẳng định ngay từ đầu với màn đối thoại kinh điển dài mười phút trên xe, dưới cái nắng vàng ruộm như mật ong của miền nam Hy Lạp và trong lúc hai đứa nhóc ngủ gục ở ghế sau. Linklater vẫn trung thành với phong cách quen thuộc đã làm nên tên tuổi của anh, và dĩ nhiên của cả hai phần trước: tối giản và lấy thoại làm trung tâm. Vẫn sắc sảo. Vẫn thông minh. Vẫn táo bạo và hài hước. Nhưng người xem dễ dàng nhận ra sự thay đổi trong câu chuyện giữa họ: bớt đi ba phần trẻ trung, thêm vào ba phần từng trải, và đã xuất hiện ba phần mỏi mệt. Từ chỗ háo hức với thay đổi, họ đã thành hai con người ngần ngại thậm chí sợ hãi thay đổi. Những mộng mơ thuở nào đã nhường chỗ cho một thực tế có phần tàn nhẫn. Linklater còn độc ác nhấn mạnh thêm điều đó bằng cách phô bày dấu ấn của thời gian và tuổi tác trên hình thể Celine! Hiện thực này có thể sẽ làm vỡ mộng một số khán giả từng xem đây là đôi tình nhân lý tưởng (và một số quý ông từng xem Julie Delpy là người đàn bà lý tưởng), nhưng lại giành được sự tán thưởng của những ai vốn thấy “Before Sunrise” gần giống một chuyện cổ tích về tình yêu lãng mạn hơn là đời thực…

Bài đã đăng trên Đẹp số tháng 7/2013.

Thursday, June 13, 2013

The Place Beyond The Pines

Đây là lần thứ hai trong năm năm, Schenectady, một thị trấn nhỏ chưa đầy bảy chục nghìn dân, trở thành bối cảnh cho một bộ phim. Nhưng khác với Synecdoche New York, siêu thực một cách rất Kaufmanesque, The Place Beyond The Pines mang tới cho người xem ba câu chuyện rất thật. Vì thật, nên bi thương. Vì thật, nên day dứt. Vì thật, nên ngậm ngùi.

Vài năm trở lại đây, Ryan Gosling đã nổi lên trở thành ứng cử viên hàng đầu cho danh hiệu “biểu tượng nam tính mới của Hollywood”, trong khi Bradley Cooper, với vai diễn đình đám trong The Silver Lining Playbook, đã từ một chàng diễn viên điển trai lột xác trở thành một chàng diễn viên điển-trai-và-có-thực-lực. Thế nên, khi họ góp mặt trong Beyond The Pines, người xem đương nhiên có quyền chờ đợi một màn hội ngộ đặc biệt giữa chàng trai quyến rũ nhất Canada và người đàn ông sexy nhất nước Mỹ.

Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi ấy chỉ kéo dài hai giây, nhưng nó đã để lại di chứng ghê gớm với cuộc đời mọi nhân vật trong phim, và trở thành sợi dây nối liền số phận của hai gia đình tưởng chừng không có điểm chung: một da trắng, trên trung lưu (bố Avery là quan tòa), một da đen + Mexico (mẹ Romina cư trú bất hợp pháp).

Trước khi họ gặp nhau, Luke Clanton (Ryan) là một gã trai lang bạt kỳ hồ, phiêu dạt từ thị trấn này sang thị trấn khác cùng đoàn tạp kỹ, biểu diễn trò đua xe máy trong lồng sắt để kiếm sống. Trong một lần trở lại Schenectady, gã gặp lại tình cũ Romina (Eva Mendes), và biết rằng mình đã có với cô một đứa con trai chưa đầy tuổi. Bị bản năng làm cha thôi thúc, gã bỏ lại sau lưng quãng đời gió bụi và dừng chân ở “miền đất sau những rặng thông” với mong muốn được chăm sóc đứa bé. Nhưng Romina đã có người đàn ông khác, và gã buộc phải đứng ngoài lề cuộc sống của hai mẹ con.

Những năm tháng giang hồ có thể đã hun đúc nơi Luke một nam tính mãnh liệt, đã lưu lại trên da thịt gã vô số hình xăm, nhưng lại chẳng hề dạy cho gã cách làm cha. Ý niệm duy nhất của gã về trách nhiệm người cha – tuy không sai nhưng hết sức đơn thuần – là chu cấp tiền cho đứa nhỏ. Gã đem sở trường lái xe để đi cướp nhà băng, với sự trợ giúp của Robin (Ben Mendelsohn), một chủ tiệm sửa ô tô đã có thời vào tù ra tội. Trong một lần đi cướp, gã chạm trán Avery Cross (Bradley).

Dư chấn sau lần đối mặt với Luke không ngừng ám ảnh viên cảnh sát trẻ Avery, nhất là sau khi anh chứng kiến sự tha hóa trong hàng ngũ cảnh sát. Anh bỏ hành pháp chuyển sang tư pháp, và sau mười lăm năm đã thành Trưởng công tố ở hạt Schenectady.

Nhưng quá khứ không buông tha Avery. AJ, con trai anh, lại là kẻ làm Jason, con trai Luke, bị liên lụy vì tàng trữ ma túy…

Có thể nói Derek Cianfrance, trong bộ phim lớn thứ hai của mình, đã gây bất ngờ bằng cấu trúc ba hồi của Beyond The Pines. Mỗi hồi đều có sắc thái hoàn toàn khác nhau: hồi thứ nhất đậm chất noir của B-movie với nhân vật chính là một gã giang hồ từng bước đi đến con đường tự diệt; hồi thứ hai là cuộc đấu tranh quen thuộc giữa cớm tốt với cớm xấu trong hàng ngũ cảnh sát; còn hồi thứ ba là cuộc khủng hoảng tâm lý của tuổi sắp thành niên. Cianfrance đã khéo léo dung hòa cả ba thể loại điển hình của Hollywood vào làm một, và đưa người xem lần lượt đi qua ba vùng cảm xúc khác nhau.

Để lại ấn tượng mạnh mẽ nhất trong cả ba, có lẽ là hồi thứ nhất. Nói vậy không có nghĩa là diễn xuất của Bradley Cooper thua sút hơn, mà bởi vì câu chuyện của Ryan Gosling quá sức kịch tính, và Ryan dường như được sinh ra cho những vai diễn như thế. Kể từ Drive (2011), giới làm phim đã nhận ra anh đặc biệt phù hợp với những nhân vật nam tính một cách dữ dội và bạo liệt, đồng thời cũng rất dễ tổn thương và luôn chịu mặc cảm bị gạt ra ngoài lề xã hội. Mỗi hình xăm trên cơ thể Luke cũng như những miếng Urgo băng kín những vết thương tâm lý trong lòng gã. Bi kịch của gã cũng rất gần với số phận của gã tài xế vô danh của Drive:  cả hai đều yêu một người đàn bà đã có chồng, có con, chỉ đành ngậm ngùi đứng xa mà ngắm cảnh hạnh phúc nhà người. Nhưng trong chừng mực nào đó, Luke còn đáng thương hơn, bởi vì đứa nhỏ cười khanh khách trên ô cửa sổ sáng đèn ở Schenectady chính là con gã. Nếu tay tài xế đập nát đầu địch thủ trong bản năng của một con mãnh thú đánh hơi thấy nguy hiểm, thì Luke đánh bị thương chồng Romina chỉ vì cuộc đời lang bạt đã biến gã thành một kẻ vụng về trong giao tiếp. Khi cảm thấy quyền làm cha bị đe dọa và từ chối, gã không biết phản ứng và bảo vệ nó bằng cách nào khác ngoài bạo lực.

Hồi thứ hai mặc dù không có sức ám ảnh lớn như hồi thứ nhất, nhưng người xem vẫn cảm nhận được sự dằn vặt của Avery, nhất là cái lần anh đối diện với Romina và tận mắt chứng kiến hậu quả không thể bù đắp mà mình đã gây nên. Mọi cố gắng của anh – tố giác nhóm cảnh sát tha hóa, phấn đấu làm một công tố viên tốt – dường như đều nhằm chuộc lại sai lầm trong quá khứ, để tìm một chút thanh thản trong tâm hồn. Dù phim không đi sâu vào cuộc sống gia đình Avery và Jennifer (Rose Byrne), nhưng khán giả không khó nhận ra, chính dư chấn của quá khứ đã đẩy Avery ra xa, nhấn chìm anh xuống một thế giới riêng, gieo mầm rạn nứt cho cuộc hôn nhân giữa họ.

Tuy có dấu hiệu hụt hơi, nhưng hồi thứ ba – chuyện của AJ và Jason – vẫn chứa đựng những giây phút đặc biệt rung động, khi hai đứa trẻ, nhất là Jason, vật lộn trong di sản quá khứ hai người cha để lại. Năm xưa, Robin từng quẳng cho Luke một chiếc phao, và cũng từng làm hết sức để gã không trôi về vực thẳm. Số phận đã chú định cho người sửa xe già tốt bụng ấy, mười lăm năm sau, chính là người ném phao cho con trai gã. Beyond The Pines có được may mắn là không chỉ hai vai chính mà cả dàn diễn viên phụ đều hóa thân xuất sắc vào nhân vật. Cô đào nóng bỏng Eva Mendes trở thành một người mẹ trẻ nghèo, lặng lẽ, nhẫn nại gánh vác mọi tai ương của gia đình trên đôi vai gầy guộc. Mahershala Ali lần thứ hai vào vai người cha nuôi tốt bụng (lần trước, anh là bố của Brad Pitt trong The Curious Case of Benjamin Button), và tuy đất diễn không nhiều, vẫn khiến người xem cảm nhận được sự đôn hậu và chân thành trong tính cách. Cho dù may mắn có được người mẹ và cha nuôi như thế, Jason vẫn khát khao vượt thoát khỏi thế giới chật hẹp, tù túng của một thị trấn nhỏ. Miền đất bên kia rặng thông tượng trưng cho tự do, hạnh phúc, và cứu rỗi, điều suốt đời Luke và Avery đã mải miết kiếm tìm và, có lẽ, đã cùng thất bại. Giờ đây, đến lượt con trai họ sẽ tiếp nối hành trình ấy.

Bài đã đăng trên Thể thao Văn hóa Đàn ông số tháng 7/2013.