Friday, December 14, 2012

Lawless

Nếu điện ảnh Mỹ có hai đặc sản, thì đó chính là gangster và Western, với những “Godfather” hay “The Good, the Bad, and the Ugly”, từ lâu đã trở thành huyền thoại. Nhưng rất hiếm khi có một bộ phim vừa gangster vừa Western. Chính thế nên, khi vừa ra mắt, “Lawless” đã lập tức thu hút sự quan tâm đặc biệt của khán giả. Nhất là khi cha đẻ của nó lại là John Hillcoat và Nick Cave từng lừng lẫy với “The Proposition”.

Lấy bối cảnh cuối thời Cấm rượu (1931-1933), “Lawless” đưa ta đến hạt Franklin, tiểu bang Virginia, cái nôi của moonshine, thứ rượu lậu 95 độ cồn (!) từng hoành hành khắp miền nam nước Mỹ. Nơi đây có một gia tộc đã trở thành huyền thoại của cả hạt: nhà Bondurant. Người anh cả, Forrest (Tom Hardy), là một con hùng sư trầm lặng. Người anh thứ, Howard (Jason Clarke) là một con dã nhân dữ tợn. Còn cậu út, Jack (Shia LaBeouf) là một chú sói con đang tuổi giương vây và ghẹo gái. Cuộc kinh doanh rượu lậu của nhà Bondurant đương hồi suôn sẻ thì Charles Rakes (Guy Pearce), Phó thanh tra Đặc trách của tiểu bang, xuất hiện và đòi phần to trong miếng bánh không chỉ của ba anh em mà của tất cả các nhà nấu rượu lậu trong vùng. Là hộ duy nhất không quy phục, nhà Bondurant trở thành đối tượng mà Rakes muốn đánh gục để răn đe và trấn áp cả vùng. Hai bên dấn sâu vào một cuộc chiến không khoan nhượng, dai dẳng và cực kỳ đẫm máu…

Đẫm máu là chuyện hết sức bình thường đối với phim gangster và Western, càng bình thường hơn khi tác giả của nó là Hillcoat và Cave. Nhưng điều đáng nói là cả hai không vãi máu lên màn ảnh, mà rất toan tính và tiết chế. Để đảm bảo rằng mỗi lần máu đổ, là một lần người xem phải rùng mình. Ở “Lawless”, bạo lực đã trở thành một thứ ngôn ngữ biểu cảm, một diễn ngôn tàn khốc về tính cách của từng nhân vật. Bạo lực của Forrest Bondurant là thứ bạo lực âm trầm, lão luyện, và đầy nguyên tắc của một kẻ từng trải giang hồ. Y hiếm khi ra tay, nhưng đã ra tay thì bao giờ cũng tàn độc và bất lưu tình. Bạo lực của Howard là thứ bạo lực nguyên thủy mang màu sắc dã thú. Bạo lực của Jack là thứ bạo lực bốc đồng của tuổi trẻ. Bạo lực của Floyd Banner (Gary Oldman), ông trùm kiêm đối tác buôn rượu lậu của nhà Bondurant, là thứ bạo lực đậm chất gangster phố lớn, tay cầm khẩu Tommy vãi đạn vào xe hơi. Bạo lực của Charles Rakes là thứ bạo lực khủng bố của một viên cảnh sát bệnh hoạn, biến chất, gợi cho người ta nhớ đến Norman Stansfield trong “Léon” (thật tình cờ, do chính Gary Oldman đóng). Còn bạo lực của hai tên sát thủ mà Rakes cử đến là thứ bạo lực đê tiện của những kẻ đốn mạt, buộc một nhan sắc đô thành như Maggie Beauford (Jessica Chastain) phải lưu lạc phong trần về tận Franklin làm thuê cho quán rượu nhà Bondurant.

Cùng với bạo lực, một thành công rất độc đáo của “Lawless” là sự pha trộn khéo léo song vẫn phân định rạch ròi giữa gangster và Western. Những năm 30 là thời đại của gangster, với những Al Capone, John Dillinger, sản phẩm của một xã hội công nghiệp và hiện đại. Thời của những gã cowboy đã qua lâu rồi. Franklin tuy không phải là New York hay Chicago, song cũng không phải là một thị trấn Viễn Tây bảy mươi năm về trước. Con người nơi đây ít nhiều vẫn bảo tồn được những giá trị, những nguyên tắc hành xử xưa cũ, nhưng trong tính cách đã có nhiều đổi thay sâu sắc. Forrest Bondurant là đại diện cho những thay đổi ấy. Trong chừng mực nào đó, y vẫn là một tay hảo hán, một kiểu Võ Tòng phương Tây. Nhưng y đồng thời đã thành một ông chủ, một người làm ăn. Tuy chưa tha hóa như Tony Montana trong “Scarface”, nhưng y không còn là tay súng vô danh huyền thoại của Sergio Leone thuở nào. Y có những quy tắc và những đạo lý của riêng mình, nhưng y cũng không chê tiền. Từ chỗ là một con hùng sư cô đơn và xa cách, sau cùng y đã phải lòng Maggie, một mỹ nhân thành thị.

Ở đây, Forrest Bondurant và Floyd Banner chính là hai thái cực đối lập, hai mẫu người hùng thời loạn: một khoác cardigan, thủ trong áo một nắm đấm thép; một vận complet, tay xách tiểu liên. Một cao-bồi-thôn và một gangster-thành-phố. Và nhân nói về cardigan, sau “Lawless”, chúng ta sẽ không bao giờ nghĩ về cardigan như trước đây ta từng nghĩ nữa, bởi vì Tom Hardy đã đem đến cho chiếc-áo-của-ông-nội này một khí chất bất thường. Khoác trên thân hình vạm vỡ của Tom, nó vẫn gợi lên bóng dáng bậc cha chú – mà quả thực, với Jack, thậm chí cả Howard, Tom vừa như anh vừa như cha. Nhưng đồng thời nó cũng tỏa ra một áp lực kinh khủng, bởi với y, “khác biệt giữa con người không phải là bạo lực; khác biệt nằm ở chỗ anh sẵn sàng đi xa đến đâu”. Mà y thì đi đến tận cùng. Âm trầm, lãnh đạm và hiếm khi biểu lộ cảm xúc, nội tâm y sâu thẳm khó dò đến mức, sau đêm ân ái đầu tiên Maggie phải hờn giận thốt lên: “Ai lại bắt con gái chờ như thế?” Chuyện tình của y với Maggie, cũng như của Jack với em gái nhà lành theo đạo Mormon, vừa điểm xuyết thêm một nét lãng mạn cho mạch truyện đẫm máu, vừa làm nổi bật hơn nét tương phản giữa hai anh em – trong cách làm ăn, sử dụng bạo lực và cách ứng xử với đàn bà. Đây là một nỗ lực lớn của Shia LaBeouf trong việc rũ bỏ những vai diễn con nít kiểu “Transformer” để đóng một cái gì đó chất hơn. Hai lần người ta tưởng Jack sắp sửa rũ bùn đứng dậy sáng lòa và trở thành nhân vật chính – lần đầu khi gã gặp Floyd trên phố, lần hai khi tai biến xảy ra với Forrest. Nhưng rốt cục, người nào vẫn vào chỗ ấy, đàn ông vẫn là đàn ông và cậu bé vẫn chỉ là cậu bé. Cho đến phút chót, khi gã xuyên qua bóng tối của cây cầu, để bước ra ánh sáng – một ẩn dụ của sự thành nhân.

Cũng trong “Lawless”, người ta chứng kiến cuộc xâm lăng của thành phố đối với nông thôn, phong cách gangster đối với văn hóa Western. Cảnh Floyd Banner vãi đạn giữa phố chính Franklin là hồi kèn báo hiệu cuộc xâm lăng này. Thứ bạo lực hào nhoáng ấy đã mê hoặc được Jack; thứ áp lực khủng bố của Rakes đã trấn áp được tinh thần người dân nơi đây; và thứ mị lực của Maggie đã chiếm hữu được huyền thoại bất tử của Franklin. Một là bạn, một là địch, một là tình nhân, nhưng cả ba đều là những kẻ chinh phục. Có người thành công, có kẻ thất bại, nhưng rõ ràng cộng đồng nấu rượu lậu cảm nhận rất rõ áp lực này. Cuộc đọ súng giữa họ với Rakes và thuộc hạ, chính là một nỗ lực phản kháng đầy bản năng của những con người cũ hòng bảo vệ một trật tự cũ và những giá trị cũ. Viễn Tây trong thập niên 30 đang oằn mình tuyệt vọng để kháng cự lại gangster. Lần này, họ tạm thời chiến thắng. Nhưng chúng ta đều biết điều gì đang chờ đợi họ ở phía trước: đó là “Goodfellas”, là “Scarface”, là “Heat”. Thế nên, năm 2007, anh em nhà Coen mới cám cảnh thốt lên rằng: “No country for old men!” – hết đất cho những anh già.

Bài đăng trên Thể thao Văn hóa Đàn ông số tháng 1/2013

Tuesday, December 11, 2012

Life of Pi

Năm 2002, khi “Life of Pi” đoạt giải Booker, câu chuyện hiện thực kỳ ảo này lập tức được giới điện ảnh dán cho cái nhãn “không thể dựng thành phim”. Thế nên, mười năm sau, khi Lý An tiếp nhận thách thức này, cả thế giới đều háo hức chờ ngày “Life of Pi” công chiếu. Tất cả chờ đợi ba điều. Ông sẽ giải quyết câu đố hóc búa của một kịch bản có hai phần ba thời gian diễn ra trên chiếc xuồng cứu sinh dài tám mét kiểu gì? Ông sẽ giải đáp câu hỏi về Chúa Trời xuyên suốt tác phẩm ra sao? Và ông sẽ mang chất thơ mỹ cảm mà tàn nhẫn từng giúp ông thành danh với “Ngọa hổ Tàng long” và “Brokeback Mountain” vào bộ phim này thế nào?

Trong chừng mực nào đó, Lý An đã giải đáp xuất sắc cả ba nan đề ấy. Ông đã rất dũng cảm khi không hề né tránh câu hỏi về Chúa, mà ngược lại, lấy nó làm trung tâm, thể hiện và kiến giải nó bằng những khuôn hình đầy tinh tế. Mỗi cảnh quay đẹp đến sững sờ và run rẩy của “Life of Pi” không chỉ thấm đẫm mỹ cảm mà còn là những ẩn dụ sâu xa về đức tin, nỗi nghi vấn, và niềm hoang mang tôn giáo mà Pi đối diện từ thời thơ ấu, và đặc biệt là trong 227 ngày lênh đênh trên Thái Bình Dương. Bộ phim khởi đầu bằng một trường đoạn đậm chất Animal Planet tưởng như chỉ nhằm phô diễn kỹ xảo 3D. Nhưng đó, kỳ thực, chính là cách Lý An khắc họa thế giới đa thần ở Ấn Độ: vườn bách thú chính là một thứ điện bách thần của đạo Hindu. Con cá voi khổng lồ lấp lánh lân quang là ám chỉ về Jonah , trong khi không khó để nhận ra hòn đảo ăn thịt người là hình tượng thần Vishnu ngủ trên biển sữa. “Tại sao hoa sen lại ẩn trong rừng?”, câu hỏi Pi đặt ra cho Anandi chính là khát vọng truy cầu và chứng nghiệm của cậu suốt cuộc hải hành sinh tử ấy. Và đó cũng chính là lời tiên tri của Anandi, bởi chiếc răng giữ vai trò thức tỉnh Pi đã được Lý An giấu vào một “đài sen” – loài hoa thần thánh nhất của Ấn Độ.

Với tiếng tăm của mình và bản thân tác phẩm, Lý An hoàn toàn có thể chọn một diễn viên nổi tiếng hơn. Nhưng ông đã rất tỉnh táo khi gửi gắm vai Pi hồi trẻ cho Suraj Sharma, một cậu bé hoàn toàn vô danh. Suraj đã có một màn trình diễn làm các diễn viên gạo cội cũng phải ghen tị, vừa thể hiện được tình yêu ngây thơ của một gã trai “phải lòng” tôn giáo lẫn niềm tuyệt vọng của một đứa trẻ lênh đênh giữa đại dương. Người xem chia sẻ với từng cảm xúc của cậu: nỗi mất mát, niềm hy vọng, sự dại khờ, và lòng can đảm. Trong khi đó, Pi tuổi thành niên lại là một người đàn ông có biệt tài kể chuyện. Sau những đường nét trầm tĩnh trên khuôn mặt Irrfan Khan là khả năng biểu đạt cảm xúc dữ dội chỉ bằng một ánh liếc mắt, một cái nhíu mày. Trong khi Suraj mê hoặc khán giả nhờ cuộc chìm nổi trên biển khơi kỳ ảo, thì Irrfan điềm đạm ngồi trong căn bếp, và mang đến cho câu chuyện sức mạnh khả tín của hiện thực.

Đã tìm ra hai vai chính, nhiệm vụ còn lại của Lý An là đem câu chuyện của Yann Martel lên màn bạc. Sau James Cameron, ông là một nhà làm phim hiếm hoi, nếu không muốn nói là đầu tiên, thực sự làm chủ kỹ xảo 3D và vận dụng nó như một thủ pháp nghệ thuật chứ không phải một công nghệ làm tiền. Chiều không gian thứ ba này đã lôi khán giả vào màn ảnh, đặt họ lên con thuyền với Pi và Richard Parker trong suốt bảy mươi phút biển trời nghiêng ngả.

Trung thành với phong cách mỹ cảm của mình, và có lẽ vì cả sức ép từ studio, Lý An đã tước bỏ đi khá nhiều khía cạnh “tàn nhẫn” của tiểu thuyết, để nó phù hợp hơn với mọi đối tượng khán giả. Ta sẽ không thấy con linh cẩu ăn sống con ngựa vằn, cắn đứt đầu con đười ươi, hay cậu bé ăn phân của Richard Parker, nhưng ấn tượng về sự khắc nghiệt của chuyến hải trình không vì thế mà giảm sút. Có điều, nếu “Life of Pi” của Yann Martel bi tráng một cách kinh sợ thì “Life of Pi” của Lý An lại đẹp đến kinh diễm, khiến người xem bỗng cảm thấy hành trình của Pi, với bấy nhiêu đau khổ đọa đày, trong chừng mực nào đấy, vẫn là rất đáng. Sau “The Fall” của Tarsem Singh, mới lại có một phim đẹp một cách duy mỹ đến nhường này. Nhưng khác với “The Fall”, cái đẹp ở “Life of Pi” không chỉ đẹp để mà đẹp. Đây là cái đẹp thăng hoa của tâm linh, của mối giao cảm giữa trời và nước, thiên đàng và trần thế, của mối tình ghen tuông và chiếm hữu mà cái chết dành cho sự sống. Câu chuyện của Pi chứa đựng một quyền năng khiến nhân vật nhà văn tin vào Chúa Trời, còn bộ phim về Pi sở hữu một vẻ đẹp làm người xem tin vào điện ảnh – điều dường như đã trở thành xa xỉ trong thời đại ngày nay.

Bài đã đăng trên Đẹp số tháng 1/2013