Friday, October 19, 2012

Rome: mùa yêu đương, mùa rong chơi

Sau bốn mươi năm mải mê chinh chiến và yêu đương với cô nàng Muse có tên là Điện ảnh, gã phù thủy Manhattan, Woody Allen, muốn nghỉ ngơi bằng cách làm ra những bộ phim “rong chơi cuối trời quên lãng” về Châu Âu. Woody khởi đầu series bưu ảnh đẹp mộng mị ấy bằng Vicky Cristina Barcelona, tiếp nối là Midnight in Paris, và năm nay là To Rome with Love.

Sau một Barcelona phóng túng, và một Paris mộng mơ, phần lớn khán giả chờ đợi một Rome không kém phần nồng nàn say đắm. Và có lẽ là phần lớn đã thất vọng. Thất vọng do quá thật thà. Thật thà đâm ra tổ trác. Vừa lãng mạn được hai phim, Woody đã không giấu nổi cái đuôi xù của con cáo già tinh quái, ưa giễu nhại: cái khán giả tưởng là một chuyện tình thi vị, hóa ra lại là một tuyển tập những tiếng cười trào phúng đủ mọi cung bậc nhắm vào cả giới elite lẫn bình dân.

Câu chuyện đầu tiên là về một viên chức quèn đang sống đời buồn tẻ bỗng nhiên nổi tiếng đến nỗi chuyện ông ta mặc quần lót gì cũng được lên báo. Chuyện thứ hai về một đôi vợ chồng son từ quê lên Rome, và trong khi anh chồng dút dát bất ngờ bị một gái điếm hạng sang xông vào tận phòng ve vãn thì cô vợ sa vào lưới tình của một diễn viên nổi tiếng. Chuyện thứ ba về một chàng sinh viên kiến trúc người Mỹ phải lòng cô bạn thân nhất của bạn gái mình; và chuyện thứ tư về một ông nhà đòn có biệt tài hát opera trong buồng tắm bỗng trở thành ngôi sao nhờ sự giúp đỡ của thông gia tương lai, một nhà sản xuất âm nhạc về hưu.

Bốn câu chuyện của Rome hầu như không có mối liên hệ nào, nếu không muốn là hoàn toàn riêng biệt. Sự gắn kết, nếu có, chính là không gian thơ mộng của chốn Đô thành Bất tử và không khí siêu thực bao trùm bộ phim, bởi tất cả dù được kể đan xen nhau, nhưng lại không diễn ra trên cùng trục thời gian: tao ngộ kỳ lạ của đôi vợ chồng son chỉ trong vòng một ngày, của Begnini độ vài ngày, cuộc phiêu lưu của ông nhà đòn và chàng sinh viên dài vài tuần, thậm chí vài tháng. Không những thế, câu chuyện của Jack còn có một nhân vật kỳ quái (Alec Baldwin), một kiến-trúc-sư-trung-niên-kiêm-thần-hộ-mệnh, lẽo đẽo đi theo và hăm hở chọc phá mối nhu tình vừa chớm nở của chàng sinh viên khờ khạo.

Coi Rome như một cuộc dạo chơi, Woody tha hồ phô diễn những trò tinh quái, và cái sự nghịch tinh này đã bộc lộ ngay từ cách chọn diễn viên. Khuôn mặt Begnini của Cuộc sống tươi đẹp 15 năm trước đã rất buồn cười thì giờ đây càng ngộ nghĩnh hơn khi vào vai ông viên chức điển hình. Mỹ nhân Tây Ban Nha, Penelope Cruz, hóa thân thành gái điếm nói tiếng Ý nhem nhẻm. Vai tay tài tử nổi tiếng hào hoa sát gái lại được giao cho một diễn viên lùn béo và hói sọi. Cô gái Mỹ được quảng cáo làm đàn ông ai cũng mê đắm hóa ra là Ellen Page, loắt choắt như trẻ con, ăn mặc chả khác gì cô bé vị thành niên mang bầu ở Juno ngày trước. Và nhà sản xuất âm nhạc về hưu nhát chết, dứt khoát không ăn món bruschetta của bà thông gia tương lai vì ngờ có formol, lại do chính Woody Allen đảm nhiệm.

Với Rome, Woody, nhẹ nhàng và trìu mến, giễu cợt tất thảy, từ sự lố bịch của các “ngôi sao” ở thời đại truyền thông, tới cái cách mà hai cuộc ngoại tình ngắn ngủi có thể là chất xúc tác cho cuộc hôn nhân nhàm chán về tình dục của đôi vợ chồng quê; từ lối kiểu cách “biết tuốt” nửa mùa của các em gái thích làm ra vẻ mình am hiểu và sành sỏi văn thơ nhạc họa, đến môn nghệ thuật được xem là hàn lâm cao quý là opera. Những quan niệm sáo mòn và đã thành công thức của du khách về Rome, những câu tán tụng cửa miệng về vẻ đẹp của thành phố cũng không thoát khỏi bị Woody chòng ghẹo. Và mỗi câu chuyện đều điểm xuyết những khoảnh khắc rất hài, rất kịch, khiến người xem hoặc cười khúc khích, hoặc cười sằng sặc, hoặc (đôi khi) ngơ ngác chẳng hiểu gì. Có thể đây không phải là một tác phẩm để đời của Woody, nhưng nó vẫn rất Allen, và vẫn mang đến cho những ai yêu mến ông 112 phút đồng hồ đầy sảng khoái.

Bài đăng trên Đẹp số tháng 11/2012

Tuesday, October 16, 2012

Khúc tráng ca của đời đặc nhiệm

Tháng 3/2012, một bộ phim Indonesia đã gây ra cơn địa chấn lớn nhất trong giới ghiền điện ảnh võ thuật kể từ Ong Bak (2003). The Raid: Redemption là sự kết hợp kỳ lạ (nếu không muốn nói là kỳ quái) của Gareth Evans, một đạo diễn trẻ người xứ Wales, và Iko Uwais, ngôi sao có gương mặt rất thư sinh của xứ Vạn đảo. Nếu Ong Bak khiến khán giả giật mình nhận ra Hongkong không còn là xứ sở độc tôn của những kiệt tác võ thuật, thì những màn cận chiến nhanh, chuẩn, độc và khốc liệt kinh người của The Raid đã thuyết phục họ rằng Tony Jaa đã có đối thủ xứng tầm ở Đông Nam Á. Mắc kẹt trong một chung cư cũ nát, sào huyệt của tên trùm xã hội đen, đội đặc nhiệm của viên cảnh sát trẻ Rama chỉ còn một lựa chọn là mở đường máu tiến lên. Và từ đấy, The Raid chỉ còn là cảnh Rama tiến lên, để lại sau lưng một con đường đẫm máu…

Trước khi Rama dấn bước vào hỏa ngục, The Raid dành cho viên cảnh sát trẻ một giây phút bình yên để chia tay người vợ đang mang thai đứa con đầu lòng. Cảnh quay đơn giản, dung dị, nhưng làm người ta bùi ngùi nhớ đến một viên cảnh sát đặc nhiệm khác ở bên kia quả địa cầu, cũng thân lâm hiểm địa khi vợ đang mang thai đứa con đầu lòng: Roberto Nascimento, Đội trưởng đặc nhiệm của thành Rio de Janeiro trong Tropa de Elite.

Trên thế giới, không thiếu gì những bộ phim ra đời để nối tiếp một bộ phim khác (sequel), hoặc làm lại một bộ phim khác (remake). Nhưng, bổ sung cho nhau một cách vừa ngẫu nhiên, vừa tự nhiên, vừa trọn vẹn như The Raid Tropa thì quả là hiếm thấy. Hai bộ phim đều là khúc tráng (và bi) ca của đời đặc nhiệm, nhưng từ hai góc độ, với hai cung bậc hoàn toàn khác biệt. Thế nên khán giả xem phim nào trước cũng được, bởi trình tự nào cũng có tư vị riêng, cũng sẽ mang lại cho người xem những cảm xúc riêng.

Bản chất của The Raid là một viên adrenaline liều cao, không phụ gia và không tá dược. Rama, như vị hoàng tử huyền thoại mà anh mang tên, từ đầu đến cuối, chỉ làm duy nhất một việc, đó là chiến đấu, chiến đấu, và chiến đấu, chống lại Tama và thuộc hạ, hóa thân trần thế của Quỷ vương Ravana. Chỉ thế thôi, nhưng cũng đủ khiến mạch máu khán giả sục sôi và thái dương thì giần giật theo mỗi đòn sát thủ của Rama.

Tropa thì không thế. Đây là câu chuyện chân thực mà khắc nghiệt về cuộc đời các thành viên trong lực lượng tinh nhuệ nhất của cảnh sát Brazil. Với giới tội phạm ở Rio, BOPE đã thành một thứ truyền kỳ, một nỗi ám ảnh, một Tử thần. Nhưng, với các thành viên trong đội, khi câu chuyện dần hé mở, ta mới hiểu rằng: chọn con đường này, với họ, đồng nghĩa với việc bước chân vào Vô gián đạo – một địa ngục bất tận và không lối thoát.

Câu chuyện của Tropa được kể qua góc nhìn dạn dày trận mạc của Nascimento. Người đội trưởng sắt đá của BOPE một ngày kia nhận ra mình sắp làm cha. Làm cha, đồng nghĩa với việc anh không thể làm đội trưởng nữa. Nascimento khởi sự cuộc săn lùng một người thay thế vai trò của mình, và thấy ở Matias và Neto, hai viên cảnh sát mới vào nghề vẫn sục sôi nhiệt huyết và lý tưởng, hai ứng cử viên tiềm năng cho vị trí mà anh sắp ra đi. Nascimento, bằng giọng nói trầm, lạnh, vô cảm, kể cho ta câu chuyện về Neto và Matias, về cơ duyên đã đẩy đưa họ đến với đội quân tinh nhuệ này.

Ở Matias và ở Neto, ta nhìn thấy hai tính cách hoàn toàn trái ngược: một da đen, trầm tĩnh, chất phác, trí thức; một da trắng, bốc đồng, ranh mãnh, máu lửa. Có điều, họ lại chia sẻ hai phẩm chất không thể thiếu khi gia nhập BOPE: lòng can đảm, và sự chính trực chưa bị giới cảnh sát biến chất ở Rio làm vấy bẩn.

Nhưng như thế là chưa đủ. Đặc biệt là với Matias, một anh chàng da đen mặc dù đã gia nhập BOPE nhưng vẫn ngây thơ tin rằng mình có thể vừa là luật sư vừa là cảnh sát, vừa là hung thần của tội phạm vừa là tình nhân dịu ngọt của Maria, cô nữ sinh quý tộc da trắng xinh đẹp cùng trường. Ở The Raid, tất cả những gì Rama cần để đột phá vào sào huyệt của cái ác chỉ là sức mạnh thể chất và một ý chí bất khuất. Nhưng, muốn tôi luyện bản thân đủ sức đương đầu với thế giới ngầm của Rio, Matias đã phải trả một cái giá rất đắt: đoạn tuyệt với con người cũ của mình, với lý tưởng về tinh thần thượng tôn pháp luật, với cuộc sống vô tư của một sinh viên, với vai người anh của muôn vàn em nhỏ, với cả Tình yêu… Đây chính là bi kịch của những cảnh sát thực thụ ở Tropa: họ khao khát trở thành người xuất sắc nhất để chiến đấu chống lại cái ác, và rồi nhận ra sự thật tàn nhẫn rằng: để thắng được cái ác, con đường duy nhất hữu hiệu, là phải ác-hơn-cái-ác!

Nếu địa ngục của Rama là một tòa chung cư với hàng trăm gã đầu trâu mặt ngựa thì địa ngục của Nascimento có tới hai tầng. Tầng thứ nhất, là các favelas (khu ổ chuột) đầy rẫy hiểm nguy của Rio. Tầng thứ hai, hiểm ác hơn, là con đường đẫm máu mà anh ngày một lún sâu vào. Tra tấn tàn bạo để bức cung, bỏ mặc kẻ chỉ điểm vị thành niên bị giết, xem đây như một tổn thất không-mong-muốn-nhưng-không-tránh-khỏi, Nascimento quả không từ thủ đoạn gì để duy trì trật tự và (?!) công lý. Có nhiều nhà phê bình cho rằng Tropa là sự tôn vinh trá hình bạo lực của cảnh sát. Nhưng trên thực tế, Nascimento hơn ai hết ý thức rõ và ghê sợ thứ bạo lực mà anh thực thi. Có điều, chính anh cũng vô phương cưỡng lại nó – nó đã ăn vào cốt tủy nghề nghiệp của anh. Ngoài đứa con sắp ra đời, nỗi ám ảnh của vòng xoáy bạo lực ngày một tăng dần chính là động cơ thôi thúc anh rút lui. Thật khó lòng phán xét anh đúng hay sai, song rõ ràng cuộc chiến nội tâm của Nascimento để duy trì sự cân bằng của tâm lý, để không chìm quá sâu vào vực thẳm bạo lực, cũng khốc liệt chẳng kém cuộc chiến của súng đạn mà anh phải đương đầu.

Ở đây, kết cấu truyện-trong-truyện cùng với những thủ pháp đặc thù của phim tài liệu khiến Tropa không thực sự có nhân vật chính: Nascimento vừa kể chuyện vừa trực tiếp tham gia câu truyện, nhưng chuyện lại chủ yếu xoay quanh Matias và Neto. Nhưng điều đó không quan trọng. Bởi vì Matias, Neto, hay Nascimento, cũng đều là một. Matias và Neto chính là quá khứ của Nascimento, cái ngày anh mới chân ướt chân ráo bước vào đặc nhiệm; còn Nascimento chính là Matias hay Neto của tương lai, khi họ đã bị bào mòn và gọt nhẵn mọi khía cạnh cá nhân, chỉ giữ lại những gì cần thiết nhất, ác liệt nhất cho cuộc chiến chống tội phạm. Nhìn Matias, ta không khỏi bùi ngùi, cảm thông với Nascimento khi hình dung ra anh đã phải hy sinh những gì, vứt bỏ những gì, sau ngần ấy năm làm một Đội trưởng ở BOPE. Nhưng biết làm sao? Bài học được Đại úy Nascimento dành cho Matias, khi đặt vào tay anh khẩu shotgun, hóa ra, cực kỳ giản dị: Ta không vào địa ngục, thì ai vào địa ngục đây?

Bài đăng trên Thể thao Văn hóa Đàn ông số tháng 11/2012