Tuesday, December 20, 2011

Ngôi nhà gương của điện ảnh

Một thiếu phụ tóc vàng, mặc bộ đồ thể thao màu vàng viền đen, đứng sừng sững giữa phòng, trên tay là thanh katana đẫm máu, xung quanh la liệt xác chết. Cô là The Bride, được tạp chí Empire bình chọn là một trong 100 nhân vật điện ảnh vĩ đại nhất mọi thời đại. Lấy cảm hứng từ một nhân vật nổi tiếng khác – Lý Tiểu Long – mà bộ đồ vàng đen trong Tử vong du hí đã trở thành huyền thoại, The Bride là minh chứng tiêu biểu cho việc giễu nhại (parody) từ chỗ một thể loại bị coi là ngoại biên, phái sinh, đã hiên ngang bước vào dòng chính thống của điện ảnh thế giới.

Rất khó để khẳng định chính xác, giễu nhại ra đời từ bao giờ trong lịch sử mới ngoài 100 năm nhưng đầy biến động của điện ảnh. Nhưng cũng có thể khẳng định chính xác rằng giễu nhại ra đời từ rất sớm và đã song hành cùng điện ảnh từ những năm tháng đầu tiên của nghệ thuật thứ bảy. Như một nhà phê bình điện ảnh đã nói: nếu Hamlet quan niệm rằng “nghệ thuật mô phỏng cuộc sống” thì giễu nhại mô phỏng chính nghệ thuật và làm méo mó nó, một cách duyên dáng và kỳ quặc, như cách một ngôi nhà gương sẽ làm với hình ảnh của chúng ta.

Điện ảnh là một đối tượng rất rộng và giễu nhại, bởi thế, cũng không kém phần đa dạng. Một bộ phim có thể giễu nhại một phim khác, như The Good, the Bad, the Weird giễu nhại The Good, the Bad, and the Ugly; có thể giễu nhại phong cách của một đạo diễn, như High Anxiety của Mel Brooks với những bộ phim ly kỳ của Hitchcock; giễu nhại một thể loại như Scary Movie với dòng phim kinh dị; thậm chí giễu nhại một hình tượng điện ảnh cụ thể như Humphrey Bogart trong nhiều bộ phim noir trinh thám của thập niên 40 và 50. Ngược lại, giễu nhại có thể là chủ đề/phong cách chính của bộ phim, mà cũng có thể đơn giản chỉ là một trong nhiều thủ pháp được đạo diễn sử dụng trong bộ phim của mình – như gần đây Woody Allen đã làm với Midnight in Paris.

Một nét đặc trưng của giễu nhại là nó khiến khán giả cười kể cả khi họ không hề biết đến (những) bộ phim bị giễu nhại. Khán giả của Scary Movie có thể chưa xem Scream Bay-watch, nhưng họ vẫn thấy gã sát nhân và nhân vật của Carmen Elektra ngộ nghĩnh và lố lăng. Đương nhiên, những ai đã trải qua cảm giác sợ hãi của Scream hay chưa quên hình ảnh vai diễn của Elektra mặc bộ bikini đẫm nước chạy dưới biển lên trong khuôn hình quay chậm thì sẽ thấy Scary Movie vui nhộn hơn nhiều. Đặc trưng thứ hai là, để gợi cho khán giả về đối tượng bị/được bắt chước, phim giễu nhại thường sử dụng những yếu tố có tính biểu tượng như một bài nhạc nền đặc sệt chất Viễn Tây của Morricone hay chiếc mũ rộng vành của Indiana Jones để “cảnh báo” cho người xem về động cơ và đối tượng giễu nhại của bộ phim.

Vì ra đời sau và mô phỏng lại những bộ phim khác (thường là hay hoặc chí ít là có tiếng vang), phim giễu nhại thường bị nhìn nhận một cách khá bất công, bị xem là một thể loại phái sinh, ăn theo và thấp kém, không có giá trị gì đáng kể ngoài việc mua vui cho khán giả. Trên thực tế, giễu nhại vừa có giá trị “giáo dục” và vừa có giá trị phê bình. Để làm được và làm tốt một bộ phim giễu nhại, người đạo diễn phải rất thuần thục phong cách và các thủ pháp của bộ phim gốc. Cảm nhận, nắm vững được một cấu trúc, một thể loại điện ảnh, tái tạo nó từ một góc nhìn khác và giễu nhại nó một cách thành công, điều đó cũng đòi hỏi không ít trí tuệ cũng như năng lực sáng tạo. Hơn nữa, những thủ pháp đặc trưng của một loại hình điện ảnh vừa là thế mạnh những cũng là cái bẫy của khuôn sáo và công thức. Giễu nhại, bằng việc mô phỏng và phóng đại những đặc trưng ấy, đã gián tiếp “cảnh tỉnh”, thách thức các nhà làm phim nỗ lực vượt qua giới hạn của chính mình và của thể loại mà mình theo đuổi.

Trong giễu nhại điện ảnh tồn tại hai thái cực khá rõ rệt mà ta tạm gọi là giễu nhại châm biếm và giễu nhại tán dương. Giễu nhại châm biếm xem tác giả/tác phẩm bị giễu nhại là đối tượng để “tấn công”. Cảnh của Carmen Elektra trong Scary Movie rõ ràng là mỉa mai việc Baywatch tập trung khai thác sự hấp dẫn và phô bày cơ thể diễn viên nhằm lôi cuốn khán giả. Đây là một thủ pháp quen thuộc và dễ gặp trong phim giễu nhại. Nhưng, song song với hình thái này, còn có một phong cách giễu nhại khác kín đáo hơn, khó nhận ra hơn, và ngày càng trở nên nổi trội, đó là giễu nhại tán dương, hay đi xa hơn là giễu nhại tôn vinh. Shaun of the Dead hiển nhiên là nhái lại bộ phim zombie có tiếng là Dawn of the Dead, tuy nhiên khi xem Shaun người ta không thấy động cơ đả kích mà chỉ thấy một cái nhìn vừa hài hước, vừa yêu thích, vừa trìu mến với bộ phim gốc nói riêng và với loạt ba phim zombie của George Romero (hai phim còn lại là Night of the Living DeadDay of the Dead) nói chung. Đi xa hơn nữa là The Good, the Bad, the Weird, nhái lại rất kỹ siêu phẩm Viễn Tây của Sergio Leone không với mục đích nào khác là thể hiện tình yêu mến và trân trọng, qua đó tái khẳng định vị thế tượng đài của The Good, the Bad, and the Ugly trong lịch sử điện ảnh. Không chỉ vậy, một số bộ phim khi được tái hiện qua lăng kính giễu nhại đã cho ra đời các loại hình điện ảnh mới, như rùng rợn hài, kinh dị hài, trinh thám hài… Điều này góp phần xóa nhòa ranh giới giữa các thể loại, và làm phong phú thêm kho tàng điện ảnh thế giới.

Một điều đáng nói nữa là giễu nhại rất thường bị lẫn lộn với trào phúng (satire). Nét khác biệt cơ bản của hai thể loại này được một nhà phê bình tổng kết rất súc tích: “Đối tượng của giễu nhại là những tập quán văn học và điện ảnh còn đối tượng của trào phúng chính là những tập quán của xã hội”. Trong khi động cơ của giễu nhại là sự yêu thích, hài hước hóa, và cùng lắm là châm biếm đối tượng bị giễu nhại, thì trào phúng quyết liệt hơn hẳn khi công kích những thói hư tật xấu của đời sống. Nhưng cũng có không ít trường hợp giễu nhại trào phúng hòa quyện một cách khéo léo qua bàn tay nhào nặn của đạo diễn: từ những năm 1990, Paul Verhoeven, trong Starship Troopers, bằng cách giễu nhại phong cách của truyền hình hiện đại, đã mỉa mai sâu cay yếu tố tuyên truyền của truyền thông hiện đại, tệ phân biệt chủng tộc, cũng như tình trạng bạo lực lan tràn trên phương tiện truyền thông.

Trong dòng phim giễu nhại, có không ít đạo diễn xuất sắc, thậm chí làm nên tên tuổi của mình bằng những bộ phim giễu nhại. Có thể kể ra Mel Brooks với Blazing Saddles, Young Frankenstein, anh em nhà Coen với Fargo, The Big Lebowski, Woody Allen với Play it again Sam, Sleeper. Nhưng trong khuôn khổ hạn hẹp, bài viết chỉ giới thiệu hai tên tuổi nổi bật nhất của giễu nhại đương đại, một của điện ảnh Châu Á và một của Hollywood.

Ông vua không ngai của phim hài Hong Kong, Châu Tinh Trì, là một đại diện tiêu biểu cho sự pha trộn của giễu nhạitrào phúng. Châu, với phong cách mo lei tau (tạm hiểu là “hài nhảm”), giễu nhại hầu hết những thể loại đặc hữu của điện ảnh Hong Kong, từ cổ trang đến võ hiệp, từ Tây du ký đến James Bond. Giễu nhại của Châu được thể hiện một cách hồn hậu và trìu mến, tôn vinh những gì tinh túy nhất Hong Kong đã sản sinh cho điện ảnh và những gì đẹp đẽ nhất điện ảnh đã sản sinh cho thế giới. Chỉ riêng Kungfu Hustle đã giễu nhại từ tiểu thuyết Kim Dung đến phim Như Lai thần chưởng, từ Godfather đến The Shining, từ The Matrix đến Long tranh hổ đấu. Châu thậm chí thường xuyên giễu nhại chính mình bằng cách lặp lại nhiều chi tiết, thủ pháp trong nhiều phim khác nhau. Đồng thời, Châu phúng thích sâu cay và tuyệt không khoan nhượng những thói hư tật xấu của người đời như dục vọng, lừa lọc, bạo lực…

Nếu Đông có Châu Tinh Trì thì Tây có Quentin Tarantino. Cũng như Châu, trước khi là một đạo diễn thì Tarantino là một con nghiện phim, và giễu nhại là cách để anh thể hiện tình yêu ấy. Tất cả những gì anh biết, anh yêu về điện ảnh đều trở thành đối tượng giễu nhại. Nói cách khác, Tarantino giễu nhại điện ảnh nói chung với tư cách một phương tiện (medium) nghệ thuật. Đặc biệt, Tarantino dành cho những bộ phim hạng B, và cho điện ảnh Châu Á một tình yêu và một sự trân trọng hiếm thấy. Có thể thấy trong Kill Bill dấu ấn rõ rệt của phim spaghetti Western, phim yakuza và samurai Nhật Bản, phim võ hiệp cổ trang và võ thuật Hong Kong; còn Deathproof đích thực là một phim hạng B của thập niên 60 với đầy đủ những cái hay, cái đẹp, lẫn cái rởm rít của nó. Cái giỏi của Tarantino, cũng như Châu, là hội tụ tất cả những yếu tố ấy trong một “nồi lẩu” lạ miệng song vẫn hợp khẩu vị của đa số khán giả. Họ đã xóa nhòa đi ranh giới giữa bình dân và cao cấp, giữa ngoại biên và trung tâm, giữa thể loại và chủ lưu. Bằng giễu nhại, Châu, Tarantino, và các nhà làm phim như họ, đã đem đến cho điện ảnh điều mà nhân loại chưa thể đem đến cho xã hội: sự bình đẳng đích thực.

Bài đăng trên Đẹp số Tết 2012