Thursday, May 27, 2010

Còn lại gì sau thất bại?

Ngày nay, thành công (nghệ thuật + thương mại) của một bộ phim là sự tổng hòa của rất nhiều yếu tố. Sự xuất sắc tự thân của tác phẩm, tất nhiên. Chỉ có điều, như vậy là chưa đủ. Để thành công trong thời đại toàn cầu hóa, bộ phim phải có một mạng lưới phân phối rộng khắp, một chiến lược PR hiệu quả và sự hậu thuẫn của giới phê bình. Nhiều tác phẩm vì thiếu vắng một, hai, hoặc cả ba yếu tố ấy nên đã không có được vị trí xứng đáng trong lịch sử điện ảnh khi ra mắt. Và, có lẽ không phải tình cờ, không ít trong số đó là những bộ phim viễn tưởng.

Năm 1997, Paul Verhoeven, đạo diễn của Robocop lừng danh và Basic Instinct đình đám, cho ra mắt bộ phim viễn tưởng Starship Troopers với kinh phí 105 triệu USD. Bộ phim gây chia rẽ sâu sắc trong giới phê bình và là một thất bại thương mại lớn của Verhoeven. Năm năm sau, tới lượt một bộ phim viễn tưởng khác, Equilibrium của Kurt Wimmer, ra đời, bị giới phê bình chê bai thậm tệ và thất bại thảm hại về doanh thu. Thời điểm bài viết này ra mắt điểm của Troopers trên trang web IMDB là 7.1/10. Equilibrium còn ấn tượng hơn khi đạt 7.7. (English Patient, phim đoạt giải Oscar 1996, chỉ được 7.3). Những thống kê này, dù chỉ mang tính tương đối, cũng đặt ra cho ta một câu hỏi: có thật là hai bộ phim này dở như chúng đã từng bị chê bai không tiếc lời vào thời điểm ra mắt hay không?

Nếu hỏi Verhoeven, vì sao Troopers thất bại, có lẽ câu trả lời của ông sẽ là: Vì tôi làm quá khéo! Quả thực đây là một bộ phim dễ xem, nhưng chính vì quá dễ xem nên phần đông đã bỏ sót tầng nghĩa phúng dụ chua cay ẩn sâu dưới lớp vỏ ngoài hoành tráng và lộ liễu của một phim giải trí thông thường. Sau khi tốt nghiệp cấp III, Carmen (Denise Richards) thi vào không quân. Nhằm duy trì tình cảm với cô, Johnny (Casper van Dien) cũng nhập ngũ, nhưng lại bị phân về bộ binh. Họ tham gia cuộc viễn chinh đến hành tinh Klendathu, nơi cư trú của các Arachnid, những sinh vật bị con người gọi một cách khinh miệt là “lũ Bọ”. Câu chuyện đúng kiểu Hollywood: anh hùng đánh bại kẻ ác (ở đây là lũ Bọ), cứu được mỹ nhân, giành mọi vinh quang, chấm hết. Bổ trợ cho cốt truyện sến và sáo ấy là thứ kỹ xảo khá mượt mà hoàn hảo với hàng loạt màn hành động bắn-giết-cháy-nổ hừng hực mà so với CGI của 2010 vẫn chưa lạc hậu bao nhiêu. Có lẽ phải mở ngoặc nói thêm, ý tưởng và kỹ xảo của Troopers có ảnh hưởng rất mạnh, đặc biệt là tạo hình một số binh chủng của quân đoàn Zerg trong trò chơi nổi tiếng StarCraft. Nhưng tất cả kỳ thực chỉ là một trò chơi tốn kém Verhoeven bày ra để truyền tải những thông điệp phúng thích của ông, và phía sau những hình ảnh bạo lực tưởng chừng rỗng tuếch ấy luôn thấp thoáng tiếng cười khúc khích của vị đạo diễn già tinh quái.

“Con mồi” chủ yếu của Verhoeven trong trò chơi phúng thích này là chiến tranh, quân đội và truyền thông. Những thông điệp sặc mùi bạo lực, tuyền truyền và cổ xúy trơ trẽn cho bạo lực như hình ảnh một cậu bé mặc quân phục, ôm súng tuyên bố “Em đang làm nhiệm vụ!”, hay các chuyên gia dùng cưa máy phanh thây một con bọ để “nghiên cứu” xuất hiện thường xuyên trên truyền hình như một phần tất yếu của cuộc sống. Xã hội trên phim là xã hội giả tưởng của tương lai, nhưng đay đồng thời là điều đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên thế giới: sự lan tràn của bạo lực trên phương tiện truyền thông, sự lạm dụng truyền thông để cổ xúy chiến tranh, xâm lược được khoác cái áo dân chủ và thực hiện nghĩa vụ công dân, những thiểu số khác biệt trong xã hội bị “quái vật hóa”. Không khó để nhận ra phong cách tạo hình của phim mang đậm dấu ấn Phát xít, còn giọng điệu tuyên truyền của phim thì sặc mùi Thế chiến II. Bản thân Paul, trong một bài phỏng vấn đã nói thông điệp của phim là “Chiến tranh biến tất cả chúng ta thành phát xít”. Nước Mỹ sau khi góp phần tiêu diệt chủ nghĩa phát xít đã không hề dừng lại mà tiếp tục lao vào những cuộc chiến tranh mới – Triều Tiên, Việt Nam, Afghanistan – và bộ máy tuyên truyền “made in USA” phục vụ cho những cuộc chiến ấy nếu so với Đức Quốc xã cũng chẳng khác là bao. Tất cả đều được Verhoeven đẩy lên đến mức cực đoan, và cực đoan đến mức kệch cỡm. Và không chỉ riêng nước Mỹ. Tiếng cười của Verhoeven nhắm vào chủ nghĩa quân phiệt, vào tất cả những cuộc chiến tranh trên thế giới và vào mọi chính quyền đứng đằng sau chúng. Có lẽ bởi vậy nên Troopers trở nên “khó tiêu” với giới phê bình, đặc biệt là phê bình Mỹ. Và trong thành công (đồng thời cũng là thất bại) ấy của Verhoeven, không thể không nhắc đến diễn xuất của những vai phụ. Nếu Casper van Dien và Denise Richards chỉ tròn trịa trong vai người hùng súng ống và cô nàng đã nóng bỏng tóc vàng lại thông minh thì Michael Ironside (vai chỉ huy của Johnny) và Dina Meyer (vai bạn gái của Johnny ở bộ binh) lại rất ấn tượng như những “sản phẩm loại A” mà cuộc chiến tranh đã chế tạo ra.

Equilibrium của Wimmer, trong khi đó, lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Đây là phim đầu tay của anh, mà lại là một phim kinh phí thấp. Lấy đề tài xã hội viễn tưởng tăm tối (dystopia), bộ phim chịu khá nhiều thiệt thòi khi ra đời dưới cái bóng quá lớn của Matrix (1999). Thiếu sự hậu thuẫn của một studio lớn và một công ty phát hành tham vọng, cuộc ra mắt của Equilibrium như một hòn đá ném xuống ao bèo. Nhưng cùng với thời gian, bộ phim đã quy tụ được một lượng fan hâm mộ đông đảo, trở thành một cult movie thực sự, thậm chí có hẳn một forum riêng. Bề ngoài, Equilibrium có vẻ chỉ là một bộ phim hành động giả tưởng hạng B không hơn không kém, và giới phê bình thậm chí còn cho rằng nó là một sự nhai lại kém cỏi ý tưởng của Fahrenheit 4511984. Tuy nhiên, câu chuyện về một xã hội vô cảm hậu Thế chiến III của Wimmer lại đầy ắp cảm xúc, và khiến người xem thật sự rung động. Nhiệm vụ của John Preston, một công cụ ưu tú của chính quyền toàn trị, là săn lùng và tiêu diệt sự tồn tại của cảm xúc – con người, phim ảnh, hội họa, âm nhạc, vật nuôi… nghĩa là bất cứ thứ gì chứa đựng cảm xúc và có khả năng khơi dậy xúc cảm. Thế nhưng, dần dà, ở John lại nảy sinh cảm xúc, đặc biệt là sau lần gặp gỡ với Mary, một nữ phạm bị kết án tử hình vì tàng trữ các tác phẩm nghệ thuật; và chính anh đã trở thành chìa khóa lật đổ bộ máy chính quyền đang phi nhân hóa nhân loại ấy. Trước Equilibrium, Christian Bale đã đóng không ít phim, trong đó có những màn trình diễn xuất sắc như American Psycho, song có lẽ chính vai diễn John Preston đã bộc lộ ở anh khả năng thể hiện hình ảnh những người hùng bi kịch – John Preston chính là sự khởi đầu cho Bruce Wayne – người Dơi (Batman Begins, Dark Knight) và John Connor (Terminator Salvation) sau này.

Khác với Troopers, Equilibrium không giễu cợt mà lo lắng. Đó là nỗi lo lắng sâu xa về một thứ chủ nghĩa Phát xít của tương lai, nơi quyền tự do, quyền rung cảm, và quyền được “khác” bị đe dọa, và nỗi ưu tư ấy là hoàn toàn có cơ sở. Kịch bản rất giàu cảm xúc, song với diễn xuất tiết chế của Bale và chân thành ở Emily Watson trong vai Mary, Equilibrium không bị sa vào cái bẫy sến mà ngược lại đã khắc họa thành công sự xa xỉ và cấm kỵ của cảm xúc ở một xã hội giả tưởng đầy đen tối. Ở Equilibrium, thiết kế bối cảnh, trang phục, và lời thoại hoàn toàn theo phong cách tối giản đã mang lại cho phim một không khí trung tính và vô cảm đến nghẹt thở. Nhưng một trong những đoạn thoại tối giản nhất và dường như vô cảm nhất, khi John phát hiện ra sự thật về hai đứa con, lại cũng là đoạn thoại giàu cảm xúc nhất của phim.

Một điểm đáng nói nữa là tính sáng tạo trong những pha hành động. Nếu Matrix gây ấn tượng với phong cách chỉ đạo võ thuật đậm chất ballet của Viên Hòa Bình và hiệu ứng bullet-time, thì võ thuật ở Equilibrium xoay quanh ý tưởng Gun-Kata – một sự kết hợp khá độc đáo của súng và vũ đạo. Thế nhưng các pha hành động lại rất gọn ghẽ, quyết đoán và không màu mè hoa dạng, và là một sự bổ sung khá ăn khớp vào không khí chung của phim.

Điện ảnh vốn dĩ phù hoa, vinh quang của điện ảnh vì thế cũng không dài. Nhiều bộ phim khi ra đời rất được tung hô song cũng chỉ đình đám được một thời trước khi rơi vào quên lãng. Ngược lại, có những bộ phim ra đời trong sự lạnh nhạt ban đầu của khán giả và giới truyền thông, nhưng dần dà lại khẳng định được giá trị thực sự của mình trong lòng người hâm mộ. Có lẽ thời gian, chứ không phải giải thưởng hay doanh thu phòng vé, mới chính là thước đo chính xác nhất về một tác phẩm điện ảnh. Starship TroopersEquilibrium có thể không giành được ánh hào quang khi ra mắt; nhưng theo thời gian, cả hai đã phần nào lấy lại sự tôn trọng từ khán giả. Và có lẽ với một người làm phim chân chính, đó mới là điều quan trọng nhất.