Monday, October 30, 2023

Flirting Fontane

Khi nói đến Bố già ở Việt Nam thì một cuộc tranh cãi thường gặp sẽ nổ ra xung quanh các bản dịch. Fan của Ngọc Thứ Lang đông nhất. Thứ đến là fan của Đoàn Tử Huyến. Hay đúng hơn là anti-fan của Ngọc Thứ Lang. Thi thoảng cũng có người thích bản Đặng Phi Bằng.

Cuối tuần rảnh rỗi ngồi xem hai bản dịch, cũng thấy khá nhiều điều thú vị.

Khi đọc Bố già, đoạn tôi thích nhất lại không liên quan đến Vito hay Michael. Mà là đoạn Johnny Fontane đưa em Sharon Moore về nhà chơi. Một phần có lẽ vì tôi mê những crooner như Frank Sinatra, mà Johnny thì được khá nhiều người đồn là lấy nguyên mẫu từ Frank.

Do vậy nên tôi chọn đoạn này để đối chiếu. Thực ra không chỉ đơn giản là đối chiếu mà còn để thưởng thức lại một đoạn văn hay, được Puzo tả rất khéo léo tinh tế, xứng đáng gọi là tuyệt tác về nghệ thuật à ơi, và cả về đạo hạnh của một gã lãng tử phong tình. Bữa tối của anh ả thật ra giống một ván cờ, mỗi người đều có tuyệt chiêu, và buồn thay cuối cùng cả hai đều thất bại.

Do không có bản cứng nên tôi dùng tạm các bản ebook trên mạng, hy vọng là đúng và đầy đủ. Nếu có chỗ nào thiếu hoặc không chính xác dẫn đến nhận định sai thì mong bà con chỉ giáo.

 

His invitations to dinner were always famous and had the force of royalty and of course she said yes.

NTL: Johnny Fontane mời về nhà chơi thì còn hân hạnh nào bằng!

ĐTH: Được Johnny Fontane mời về nhà thì còn vinh hạnh nào bằng.

Thực ra câu này NTL dịch thiếu ý đầu tiên: những lời mời ăn tối của Johnny vốn nổi tiếng khắp Hollywood. Ý câu này là bữa tối chỉ là tiền đề cho bữa chịck. Văn phong của NTL thường lược dịch, nên chuyện này cũng không có gì là lạ. Cái lạ là bản ĐTH cũng gần như giống hệt và cũng lược bỏ y như vậy.

 

He made a little small talk with her, found out about what she had been like as a kid, whether she had been a tomboy or boy crazy, whether she had been homely or pretty, lonely or gay. He always found these details touching, it always evoked the tenderness he needed to make love.

NTL: Hai đứa nói chuyện tâm tình, chuyện lăng nhăng… toàn những chuyện ngày xưa chuyện xấu đẹp, vui buồn…

ĐTH: Hai đứa nói chuyện lăng nhăng không đầu không đũa, hết chuyện sắc đẹp lại chuyện vui buồn...

Tương tự, đoạn này NTL lược khá nhiều. Kỹ thuật tán gái của anh Johnny là tỏ ra quan tâm đến em, hỏi chuyện em hồi bé ra sao, nghịch như con trai hay mê trai, nhu mì hay xinh xắn, hòa đồng hay cô độc. Nhưng gã làm vậy không đơn giản để lấy cảm tình với gái, mà vì gã cần cái đó để thấy gần gũi, hiểu em hơn, từ đó mới mềm lòng, để gợi hứng trước khi vào cuộc yêu (câu này hai bản đều bỏ, chắc vì tự kiểm duyệt do trái thuần phong mỹ tục quá). Nhưng đây là cái bỏ rất đáng tiếc, vì nó hé lộ bi kịch tâm lý của Johnny, sau đó sẽ được Puzo phơi bày trọn vẹn và khá tàn nhẫn.

Cái lạ là bản ĐTH cũng lược y hệt như bản NTL không khác chút nào.

 

He kissed her on the lips, a cool friendly kiss, and when she kept it that way he left it that way.

NTL: Johnny khe khẽ hôn môi. Em nhận cái hôn nhưng không thích tiến thêm thì tạm thời cứ sơ sơ mé ngoài vậy đó.

ĐTH: Johnny khẽ hôn môi. Cái hôn thì em nhận, nhưng chỉ sơ sơ vành ngoài thế thôi, tiếp theo xin miễn.

NTL lại lược một chút, nhưng vẫn giữ được tinh thần bản gốc: Johnny chủ động và không hề vội vàng. Em chưa vồ vập thì gã cũng thong thả. Câu của ĐTH dịch như vậy bị sai về ẩn ý: hóa ra Sharon chủ động. Tất nhiên Sharon có chủ động (đọc tiếp sẽ thấy), song cái chủ động của em vẫn nằm trong sự chủ động của chính Johnny. Dịch như thế này bị quá tay, nói cách khác là cầm đèn chạy trước ô tô, vì đây mới là những giây phút đầu tiên của cuộc à ơi, nếu cô bé đã quyết liệt như thế thì đến đây là giải tán luôn còn cần gì phải bàn nữa.

 

When he had been younger, he had done just such things (singing) and the result had always been stagy, the girls trying to look sexy and melting, making their eyes swim with desire for an imagined fantasy camera.

NTL: Johnny bật cười. Hồi còn trai trẻ… cái mục “anh hát em nghe” này nó biểu diễn biết bao nhiêu lần! Giọng cao cất lên là các em rạo rực bằng thích, giở hết điệu bộ màu mè con gái, mắt sáng lên như đâu đây có sẵn máy quay phim.

ĐTH: Johnny bật cười. Hồi nào cái khoản anh hát tặng em này hắn đã diễn mãi rồi. Cái giọng tenor của hắn cất lên là các em đã nực cả người, õng ẹo giở hết điệu bộ, mắt sáng như đèn ô tô, cứ như sắp lên phim không bằng.

Cơ bản không có gì đặc biệt, ngoài một chi tiết: bản gốc không hề nói đến chất giọng của Johnny. NTL dùng chữ “giọng cao,” còn ĐTH dùng hẳn “giọng tenor.” Những sự trùng hợp từ đầu đến giờ làm tôi có cảm giác ĐTH không dịch thẳng từ bản gốc mà dựa vào bản của NTL để biên tập lại.

 

He got up to give her a refill on her brandy glass, gave her a gold-monogrammed cigarette

NTL: Nó đứng dậy rót rượu thêm cho em, đưa điếu thuốc chữ vàng bật lửa cho em mồi.

ĐTH: Hắn đứng dậy rót thêm rượu cho cô bé, châm cho cô ta điếu thuốc lấy trong hộp thuốc khắc chữ vàng.

Gold-monogrammed cigarette là thú chơi sang của giới nhà giàu ngày xưa, là phủ vàng vào đầu điếu thuốc và khắc chữ viết tắt tên của chủ nhân (monogram). Câu này NTL dịch đúng còn ĐTH dịch sai. Câu hỏi đặt ra là nếu dịch từ bản gốc thì làm sao mà sai cái đơn giản thế được? Hay là ĐTH đọc bản NTL và cảm thấy điếu thuốc chữ vàng vô lý quá, chắc phải là hộp khắc chữ vàng mới đúng, nên sửa lại như vậy chăng?

 

The last two years had been hell on his ego, and he used this simple way to restore it, sleeping with a young fresh girl for one night, taking her to dinner a few times, giving her an expensive present and then brushing her off in the nicest way possible so that her feelings wouldn’t be hurt.

NTL: Vì hai năm nay nó quá phung phí sức lực, cần có hơi men hỗ trợ. Hai năm nay cứ thấy em nào vừa mắt là mời đi ăn nhậu du dương vài hôm, rồi tặng em món quà đích đáng để… cho em de cái một, khỏi lộn xộn.

ĐTH: Đó là vì hai năm nay Johnny đã phung phí quá nhiều sức lực, thấy em nào sạch nước một tí là chớp ngay, du dương vài hôm, tặng em một món quà rồi cho đi tàu suốt.

Đoạn này cả hai đều dịch sai câu đầu. Vấn đề của Johnny hai năm vừa rồi không phải (hoặc không đơn giản) là yếu sinh lý, vì yếu sinh lý thì làm sao mà liên tục đi mò gái trẻ như câu sau được. Hai năm rồi Johnny bị mất giọng, bị vợ coi thường, không đắt show như trước (phải nhờ Bố già vận động xin vai của Woltz), bởi vậy lòng tự tôn (ego) của gã bị tổn thương nặng nề (hell). Cho nên gã lấy việc đi chơi với các em gái trẻ như một cách để khôi phục tự tôn (restore it). Tất nhiên tâm lý ấy cũng ảnh hưởng đến mức độ hưng phấn của gã, song gói gọn vấn đề vào YSL thì hoàn toàn sai. Tiếp đó cả hai bản dịch đều bỏ qua câu cuối, do vậy không làm toát lên được sắc thái “nice guy” của Johnny: gã cố lựa cách mềm mại ngọt ngào êm ái nhất để chia tay, cốt để các em khỏi tổn thương.

 

NTL: Bàn tay Johnny tự động chạy theo đường cũ, quen lệ rồi… Dĩ nhiên phản ứng mỗi đứa mỗi khác. Có đứa làm như không hề hay biết, chẳng hề cảm thấy có sự đụng chạm giữa lúc đang hôn mải miết đam mê. Có đứa giật mình, uốn cong người. Có đứa vùng cho anh vài cái tát tai, nhất là hồi Johnny còn chưa có tên! Đó là cả một công trình, cả một kĩ thuật.

Cứ bảo NTL giang hồ Chợ Lớn thế nào mà đọc đến đoạn này cũng đỏ mặt, vội vàng dịch quấy quá cho xong, cắt đi bao nhiêu chi tiết. Song ít ra NTL vẫn còn dịch gần đủ. Bản ĐTH lẫn bản Đặng Phi Bằng đều bỏ cả. Thôi, thời các cụ, khó tránh.

 

She was saying something very sweetly, very lightly. “It’s not that I don’t like you, Johnny, you’re much nicer than I thought you’d be. And it’s not because I’m not that kind of a girl. It’s just that I have to be turned on to do it with a guy, you know what I mean?”

Johnny Fontane smiled at her. He still liked her.” And I don’t turn you on?”

She was a little embarrassed. “Well, you know, when you were so great singing and all, I was still a little kid. I sort of just missed you, I was the next generation. Honest, it’s not that I’m goody-goody. If you were a movie star I grew up on, I’d have my panties off in a second.”

NTL: Giọng Sharon thật ngoan và dễ thương:Không phải tại em không thích anh đâu. Anh dễ thương hơn em tưởng nhiều! Cũng không phải em sợ hay chưa thử, nói thực đấy. Em phải bốc mới thấy hứng, còn không thì…

Và anh không làm em bốc?Johnny mỉm cười hỏi, coi bộ chẳng có gì buồn hết làm con nhỏ lúng túng. “Sự thực thì hồi anh lên… em còn nhỏ xíu. Em mê giọng ca, mê anh đóng phim lắm chớ? Mê lắm lắm… nhưng có điều mình không cùng một thế hệ. Phải chi mình cùng một trang lứa thì xong ngay.

ĐTH: — Không phải tại em không thích anh đâu. Anh dễ thương hơn em tưởng nhiều đấy? Cũng không phải em sợ hay còn bỡ ngỡ chưa quen, chẳng qua em không thấy hứng, - cô bé nói thỏ thẻ.

Anh đúng là thằng vét đĩa, phải không?Johnny hỏi đùa, xem ra không có vẻ gì thất vọng lắm làm cho Sharon lúng túng.

Thật ra lúc anh đang lên thì em còn bé, cô ta nói. Em mê giọng hát của anh, mê anh đóng phim lắm. Có điều không phải lứa chứ không thì xong ngay.

Đoạn này phải nói là NTL dịch xuất sắc. Bẽn lẽn ra bẽn lẽn, trìu mến ra trìu mến, độ lượng ra độ lượng. Câu “thằng vét đĩa” của ĐTH tưởng hay mà thực ra là hỏng. Johnny Fontane là loại thế nào? Cả ngàn em gái đã qua tay gã. Gái nào gã cũng gặp rồi. Câu “And I don’t turn you on” của gã vừa trực diện, thẳng thắn nhưng vẫn bao dung và không hề có tí tự ái nào, chỉ hơi đùa bỡn làm khó em gái. Dùng một thành ngữ hơi có chút châm biếm như ĐTH, thực ra lại là rắc gia vị quá tay.

 

He didn’t like her quite so much now. She was sweet, she was witty, she was intelligent. She hadn’t fallen all over herself to screw for him or try to hustle him because his connections would help her in show biz. She was really a straight kid. But there was something else he recognized. It had happened a few times before. The girl who went on a date with her mind all made up not to go to bad with him, no matter how much she liked him, just so that she could tell her friends, and even more, herself, that she had turned down a chance to screw for the great Johnny Fontane. It was something he understood now that he was older and he wasn’t angry. He just didn’t like her quite that much and he had really liked her a lot.

NTL: Nghe nó nói, Johnny không thấy ham mấy nữa. Con nhỏ duyên dáng, láu lỉnh thật. Nó không mê anh Johnny đến độ hiến dâng hay sẵn sàng nạp thuế thịt để tiến thân sau này. Nó là thứ đàng hoàng. Nó không như con nhỏ hồi nào, đi với nhau lu bù nhưng đã nuôi sẵn định ý. Có ham đến mấy cũng từ chối để tự hào với mình hay với chúng bạn: “Biết sao không? Johnny Fontane mê tao, gạ tao quá xá… nhưng tao thèm vào!”

ĐTH: Nghe vậy Johnny liền sang số lùi. Cô bé xinh xắn, nhí nhảnh thật. Cô là loại gái chính chuyên, không phải dễ dàng hiến thân hay sẵn sàng nộp thuế thịt để sau này còn leo, không như bọn cứ bám kè kè bên hắn nhưng chỉ để lợi dụng chứ chẳng có tình nghĩa quái gì cả, cũng không phải làm cao để sau này đi khoe: “Johnny Fontane xin chết nhưng tao thèm vào".

Đoạn này NTL dịch sai một ý mấu chốt. Johnny nhận ra Sharon giống một số em gái gã từng gặp: đến cuộc hẹn với quyết tâm từ chối gã để lấy số má và ve vuốt lòng tự tôn của chính mình. Chứ không phải là em Sharon này khác mấy em gái “đã nuôi sẵn định ý” như NTL dịch. Có như vậy thì nó mới hợp với đoạn sau khi Johnny đùa là anh sẽ viết giấy xác nhận cho em về vụ này để em được thỏa lòng. Lạ thay, ĐTH cũng dịch sai tương tự.

 

NTL: Cảm ơn anh! Mai sau về già biết đâu chừng em chẳng có quyền kể lại cho đám con cháu nghe rằng ngày xưa đã có lần tao và Johnny Fontane hai đứa ở với nhau một phòng gần trọn đêm và chẳng có gì xảy ra.

Chẳng có gì xảy ra vì tao nhất định không chịu.” “Nhất định… là chúng nó khỏi tin! Hứng chí Johnny khôi hài, “Không tin thì để anh cấp cho em cái giấy chứng nhận? Viết tay đàng hoàng.Con nhỏ lắc đầu cười. Johnny tiếp, “… Hay có thằng nào dám nghi ngờ lời em thì em phôn cho anh một cú? Anh sẽ vạch mặt chúng! Anh sẽ bảo rằng anh đã rượt bắt em cả đêm trong phòng mà em nhất định không chịu là không chịu.

Đùa quá hóa ác thật! Con nhỏ hơi nhăn mặt khiến Johnny biết ngay là đã đi quá lố. Nói như vậy có khác nào bảo thẳng nó rằng tại tao không muốn nên không thèm gạ gẫm tới, bằng không mà phải bị rơi? Hay vì mày người ngợm chẳng ra gì nên tao không thèm? Nghĩa là nếu có kể lại con cháu nghe thì phải thêm vô: “Tao còn giữ gìn được hôm đó vì Johnny coi bộ không tha thiết lắm.” Cảm thấy hơi thương hại, nó vỗ về con nhỏ, “Đùa đấy thôi em! Có phải cứ đụng gặp cô nào là làm cô ấy đâu? Có chuyện gì cần đến em cứ phôn cho anh một cú.

Sharon chỉ “Dạ” rồi rút lui.

Đoạn này không nhiều cái cần so sánh. Tôi chỉ trích lại bản NTL để mọi người tiện theo dõi diễn biến và cái kết.

Ta thấy rõ ràng đây là một ván cờ. Anh Johnny là kỳ thủ lão luyện, thân trải trăm trận. Em Sharon thì cũng như Beth Hammon trong Queen’s Gambit, mới vào nghề nhưng kỳ lực chẳng vừa. Johnny có kiểu thong thả thuận tự nhiên, binh đến tướng ngăn, ung dung coi xem em nó thế nào. Nước lên thì thuyền lên, mà nếu nước cạn thì ta về nghỉ, cũng chẳng hề gì. Anh Johnny thương em mến em chiều em, nhưng không thể để em ca khúc khải hoàn dễ dàng như thế. Em dám đơn đao phó hội thì cũng phải để lại chút gì. Và chút gì đó chính là lòng tự tôn của em. Nhưng Johnny cũng chẳng hơn gì, em về rồi để lại anh trống rỗng và hư thoát. Anh không thèm thịt mà chỉ thèm hơi người. Cho nên anh lại tìm đến tâm sự với Ginny, cô vợ cũ.

 

Tóm lại đọc xong một hồi thì thấy Ngọc Thứ Lang vẫn là Ngọc Thứ Lang mà chúng ta hằng biết. Ngôn ngữ tự nhiên, thậm chí suồng sã, không câu nệ vào bản gốc. Có chất giang hồ rõ rệt. Tuy lược bỏ chỗ này chỗ kia nhưng tinh thần câu chuyện vẫn được bảo tồn. Nói chung nếu tay không bắt giặc, tức là chỉ nhìn bản gốc mà dịch ra được như ông thì hơi bị khó đấy.

Điều bất ngờ lại là bản Đoàn Tử Huyến. Có khá nhiều chỉ dấu cho thấy bản Đoàn Tử Huyến thực ra chỉ là sửa lại bản Ngọc Thứ Lang cho giọng văn Bắc hơn và hiện đại hơn:

(i) Thường bản dịch sau bao giờ cũng “tranh hơn” với bản dịch trước bằng cách bổ khuyết những chỗ bản trước không dịch. Với NTL thì làm điều đó không khó vì NTL lược khá nhiều. Thế nhưng bản ĐTH lại không thêm gì, chỗ nào NTL không dịch thì ĐTH cũng không dịch. Như vậy khả năng là không (hoặc rất ít) đối chiếu bản gốc.

(ii) Chỗ nào NTL dịch sai thì ĐTH cũng dịch sai.

Với một người có văn tài như ĐTH thì việc sửa lại bản NTL để ra một bản dịch khác nghe cũng xuôi, cũng ổn, và vừa miệng độc giả Bắc hơn không có gì là khó. Nhưng nếu xét công lao bỏ vào bản dịch thì không đáng kể và giá trị gia tăng không nhiều. Ai thích bản này thì cứ thích thôi, nó là vấn đề khẩu vị. Nhưng nếu vì thích bản này mà phủ nhận bản NTL, hoặc ngược lại là nếu vì anti NTL mà đi ca tụng bản này, thì kể cũng hơi buồn cười.

No comments:

Post a Comment